iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tâm Thần

icon

Hội chứng ADHD là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng ADHD là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng ADHD là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Hội chứng ADHD là một trong những rối loạn sự phát triển phổ biến ở trẻ em và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Khi mắc phải hội chứng này, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tới khả năng học tập cũng như các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Việc hiểu rõ về ADHD không chỉ giúp điều trị bệnh hiệu quả mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng này.

Hội chứng ADHD là gì?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là hội chứng rối loạn sự phát triển phổ biến ở trẻ về thần kinh. Thông thường hội chứng này sẽ được chẩn đoán từ nhỏ, không điều trị khỏi được hoàn toàn và theo trẻ tới khi lớn. Trẻ gặp hội chứng này thường mất kiểm soát hành vi, thừa năng lượng và khó tập trung, chú ý.

ADHD là hội chứng rối loạn phát triển thần kinh

ADHD là hội chứng rối loạn phát triển thần kinh

Theo ước tính, có khoảng 8,4% trẻ em và 2,5% người lớn mắc ADHD. Tỷ lệ bé trai mắc ADHD cao gấp 2 lần so với bé gái.

Có 4 loại ADHD phổ biến gồm:

  • Thiếu chú ý (ADD): Tình trạng này khiến trẻ chỉ bị mất tập trung ở các hoạt động thường ngày mà không quá hiếu động.
  • Tăng động, bốc đồng: Trẻ sẽ luôn không thể bình tĩnh, nói nhiều, luôn hành động ngay mà không suy nghĩ, hay gặp ở trẻ nhỏ.
  • Rối loạn kết hợp: Có khoảng 70% trẻ ADHD rơi vào loại này, trẻ sẽ bị tăng động, bốc đồng và thiếu tập trung.
  • ADHD không xác định: Ở dạng này trẻ sẽ có những dấu hiệu rõ ràng nhưng không đủ tiêu chí của các trường hợp trên.

Các triệu chứng hay gặp của hội chứng ADHD

Người bị tăng động giảm chú ý thường sẽ có những dấu hiệu nhận biết xuất hiện trước 12 tuổi và đôi khi biểu hiện sớm từ 3 tuổi. Mỗi trẻ sẽ có các mức độ biểu hiện khác nhau và kéo theo tới tuổi trưởng thành. Các triệu chứng ở trẻ sẽ khác nhau tùy theo loại mắc phải, cụ thể:

Thiếu chú ý

Người mắc ADHD sẽ được chẩn đoán nếu mắc 6/9 dấu hiệu dưới đây (Theo DSM-5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ):

  • Trong công việc hay học tập hay mắc lỗi và thường không chú ý tới chi tiết.
  • Không lắng nghe người khác nói và không tập trung trong các hoạt động.
  • Vì thiếu tập trung nên công việc, nhiệm vụ được giao không hoàn thành.
  • Người này thường gặp vấn đề về thời gian cũng như sắp xếp công việc.
  • Khi gặp các hoạt động cần tới trí não, tư duy sẽ rất ngại tham gia.
  • Thường xuyên làm mất đồ hoặc quên đồ.
  • Dễ bị phân tâm.
  • Hay quên các công việc diễn ra hàng ngày.

Người bị ADHD thường bị thiếu tập trung, chú ý đến các hoạt động

Người bị ADHD thường bị thiếu tập trung, chú ý đến các hoạt động

Tăng động hoặc bốc đồng

Người mắc hội chứng ADHD cần có ít nhất 6 triệu chứng thường xuyên như:

  • Bồn chồn, hay vặn vẹo.
  • Khó có thể ngồi yên để làm gì đó.
  • Luôn thích leo trèo, chạy nhảy sai quy định.
  • Không hoạt động hoặc chơi yên tĩnh và luôn gây ảnh hưởng tới người xung quanh.
  • Nói quá nhiều so với người bình thường.
  • Luôn trả lời khi chưa nghe được hết câu hỏi, thiếu bình tĩnh.
  • Luôn bồn chồn và mất bình tĩnh, khó kiểm soát khi chờ đợi tới lượt
  • Làm ảnh hưởng tới hoạt động của người xung quanh, tệ hơn có thể xâm phạm tới quyền riêng tư của người khác.

Nguyên nhân nào gây hội chứng ADHD?

Hội chứng tăng động giảm chú ý thường do một số nguyên nhân giữa yếu tố di truyền và môi trường.

  • Di truyền: ADHD thường phát triển từ sự ảnh hưởng của nhiều gen nhỏ khác nhau chứ không phải chỉ do một gen duy nhất.
  • Yếu tố môi trường: Các vấn đề trong thời gian mang thai, biến chứng khi sinh, tiếp xúc với các chất độc hại, thiếu dinh dưỡng, tổn thương não.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các yếu tố gây ra hội chứng ADHD thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất khác.

Bị ADHD thường do di truyền và một số yếu tố môi trường do tiếp xúc chất độc hại

Bị ADHD thường do di truyền và một số yếu tố môi trường do tiếp xúc chất độc hại

Đối tượng nguy cơ

Người có nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) bao gồm:

  • Người có người thân trong gia đình mắc ADHD hoặc các rối loạn tâm thần khác.
  • Người bị chấn thương sọ não.
  • Người tiếp xúc với chất độc trong thai kỳ, như chì, thường có trong sơn và đường ống cũ.
  • Rượu bia, thuốc lá hoặc các chất kích thích được mẹ sử dụng khi mang thai.
  • Trẻ bị sinh non, không đủ tháng.
  • Cân nặng của trẻ khi sinh ra thấp hơn mức bình thường.

Biến chứng thường gặp

Hội chứng ADHD thường gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thông thường có thể gây ra các tình trạng sau:

  • Tự ti: Người bệnh dễ cảm thấy mất tự tin, lo lắng về bản thân và hay so sánh tiêu cực.
  • Trầm cảm: Người mắc hội chứng này sẽ thấy không còn hứng thú, giấc ngủ bị rối loạn, buồn bã và có thể dẫn tới trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời. Thậm chí nghiêm trọng hơn có thể tự làm hại bản thân.
  • Rối loạn lo âu: Bản thân người mắc ADHD sẽ thấy luôn có cảm giác sợ hãi, lo lắng, đổ mồ hôi nhiều và luôn thấy tim đập nhanh khi căng thẳng.
  • Rối loạn ăn uống, cuồng ăn, ăn vô độ hoặc ngược lại có thể chán ăn, có cái nhìn tiêu cực về thức ăn.
  • Rối loạn giấc ngủ khiến người mắc mất tinh thần, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống thường ngày.
  • Rối loạn phổ tự kỷ khiến trẻ khó giao tiếp với người khác, khó hòa đồng, luôn muốn 1 mình.
  • Lạm dụng chất kích thích như ma túy, rượu bia gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Có hành vi gây nguy hiểm cho chính mình hoặc người khác và thường xảy ra bốc đồng, không kiểm soát.
  • Khó khăn trong công việc, học tập và giao tiếp xã hội.

Trẻ bị ADHD thường buồn rầu, tự ti đôi khi có hành vi mất kiểm soát

Trẻ bị ADHD thường buồn rầu, tự ti đôi khi có hành vi mất kiểm soát

Các phương pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) chỉ nên thực hiện khi trẻ có các triệu chứng trước 12 tuổi và các triệu chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Hiện nay không có xét nghiệm cụ thể cho hội chứng ADHD, do đó việc chẩn đoán thường được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý thông qua các phương pháp sau:

  • Khám lâm sàng nhằm loại trừ các nguyên nhân khác.
  • Hỏi han về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử của trẻ về bệnh hoặc của người thân trong gia đình.
  • Hỏi ý kiến gia đình, giáo viên hoặc người thân thiết với trẻ.
  • Sử dụng thang đánh giá ADHD để kiểm tra và thu thập thông tin về triệu chứng.

Chẩn đoán ở trẻ nhỏ thường gặp khó khăn, do các vấn đề phát triển khác như chậm ngôn ngữ, có thể bị nhầm với ADHD. Cần cho trẻ tới gặp các chuyên gia tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần nếu có nghi ngờ hội chứng này.

Phương pháp điều trị ADHD

Khi mắc phải hội chứng ADHD, trẻ cần phải được can thiệp bằng nhiều biện pháp kết hợp. Hiện nay, hội chứng này không chữa được khỏi hoàn toàn, mà chỉ có thể giảm bớt các biến chứng để trẻ có cuộc sống ổn định . Tùy theo từng trẻ, bác sĩ cũng sẽ chỉ định các liệu pháp điều trị khác nhau.

Liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi cần sự hỗ trợ từ các bậc phụ huynh và cả sự phối hợp với giáo viên. Phương pháp này thường bao gồm việc quản lý hành vi thông qua sử dụng phần thưởng để khuyến khích trẻ kiểm soát hành vi của mình.

  • Đối với trẻ: Xác định các hành vi muốn khuyến khích, chẳng hạn như ngồi vào bàn ăn và trao phần thưởng nhỏ cho những hành vi tốt.
  • Đối với giáo viên: Quản lý hành vi liên quan đến việc lập kế hoạch và cấu trúc các hoạt động học tập, đồng thời khen ngợi và khuyến khích sự tiến bộ của trẻ, dù là nhỏ nhất.

Một số liệu pháp điều trị giúp trẻ kiểm soát hành vi

Một số liệu pháp điều trị giúp trẻ kiểm soát hành vi

Ngoài ra việc bổ sung các kỹ năng xã hội cho trẻ, chẳng hạn như tham gia vào các tình huống đóng vai, giúp trẻ học cách cư xử và hiểu được sự ảnh hưởng từ hành vi của mình đến người khác.

Thuốc

Khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý thường sẽ có hai loại là thuốc kích thích và thuốc không kích thích, mỗi loại đều có mục đích điều trị khác nhau. Cụ thể:

Nhóm thuốc kích thích

Methylphenidate là loại thuốc được sử dụng phổ biến với trẻ mắc ADHD. Loại thuốc này giúp trẻ được cải thiện các khu vực não có liên quan tới hành vi. Thuốc sẽ tăng cường cũng như cân bằng lại các chất dẫn truyền trong não. Ngoài ra các loại thuốc khác nằm trong nhóm thuốc kích thích có thể được chỉ định là lisdexamfetamine và dexamfetamine cũng có tác dụng giúp tăng khả năng tập trung, kiểm soát cho trẻ.

Nhóm thuốc không kích thích

Atomoxetine và các loại thuốc chống trầm cảm như bupropion và guanfacine cũng được sử dụng để điều trị ADHD. Các thuốc này giúp giảm triệu chứng nhưng có thể gặp phải tác dụng phụ như giảm cảm giác thèm ăn hoặc khó ngủ. Do đó, việc cần thiết là phải điều trị theo cá nhân và có liều lượng phù hợp.

Bác sĩ có thể kê một số đơn thuốc trong điều trị ADHD

Bác sĩ có thể kê một số đơn thuốc trong điều trị ADHD

Tuy nhiên, sử dụng thuốc không phải là giải pháp vĩnh viễn cho hội chứng ADHD, chúng chỉ giúp trẻ tập trung tốt hơn, giảm bốc đồng và cảm thấy bình tĩnh hơn, từ đó hỗ trợ việc học và phát triển kỹ năng mới. Khi sử dụng, cần báo cho bác sĩ điều trị bất kỳ tác dụng phụ nào và thảo luận về việc ngừng hoặc thay đổi phương pháp điều trị nếu cần thiết.

Thuốc chống trầm cảm

Thực tế FDA chưa phê duyệt thuốc chống trầm cảm dành cho người mắc hội chứng ADHD. Tuy nhiên trong phác đồ điều trị bác sĩ có thể kê đơn để giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Ngoài ra để đạt được kết quả, trẻ cũng có thể phải thử nhiều loại với liều lượng khác nhau.

Biện pháp phòng ngừa

Để có thể phòng ngừa hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cần có một chế độ sinh hoạt hợp lý:

  • Tuân thủ hướng dẫn bác sĩ: Theo đúng chỉ dẫn điều trị và liên hệ ngay nếu có bất thường.
  • Thăm khám định kỳ để điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.
  • Tạo thói quen: Duy trì lịch trình hàng ngày đều đặn từ thức dậy đến đi ngủ.
  • Làm việc có tổ chức: Khuyến khích trẻ cất đồ vào đúng chỗ để tránh mất mát.
  • Quản lý sao lãng: Tắt TV, giảm tiếng ồn, tạo không gian làm việc sạch sẽ. Một số trẻ ADHD có thể học tốt hơn khi di chuyển hoặc nghe nhạc nền.
  • Giao tiếp rõ ràng: Sử dụng chỉ dẫn ngắn gọn và cụ thể khi yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ.
  • Giúp lập kế hoạch: Chia nhỏ công việc phức tạp thành các bước đơn giản và nghỉ giải lao khi cần.
  • Sử dụng mục tiêu và phần thưởng: Khuyến khích và khen ngợi trẻ để tăng động lực.
  • Áp dụng cho trẻ các phương pháp kỷ luật khác nhau một cách phù hợp.
  • Lối sống lành mạnh: Ba mẹ nên cho con tập thể dục đều đặn, ăn ngủ đúng giờ.

Tạo cho trẻ những thói quen có kỷ luật và một lối sống lành mạnh

Tạo cho trẻ những thói quen có kỷ luật và một lối sống lành mạnh

Các câu hỏi thường gặp

Hội chứng ADHD rất đặc biệt và ngày càng có nhiều người mắc, do đó có không ít câu hỏi được đặt ra, ví dụ:

Tình trạng ADHD có thể kéo dài bao lâu?

Theo các chuyên gia, hội chứng này sẽ theo trẻ tới suốt đời. Tuy nhiên, việc điều trị, kiểm soát bệnh chặt chẽ sẽ giúp giảm đáng kể các biến chứng cũng như những ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ.

Điều trị ADHD bằng thuốc có tác dụng phụ không?

Thuốc kích thích tâm thần dùng để điều trị ADHD có thể gây ra các tác dụng phụ như: Rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như mất ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, đau đầu, tăng nhịp tim và huyết áp.

Các bệnh đồng mắc phổ biến ở trẻ mắc ADHD có không?

Trẻ bị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) vẫn có nguy cơ cao mắc các bệnh đồng mắc khác, bao gồm: Động kinh, trầm cảm, chứng khó đọc và các khó khăn trong học tập khác, lo âu, rối loạn phổ tự kỷ, hội chứng Tourette.

Lời kết

Hội chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc nhận diện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp có thể giúp kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hy vọng với những chia sẻ này bạn cũng đã phần nào hiểu hơn về hội chứng và có thể hỗ trợ người ADHD một cách tốt nhất. Liên hệ hoặc đến trực tiếp bệnh viện đại học PhenikaaMec để được thăm khám và hỗ trợ điều trị với thiết bị máy móc hiện đại nhất.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • https://www.nhs.uk/conditions/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/symptoms/
  • https://www.rcpsych.ac.uk/mental-health/translations/vietnamese/adhd-in-adults#...
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/adhd/diagnosis-treatment/drc-20350895
  • https://www.cdc.gov/ncbddd/adhd/treatment.html


right

Chủ đề :