iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Về Máu

icon

Tăng tiểu cầu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Tăng tiểu cầu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Tăng tiểu cầu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Tăng tiểu cầu xảy ra khi số lượng tiểu cầu trong máu vượt quá mức bình thường, dẫn đến hình thành cục máu đông hoặc gây chảy máu bất thường. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh, triệu chứng và biện pháp điều trị đúng cách hãy tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây..

Tăng tiểu cầu là gì?

Tiểu cầu tham gia vào quá trình đông cầm máu. Khi thành mạch bị tổn thương, tiểu cầu kết dính với nhau tạo thành cục máu đông có tác dụng cầm máu. Cục máu đông (thrombus) hình thành trong lòng mạch còn được gọi là huyết khối có thể gây thuyên tắc mạch, gây nhồi máu não, tắc mạch phổi, tắc mạch chi, mạch tạng…

Tăng tiểu cầu (Thrombocytosis) là tình trạng khi số lượng tiểu cầu trong máu cao hơn mức bình thường. Ở người khỏe mạnh, tiểu cầu dao động từ khoảng 150.000 đến 450.000 tiểu cầu trong mỗi microlit máu. Khi con số này vượt quá mức 450.000/ml máu đồng nghĩa đó là bệnh lý tăng tiểu cầu.

Tăng tiểu cầu được phân chia thành hai dạng chính:

  • Tăng tiểu cầu nguyên phát (tăng tiểu cầu vô căn): Là một bệnh máu ác tính do tăng sinh không kiểm soát các mẫu tiểu cầu (các tế bào “mẹ” sinh ra tiểu cầu) trong tủy xương. Tủy xương sản xuất hầu hết các tế bào máu của cơ thể, bao gồm cả tiểu cầu. Với tình trạng tăng tiểu cầu nguyên phát, quá trình sản xuất tế bào máu bị trục trặc, khiến bạn có lượng tiểu cầu bất thường và dư thừa.
  • Tăng tiểu cầu thứ phát (tăng tiểu cầu phản ứng): Tăng tiểu cầu phản ứng hoặc thứ phát xảy ra khi tiểu cầu của bạn tăng lên để đáp ứng với một nguyên nhân, tình trạng khác như: chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật,... Với tăng tiểu cầu phản ứng, bạn có tiểu cầu cao vì cơ thể bạn "phản ứng" với một nguyên nhân tiềm ẩn. Tăng tiểu cầu phản ứng thường là tạm thời.

Tăng tiểu cầu xảy ra khi số lượng tiểu cầu trong máu cao hơn mức bình thường

Tăng tiểu cầu xảy ra khi số lượng tiểu cầu trong máu cao hơn mức bình thường

Triệu chứng thường gặp của tăng tiểu cầu

Bệnh tăng tiểu cầu có thể diễn biến âm thầm và không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi số lượng tiểu cầu tăng cao, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể và nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:

Xuất hiện dấu hiệu bất thường trên da

Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của bệnh tăng tiểu cầu là các dấu hiệu bất thường trên da, do sự hình thành các cục máu đông nhỏ hoặc do tiểu cầu không hoạt động bình thường. Có thể là:

  • Bầm tím không rõ nguyên nhân (purpura): Người bệnh có thể dễ dàng xuất hiện các vết bầm tím trên da dù không có chấn thương nghiêm trọng. Điều này xảy ra do các mạch máu nhỏ bị tổn thương và không được hỗ trợ kịp thời từ tiểu cầu để ngăn chảy máu dưới da.
  • Xuất huyết dưới da (petechiae): Các đốm xuất huyết nhỏ, có kích thước từ 1-2mm, xuất hiện thành từng mảng trên da. Những vết này thường có màu đỏ hoặc tím, là dấu hiệu của việc các mao mạch bị rò rỉ máu ra ngoài nhưng không được kiểm soát bởi tiểu cầu.
  • Chảy máu kéo dài và khó lành dù là các vết thương nhỏ: Điều này là do chức năng của tiểu cầu bị rối loạn, không thể hình thành các cục máu đông bình thường.

Bầm tím không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu của bệnh tăng tiểu cầu

Bầm tím không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu của bệnh tăng tiểu cầu

Đau tức ngực

Tăng tiểu cầu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tuần hoàn và tim mạch do sự hình thành cục máu đông trong các mạch máu lớn và nhỏ. Cục máu đông trong động mạch vành có thể gây tắc nghẽn dòng chảy của máu đến tim, dẫn đến triệu chứng đau ngực. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, đau ngực khi gắng sức hoặc thậm chí đau ngay cả khi nghỉ ngơi.

Huyết áp tăng cao

Sự xuất hiện của các cục máu đông trong hệ tuần hoàn có thể làm cản trở lưu thông máu, làm tăng áp lực trong mạch máu, dẫn đến huyết áp tăng cao. Huyết áp cao kéo dài có thể gây tổn thương tim, thận và mắt.

Chóng mặt và hoa mắt

Việc máu không được cung cấp đầy đủ đến não có thể dẫn đến các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể ngất xỉu. Đây là những triệu chứng báo hiệu tình trạng nguy cấp cần được xử lý ngay.

Đau đầu dữ dội

Các cục máu đông có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là khi máu lưu thông đến não bị giảm sút. Điều này dẫn đến một loạt các triệu chứng liên quan đến chức năng thần kinh, điển hình nhất là đau đầu nhiều, dữ dội cảnh báo rằng lượng máu đến não đang bị gián đoạn do các cục máu đông.

Thị lực thay đổi

Tăng tiểu cầu có thể gây ra vấn đề về thị giác như nhìn mờ hoặc mất thị lực tạm thời. Đặc biệt nếu cục máu đông ảnh hưởng đến các mạch máu trong mắt hoặc trong não.

Mất khả năng tập trung hoặc trí nhớ kém

Máu không được cung cấp đầy đủ cho não có thể gây ra tình trạng mất khả năng tập trung, lãng quên hoặc suy giảm nhận thức. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy mơ hồ, lẫn lộn.

Một trong các triệu chứng của người bệnh tăng tiểu cầu là trí nhớ kém

Một trong các triệu chứng của người bệnh tăng tiểu cầu là trí nhớ kém

Đau và sưng, tê bì ở các chi

Khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu của chân, người bệnh có thể cảm thấy sưng, đau nhức, vùng da ở khu vực đó trở nên nóng, đỏ. Thậm chí người bệnh có thể gặp triệu chứng chân tay tê bì thường xuyên, khó khăn khi cử động hoặc cảm giác nặng nề ở tay.

Đau bụng, xuất huyết tiêu hóa

Tăng tiểu cầu có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khi máu lưu thông không được đảm bảo, gây ra các triệu chứng liên quan đến đường ruột. Một số người bệnh có thể cảm thấy đau bụng, đầy bụng, cảm giác căng tức khó chịu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp tình trạng chảy máu trong đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, phân có máu tươi,...

Sốt nhẹ hoặc cảm giác mệt mỏi, sụt cân

Một số người bệnh có thể bị sốt nhẹ kéo dài, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi, do cơ thể đang phải đối phó với tình trạng mất cân bằng tiểu cầu. Thêm vào đó, khi hệ thống tuần hoàn gặp vấn đề, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị ảnh hưởng, dẫn đến việc mất cảm giác thèm ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân chính gây tăng tiểu cầu

Tăng tiểu cầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng dưới đây là các nguyên nhân phổ biến nhất:

+ Tăng tiểu cầu nguyên phát (vô căn): Nguyên nhân chính của bệnh là do cơ thể bị rối loạn trong tủy xương khiến quá trình sản xuất tiểu cầu vượt mức bình thường. Yếu tố gen di truyền có thể đóng vai trò chính trong việc phát triển bệnh.

+ Tăng tiểu cầu thứ phát: Đây là loại tăng tiểu cầu phổ biến hơn và xảy ra khi có các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tiểu cầu, bao gồm:

  • Nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm: Các bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính có thể kích thích cơ thể sản xuất nhiều tiểu cầu hơn.
  • Thiếu máu: Khi cơ thể thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt, tủy xương có thể phản ứng bằng cách sản xuất nhiều tiểu cầu hơn.
  • Ung thư: Một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tủy xương, hệ bạch huyết,... có thể gây ra tình trạng tăng tiểu cầu.
  • Phẫu thuật hoặc chấn thương lớn: Sau khi trải qua các phẫu thuật lớn hoặc chấn thương nghiêm trọng, cơ thể có thể gia tăng quá trình sản xuất tiểu cầu để ngăn ngừa chảy máu.
  • Các bệnh viêm mãn tính: Các bệnh như viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột, bệnh về máu... có thể làm tăng mức tiểu cầu.


Thiếu máu là nguyên nhân gây tăng tiểu cầu thứ phát

Thiếu máu là nguyên nhân gây tăng tiểu cầu thứ phát

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tăng tiểu cầu

Một số nhóm người có nguy cơ cao mắc tăng tiểu cầu bao gồm:

  • Người lớn tuổi từ 60 tuổi trở lên vì tuổi này sự suy giảm chức năng của tủy xương và các bệnh lý liên quan đến tuổi tác dễ gây tăng tiểu cầu.
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc tăng tiểu cầu cao gấp đôi nam giới.
  • Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh liên quan tới tủy xương.
  • Người mắc các bệnh mãn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,... có nguy cơ cao bị tăng tiểu cầu thứ phát. Các bệnh này có thể gây ra phản ứng viêm, kích thích sản xuất tiểu cầu.
  • Người bị thiếu máu do thiếu sắt thường có nguy cơ mắc tăng tiểu cầu thứ phát do cơ thể phản ứng bằng cách sản xuất nhiều tiểu cầu để bù đắp cho sự thiếu hụt tế bào máu.
  • Người đã trải qua phẫu thuật lớn hoặc chấn thương, cơ thể có thể tăng sản xuất tiểu cầu để phòng ngừa tình trạng chảy máu.
  • Người mắc ung thư, đặc biệt là ung thư tủy xương hoặc hệ bạch huyết có nguy cơ cao bị tăng tiểu cầu do quá trình sản xuất tiểu cầu bị rối loạn.
  • Người hút thuốc lá và tiêu thụ rượu nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn về tiểu cầu, vì cả hai yếu tố này đều gây tổn hại đến hệ tim mạch và quá trình lưu thông máu.

Tăng tiểu cầu có nguy cơ gặp ở người lớn tuổi cao hơn

Tăng tiểu cầu có nguy cơ gặp ở người lớn tuổi cao hơn

Biến chứng thường gặp của bệnh tăng tiểu cầu

Bệnh tăng tiểu cầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trong các trường hợp nặng và không được điều trị kịp thời. Cụ thể như:

  • Hình thành các cục máu đông (huyết khối) trong động mạch, gây tắc nghẽn lưu thông máu, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...
  • Cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch lớn, đặc biệt là ở chân, gây ra hiện tượng sưng, đau nhức dẫn đến thuyên tắc phổi (pulmonary embolism) khi cục máu di chuyển đến phổi.
  • Mặc dù tiểu cầu có vai trò ngăn ngừa chảy máu, số lượng tiểu cầu quá cao có thể làm cho người bệnh dễ bị chảy máu nặng. khó cầm máu. Chảy máu có thể xảy ra ở: răng, mũi, hoặc miệng, đường tiêu hóa (chảy máu dạ dày hoặc ruột), chảy máu dưới da gây bầm tím không rõ nguyên nhân,...
  • Phì đại lách (splenomegaly) gây đau hoặc cảm giác đầy bụng ở vùng dưới sườn trái.
  • Sự hình thành cục máu đông có thể gây cản trở lưu thông máu, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan và mô, từ đó dẫn đến thiếu máu cục bộ.
  • Tăng nguy cơ tổn thương tim và não, gây nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột quỵ

Tăng tiểu cầu nếu không được điều trị khiến người bệnh dễ bị đột quỵ

Tăng tiểu cầu nếu không được điều trị khiến người bệnh dễ bị đột quỵ

Các phương pháp chẩn đoán tăng tiểu cầu

Chẩn đoán tăng tiểu cầu bao gồm nhiều bước, từ khám lâm sàng đến xét nghiệm chuyên sâu để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh giúp các bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Cụ thể:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh gia đình và kiểm tra các dấu hiệu bên ngoài như sưng, đau hoặc các triệu chứng khác liên quan đến chảy máu hoặc hình thành cục máu đông để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Thăm khám cận lâm sàng

Sau khi đưa ra các nhận định ban đầu qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm khác để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) là phương pháp chính để xác định số lượng tiểu cầu. Nếu kết quả cho thấy mức tiểu cầu cao hơn bình thường, các xét nghiệm khác sẽ được thực hiện để tìm hiểu nguyên nhân.
  • Xét nghiệm tủy xương: Trong trường hợp nghi ngờ tăng tiểu cầu nguyên phát, xét nghiệm tủy đồ và sinh thiết tủy xương có thể được yêu cầu để kiểm tra tình trạng sản xuất tiểu cầu bất thường tại tủy xương.
  • Xét nghiệm gen: Xét nghiệm tìm đột biến gen JAK2V617F hoặc MPLW515K/L (khi JAK2V617F âm tính) là một trong những tiêu chuẩn để chẩn đoán tăng tiểu cầu nguyên phát.

Xét nghiệm máu là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh tăng tiểu cầu

Xét nghiệm máu là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh tăng tiểu cầu 

Phương pháp điều trị tăng tiểu cầu

Bệnh tăng tiểu cầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khi không được điều trị kịp thời. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến áp dụng:

Điều trị nội khoa

BBệnh nhân ở mức độ bệnh nhẹ hay sau điều trị can thiệp sẽ được bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Trong trường hợp tiểu cầu cao nhưng chưa gây ra biến chứng, bác sĩ có thể kê thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin) để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
  • Thuốc giảm sản xuất tiểu cầu: Đối với các trường hợp nặng hơn, thuốc như hydroxyurea có thể được sử dụng để ức chế quá trình sản xuất tiểu cầu tại tủy xương.
  • Interferon alpha: Đây là một loại thuốc tiêm có tác dụng giảm sản xuất tiểu cầu, thường được sử dụng trong trường hợp tăng tiểu cầu nguyên phát.

Can thiệp ngoại khoa

Đối với các trường hợp cấp tính khi mức tiểu cầu tăng quá cao, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp tách tiểu cầu (plateletpheresis) để giảm nhanh số lượng tiểu cầu trong máu.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Kết hợp với dùng thuốc và can thiệp ngoại khoa, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để giúp kiểm soát và rút ngắn thời gian hồi phục bệnh,, cụ thể:

  • Tránh hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu bia.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát tốt tình trạng tăng tiểu cầu.
  • Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe tim mạch và tuần hoàn máu.

Người bị tăng tiểu cầu nên tránh dùng chất kích thích

Người bị tăng tiểu cầu nên tránh dùng chất kích thích

Biện pháp phòng ngừa tăng tiểu cầu

Việc phòng ngừa tăng tiểu cầu chủ yếu dựa trên kiểm soát các yếu tố nguy cơ và điều trị dứt điểm các bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng này. Một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả bao gồm:

  • Điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng và viêm nhiễm, giúp ngăn ngừa tiểu cầu tăng cao do phản ứng của cơ thể với vi khuẩn hoặc viêm nhiễm.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể, bao gồm cả số lượng tiểu cầu.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và hạn chế tiêu thụ các chất béo xấu có thể giúp duy trì sức khỏe tổng thể và hỗ trợ chức năng tủy xương.

Tập thể dục mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh tăng tiểu cầu

Tập thể dục mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh tăng tiểu cầu

Các câu hỏi thường gặp

Trong quá trình điều trị tăng tiểu cầu nên ăn gì, kiêng gì?

Để giúp quá trình điều trị tăng tiểu cầu đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống:

  • Hạn chế thực phẩm giàu vitamin K (như cải bó xôi, bông cải xanh) vì chúng có thể làm tăng khả năng đông máu.
  • Giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và trans fats (như đồ chiên rán và đồ ăn nhanh), hạn chế uống rượu.
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (trái cây, rau quả) và chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, đậu).
  • Bổ sung thực phẩm chứa omega-3 (cá hồi, hạt chia) và thực phẩm giàu sắt nếu cần (thịt đỏ, đậu).

Người trẻ có thể bị bệnh tăng tiểu cầu không?

Có, người trẻ vẫn có thể bị tăng tiểu cầu đặc biệt khi có tiền sử bị bệnh liên quan tới tủy xương hay sau phẫu thuật, tai nạn lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể khác so với người lớn tuổi và cần được kiểm tra và chẩn đoán cụ thể để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.

Kết luận

Tăng tiểu cầu là một bệnh lý cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Việc điều trị phải được tiến hành dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân mắc bệnh khi so sánh với các dấu hiệu ở trên, hãy liên hệ với PhenikaaMec để nhận được tư vấn, đặt khám ngay nhé!

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  1. What Does It Mean If Your Platelet Count Is High? (12/7/2022): https://www.medicinenet.com/what_does_it_mean_if_your_platelet_count_is_high/article.htm.
  2. What to Know About Platelet Count (March 10, 2024): https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-to-know-mean-platelet-volume-tests#1-1.
  3. Primary Thrombocythemia (January 9, 2018) https://www.healthline.com/health/primary-thrombocythemia.
right

Chủ đề :