iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Dị Ứng

icon

Dị ứng thực phẩm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Dị ứng thực phẩm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Dị ứng thực phẩm là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch đối với một hoặc nhiều thành phần có trong thực phẩm. Dị ứng thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Việc hiểu rõ các biến chứng của dị ứng thực phẩm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng cách rất quan trọng.

Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm là phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với một loại thực phẩm chứa "dị vật". Khi cơ thể tiếp xúc với thực phẩm có tác nhân gây dị ứng, hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE) gây kích thích histamin, các hóa chất khác từ tế bào mast và basophil quá mức dẫn đến các triệu chứng không mong muốn.

Tỷ lệ mắc dị ứng thực phẩm trên toàn cầu dao động từ 1% đến 10%, tùy thuộc vào quốc gia và nhóm tuổi. Ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc dị ứng thực phẩm có xu hướng cao hơn. Cụ thể:

  • Trẻ em có tỷ lệ mắc cao hơn so với người lớn, với khoảng 6-8% trẻ em dưới 3 tuổi bị ảnh hưởng bởi dị ứng thực phẩm.
  • Ở người lớn, tỷ lệ này thường vào khoảng 3-4%.

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất bao gồm đậu phộng, hải sản, sữa, trứng, và lúa mì. Dị ứng thực phẩm đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các nước phát triển.

Dị ứng thực phẩm có thể từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng, gọi là sốc phản vệ, gây khó thở, bất tỉnh. Điều quan trọng là phải nhận biết các triệu chứng dị ứng thực phẩm và các biến chứng tiềm ẩn để có thể xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

Dị ứng thực phẩm là trạng thái hệ miễn dịch phản ứng thái quá với thành phần trong thực phẩm

Dị ứng thực phẩm là trạng thái hệ miễn dịch phản ứng thái quá với thành phần trong thực phẩm

Triệu chứng thường gặp của dị ứng thực phẩm

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường phát triển trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn thực phẩm gây dị ứng. Phổ biến nhất bao gồm:

  • Triệu chứng trên da: Xuất hiện các vết đỏ trên da gây ngứa và cảm giác khó chịu. Với một số người có thể xuất hiện các đốm Eczema (Chàm), khô, đỏ gây ngứa và đôi khi có vảy.
  • Triệu chứng về tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, kèm theo phân lỏng và đôi khi có máu.
  • Triệu chứng hô hấp như: khó thở, thở khò khè hoặc ho, sưng họng, lưỡi và miệng gây khó nuốt và khó nói.
  • Triệu chứng tim mạch như: tim đập nhanh, hạ huyết áp, choáng váng và ngất xỉu.
  • Triệu chứng toàn thân khi phản ứng dị ứng nghiêm trọng là sốc phản vệ, đi kèm triệu chứng như sưng mặt, cổ, khó thở, hạ huyết áp có thể dẫn đến mất ý thức, đe dọa tính mạng.

Dị ứng thực phẩm có triệu chứng điển hình là nổi mày đay khó chịu

Dị ứng thực phẩm có triệu chứng điển hình là nổi mày đay khó chịu

Nguyên nhân chính gây dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân như sau:

  • Di truyền: Nếu có người trong gia đình bị dị ứng thực phẩm, bạn có nguy cơ cao hơn bị dị ứng.
  • Phản ứng miễn dịch: Hệ miễn dịch phản ứng quá mức với một số protein trong thực phẩm, coi chúng là mối nguy hiểm và giải phóng histamin.
  • Ăn phải các thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, trứng, sữa, hải sản, và các loại hạt thường gây dị ứng.
  • Tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng từ sớm trong đời hoặc ăn uống không cân bằng có thể làm tăng nguy cơ dị ứng.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dị ứng thực phẩm

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh dị ứng thực phẩm cao hơn phải kể đến như:

  • Trẻ em thường có nguy cơ cao hơn do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.
  • Người có người thân trong gia đình bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ cao hơn.
  • Những người đã có tiền sử dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, dị ứng thời tiết,... có thể dễ bị dị ứng thực phẩm hơn.
  • Người có hệ miễn dịch yếu do mắc các bệnh lý làm suy yếu hệ miễn dịch như bệnh tự miễn, HIV,... hay có bệnh lý nền, ung thư,... đều có nguy cơ cao hơn gặp vấn đề này do hệ miễn dịch suy yếu.

Người bị viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao cũng bị dị ứng thực phẩm

Người bị viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao cũng bị dị ứng thực phẩm

Biến chứng thường gặp của bệnh dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm không chỉ đơn giản là một tình trạng gây khó chịu tạm thời mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách. Các biến chứng có thể xảy ra từ phản ứng nhẹ đến những tình trạng đe dọa tính mạng, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Cụ thể như sau:

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một biến chứng nghiêm trọng nhất của dị ứng thực phẩm. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ với allergen (dị nguyên), dẫn đến sự giải phóng nhanh chóng histamin, làm giảm huyết áp và gây khó thở, thu hẹp và thắt lại đường thở, sưng cổ họng,...

Nếu không được điều trị kịp thời, sốc phản vệ có thể dẫn đến mất ý thức và tử vong.

Tình trạng viêm mạn tính

Dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến viêm mạn tính nếu không được điều trị đúng cách. Viêm mạn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như viêm khớp, bệnh viêm ruột, các vấn đề về da. Tình trạng viêm kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra đau đớn và khó chịu liên tục.

Suy dinh dưỡng

Khi người bị dị ứng thực phẩm phải loại bỏ nhiều loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng nếu không thay thế đầy đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu. Khi thiếu hụt vitamin có thể có thể kèm theo các triệu chứng như suy giảm miễn dịch, phát triển chậm ở trẻ em,...

Dị ứng thực phẩm có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng trầm trọng, chậm phát triển ở trẻ em

Dị ứng thực phẩm có thể khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng trầm trọng, chậm phát triển ở trẻ em

Các phương pháp chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Có nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán dị ứng thực phẩm, mỗi phương pháp đều có mục đích nhằm xác định loại thực phẩm gây ra phản ứng dị ứng và mức độ nghiêm trọng của dị ứng. Các phương pháp phổ biến bao gồm:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ đo nhịp tim, nhịp thở, huyết áp,... và hỏi bệnh nhân những câu hỏi sau:

  • Các triệu chứng hiện tại: đau, sưng, khó thở, mệt mỏi, v.v.
  • Thời gian và hoàn cảnh xuất hiện triệu chứng.
  • Tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt và thói quen hàng ngày.
  • Các loại thuốc đang sử dụng hoặc đã sử dụng.

Thăm khám cận lâm sàng

Sau những chẩn đoán ban đầu, để chắc chắn vấn đề sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm da - Test lấy da để đưa lượng nhỏ dị nguyên vào lớp da bên ngoài và theo dõi phản ứng.
  • Xét nghiệm công thức máu IgE để đo lượng kháng thể IgE đặc hiệu với allergen (dị nguyên) trong máu.
  • Test thực phẩm để xác định thành phần, nhóm thực phẩm gây dị ứng.

Phương pháp điều trị dị ứng thực phẩm

Với bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm, cách điều trị chính là dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống.

  • Điều trị nội khoa với các nhóm thuốc kháng histamin và thuốc corticosteroid.
  • Điều trị khẩn cấp trong trường hợp sốc phản vệ, tiêm epinephrine (adrenaline) cần được thực hiện ngay lập tức.
  • Thay đổi chế độ ăn uống, loại bỏ hoàn toàn thực phẩm gây dị ứng khỏi chế độ ăn uống để ngăn ngừa phản ứng dị ứng

Bệnh nhân dị ứng thực phẩm cần quản lý chế độ ăn uống, tránh tiêu thụ thực phẩm gây dị ứng

Bệnh nhân dị ứng thực phẩm cần quản lý chế độ ăn uống, tránh tiêu thụ thực phẩm gây dị ứng

Biện pháp phòng ngừa dị ứng thực phẩm

Phòng ngừa dị ứng thực phẩm bằng việc áp dụng các biện pháp dưới đây là phương pháp tốt nhất để hạn chế bệnh: Để hạn chế gặp vấn đề sức khỏe này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng.
  • Đọc nhãn bất kỳ sản phẩm, thực phẩm sử dụng để tránh các thành phần có thể gây dị ứng.
  • Thông báo cho người khác (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhà hàng,...) về tình trạng dị ứng của bạn để hạn chế nguy cơ tiếp xúc.
  • Tập thể dục mỗi ngày và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch.

Tăng cường sức khỏe và hạn chế các thực phẩm gây dị ứng là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh

Tăng cường sức khỏe và hạn chế các thực phẩm gây dị ứng là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh

Các câu hỏi thường gặp

Dị ứng thực phẩm có thể tự khỏi không?

Một số người có triệu chứng nhẹ có thể tự hết sau một vài giờ đến 1-2 ngày. Thậm chí có người còn tự khỏi dị ứng thực phẩm khi lớn lên, nhưng nhiều người sẽ cần tránh sử dụng những thực phẩm gây dị ứng suốt đời.

Dị ứng thực phẩm có di truyền không?

Dị ứng thực phẩm không lây từ người này sang người khác. Đây là một phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các protein trong thực phẩm mà cơ thể xem là "độc hại." Khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng, cơ thể sản xuất ra kháng thể IgE để phản ứng, gây ra các triệu chứng dị ứng như phát ban, sưng phù, khó thở, hoặc thậm chí sốc phản vệ.

Cần làm gì khi bị sốc phản vệ do dị ứng thực phẩm?

Trong trường hợp sốc phản vệ, cần tiêm epinephrine ngay lập tức và gọi cấp cứu để được hỗ trợ y tế kịp thời.

Kết luận

Dị ứng thực phẩm là một tình trạng sức khỏe không nên xem nhẹ, nó không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống còn có thể gây biến chứng như sốc phản vệ và bất tỉnh, tử vong. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu của dị ứng thực phẩm, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa qua đường dây nóng của PhenikaaMec để được tư vấn và chẩn đoán, điều trị kịp thời.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

Food Allergy (Aug 2024) - https://www.msdmanuals.com/professional/immunology-allergic-disorders/allergic,-autoimmune,-and-other-hypersensitivity-disorders/food-allergy.

Food allergy - Diagnosis (Aug. 30, 2024) - https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-allergy/diagnosis-treatment/drc-20355101.

right

Chủ đề :