Suy hô hấp ở trẻ em là một trong những hội chứng nguy hiểm thường gặp ở trẻ em đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng (sinh non). Tình trạng trẻ em bị suy hô hấp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây chia sẻ chi tiết về các dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân dẫn đến bị suy hô hấp và cách phát hiện và phòng ngừa.
Suy hô hấp ở trẻ em là gì?
Suy hô hấp ở trẻ em là tình trạng mất cân bằng giữa oxy và carbon dioxide (CO2) trong máu, dẫn đến mức oxy quá thấp hoặc nồng độ CO2 quá cao. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể trẻ.
Tình trạng suy hô hấp thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ nhũ nhi, do hệ hô hấp của bé chưa phát triển hoàn chỉnh. Thành ngực chưa hình thành đầy đủ và sụn chưa chuyển hóa hoàn toàn thành xương, làm giảm khả năng đáp ứng nhu cầu oxy khi hít thở sâu.
Trẻ bị suy hô hấp là tình trạng oxy và carbon dioxide trong cơ thể thiếu cân bằng
Tất cả các cơ quan, tế bào trong cơ thể cần một lượng oxy đủ để hoạt động bình thường và loại bỏ khí CO2. Khi hít vào, cơ thể lấy oxy từ không khí, qua phổi, vào máu, rồi đến các cơ quan. Ngược lại, khi thở ra, CO2 từ các cơ quan được đưa về phổi và thải ra ngoài qua đường hô hấp. Suy hô hấp gây tích tụ CO2 trong cơ thể, dẫn đến tổn thương mô và cơ, làm chậm quá trình cung cấp oxy.
Các triệu chứng hay gặp của suy hô hấp ở trẻ em
Trẻ bị suy hô hấp có thể nhận biết dễ dàng qua một số dấu hiệu như:
Khó thở
Khi bị suy hô hấp, trẻ gặp tình trạng thiếu oxy hoặc nồng độ CO2 tăng cao trong máu. Từ đó dẫn đến các biểu hiện như khò khè, thở nhanh, thở gấp, cánh mũi phập phồng và hiện tượng rút lõm ngực khi hít vào (ở trẻ lớn). Nếu tình trạng này kéo dài, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, hệ thần kinh và hệ tim mạch, thậm chí đe dọa tính mạng.
Trẻ bị suy hô hấp thường bị khó thở, đôi khi tím tái
Toàn thân tím tái
Thiếu oxy gây ra hiện tượng tím tái ở trẻ, bắt đầu từ môi và các chi, sau đó lan rộng ra toàn thân. Trong một số trường hợp, PaCO2 tăng nhiều khiến trẻ có các dấu hiệu như ra mồ hôi, da đỏ tía, kèm theo triệu chứng ngón tay dùi trống. Tuy nhiên ở trẻ thiếu máu thường không có màu xanh tím trên da.
Rối loạn tim mạch
Suy hô hấp ở trẻ em có thể làm rối loạn nhịp tim và huyết áp. Ban đầu, huyết áp có thể tăng cao rồi sau đó giảm dần. Nếu không được cứu chữa kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Rối loạn thần kinh, ý thức
Não bộ và hệ thần kinh là những cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi trẻ bị suy hô hấp. Triệu chứng thường thấy là co giật, lờ đờ, mất ý thức, hôn mê và không kiểm soát được hành vi.
Trẻ bị lờ đờ, mất ý thức khi tình trạng suy hô hấp diễn ra
Các triệu chứng khác
Suy hô hấp ở trẻ em có thể dẫn đến các triệu chứng khác như viêm phế quản, tràn khí màng phổi, liệt màn hầu (khó thở, đờm, mất phản xạ nuốt và dịch tích tụ ở cổ), liệt cơ gian sườn (xẹp ngực khi hít vào) và liệt hô hấp dẫn đến xẹp phổi (khó thở, đau tức ngực).
Nguyên nhân khiến trẻ bị suy hô hấp
Ở trẻ sơ sinh
Để trẻ sơ sinh thở dễ dàng, các túi khí phổi cần phải mở và chứa đầy không khí. Bình thường tế bào phổi sản xuất một chất gọi là chất hoạt động bề mặt, giúp bao phủ bề mặt các túi khí và ổn định sức căng bề mặt. Sức căng bề mặt ổn định cho phép các túi khí duy trì mở suốt chu trình hô hấp. Hội chứng suy hô hấp ở trẻ em xảy ra khi thiếu chất hoạt động bề mặt, dẫn đến phổi gặp khó khăn trong việc hoạt động và gây khó thở.
Thông thường, thai nhi sẽ bắt đầu sản xuất các chất hoạt động bề mặt ở khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ. Đến tuần thứ 34 hay 36, lượng chất này trong phổi đủ để các túi khí tiếp tục mở. Do đó, bé sinh non sẽ có ít chất hoạt động bề mặt, khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cao hơn.
Sinh non thường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp ở trẻ
Những bé sinh đủ tháng hoặc gần đủ tháng, đặc biệt là khi mẹ bị đái tháo đường trong thai kỳ cũng có nguy cơ suy hô hấp. Ngoài việc sinh non, các yếu tố nguy cơ khác khiến trẻ sơ sinh dễ mắc hội chứng suy hô hấp bao gồm:
- Có anh/chị/em ruột từng bị hội chứng suy hô hấp (RDS) sơ sinh.
- Đa thai (hai bé trở lên).
- Sinh mổ khi chưa chuyển dạ.
- Thai phụ bị đái tháo đường.
- Trẻ bị thiếu oxy hoặc giảm tưới máu trong lúc sinh.
- Trẻ bị hạ thân nhiệt, không được giữ ấm sau khi sinh.
Các nguyên nhân khác
Tình trạng suy hô hấp đến từ các nguyên nhân nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm gây nên các bệnh lý viêm phế quản phổi, viêm phổi, hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến sự cạn kiệt oxy dự trữ trong cơ thể, mất cân bằng oxy trong máu.
Chấn thương, tai nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và não bộ gây ức chế trung tâm.
Biến chứng thường gặp
Suy hô hấp ở trẻ em có thể đe dọa tính mạng bất kỳ lúc nào. Nhiều trường hợp được cứu sống sau đợt suy hô hấp cấp vẫn phải đối mặt với nhiều di chứng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, suy hô hấp ở trẻ em có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Tổn thương phổi vĩnh viễn: Gây sẹo và tổn thương lâu dài cho phổi.
- Nhiễm trùng và nhiễm trùng huyết: Nguy cơ nhiễm trùng cao, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
- Tổn thương tim: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim.
- Biến chứng thần kinh: Do thiếu oxy, suy hô hấp có thể gây tổn thương thần kinh.
- Tổn thương thận và các cơ quan nội tạng.
Trẻ suy hô hấp nặng có thể gây biến chứng đến tim và dây thần kinh
Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán suy hô hấp ở trẻ em, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc quan sát các triệu chứng lâm sàng như tím tái, thở khó và thở nhanh. Nếu nghi ngờ có vấn đề, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để loại trừ khả năng nhiễm trùng có thể gây ra vấn đề về hô hấp.
Ngoài ra, trẻ sẽ được chụp X-quang phổi để đánh giá tình trạng phổi và thực hiện phân tích khí máu để kiểm tra nồng độ oxy trong máu. Sau khi xác định chính xác trẻ bị suy hô hấp, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp điều trị tích cực để hỗ trợ quá trình hô hấp của trẻ.
Điều trị suy hô hấp ở trẻ như thế nào?
Khi trẻ sơ sinh có biểu hiện suy hô hấp, cần ngay lập tức đưa trẻ vào đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Tại đây, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện chức năng hô hấp và giảm thiểu di chứng. Dưới đây là một số phương pháp trong điều trị chứng suy hô hấp ở trẻ em:
Thay chất hoạt động bề mặt
Phương pháp này cung cấp chất hoạt động bề mặt cho phổi của trẻ, giúp cải thiện chức năng hô hấp. Chất hoạt động bề mặt được đưa vào phổi qua một ống thông chuyên dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ gắn máy thở cho trẻ để hỗ trợ thở dễ dàng hơn. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của suy hô hấp, liệu pháp này có thể được thực hiện một hoặc nhiều lần.
Thở NCPAP (Thở áp lực dương qua mũi liên tục)
Phương pháp NCPAP duy trì áp lực dương liên tục trong suốt chu kỳ thở, giúp các phế nang không bị xẹp vào cuối chu kỳ thở. NCPAP giúp điều chỉnh hô hấp và làm tăng trao đổi khí ở trẻ. Đây là phương pháp thường được áp dụng cho những trẻ bị suy hô hấp nhưng vẫn khả năng tự thở.
Trẻ được thở áp lực dương qua mũi giúp việc trao đổi khí dễ dàng hơn
Liệu pháp oxy
Để các cơ quan hoạt động bình thường, cần cung cấp đủ oxy. Liệu pháp này giúp cung cấp đầy đủ oxy đến các cơ quan của trẻ thông qua phổi. Để thực hiện điều này, có thể cần sử dụng máy thở hoặc NCPAP. Trong trường hợp suy hô hấp nhẹ, trẻ có thể được thở oxy qua đường mũi mà không cần đến máy thở hoặc NCPAP.
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa hội chứng suy hô hấp ở trẻ em, biện pháp hiệu quả nhất là tránh sinh non. Do đó, khi mang thai các thai phụ cần lưu ý:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Kiểm soát cân nặng trước và trong thai kỳ, tham khảo ý kiến bác sĩ về mức cân nặng phù hợp.
- Tránh các chất độc hại: Không hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy hoặc lạm dụng thuốc theo toa.
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe tiền mang thai, tuân thủ lịch khám thai và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (thực hiện sau sinh 48 giờ) nhằm phát hiện phát hiện sớm hội chứng.
- Kiểm soát hội chứng mạn tính: Điều trị các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường và các vấn đề về tuyến giáp.
- Tiêm phòng đầy đủ: Tiêm các vaccine cần thiết như cúm, thủy đậu và rubella trước và trong thai kỳ.
- Tạm hoãn mang thai tiếp theo: Đợi ít nhất 18 tháng sau khi sinh để mang thai trở lại. Nếu trên 35 tuổi hoặc có tiền sử sảy thai hoặc thai chết lưu, thảo luận với bác sĩ về khoảng cách giữa các lần mang thai.
Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ giúp phòng chống suy hô hấp
Các câu hỏi thường gặp
Các vấn đề về suy hô hấp ở trẻ em được rất nhiều mẹ tìm hiểu và đặt ra câu hỏi, dưới đây là một số thắc mắc được đưa ra nhiều nhất:
Suy hô hấp ở trẻ có lấy loại?
Hội chứng suy hô hấp đối với trẻ nhỏ được chia thành hai loại:
- Suy hô hấp cấp tính: Xảy ra đột ngột, thường không có nhiều dấu hiệu cảnh báo.
- Suy hô hấp mạn tính: Diễn ra từ từ với triệu chứng như khó thở, ngột ngạt, mệt mỏi, hụt sức khi vận động và buồn ngủ nhiều hơn. Đây có thể là biến chứng của hội chứng hoặc kết quả của việc hít phải khí độc lâu dài.
Trẻ em bị suy hô hấp có nguy hiểm?
Suy hô hấp ở trẻ em có thể tiến triển nặng trong vài ngày đầu sau khi sinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Sinh mổ và sinh thường ảnh hưởng thế nào đến suy hô hấp?
Sinh thường và sinh mổ ảnh hưởng khác nhau đến nguy cơ suy hô hấp ở trẻ em:
- Sinh thường: Trẻ sinh thường ít bị hội chứng suy hô hấp (RDS) và các vấn đề hô hấp hơn so với trẻ sinh mổ.
- Sinh mổ: Trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc suy hô hấp cao hơn, vì quá trình sinh mổ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi và sản xuất chất hoạt động bề mặt trong phổi.
Hy vọng với những chia sẻ này bạn đã hiểu được phần nào về hội chứng suy hô hấp ở trẻ em cũng như có biện pháp chăm sóc chủ động hơn, hạn chế tối đa những biến chứng tới sức khỏe. Để được thăm khám, điều trị kịp thời nếu phát hiện dấu hiệu và có những triệu chứng nguy hiểm liên hệ ngay Bệnh viện Đại học PhenikaaMec.