iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tiêu Hóa - Gan Mật

icon

Loét dạ dày tá tràng là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Loét dạ dày tá tràng là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Loét dạ dày tá tràng là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý về tiêu hóa phổ biến thường do sự xuất hiện của các vết loét ở niêm mạc dạ dày hoặc phần đầu của tá tràng. Bệnh thường gây ra cơn đau vùng thượng vị, buồn nôn và chướng bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để điều trị hiệu quả, việc phát hiện sớm các dấu hiệu rất quan trọng. Cùng tìm hiểu chi tiết về tình trạng này trong bài viết dưới đây!

Loét dạ dày tá tràng là gì?

Loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý tiêu hóa xảy ra khi có sự viêm, loét ở dạ dày tá tràng. Các vết viêm loét thường xuất hiện trên niêm mạc dạ dày và phần đầu của tá tràng.

Niêm mạc đường tiêu hóa là lớp màng bên trong cùng, có vai trò sản xuất chất nhầy và enzyme hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Khi niêm mạc bị tổn thương, chủ yếu do vi khuẩn H.pylori hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), sẽ dẫn đến viêm loét, gây ra cơn đau thượng vị và các triệu chứng khó chịu khác. Niêm mạc tổn thương sẽ làm giảm khả năng sản xuất chất nhầy, tạo điều kiện cho acid dạ dày làm tổn hại lớp mô bên dưới.

Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý về tiêu hóa phổ biến

Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý về tiêu hóa phổ biến

Các triệu chứng hay gặp của loét dạ dày tá tràng

Triệu chứng của loét dạ dày tá tràng y có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của từng người. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ, các triệu chứng phổ biến bao gồm:

Đau vùng thượng vị.

Đau nhói hoặc đau rát vùng thượng vị từ 2 đến 5 tiếng sau bữa ăn, khi bụng đói hoặc vào ban đêm..

Buồn nôn và nôn mửa.

Chướng bụng và đầy hơi.

Để giảm cơn đau rát vùng thượng vị, bạn có thể ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và không phải là phương pháp chữa trị lâu dài đối với bệnh này. Hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào tình trạng cơ thể của từng người.

Bị loét dạ dày tá tràng thường sẽ thấy chướng bụng, buồn nôn, đau vùng thượng vị

Bị loét dạ dày tá tràng thường sẽ thấy chướng bụng, buồn nôn, đau vùng thượng vị

Ngoài các triệu chứng trên, bạn cần chú ý đến những dấu hiệu có thể báo hiệu biến chứng nguy hiểm như:

  • Phân bị lẫn máu đỏ hoặc có màu đen thẫm.
  • Nôn mửa nhiều kèm theo máu.
  • Cân nặng bị giảm đột ngột không rõ nguyên nhân.
  • Thiếu máu không rõ nguyên nhân.
  • Nuốt nghẹn kéo dài.
  • Có khối u sờ thấy ở bụng.

Nguyên nhân nào dẫn đến loét dạ dày tá tràng?

Loét dạ dày tá tràng do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phổ biến là:

Vi khuẩn HP - Helicobacter pylori

Đây được cho là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Vi khuẩn HP thường sống trong lớp nhầy của dạ dày. Chúng làm tổn thương niêm mạc và gây ra viêm loét bằng cách phá hủy lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng. Vi khuẩn HP có thể lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần gũi, như hôn môi, dùng chung đồ dùng.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng

Vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng

Dùng thuốc giảm đau thường xuyên và liên tục

Một số loại thuốc giảm đau, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, naproxen sodium (Aleve, Anaprox DS) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB và các loại khác), có thể gây viêm niêm mạc dạ dày và ruột non, dẫn đến loét.

Hội chứng Zollinger-Ellison

Hội chứng Zollinger-Ellison được cho là nguyên nhân gây ra dưới 1% tổng số trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng. Hội chứng này gây loét dạ dày tá tràng cho làm tăng sản xuất lượng axit trong dạ dày.

Ngoài những nguyên nhân chính, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc loét dạ dày tá tràng bao gồm:

Hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bệnh, đặc biệt ở những người nhiễm vi khuẩn HP.

Uống rượu: Rượu gây kích thích và làm tổn thương niêm mạc dạ dày, đồng thời làm tăng sản xuất axit dạ dày.

Căng thẳng thường xuyên.

Ăn nhiều thức ăn cay.

Mặc dù những yếu tố nguy cơ này không trực tiếp gây loét dạ dày nhưng chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng loét và khiến quá trình lành vết loét trở nên khó khăn hơn.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Dựa theo các dữ liệu từ Trung tâm Thông tin công nghệ Sinh học Mỹ, viêm loét dạ dày tá tràng chủ yếu xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 68% tổng số ca mắc. Trong nhóm tuổi này, nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới. Ngược lại, tỷ lệ mắc bệnh ở những người dưới 60 tuổi là 32%. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này thường bao gồm:

Người sống ở khu vực có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP: Những người này rất dễ mắc các bệnh lý về dạ dày, viêm loét dạ dày do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn HP. Trong môi trường thiếu vệ sinh cũng sẽ khiến vi khuẩn lây lan nhanh chóng và gây bệnh.

Người lạm dụng thuốc giảm đau: Việc sử dụng thuốc giảm đau quá mức, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid có thể làm lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, từ đó dẫn đến nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết.

Người tiêu thụ nhiều rượu bia: Uống nhiều rượu bia không chỉ gây kích thích niêm mạc dạ dày mà còn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý về gan, tiêu hóa gây loét, thậm chí là chảy máu dạ dày.

Người có hệ thần kinh dễ bị căng thẳng: Hệ tiêu hóa thường bị ảnh hưởng rất nhiều do căng thẳng kéo dài. Từ đó gây ra không ít các triệu chứng như khó tiêu, đau dạ dày hoặc khiến tình trạng bệnh lý dạ dày bị nặng hơn.

Người có chế độ ăn uống, sinh hoạt không được lành mạnh: Ăn uống, ngủ nghỉ không đúng giờ hay ăn các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ dễ gây áp lực cho hệ tiêu hóa, từ đó dẫn đến rối loạn tiêu hóa dễ gây ra các bệnh lý về dạ dày.

Loét dạ dày tá tràng thường phổ biến ở người từ 60 tuổi trở lên

Loét dạ dày tá tràng thường phổ biến ở người từ 60 tuổi trở lên

Biến chứng thường gặp

Nếu không được điều trị kịp thời, loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

Xuất huyết tiêu hóa: Chảy máu liên tục, dẫn đến thiếu máu hoặc mất máu nghiêm trọng, đôi khi cần phải nhập viện để truyền máu. Mất máu nặng thường biểu hiện qua việc nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, có máu.

Thủng dạ dày: Loét dạ dày có thể phá hủy lớp niêm mạc và tạo ra lỗ thủng qua thành dạ dày hoặc ruột non, gây nhiễm trùng nghiêm trọng trong khoang bụng (viêm phúc mạc).

Hẹp môn vị: Loét có thể làm hẹp lỗ môn vị, cản trở sự di chuyển của thức ăn qua dạ dày, dẫn đến cảm giác no kéo dài, nôn mửa và giảm cân.

Ung thư dạ dày: Các nghiên cứu cho thấy những người nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày hơn.

Các phương pháp chẩn đoán

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng, bao gồm xét nghiệm máu, test hơi thở, xét nghiệm phân và chẩn đoán hình ảnh.

Xét nghiệm máu

Phương pháp này giúp phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn HP bằng cách tìm kháng thể chống lại HP trong máu. Tuy nhiên, việc xét nghiệm máu có thể cho kết quả dương tính giả bởi vi khuẩn HP còn tồn tại trong cơ thể ở nhiều nơi khác như khoang miệng hoặc đường ruột mà không gây bệnh. Do đó, xét nghiệm máu cần được kết hợp với các phương pháp khác.

Chẩn đoán loét dạ dày tá tràng bằng phương pháp xét nghiệm máu

Chẩn đoán loét dạ dày tá tràng bằng phương pháp xét nghiệm máu

Test hơi thở C13

Đây là phương pháp chính xác để xác định sự có mặt của vi khuẩn HP. Test hơi thở C13 thường được chỉ định cho những người đã từng bị nhiễm HP và cần kiểm tra hiệu quả điều trị.

Nội soi dạ dày (EGD)

Xét nghiệm máu, phân và hơi thở không thể cung cấp đánh giá toàn diện về tình trạng dạ dày. Nội soi dạ dày là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện các vết loét, chảy máu hoặc mô bất thường trong hệ tiêu hóa. Nội soi cung cấp hình ảnh chi tiết và giúp bác sĩ đánh giá mức độ viêm loét, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Nội soi sinh thiết tổn thương

Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô từ khu vực dạ dày bị tổn thương để kiểm tra giải phẫu bệnh. Sinh thiết thường được thực hiện khi có nghi ngờ về sự tồn tại của tế bào ung thư.

Phương pháp giúp điều trị loét dạ dày tá tràng

Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm loét và giai đoạn phát bệnh của từng người. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và tình trạng hiện tại của bệnh nhân để xác định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị bệnh hiện nay bao gồm:

Điều trị không phẫu thuật

Thuốc kháng tiết acid: Bác sĩ thường sử dụng nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm sản xuất acid dạ dày. Để đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên dùng thuốc trước bữa ăn khoảng 30 phút.

Điều trị bằng kháng sinh: Nếu bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh. Quan trọng là bệnh nhân phải hoàn thành đủ liều thuốc và uống đúng thời điểm để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bằng thuốc theo đơn bác sĩ kê

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bằng thuốc theo đơn bác sĩ kê

Nội soi tiêu hóa

Một phương pháp nữa cũng được các bác sĩ lựa chọn đối với bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng là can thiệp nội soi. Bác sĩ sẽ sử dụng ống soi để can thiệp các vết loét đang hoặc có nguy cơ cao chảy máu. Phương pháp này giúp xử lý tình trạng chảy máu do viêm loét một cách hiệu quả.

Điều trị phẫu thuật

Trong một số trường hợp, khi loét dạ dày tá tràng tái phát, chảy máu nghiêm trọng, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị, phẫu thuật là phương pháp cần thiết. Một vài phương pháp trong phẫu thuật bao gồm:

Cắt bỏ đoạn dạ dày có vết loét và khâu nối dạ dày với ruột non.

Cắt phần môn vị bị hẹp và một phần dạ dày nếu loét xảy ra ở hành tá tràng.

Khâu lỗ thủng dạ dày và làm sạch khoang bụng để xử lý nhiễm trùng.

Thắt động mạch để ngăn chảy máu.

Cắt dây thần kinh số 10 (X) để giảm sản xuất axit dạ dày.

Một số trường hợp loét dạ dày tá tràng nặng cần phải thực hiện phẫu thuật

Một số trường hợp loét dạ dày tá tràng nặng cần phải thực hiện phẫu thuật

Biện pháp phòng ngừa

Để hạn chế mắc viêm loét dạ dày tá tràng, bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hạn chế các yếu tố nguy cơ như:

Vệ sinh tay thường xuyên và chế độ ăn uống: Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP bằng cách rửa tay thường xuyên và tiêu thụ thực phẩm sạch, được nấu chín hoàn toàn.

Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau: Hạn chế dùng thuốc giảm đau hoặc chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID).

Tránh rượu và thuốc lá: Không uống rượu và hút thuốc lá, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.

Rửa tay thường xuyên giúp giảm tình trạng nhiễm khuẩn HP hạn chế loét dạ dày

Rửa tay thường xuyên giúp giảm tình trạng nhiễm khuẩn HP hạn chế loét dạ dày

Các câu hỏi thường gặp

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về vấn đề loét dạ dày tá tràng và dưới đây là một số câu hỏi phổ biến nhất được tổng hợp:

Viêm loét dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Viêm loét dạ dày tá tràng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Bệnh nhân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt để ngăn ngừa viêm loét phát triển.

Viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì, uống gì?

Chế độ ăn uống không gây loét dạ dày nhưng có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Người bị loét dạ dày nên ăn nhiều trái cây, rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng?

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc loét dạ dày - tá tràng, bao gồm:

Thuốc lá: Tăng bài tiết acid dịch vị và giảm bài tiết kiềm ở tá tràng và tụy, làm vết loét khó lành, dễ tái phát.

Rượu: Tăng bài tiết acid và gây tổn thương hàng rào bảo vệ dạ dày.

Căng thẳng tâm lý (stress): Có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển loét dạ dày - tá tràng.

Kết luận

Có thể thấy loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể quản lý hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị sớm. Đến với bệnh viện PhenikaaMec để được đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm thăm khám, điều trị kịp thời. Việc phát hiện các dấu hiệu, nguyên nhân cũng như tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ cùng với thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Ramakrishnan, K., & Salinas, R. C. (2007, October 1). Peptic ulcer disease. AAFP. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2007/1001/p1005.html
  • Peptic ulcer disease. (2020, May 26). https://patient.info/doctor/peptic-ulcer-disease
  • Peptic Ulcer Disease – American College of Gastroenterology. (2024, April 18). American College of Gastroenterology. https://gi.org/topics/peptic-ulcer-disease/
right

Chủ đề :