iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Thận - Tiết Niệu

icon

Cơn đau quặn thận là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Cơn đau quặn thận là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Cơn đau quặn thận là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Cơn đau quặn thận là tình trạng đau nhói dữ dội do sự tắc nghẽn trong hệ thống tiết niệu, nguyên nhân chính do sỏi thận. Các cơn đau khiến người bệnh bị ảnh hưởng sức khỏe và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn những thông tin hữu ích về tình trạng này!.

Cơn đau quặn thận là gì?

Cơn đau quặn thận là một dạng đau nhói, dữ dội, thường xảy ra khi chức năng thận bị rối loạn do tắc nghẽn đường tiểu. Cơn đau xảy ra khi bao thận, bể thận và một phần niệu quản đoạn trên bị kích thích thần kinh do áp lực từ niệu quản bị tắc nghẽn đột ngột. Các rối loạn đường tiết niệu khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, co thắt hoặc hẹp cũng có thể gây đau.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị cơn đau quặn thận là 12%, trong đó gần 50% trường hợp sẽ tái phát.

Đau quặn thận khiến người bệnh đau nhói ở thận

Đau quặn thận khiến người bệnh đau nhói ở thận

Tình trạng đau quặn ở thận xảy ra rất đột ngột, do bít tắc cấp tính gây ra và lan từ hố thận xuống bẹn sau đó tới bìu, cơ quan sinh dục.

Các triệu chứng hay gặp của cơn đau quặn thận

Cơn đau quặn thận thường được phát hiện bởi những dấu hiệu phổ biến dưới đây:

  • Cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội, tăng dần theo mức độ, tình trạng tắc nghẽn cũng như kích thước của sỏi, thường sẽ xuất hiện ở 1 bên thận.
  • Vị trí đau thường sẽ xuất hiện từ vùng hố thắt lưng tới góc giữa của xương sườn 12 với cột sống. Tiếp tục đau lan tới phía trước của xương mu, cơ quan sinh dục và mé trong đùi.
  • Đau lan: Tùy theo vị trí của sỏi ở trong niệu quản mà cơn đau sẽ lan tới tinh hoàn hoặc tới điểm McBurney hoặc khu vực gần bàng quang.
  • Khi xuất hiện cơn đau người mắc sẽ có các biểu hiện như mặt tái nhợt, bứt rứt, lăn lộn, vật vã và kêu rên.
  • Khi có nhiễm trùng kèm theo có thể bị sốt.
  • Rối loạn tiểu tiện: Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu ra sỏi hoặc tiểu đục.
  • Người bệnh cũng có thể bị táo bón kèm theo buồn nôn hoặc nôn.

Đau quặt thận thường diễn ra đột ngột, đau lan, khó chịu

Đau quặt thận thường diễn ra đột ngột, đau lan, khó chịu

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhằm giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn.

Nguyên nhân nào dẫn đến cơn đau quặn thận?

Cơn đau quặn thận xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính bao gồm:

  • Sỏi thận chiếm tới 90%: Phần lớn các cơn đau là do sỏi gây tắc nghẽn niệu quản cấp tính. Khoảng 80% trường hợp do sỏi canxi, 20% còn lại do sỏi urat, cystine và struvite.
  • Tắc nghẽn do các nguyên nhân khác chiếm từ 5-10%: Có một vài nguyên nhân khác gây tắc nghẽn như do u đường tiết niệu gây bít tắc nghẽn đường tiết niệu, cục máu đông, dị vật,...

Sỏi thận là nguyên nhân chính chiếm 90% cơn đau quặn thận

Sỏi thận là nguyên nhân chính chiếm 90% cơn đau quặn thận

Đối tượng có nguy cơ cao bị đau quặn thận

Người có nguy cơ gặp phải cơn đau quặn thận rất nhiều, đặc biệt đối với các trường hợp dưới đây:

  • Người có tiền sử bị sỏi thận hoặc niệu quản bị chít hẹp: Những người đã từng mắc sỏi thận hoặc có tình trạng chít hẹp ở niệu quản.
  • Người có tiền sử u thận hoặc u hệ niệu
  • Người bị co thắt niệu quản thứ phát do các nguyên nhân ngoại sinh như nhiễm trùng hoặc tổn thương.

Biến chứng thường gặp

Cơn đau quặn thận có thể gây ra đau đớn, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng nếu nghiêm trọng. Cụ thể hơn có thể khiến người bị đau gặp phải các biến chứng như:

  • Tổn thương thận: Giãn, ứ mủ, ứ nước, vỡ đáy đài, suy thận cấp và suy thận mạn.
  • Gây nhiễm trùng ở đường tiết niệu.
  • Giãn niệu quản.
  • Nguy hiểm nhất có thể dẫn tới tử vong.

Đau quặn thận nếu không được điều trị kịp thời, nặng có thể dẫn đến tử vong

Đau quặn thận nếu không được điều trị kịp thời, nặng có thể dẫn đến tử vong

Sau khi cơn đau giảm và dừng lại người bệnh cũng không được phép chủ quan và cho rằng đã khỏi. Bởi lẽ cơn đau quặn thận này chỉ là dấu hiệu cảnh báo bệnh về thận, chủ yếu là sỏi thận. Sau khi đã giảm đau, cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra hoặc có thể đi ngay khi xuất hiện cơn đau.

Các phương pháp chẩn đoán

Cơn đau quặn thận có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong số đó chủ yếu là do sỏi thận. Vì thế bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp để chẩn đoán tình trạng này cụ thể như sau:

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ đánh giá cơn đau qua vị trí, thời gian và các triệu chứng xảy ra đồng thời để có bước chẩn đoán tiếp theo.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Sau khi đã được chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ có thể thực hiện thêm chẩn đoán cận lâm sàng nhằm chắc chắn hơn về tình trạng, nguyên nhân gây bệnh, gồm:

  • Phân tích nước tiểu: Theo thống kê tiểu máu ở người đau quặn thận xuất hiện tới 85%. Khi thực hiện xét nghiệm sẽ có kết quả hồng cầu vượt quá mức quy định (> 5 hồng cầu/QT x 40).
  • Công thức máu: Khi xét nghiệm máu, nếu số lượng bạch cầu > 15.000 WBC/mm3, có thể nghi ngờ thận ứ nước nhiễm trùng, ngay cả khi không có biểu hiện sốt.
  • Siêu âm bụng: Đây là phương pháp nhanh, an toàn giúp nhận định tình trạng thận ứ nước ở bên xuất hiện cơn đau và phát hiện các vật cản đường tiểu như sỏi kém cản quang, cục máu đông, mủ, mô bướu,... Ngoài ra tiến hành siêu âm cũng giúp bác sĩ loại trừ trường hợp mắc sỏi mật.
  • CT scan: Chụp CT với lát cắt 3 – 5 mm có độ nhạy cao (94% – 100%) và độ chính xác (93% – 98%) giúp phát hiện sỏi niệu, kể cả sỏi kém cản quang. Phương pháp này cho phép phát hiện các loại sỏi ở những vị trí khác nhau, chẩn đoán phân biệt với một số bệnh trong ổ bụng và đánh giá mức độ tắc nghẽn, tổn thương của nhu mô thận.

Thực hiện siêu âm vùng bụng để xác định tình trạng đau quặn thận

Thực hiện siêu âm vùng bụng để xác định tình trạng đau quặn thận

Phương pháp giúp điều trị các cơn đau quặn thận

Để điều trị tình trạng đau quặn thận, bác sĩ sẽ tiến hành dựa vào triệu chứng của cơn đau hoặc dựa theo nguyên nhân. Cụ thể:

Điều trị triệu chứng

Bệnh nhân sẽ chỉ cần theo dõi sức khỏe và uống acetaminophen khi cơn đau diễn ra nhẹ nhàng.

  • Trường hợp nặng cần cấp cứu: Khi cơn đau dữ dội, người bệnh không chịu nổi và cần đi cấp cứu. Thuốc giảm đau và thuốc chống co thắt sẽ được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân. Nếu có triệu chứng nôn ói, bác sĩ sẽ tiêm thuốc chống nôn và truyền dịch bù điện giải nếu cần.
  • Trường hợp đau quá mức và thuốc giảm đau thông thường không còn hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng NSAIDs hoặc loại giảm đau thần kinh. Tuy nhiên, cần đảm bảo loại trừ các bệnh lý khác gây đau bụng nguy hiểm, như viêm ruột thừa. Các thuốc giảm đau này cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi, vì vậy cần tránh sử dụng trong thời gian gần sinh.

Điều trị theo nguyên nhân

Bên cạnh việc điều trị theo triệu chứng của cơn đau, bác sĩ cũng có thể xem xét nguyên nhân gây ra cơn đau quặn thận. Đối với những trường hợp cơn đau quặn thận do sỏi thận, người bệnh cần điều trị loại bỏ thận bằng các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi qua hông lưng, tán sỏi qua da,...

Mỗi nguyên nhân gây đau quặn thận sẽ có phương pháp điều trị cụ thể

Mỗi nguyên nhân gây đau quặn thận sẽ có phương pháp điều trị cụ thể

Biện pháp phòng ngừa

Để giảm nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu và phòng ngừa cơn đau bão thận, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Mỗi ngày uống đủ ít nhất 2 lít nước.
  • Mỗi người chỉ nên sử dụng tối đa 2gr muối/ ngày.
  • Hạn chế các thực phẩm từ hải sản, thịt bò.
  • Các loại hạt hay rau chân vịt cũng nên hạn chế vì chứa nhiều oxalate.

Các câu hỏi thường gặp

Một số câu hỏi phổ biến về tình trạng đau quặn thận được tổng hợp gồm:

Cơn đau quặn thận diễn ra trong bao lâu?

Cơn đau quặn thận cấp tính thường kéo dài từ 5 - 10 phút nhưng cũng có thể kéo dài hàng tiếng, có khi đến 4 - 5 giờ.

Chẩn đoán và điều trị đau quặn thận cần lưu ý gì với người bệnh

Cơn đau bão thận thường do sỏi lớn hoặc ở vị trí nguy hiểm gây tắc đường tiểu. Khi được chẩn đoán cần lưu ý:

  • Không tự ý dùng thuốc nếu cơn đau kéo dài, tốt nhất hãy tới bệnh viện.
  • Khi có chẩn đoán, phác đồ điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt.

Sỏi thận hình thành ra sao?

Sự hình thành sỏi phụ thuộc vào tính chất hóa lý của nước tiểu, sự thay đổi trong thành phần nước tiểu có thể góp phần làm tăng tỉ lệ mắc sỏi thận. Mức độ của mỗi cơn đau quặn thận sẽ được quyết định bởi vị trí và kích thước của sỏi thận.

Lời kết

Có thể thấy, cơn đau quặn thận là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được chú ý ngay từ những triệu chứng đầu tiên. Khi có bất cứ dấu hiệu nào hoặc cơn đau diễn ra hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc tới PhenikaaMec để được thăm khám và điều trị phù hợp.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Professional, C. C. M. (n.d.). Renal colic. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22847-renal-colic
  • Quyết định số 3931/QĐ-BYT ngày 21/09/20215 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận – tiết niệu
right

Chủ đề :