iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Kawasaki là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Bệnh Kawasaki là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Bệnh Kawasaki là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Bệnh Kawasaki là tình trạng viêm mạch phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi, thường ảnh hưởng đến động mạch vành gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. Trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến phình động mạch vành, tăng nguy cơ vỡ động mạch hoặc nhồi máu cơ tim do huyết khối,... Vậy nguyên nhân và cách điều trị, phòng ngừa bệnh thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết thông tin qua nội dung dưới đây.

Bệnh Kawasaki là gì?

Bệnh Kawasaki là bệnh lý chủ yếu ở trẻ từ 1 đến 8 tuổi, phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Bé trai có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn bé gái.

Bệnh gây sốt kèm phát ban toàn thân do viêm mạch cấp tính lan tỏa hệ mạch máu vừa và nhỏ, bao gồm cả động mạch vành, cung cấp máu cho cơ tim.

Bệnh Kawasaki là bệnh lý gây sốt kèm phát ban toàn thân do viêm mạch cấp tính

Bệnh Kawasaki là bệnh lý gây sốt kèm phát ban toàn thân do viêm mạch cấp tính

Triệu chứng thường gặp của bệnh Kawasaki

Bệnh Kawasaki thường phát triển qua hai giai đoạn chính, mỗi giai đoạn có những triệu chứng đặc trưng như sau:

Giai đoạn đầu

  • Sốt cao liên tục: Trẻ bị sốt cao không giảm, kéo dài liên tục trên 5 ngày.
  • Mắt sưng đỏ: Mắt trẻ có dấu hiệu sưng và đỏ, thường không chảy dịch nhưng có thể chảy nhiều nước mắt.
  • Phát ban toàn thân: Xuất hiện nhiều nốt phát ban đỏ trên toàn cơ thể, dấu hiệu này dễ bị nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng hay thủy đậu.
  • Sưng tấy và nứt nẻ ở môi, lưỡi: Môi và lưỡi có thể bị đỏ, nứt nẻ và rỉ máu, gây cảm giác đau, khó chịu cho bé.
  • Chân tay đỏ hồng, sưng phù: Các chi của trẻ bị sưng và phù, chuyển màu đỏ hồng, da căng, ấn vào lõm.
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ

Giai đoạn sau

  • Sốt cao và kéo dài hơn: Trẻ tiếp tục sốt cao kéo dài khoảng 2 tuần.
  • Bong vảy da: Da tay và chân có dấu hiệu bong vảy từng mảng nhỏ.
  • Viêm kết mạc: Mắt đỏ, xung huyết, viền mắt sưng.
  • Môi lưỡi đỏ: Môi đỏ, có thể nứt và rỉ máu, lưỡi đỏ sậm, có thể nổi nhiều gai trên bề mặt lưỡi.

Triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng chính trên, bệnh Kawasaki còn có thể gây ra những dấu hiệu khác như:

  • Đau bụng: Trẻ có thể cảm thấy đau bụng, thậm chí đi ngoài, tiêu chảy, xì hơi nhiều.
  • Nôn ói: Trẻ có triệu chứng buồn nôn, nôn ói.
  • Thính giác kém tạm thời: Trẻ gặp tình trạng nghe kém, ù tai tạm thời.

Việc nhận diện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để quản lý và giảm thiểu các biến chứng của bệnh Kawasaki. Do các triệu chứng của bệnh Kawasaki tương tự như nhiều bệnh sốt cấp tính khác nên dễ bị nhầm lẫn. Nếu trẻ nhỏ sốt cao liên tục từ 3 - 4 ngày kèm theo 2 hoặc 3 trong số các triệu chứng kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch nhi để kiểm tra và chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Bệnh Kawasaki gây sốt cao kéo dài cho trẻ từ 1 đến 2 tuần

Bệnh Kawasaki gây sốt cao kéo dài cho trẻ từ 1 đến 2 tuần

Nguyên nhân chính gây bệnh Kawasaki

Nguyên nhân chính xác của bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh có thể liên quan đến nhiễm trùng, do virus hoặc vi khuẩn hoặc các yếu tố từ môi trường khác.

Thêm vào đó, số lượng trẻ Châu Á hoặc gốc Châu Á ghi nhận có số ca mắc bệnh cao hơn, nên có thể bệnh liên quan đến yếu tố chủng tộc. Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy bệnh Kawasaki có lây truyền từ người sang người.

Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh Kawasaki

Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh Kawasaki

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Kawasaki

Bệnh Kawasaki có thể ảnh hưởng đến bất kỳ trẻ em nào nhưng nhóm trẻ dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Trẻ từ 1 đến 8 tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh và đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
  • Bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái.
  • Trẻ em gốc Châu Á hoặc thuộc nhóm chủng tộc Châu Á.
  • Gia đình có người thân từng mắc bệnh Kawasaki thì các bé có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bệnh này.
  • Các bé sống trong môi trường thiếu vệ sinh, tiếp xúc với nhiều tác nhân có thể gây bệnh như virus hoặc vi khuẩn.

Trẻ từ sơ sinh tới 8 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Kawasaki

Trẻ từ sơ sinh tới 8 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Kawasaki

Biến chứng thường gặp của bệnh Kawasaki

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh Kawasaki có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Phình giãn động mạch vành: Có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc hẹp tắc động mạch vành.
  • Thiếu máu cơ tim và suy vành mạn tính: Xảy ra do tổn thương kéo dài đối với động mạch vành.

Bệnh Kawasaki có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nặng nề với tim mạch

Bệnh Kawasaki có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nặng nề với tim mạch

Các phương pháp chẩn đoán bệnh Kawasaki

Bệnh Kawasaki hiện chưa có xét nghiệm đặc hiệu nào để chẩn đoán chính xác. Do đó, việc chẩn đoán thường dựa vào việc khai thác triệu chứng kết hợp xét nghiệm máy và đo điện tâm đồ. Cụ thể:

Thăm khám lâm sàng

Bệnh có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác phổ biến ở trẻ nhỏ. Do đó, các bác sĩ chẩn đoán bệnh theo triệu chứng và loại trừ với các bệnh lý khác như sau:

Sốt cao kèm phát ban, rét run, đau họng: Thường là sốt do nhiễm trùng hô hấp.

  • Hội chứng Stevens-Johnson: Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể gây phát ban và triệu chứng toàn thân.
  • Hội chứng sốc độc: Một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng với triệu chứng sốc và phát ban.
  • Bệnh sởi: Có thể gây phát ban và sốt cao.
  • Rocky Mountain spotted fever: Một bệnh nhiễm trùng do ve gây ra, có thể gây sốt và phát ban.

Trường hợp trẻ sốt cao kéo dài từ 5 ngày, kèm các triệu chứng điển hình như: lưỡi đỏ, nổi gai, tay chân hồng đỏ, phát ban toàn thân, mắt sưng kèm sung huyết, môi/lưỡi nứt nẻ,... thì các bác sĩ mới nghi ngờ là bệnh Kawasaki.

Thăm khám cận lâm sàng

Các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng bạch cầu và chỉ số viêm. Các chỉ số này cao thì có thể chẩn đoán bệnh Kawasaki.
  • Điện tâm đồ (ECG) – Dùng để đo hoạt động điện của tim, giúp phát hiện các bất thường có thể xảy ra do bệnh Kawasaki.
  • Siêu âm tim - Được sử dụng để quan sát hoạt động của tim và động mạch vành, giúp xác định các biến chứng như viêm và phình động mạch vành.

Bệnh Kawasaki có nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác nên bác sĩ cần xem xét kỹ lưỡng

Bệnh Kawasaki có nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác nên bác sĩ cần xem xét kỹ lưỡng

Phương pháp điều trị bệnh Kawasaki

Khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki, việc điều trị sớm là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng và tổn thương tim. Điều trị ban đầu tập trung vào việc hạ sốt và ngăn ngừa tổn thương cho hệ mạch vành. Việc điều trị nên được thực hiện tại bệnh viện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

Điều trị với thuốc

  • Thuốc Gamma globulin (IVIG): Đây là phương pháp điều trị chính cho bệnh Kawasaki. Gamma globulin được tiêm truyền tĩnh mạch giúp giảm viêm và sưng đỏ các mạch máu, hạ sốt và giảm triệu chứng phát ban, đồng thời giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về động mạch vành.
  • Thuốc Aspirin (ASA): Aspirin liều cao được sử dụng cùng với Gamma globulin trong giai đoạn cấp tính của bệnh cho đến khi sốt giảm. Aspirin giúp giảm đau, hạ sốt, chống viêm và ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

Nếu có biến chứng nghiêm trọng như vỡ phình động mạch, việc điều trị có thể bao gồm thuốc chống đông máu, đặt stent hoặc phẫu thuật. Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh thủy đậu hoặc cảm cúm khi dùng aspirin, cần điều chỉnh phương án điều trị.

Theo dõi và điều trị tiếp theo

Sau thời gian điều trị với thuốc và hết các triệu chứng, trẻ vẫn cần được theo dõi ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Aspirin vẫn được sử dụng trong 2 tháng đầu sau khi trẻ hồi phục, hết triệu chứng.

Nếu trẻ em có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo vấn đề về tim mạch, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để kiểm tra tình trạng tim định kỳ, 6 - 8 tuần/lần để theo dõi thêm.

Nếu trẻ đã được tiêm gamma globulin, cần đợi ít nhất 11 tháng rồi mới tiêm các loại vắc xin khác (thủy đậu, sởi) để không ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vắc xin này.

Bệnh Kawasaki cần sử dụng thuốc Gamma globulin và Aspirin để điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Bệnh Kawasaki cần sử dụng thuốc Gamma globulin và Aspirin để điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Biện pháp phòng ngừa bệnh Kawasaki

Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, nên cũng chưa có phương pháp phòng ngừa cụ thể. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc kiểm soát các triệu chứng cho trẻ như sau:

  • Đảm bảo trẻ rửa tay sạch sẽ và thường xuyên sau khi đi học, ra ngoài về để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Duy trì môi trường sạch sẽ, định kỳ làm sạch và khử trùng đồ chơi, bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc với trẻ để tránh lây nhiễm.
  • Đảm bảo trẻ đã được tiêm các loại vắc-xin cơ bản theo lịch tiêm chủng để tăng đề kháng, bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng.
  • Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ với nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Tránh thực phẩm có thể gây dị ứng, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm mạch.
  • Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi để cải thiện sức khỏe tổng thể. Đảm bảo trẻ có thời gian chơi đùa, thư giãn và ngủ đủ giấc để duy trì sức khỏe tốt.
  • Đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
  • Nếu trẻ có sốt cao không rõ nguyên nhân, kèm theo các triệu chứng như phát ban, đỏ mắt, sưng môi hoặc lưỡi,... hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tăng đề kháng là một cách góp phần bảo vệ trẻ khỏi bệnh Kawasaki

Tăng đề kháng là một cách góp phần bảo vệ trẻ khỏi bệnh Kawasaki

Các câu hỏi thường gặp

Bệnh Kawasaki gây sốt bao nhiêu ngày?

Bệnh Kawasaki gây sốt cao liên tục kéo dài ít nhất 5 ngày và có thể kéo dài đến 2 tuần. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng xấu với sức khỏe của trẻ .

Làm sao để phân biệt bệnh Kawasaki với sốt do cảm, cúm thông thường?

Sốt Kawasaki sẽ có các triệu chứng điển hình là: Sốt cao kéo dài 5 - 14 ngày, kèm theo phát ban toàn thân, viêm kết mạc đỏ, môi đỏ và nứt nẻ, lưỡi đỏ có gai nổi, sưng tay chân,... Trong khi đó cảm cúm, cảm sốt thông thường chỉ gây ho, đau họng, nghẹt mũi, sốt từ 2 ngày, không có dấu hiệu viêm kết mạc hay lưỡi đỏ, nứt nẻ, nổi gai.

Kết luận

Khi được điều trị kịp thời, có thể giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng và các vấn đề về tim mạch mà bệnh Kawasaki gây ra. Hãy liên hệ với PhenikaaMec nếu bạn còn thắc mắc gì thêm về bệnh hay cần tư vấn, thăm khám để được hỗ trợ tốt nhất.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Kawasaki Disease: https://www.webmd.com/children/what-is-kawasaki-disease.
  • Kawasaki Disease: https://www.nhs.uk/conditions/kawasaki-disease/causes/.
  • Kawasaki Disease: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kawasaki-disease/symptoms-causes/syc-20354598.
  • Kawasaki Disease: https://www.cdc.gov/kawasaki/index.html.
  • Kawasaki Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537163/.
right

Chủ đề :