iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tâm Thần

icon

Tâm thần phân liệt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Tâm thần phân liệt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Tâm thần phân liệt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển mạn tính, ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng tư duy, cảm xúc và hành vi của một người. Bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc trưởng thành và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các khía cạnh quan trọng của bệnh tâm thần phân liệt, cùng tham khảo nhé!

Tâm thần phân liệt là gì?

Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng, tiến triển mạn tính đặc trưng bởi sự phân tách, chia rẽ giữa các chức năng tâm lý và nhận thức, có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1% trong dân số chung. Người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng như ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tư duy,... Bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ logic, cảm nhận thực tại và duy trì mối quan hệ xã hội.

Tâm thần phân liệt có thể coi là bệnh lý tâm thần nặng, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Sự hiểu biết về bệnh sẽ giúp người bệnh, gia đình và cộng đồng nhận diện sớm các dấu hiệu và thực hiện điều trị cần thiết giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, trở về cuộc sống thường nhật.

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng

Triệu chứng thường gặp của tâm thần phân liệt

Có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo bệnh tâm thần phân liệt. Người bệnh bị chứng bệnh này có thể biểu hiện các dấu hiệu sau:

Ảo giác

Một trong những triệu chứng điển hình của tâm thần phân liệt là ảo giác. Người bệnh có thể nhìn, nghe, ngửi hoặc cảm thấy những thứ không tồn tại. Một số ảo giác có thể liên quan đến những người thật mà người bệnh biết, nhưng thực tế họ không ở đó, điều này tạo thêm cảm giác thuyết phục về sự hiện diện của họ.

Hoang tưởng

Hoang tưởng là những ý tưởng sai lầm không phù hợp với hiện thực khách quan và là một dạng triệu chứng thường gặp của tâm thần phân liệt. Đây là những niềm tin mạnh mẽ và không thể bị thuyết phục rằng chúng không đúng sự thật. Ví dụ, một người có thể tin rằng họ đang bị theo dõi hoặc bị ai đó làm hại, dù sự thật không như thế.

Suy nghĩ vô tổ chức

Tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng nặng nề đến khả năng tư duy và tập trung. Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc duy trì một dòng suy nghĩ rõ ràng hoặc hoàn thành một nhiệm vụ.

Họ có thể nói năng vô tổ chức, lặp đi lặp lại từ ngữ hoặc ý tưởng, nói quá nhanh, nói với những người không tồn tại,.... Đôi khi họ sử dụng các từ ngữ bịa đặt hoặc trộn lẫn ngôn ngữ một cách không điển hình. Điều này khiến người bệnh trở nên khó hiểu và việc giao tiếp trở nên phức tạp.

Các triệu chứng âm tính

Người mắc bệnh có thể gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội hoặc không thể biểu hiện cảm xúc. Họ có thể trở nên thu mình, khép kín, xa cách, thờ ơ, bàng quan với thế giới xung quanh và không có động lực để tham gia các hoạt động hàng ngày. Hoạt động hàng ngày trở lên khó khăn trong sự tập trung và duy trì khiến hiệu suất giảm sút. Hành vi tác phong có kỳ dị khó hiểu.

Có ý nghĩ và hành vi tự sát

Một triệu chứng nghiêm trọng khác của tâm thần phân liệt là ý nghĩ và hành vi tự sát. Những cảm giác tuyệt vọng, sợ hãi, lo âu, bồn chồn đứng ngồi không yên có thể trở nên áp đảo đến mức người bệnh cảm thấy tự sát là cách duy nhất để giải thoát khỏi những căng thẳng này. Việc theo dõi và hỗ trợ kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa tình huống này.

Tâm thần phân liệt có thể khiến bệnh nhân khó kiểm soát cảm xúc và tự hại chính mình

Tâm thần phân liệt có thể khiến bệnh nhân khó kiểm soát cảm xúc và tự hại chính mình

Nguyên nhân chính gây tâm thần phân liệt

Không có nguyên nhân chính xác gây bệnh tâm thần phân liệt, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh có thể bắt nguồn hay là sự kết hợp của các yếu tố dưới đây:

Yếu tố di truyền

Nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tâm thần phân liệt. Người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tâm thần phân liệt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Yếu tố sinh hóa

Sự mất cân bằng các thành phần hóa học trong não, đặc biệt là các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin có thể góp phần vào sự phát triển của tâm thần phân liệt.

Yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường như căng thẳng, chấn thương tâm lý, tiếp xúc với các chất kích thích,... có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng của tâm thần phân liệt ở những người có nguy cơ.

Các rối loạn phát triển

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các rối loạn phát triển não trong giai đoạn thai kỳ hoặc thời kỳ đầu đời, thời kỳ dậy thì, hình thành nhân cách,... có thể góp phần vào việc phát triển tâm thần phân liệt sau này.

Tâm thần phân liệt có thể di truyền từ đời cha mẹ đến con cái

Tâm thần phân liệt có thể di truyền từ đời cha mẹ đến con cái

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây có nguy cơ cao hơn bình thường:

  • Những người có tiền sử gia đình mắc tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần khác có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Những người trải qua các tình huống căng thẳng hoặc chấn thương tâm lý, stress nghiêm trọng có thể có nguy cơ cao hơn mắc tâm thần phân liệt, đặc biệt nếu họ có yếu tố di truyền hoặc sinh hóa sẵn có.
  • Sử dụng các chất kích thích như ma túy hoặc rượu nhiều ngày có thể làm tăng nguy cơ phát triển tâm thần phân liệt, đặc biệt là ở những người có yếu tố di truyền hoặc sinh hóa.
  • Những người có các vấn đề về phát triển não bộ từ sớm có thể có nguy cơ cao hơn mắc tâm thần phân liệt. Các rối loạn phát triển này có thể ảnh hưởng đến chức năng não bộ và khả năng điều chỉnh cảm xúc.
  • Khi mang thai và sinh nở gặp vấn đề như suy dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với chất độc, virus có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ thai nhi, tăng nguy cơ gây bệnh cho trẻ sau khi trưởng thành.
  • Dùng thuốc thay đổi tâm trí (thần kinh hoặc hướng thần) trong tuổi thiếu niên và thanh niên.

Não bộ phát triển sớm cũng có thể là nguyên nhân gây chứng tâm thần phân liệt

Não bộ phát triển sớm cũng có thể là nguyên nhân gây chứng tâm thần phân liệt

Biến chứng thường gặp của bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tương lai của người bệnh. Bệnh thường tiến triển nhanh, các triệu chứng âm thầm khó nhận biết như mất nhận thức và kiểm soát hành vi, khiến người bệnh không tự chủ và có thể gây rối loạn, làm hại cho những người xung quanh.

Nếu được gia đình quan tâm và chăm sóc, người bệnh sẽ được đưa đến các cơ sở y tế tâm thần để điều trị. Ngược lại, nếu không được chăm sóc, họ có thể trở thành người vô gia cư, thất nghiệp, dễ sa vào các tệ nạn xã hội, hay làm hại cho thân thể mình hoặc người khác, gây nguy hiểm cho chính họ và cộng đồng

Các phương pháp chẩn đoán tâm thần phân liệt

Để có chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ tâm lý và não bộ cần thực hiện các biện pháp sau:

Thăm khám lâm sàng

Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt lâm sàng cần thực hiện theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế thế giới WHO - ICD10.

Ngoài ra, quá trình chẩn đoán đòi hỏi sự kết hợp của tiền sử bệnh, các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng, thông tin từ những người thân cận với người bệnh như gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp.

Thăm khám cận lâm sàng

Để loại trừ các rối loạn tâm thần khác và tác động của chất gây nghiện bằng cách kiểm tra tiền sử và thực hiện các xét nghiệm, hình ảnh thần kinh. Cụ thể:

  • Chẩn đoán phân biệt để xác định chính xác vấn đề rối loạn tâm thần thuộc dạng nào (cấp và nhất thời, hoang tưởng, phân liệt cảm xúc, phân liệt, nhân cách phân liệt,...)
  • Sử dụng thêm các phương pháp xét nghiệm hình ảnh não như chụp CT (Chụp cắt lớp vi tính), chụp cộng hưởng từ MRI hoặc điện não đồ EEG.
  • Xét nghiệm huyết học và sinh hóa để tránh các trường hợp nhầm lẫn với tâm thần phân liệt

Phương pháp điều trị tâm thần phân liệt

Việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều, bao gồm sử dụng thuốc, phục hồi chức năng và liệu pháp tâm lý. Điều trị sớm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giúp giảm tái phát.

Sử dụng thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất (FGA) và thế hệ thứ hai (SGA) được chỉ định để kiểm soát các triệu chứng loạn thần của người bệnh tâm thần phân liệt. Thuốc chống loạn thần được duy trì trong ít nhất 1-2 năm sau đợt đầu và cần dùng lâu dài hơn với những bệnh nhân bị bệnh nhiều năm để ngăn ngừa tái phát. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Phục hồi chức năng và các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng

Các chương trình phục hồi chức năng giúp người bệnh học kỹ năng sống, làm việc và hòa nhập với xã hội. Việc làm hỗ trợ cung cấp môi trường làm việc với sự giám sát cần thiết để hỗ trợ quá trình hòa nhập. Các dịch vụ này giúp nhiều người bệnh tâm thần phân liệt sống độc lập trong cộng đồng hoặc chỉ cần giám sát nhẹ tại nhà.

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu giúp người bệnh phát triển mối quan hệ hợp tác với bác sĩ và người nhà, học cách quản lý bệnh và đối phó với căng thẳng. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp tâm lý cá nhân có thể giúp giảm triệu chứng ảo tưởng và cải thiện chức năng nhận thức.

Nhập viện và chăm sóc dài hạn

Người bệnh có thể cần nhập viện khi triệu chứng tái phát nghiêm trọng, đặc biệt khi họ gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác. Một số trường hợp người bệnh nặng không thể sống độc lập và cần chăm sóc dài hạn tại cơ sở chuyên khoa.

Tâm thần phân liệt cần kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình điều trị

Tâm thần phân liệt cần kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình điều trị

Biện pháp phòng ngừa tâm thần phân liệt

Để giảm thiểu bệnh tái phát hay hình thành, người có nguy cơ cao mắc bệnh hãy thực hiện các lưu ý sau:

Chế độ sinh hoạt

  • Gia đình cần quan tâm, giúp đỡ người bệnh duy trì điều trị, lối sống tích cực và hạn chế căng thẳng. Tránh kỳ thị, xa lánh, thay vào đó nên kiên nhẫn và nhẹ nhàng trong giao tiếp.
  • Động viên người bệnh tham gia các hoạt động hằng ngày hoặc ngoài trời, giúp họ cảm thấy gắn kết với xã hội.
  • Gia đình nên theo dõi dấu hiệu bệnh thường xuyên, đảm bảo người bệnh uống thuốc đúng giờ và liên hệ với bác sĩ khi cần thiết.
  • Thăm khám định kỳ giúp theo dõi sức khỏe và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.
  • Không để người bệnh sử dụng đồ vật sắc nhọn và không tự ý thay đổi thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Không sử dụng các chất gây hại, đặc biệt là trong độ tuổi thanh thiếu niên.
  • Khi có dấu hiệu bất thường về tâm lý như căng thẳng, stress hoặc trầm cảm, nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia.
  • Học cách thư giãn và quản lý công việc, học tập một cách hợp lý.
  • Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.

Chế độ dinh dưỡng

  • Tăng cường thực phẩm như trái cây, rau củ và các loại hạt giúp tăng cường sức khỏe tổng quát.
  • Những thực phẩm như thịt gà, chuối, pho mát, trứng, cá, sữa và các loại hạt giúp tổng hợp serotonin, hỗ trợ sức khỏe tâm lý.
  • Giảm tiêu thụ đường tinh luyện giúp ổn định tâm trạng và tránh các biến chứng về sức khỏe chuyển hóa.
  • Chế độ ăn ít carbohydrate, giàu protein và chất béo có thể cải thiện các triệu chứng lâm sàng và giảm nguy cơ chuyển hóa.

Thấu hiểu, quan tâm và nuôi dưỡng tinh thần để ngăn ngừa chứng tâm thần phân liệt

Thấu hiểu, quan tâm và nuôi dưỡng tinh thần để ngăn ngừa chứng tâm thần phân liệt

Các câu hỏi thường gặp

Nam hay nữ dễ bị tâm thần phân liệt?

Bệnh tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ, nhưng thường có khuynh hướng khởi phát sớm hơn ở nam giới. Ở nam giới, các triệu chứng thường xuất hiện từ 13 đến giữa độ tuổi 20. Đối với phụ nữ, bệnh thường khởi phát vào độ tuổi sau 30, và hiếm hơn xảy ra ở trẻ em dưới 13 tuổi.

Những người bị tâm thần phân liệt có bạo lực không?

Mặc dù người bị tâm thần phân liệt có thể khiến người khác sợ hãi do hành vi bất thường, nhưng hầu hết họ không nguy hiểm. Tóm lại phần lớn người bị tâm thần phân liệt không có hành vi bạo lực.

Kết luận

Tâm thần phân liệt là một bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. Việc nhận diện sớm, chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời là rất quan trọng để giúp người bệnh quản lý triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống, có thể học tập, làm việc, sinh sống như mọi người. Bạn cần tư vấn thêm về bệnh hay giải đáp thắc mắc, cần đặt lịch khám/tư vấn hãy liên hệ với PhenikaaMec ngay nhé!

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

Nguồn tham khảo:

Schizophrenia - https://www.msdmanuals.com/professional/psychiatric-disorders/schizophrenia-and-related-disorders/schizophrenia.

Schizophrenia – Symptoms Causes - https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/symptoms-causes/syc-20354443.

Slideshow Best Nutrition for Schizophrenia - https://www.webmd.com/schizophrenia/ss/slideshow-best-nutrition-for-schizophrenia.

Is It Possible To Prevent Schizophrenia - https://www.webmd.com/schizophrenia/features/is-it-possible-to-prevent-schizophrenia.



right

Chủ đề :