Co thắt thực quản là một bệnh hiếm gặp gây cản trở tới hoạt động ăn uống. Vậy bệnh có dấu hiệu như thế nào và đâu là nguyên nhân gây ra, có những cách chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ra sao? PhenikaaMec sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh qua những chia sẻ trong bài viết sau.
Co thắt thực quản là gì?
Thực quản là một phần không thể thiếu của hệ tiêu hóa với vị trí nằm ở phần đầu của ống tiêu hóa. Thực quản có chức năng các chất lỏng và thức ăn từ cổ họng cho đến dạ dày. Để thức ăn hoặc các chất lỏng đẩy xuống thực quản dưới sau khi được nuốt vào cổ họng, cơ thắt thực quản trên sẽ giãn mở đi kèm các cơn co thắt. Cơ thực quản dưới lúc này sẽ giãn mở để thức ăn và các chất lỏng đi xuống dạ dày và đóng lại để ngăn dịch tiêu hóa và axit từ dạ dày trào ngược lên.
Tuy nhiên, có một số người lại xuất hiện tình trạng khó nuốt, đau tức khó chịu cũng như có hiện tượng thức ăn và axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản do có sự bất thường của các cơn co thắt thực quản.
Co thắt thực quản là tình trạng rối loạn nhu động thực quản khiến người bệnh ăn uống khó nuốt, luôn cảm thấy thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, đau ngực đột ngột.
Khi các tế bào thần kinh trung ương trong thực quản bị thoái hóa sẽ dẫn đến rối loạn các chức năng của những cơ thực quản, từ đó, dẫn đến khả năng đóng cơ vòng thực quản dưới bị ảnh hưởng và gây ra co thắt thực quản.
Rối loạn nhu động thực quản gây khó nuốt và đau đớn
Co thắt thực quản có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Ở nữ giới có tỷ lệ cao hơn nam giới và thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên. Hầu hết các cơn co thắt ở thực quản không thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên một số ít người bị co thắt thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuốt, gây đau đớn, trào ngược thức ăn và axit từ dạ dày lên lại thực quản. Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng của co thắt thực quản
Dấu hiệu hay triệu chứng của co thắt ở thực quản được biểu hiện tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên bệnh. Một số triệu chứng giúp bạn nhận biết tình trạng co thắt ở vùng thực quản:
- Luôn cảm thấy khó khăn trong quá trình nuốt thức ăn và cảm giác như có vật chặn ngang ở cổ họng gây ứ nghẹn khó chịu.
- Đau tức ngực là một trong những dấu hiệu của bệnh co thắt ở thực quản. Tình trạng này được biểu hiện thông qua các cơn đau nặng ở phần xương ức, chúng có thể lan ra sau vùng cổ hoặc vùng sau lưng. Những cơn đau này có thể gia tăng khi người bệnh nằm nghiêng hoặc nằm ngửa.
- Người bị rối loạn nhu động thực quản sẽ thường xuyên có cảm giác khó chịu và ợ hơi nóng rát vùng họng, ngực, xương ức. Triệu chứng này cho thấy tình trạng axit dạ dày đang bị trào ngược gây kích thích vùng thực quản.
- Nếu xuất hiện tình trạng thức ăn bị trào ngược lên cổ họng mà không có cảm giác buồn nôn thì đây cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh co thắt ở vùng thực quản.
Đau tức ngực là một dấu hiệu của co thắt thực quản
Nguyên nhân gây nên co thắt thực quản
Co thắt thực quản có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường liên quan đến sự rối loạn trong quá trình kiểm soát thần kinh của cơ thực quản. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Rối loạn thần kinh thực quản: Tổn thương hoặc rối loạn hệ thống thần kinh kiểm soát sự co bóp của cơ thực quản có thể gây ra co thắt không đều hoặc quá mạnh.
- Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Axit dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản, dẫn đến co thắt và viêm.
- Stress và căng thẳng: Stress có thể tác động lên hệ thống thần kinh, làm tăng nguy cơ co thắt thực quản.
- Thực phẩm hoặc đồ uống gây kích thích: Một số loại thực phẩm, đồ uống quá nóng, quá lạnh, cay hoặc có tính axit cao có thể kích thích thực quản và gây ra co thắt.
- Bệnh lý thần kinh hoặc tự miễn: Các bệnh liên quan đến hệ thần kinh hoặc tự miễn như bệnh Parkinson, xơ cứng bì cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng co bóp của thực quản.
- Chấn thương hoặc viêm thực quản: Viêm do nhiễm trùng hoặc do thuốc, chấn thương thực quản sau phẫu thuật hoặc nội soi cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Nguy cơ bị co thắt thực quản có thể xảy ra ở hầu hết mọi đối tượng và lứa tuổi. Tuy nhiên, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn ở phụ nữ và những người từ 60 trở lên. Bên cạnh đó, các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ co thắt ở thực quản phải kể đến như:
- Người bị tình trạng trào ngược dạ dày thường xuyên ở thực quản.
- Người hay ăn uống đồ quá nóng hay quá lạnh.
- Trong gia đình từng có người thân bị rối loạn nhu động thực quản.
- Những người thường xuyên bị trầm cảm lo, stress cũng có nguy cơ cao gây co thắt ở thực quản.
- Người hay bị ợ nóng cũng là một trong những yếu tố dẫn đến rối loạn nhu động thực quản.
Người hay bị ợ nóng cũng có nguy cơ bị rối loạn nhu động thực quản
Biến chứng của co thắt thực quản
Co thắt thực quản có thể dẫn đến một số biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biến chứng phổ biến bao gồm:
- Khó nuốt kéo dài (Dysphagia): Co thắt thực quản có thể gây khó nuốt, đặc biệt với thức ăn rắn và đôi khi cả chất lỏng. Điều này có thể khiến người bệnh sợ ăn và dẫn đến giảm cân hoặc suy dinh dưỡng.
- Đau ngực: Cơn đau ngực dữ dội do co thắt thực quản có thể bị nhầm lẫn với đau tim, gây lo lắng và ảnh hưởng đến tâm lý.
- Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Co thắt thực quản có thể làm suy yếu khả năng đóng kín của cơ vòng thực quản, dẫn đến axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây viêm thực quản và các vấn đề về tiêu hóa.
- Nhiễm trùng hoặc viêm thực quản: Nếu thức ăn bị mắc kẹt trong thực quản do co thắt, nó có thể gây viêm hoặc nhiễm trùng, dẫn đến tổn thương niêm mạc thực quản.
- Loét hoặc hẹp thực quản: Việc axit dạ dày thường xuyên trào ngược hoặc co thắt kéo dài có thể gây ra các vết loét trong thực quản hoặc gây hẹp thực quản, làm cho tình trạng nuốt khó trở nên nghiêm trọng hơn.
- Suy nhược cơ thể: Do khó khăn trong việc ăn uống, bệnh nhân có thể bị mất nước, suy dinh dưỡng hoặc sút cân nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Các phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán là một trong những cách giúp bác sĩ có thể nhận định được người bệnh có bị tình trạng rối loạn lưu động thực quản hay không. Từ đó xác định cũng như đưa ra cách điều trị sớm nhằm hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Để chẩn đoán chính xác tình trạng co thắt ở vùng thực quản các bác sĩ sẽ thực hiện kết hợp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng:
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng như khó nuốt (dysphagia), đau ngực, cảm giác thức ăn mắc kẹt, hoặc trào ngược axit. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ hỏi về thời gian bắt đầu triệu chứng, tần suất xuất hiện và các yếu tố kích thích (ví dụ: căng thẳng, thực phẩm). Ngoài ra để chẩn đoán hiệu quả hơn, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tiêu hóa, bệnh thần kinh, hoặc các bệnh tự miễn có thể liên quan đến rối loạn chức năng thực quản.
Thăm khám cận lâm sàng
Để chẩn đoán người bệnh có bị bệnh co thắt thực quản hay không, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Thực hiện nội soi thực quản - dạ dày: Với phương pháp này bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mềm đưa vào khu vực thực quản, dạ dày và tá tràng. Thông qua những hình ảnh màn hình thiết bị cung cấp, bác sĩ có thể quan sát một cách chi tiết khu vực thực quản để phát hiện xem có các bất thường hay không.
- Chụp X-quang thực quản có thuốc cản quang: Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ dễ dàng quan sát hình ảnh các kiểu co thắt ở khu vực thực quản. Phương pháp này thường sẽ áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị co thắt thực quản cục bộ.
- Đo áp lực nhu động thực quản: Thông qua việc cho bệnh nhân nuốt chất lỏng hoặc thức ăn, bác sĩ dựa vào đó để đo các cơn co thắt ở thực quản.
- Đo và theo dõi pH: Phương pháp được thực hiện với mục đích đo sự cân bằng của PH để kiểm tra có phải người bệnh bị trào ngược thực quản hay không. Từ đó giúp bác sĩ phân biệt được người bệnh bị trào ngược thực quản hay rối loạn nhu động thực quản.
Nội soi là một trong những phương pháp chẩn đoán tình trạng co thắt ở thực quản
Những phương pháp điều trị co thắt thực quản
Theo các bác sĩ chuyên khoa, các cơn co thắt ở thực quản thường sẽ tự hết mà không cần điều trị. Nếu những cơn co ở thắt thực quản liên tục xảy ra và ảnh hưởng tới việc ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sẽ cần điều trị.
Hiện chưa có phương pháp điều trị nào phục hồi chức năng cơ của thực quản. Những phương pháp hiện tại chỉ giúp làm giảm áp lực lên cơ vòng của thực quản. Một số phương pháp điều trị rối loạn nhu động thực quản thường được áp dụng gồm:
Phương pháp giảm cơ thực quản bằng khí nén
Kỹ thuật này sẽ sử dụng áp suất không khí để phá vỡ những sợi cơ vòng thực quản dưới. Liệu pháp này nếu được thực hiện đúng sẽ đem lại hiệu quả tốt và lâu dài. Tuy nhiên khi thực hiện giãn nở cơ thực quản cũng có thể gây ra thủng thực quản.
Tiêm botox điều trị rối loạn nhu động thực quản
Thông qua nội soi, các bác sĩ sẽ thực hiện các mũi tiêm vào thực quản. Phương pháp này giúp người bệnh nhanh phục hồi, ít biến chứng. Tuy nhiên tiêm botox không điều trị một cách triệt để vì những cơn co thắt thực quản vẫn tái phát. Do đó mà người bệnh phải thường xuyên thực hiện tiêm lại nhiều lần.
Điều trị rối loạn nhu động thực quản bằng phương pháp tiêm botox
Phẫu thuật cắt các sợi cơ của cơ vòng thực quản
Thủ thuật xâm lấn này được thực hiện khiến các sợi cơ của cơ vòng thực quản dưới phân tách ra. Phẫu thuật này sẽ được thực hiện đi kèm với phẫu thuật bao đáy vị với mục đích là ngăn chặn sự tiến triển của trào ngược thực quản.
Điều trị co thắt ở thực quản bằng thuốc
Đối với những bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hay điều trị bằng tiêm botox thì sử dụng thuốc sẽ phù hợp nhất. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc có tác dụng làm giảm cơ trơn như: Thuốc chẹn kênh canxi, thuốc an thần, thuốc nitrate, thuốc chống trầm cảm,...
Phương pháp điều trị rối loạn nhu động thực quản thông qua phẫu thuật
Với những trường hợp không đáp ứng các phương pháp điều trị khác hay việc điều trị không đạt hiệu quả, phẫu thuật sẽ là một lựa chọn phù hợp. Khi áp dụng phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt cơ ở phần dưới thực quản, mục đích là làm cho các cơ co thắt thực quản yếu hơn và hạn chế co thắt mạnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Biện pháp phòng ngừa
Gần như không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn nào đối với tình trạng rối loạn nhu động thực quản. Để tránh những tác động tiêu cực lên vùng thực quản người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Khi đã bị rối loạn nhu động thực quản, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường.
- Khẩu phần ăn cần tăng nhiều chất xơ.
- Tránh đồ ăn quá nóng hay quá lạnh, thức ăn nên chế biến đơn giản, hạn chế ăn nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: Bia, rượu và đồ uống có cồn, tránh xa thuốc lá,...
- Sau khi ăn xong, người bị co thắt ở thực quản không nên nằm ngay.
- Hãy duy trì cho mình một lối sống tích cực, lạc quan, tránh tình trạng căng thẳng quá mức dẫn đến stress.
- Nên tìm đến những cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để khám sức khỏe định kỳ.
Tốt nhất là tránh những đồ ăn thức uống quá lạnh hay quá nóng
Những câu hỏi thường gặp về co thắt thực quản
Rối loạn nhu động thực quản có nguy hiểm không?
Rối loạn nhu động thực quản thường không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên các triệu chứng của tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động ăn uống. Từ đó dễ khiến ảnh hưởng tới sức khỏe tổng quát.
Co thắt ở vùng thực quản khi được phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm đi những ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi bệnh diễn biến trong thời gian dài mà không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Những đồ ăn thức uống nào có thể gây ra co thắt thực quản?
Đối với những người rối loạn nhu động thực quản thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm dưới đây có thể khiến cho thực quản bị kích thích gây ra những cơn co thắt bất thường như:
- Ăn những thực phẩm cay nóng như lẩu chua cay, mì chua cay, gà hầm cay,....
- Sử dụng thực phẩm có chứa nhiều axit như cam, chanh, xoài.
- Thường xuyên uống cà phê và những thức uống có chứa caffeine.
- Lạm dụng thuốc lá, rượu và những chất kích thích sẽ gây co thắt bất thường ở thực quản.
- Ăn nhiều dầu mỡ và những thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, xúc xích, gà rán, hamburger,...
Thời gian co thắt ở thực quản kéo dài bao lâu?
Thông thường các cơ co thắt diễn ra ở thực quản có thể diễn ra trong vài phút và có khi kéo dài đến vài giờ. Thời gian dài hay ngắn còn tùy vào nguyên nhân co thắt thực quản cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cơn đau do co thắt đến đột ngột nên thường khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh lý liên quan đến tim.
Những cơn co thắt ở thực quản có thể từ vài phút cho đến vài giờ đồng hồ
Kết luận
Co thắt thực quản là một trong những bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Nếu như không nắm bắt được nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu co thắt vùng thực quản, bạn nên đến trực tiếp các cơ sở y tế uy tín hoặc Bệnh viện Đại học Phenikaa để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.