iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tai Mũi Họng

icon

Rối loạn giọng nói là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Rối loạn giọng nói là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Rối loạn giọng nói là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Rối loạn giọng nói là tình trạng có thể gây trở ngại lớn trong giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng thể hiện bản thân và kết nối với người khác. Vậy bệnh này gây ra do đâu, có dấu hiệu nào để nhận biết? Cùng Bệnh viện Đại học Phenikaa khám phá chi tiết tất tần tật về chứng bệnh này qua bài viết dưới đây.

Rối loạn giọng nói là gì?

Rối loạn giọng nói (voice disorder) là tình trạng khiến giọng nói của người bệnh trở nên bất thường so với trước đây. Khi gặp phải vấn đề này, người bệnh có thể nhận thấy sự thay đổi ở một hoặc nhiều đặc điểm của giọng nói, bao gồm tần số, cường độ, âm sắc và chất lượng giọng nói.

Rối loạn giọng nói là tình trạng khiến giọng nói của người bệnh trở nên bất thường so với trước đây

Rối loạn giọng nói là tình trạng khiến giọng nói của người bệnh trở nên bất thường so với trước đây

Dấu hiệu thường gặp của rối loạn giọng nói

Khi mắc phải rối loạn giọng nói, người bệnh thường trải qua những thay đổi rõ rệt trong cách phát âm và giao tiếp hàng ngày. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng là rất quan trọng, giúp người bệnh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời.

  • Âm thanh phát ra có cảm giác run rẩy, không đồng đều hoặc bị rung.
  • Giọng nói trở nên thô ráp, khàn đặc, gây cảm giác khó chịu (khàn tiếng).
  • Âm thanh có thể bị căng thẳng hoặc đứt quãng, khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn.
  • Tình trạng giọng nói có thể quá lớn hoặc quá nhỏ, không phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp.
  • Người bệnh gặp khó khăn trong việc phát âm, có thể dẫn đến tình trạng nói lắp hoặc không thể diễn đạt ý kiến một cách trôi chảy.

Rối loạn giọng nói gây thay đổi trong phát âm và giao tiếp hàng ngày

Rối loạn giọng nói gây thay đổi trong phát âm và giao tiếp hàng ngày

Nguyên nhân chính của rối loạn giọng nói

  • Để có thể nói chuyện một cách bình thường, dây thanh âm cần phải chạm vào nhau một cách nhịp nhàng trong thanh quản. Bất kỳ yếu tố nào cản trở sự chuyển động hoặc tiếp xúc của dây thanh âm đều có thể dẫn đến rối loạn giọng nói. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.  Một số nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn giọng nói bao gồm:
  • Do viêm: viêm thanh quản cấp, mạn, trào ngược họng thanh quản
  • Do ung thư: Ung thư thanh quản, yếu tố nguy cơ cao ở các bệnh nhân hút thuốc lá…
  • Do các tổn thương lành tính của dây thanh: U nhú , hạt xơ, polyp, nang dây thanh
  • Do chấn thương.
  • Do thần kinh: Thường gặp ở những bệnh nhân liệt dây thanh sau phẫu thuật ví dụ phẫu thuật tuyến giáp, các phẫu thuật về lồng ngực, sau tai biến, các bệnh nội khó như bệnh đa xơ cứng,…
  • Do nội tiết, do tuổi già
  • Rối loạn giọng cơ năng: Là kết quả của việc phát âm không hiệu quả khi có cấu trúc vật lý bình thường, chẳng hạn như mệt mỏi giọng nói, căng cơ hoặc mất tiếng, phát âm đôi, hoặc phát mất âm. Trong đó lạm dụng giọng nói gây ra hạt xơ, polyp, nang dây thanh, viêm thanh quản mạn là nguyên nhân thường gặp nhất.

Đối tượng nguy cơ

Theo nghiên cứu, những người làm trong ngành giáo dục như giáo viên là nhóm có nguy cơ bị rối loạn giọng nói cao nhất. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 57% trong số gần một nghìn giáo viên tham gia khảo sát đã bị rối loạn giọng nói. Ngoài giáo viên, một số nhóm khác cũng có nguy cơ mắc chứng rối loạn này, bao gồm:

  • Những người làm nghề cần sử dụng giọng nói liên tục và thường xuyên, như ca sĩ, giáo viên, luật sư, cổ động viên và nhà diễn giả.
  • Những người hút thuốc lá, sử dụng thuốc lá điện tử, hoặc lạm dụng rượu và các chất kích thích.
  • Những người mắc các bệnh lý như Parkinson, đa xơ cứng, ung thư thanh quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản.

Giáo viên là đối tượng có nguy cơ bị rối loạn giọng nói cao nhất

Giáo viên là đối tượng có nguy cơ bị rối loạn giọng nói cao nhất

Biến chứng thường gặp

Các biến chứng liên quan đến rối loạn giọng nói chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội. Khi gặp phải tình trạng này, việc giao tiếp trở nên khó khăn, dẫn đến những tác động tiêu cực trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm công việc và các mối quan hệ. Theo thời gian, điều này có thể gây ra cảm giác thất vọng, tự ti và thậm chí là trầm cảm.

Các phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ dựa theo tình trạng của bệnh nhân và lựa chọn những phương pháp thăm khám phù hợp để chấn đoán chính xác nhất. Cụ thể:

Thăm khám lâm sàng 

Quá trình thăm khám lâm sàng rối loạn giọng nói bắt đầu bằng việc thu thập thông tin từ bệnh nhân về các triệu chứng, tiền sử bệnh và thói quen giao tiếp. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra trực quan vùng cổ họng và dây thanh âm. 

Các bài kiểm tra chức năng giọng nói cũng có thể được thực hiện, bao gồm việc ghi âm và phân tích âm thanh để xác định các đặc điểm như tần số, cường độ và âm sắc. Kết quả từ những bước này giúp xác định bước đầu nguyên nhân gây ra rối loạn và đưa ra các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng bổ sung nếu cần thiết.

Thăm khám cận lâm sàng 

Để kiểm tra chi tiết bên trong cổ họng, các bác sĩ có thể áp dụng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Nội soi thanh quản: Sử dụng ống soi thanh quản, một ống mỏng và linh hoạt có gắn camera để quan sát và ghi lại hình ảnh bên trong thanh quản.
  • Đo điện cơ (EMG): Phương pháp này đo hoạt động điện dây thanh, giúp phát hiện các vấn đề liên quan đến thần kinh ở khu vực này.
  • X-quang hoặc MRI: Các phương pháp này có thể phát hiện sự phát triển bất thường hoặc các cấu trúc thanh quản.

Nội soi thanh quản là phương pháp chẩn đoán chi tiết bên trong cổ họng

Nội soi thanh quản là phương pháp chẩn đoán chi tiết bên trong cổ họng

Phương pháp điều trị rối loạn giọng nói

Điều trị rối loạn giọng nói phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này. Hầu hết các vấn đề về giọng nói có thể được điều trị hiệu quả khi nguyên nhân được chẩn đoán chính xác, với các phương pháp điều trị như:

Nội khoa

  • Thay đổi lối sống: Một số điều chỉnh trong thói quen có thể giúp giảm hoặc loại bỏ triệu chứng. Bạn cần việc tránh la hét, không nói quá lớn và thường xuyên cho giọng nghỉ ngơi nếu bạn sử dụng giọng nói nhiều. Ngoài ra cần tránh hút thuốc và sử dụng rượu. Tập luyện các bài tập thư giãn cho dây thanh và cơ cổ, cùng với việc uống đủ nước để giữ ẩm cho cổ họng.
  • Trị liệu ngôn ngữ: Phương pháp này có thể bao gồm các bài tập nhằm thay đổi cách nói, cùng với kỹ thuật hít thở sâu để cải thiện khả năng phát âm.
  • Điều trị bằng thuốc: Một số rối loạn giọng nói có thể được điều trị bằng thuốc. Chẳng hạn, nếu rối loạn do trào ngược dạ dày, việc dùng thuốc điều trị trào ngược sẽ giúp cải thiện tình trạng giọng nói. Cũng vậy liệu pháp hormon có thể hỗ trợ cho các vấn đề liên quan đến hormone tuyến giáp hoặc hormone sinh dục.
  • Tiêm thuốc: Đối với rối loạn giọng nói do co thắt cơ cổ họng, bác sĩ có thể sử dụng tiêm botulinum toxin. Trong một số trường hợp, việc tiêm chất béo hoặc chất làm đầy vào dây thanh cũng có thể cải thiện chức năng đóng mở của chúng.

Ngoại khoa

Nếu rối loạn giọng nói do các vấn đề liên quan đến cấu trúc phát triển quá mức như u nhú, u nang, polyp hoặc ung thư, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ những khối bất thường này.

Lưu ý

Rối loạn giọng nói thường gặp do la hét nhiều hoặc các tình trạng viêm nhiễm, như viêm họng thanh quản cấp. Các triệu chứng thường tự cải thiện trong khoảng 1 đến 2 tuần.

Tuy nhiên, nếu tình trạng khàn tiếng hoặc thay đổi đặc điểm giọng nói kéo dài hơn 4 tuần, người bệnh không thể loại trừ khả năng có các bệnh lý nghiêm trọng. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên nhanh chóng đến những bệnh viện uy tín để thực hiện nội soi thanh quản. Điều này giúp xác định nguyên nhân và phát hiện các tổn thương dây thanh, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời giúp phục hồi giọng nói.

Biện pháp phòng ngừa

Giọng nói đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu bạn biết cách bảo vệ giọng nói, điều này sẽ giúp phòng ngừa rối loạn giọng và giữ gìn chất giọng ngọt ngào, trong trẻo. Bác sĩ khuyến nghị bạn nên thực hiện những điều sau đây để bảo vệ giọng nói của mình:

  • Hạn chế việc la hét và từ bỏ thói quen hắng giọng. Chỉ nên sử dụng giọng nói khi thật sự cần thiết.
  • Hạn chế hút thuốc vì hút thuốc không chỉ gây hại cho mô dây thanh mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
  • Hãy uống nhiều nước lọc và nước trái cây để giữ cho cổ họng luôn ẩm. Cần hạn chế tiêu thụ caffein và rượu vì những đồ uống này có thể làm cơ thể mất nước. Bạn cũng nên điều chỉnh độ ẩm trong không gian sống và làm việc, lý tưởng nhất là từ 30% trở lên.
  • Chủ động tránh các tình trạng bệnh có thể gây rối loạn giọng, như viêm họng, viêm thanh quản và trào ngược dạ dày thực quản.

Ngừng la hét và nói quá lớn tránh nguy cơ bị rối loạn giọng nói

Ngừng la hét và nói quá lớn tránh nguy cơ bị rối loạn giọng nói

Các câu hỏi thường gặp

Ai thuộc nhóm người dễ mắc rối loạn giọng nói?

Giáo viên hiện là nhóm có nguy cơ cao nhất mắc chứng rối loạn giọng nói. Ước tính có khoảng 57% trong số gần một nghìn giáo viên tham gia khảo sát bị ảnh hưởng.

Rối loạn giọng nói có thể gây ra hậu quả gì?

Chứng rối loạn giọng nói có thể dẫn đến giao tiếp không hiệu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống và công việc. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể gây ra cảm giác thất vọng, tự ti và trầm cảm.

Có thể điều trị rối loạn giọng nói hay không?

Việc điều trị rối loạn giọng nói phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Hầu hết các vấn đề liên quan đến giọng nói có thể được điều trị hiệu quả khi được chẩn đoán chính xác.

Rối loạn giọng nói không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp mà còn tác động đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu, nguyên nhân cũng như quy trình chẩn đoán và điều trị qua những chia sẻ trên đây của Bệnh viện Đại học Phenikaa là cần thiết để phục hồi giọng nói hiệu quả. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến chứng bệnh này, nhanh chóng tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế để được hỗ trợ kịp thời. 

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Voice Disorders: https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=134&contentid=239
  • Voice Disorders: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/voice-disorders
  • Voice Disorders: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/voice-disorders/diagnosis-treatment/drc-20353024
  • Voice Disorders: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23339-voice-disorders
  • Voice Disorders: https://medlineplus.gov/voicedisorders.html
  • https://www.asha.org/practice-portal/clinical-topics/voice-disorders/?srsltid=AfmBOormB5v0MwVd4y3PPvTqtPFWjtATWHA5JEUJVKW1Uj2MzqnesIQc
right

Chủ đề :