Thoát vị não là tình trạng dịch não tủy hoặc mô trong hộp sọ bị thoát ra khỏi vị trí bình thường. Tình trạng này khiến người bệnh gặp phải rất nhiều biến chứng, thậm chí tử vong. Bài viết sau sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về tình trạng này!
Thoát vị não là gì?
Thoát vị não là tình trạng áp lực nội sọ tăng do máu cùng các mô khiến dịch não tủy bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Tình trạng này xảy ra do chấn thương hoặc khối u hay đột quỵ.
Thoát vị não, tình trạng mô - dịch não tủy, máu bị đẩy khỏi vị trí trong hộp sọ
Hộp sọ là một khoang kín chứa máu, dịch tủy và nhu mô não, với thể tích không đổi. Khi 1 trong 3 thành phần kể trên tăng lên thì các thành phần còn lại sẽ giảm đi để tạo duy trì sự cân bằng. Tuy nhiên, khi sự gia tăng vượt quá khả năng bù trừ, máu đến não sẽ giảm và mô não bị đẩy từ vị trí này sang vị trí khác.
Thoát vị não có ba dạng chính:
- Thoát vị dưới liềm: Đây là dạng phổ biến nhất, khi mô não bị đẩy xuống bên dưới liềm.
- Thoát vị xuyên lều tiểu não: Tiểu và thân não di chuyển qua lều tiểu não hoặc thùy thái dương xuống hố sọ sau.
- Thoát vị hạnh nhân tiểu não: Hạnh nhân tiểu não bị đẩy qua lỗ chẩm lớn xuống dưới hộp sọ, gây áp lực lên thân não, có thể dẫn đến ngưng tim hoặc ngưng thở do ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp và tim mạch.
Các triệu chứng hay gặp của thoát vị não
Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà triệu chứng của bệnh sẽ khác nhau. Từ đó sức khỏe của bệnh nhân cũng sẽ bị ảnh hưởng khác nhau. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Luôn cảm thấy đau đầu.
- Mạch đập bất thường.
- Giãn đồng tử.
- Tăng huyết áp.
- Co giật.
- Vấn đề giao tiếp và vận động trở nên khó khăn.
- Chức năng phản xạ bị rối loạn.
- Suy giảm hoặc rối loạn, mất ý thức.
Bị thoát vị não thường có cảm giác đau đầu dữ đội, huyết áp tăng
Nguyên nhân nào dẫn đến thoát vị não?
Thoát vị não xảy ra khi một yếu tố bên trong hộp sọ gây áp lực, làm đẩy mô não di chuyển qua các lỗ hoặc các màng yếu trong não. Nguyên nhân chính bao gồm:
- Khối choán chỗ trong hộp sọ: Có thể do khối u di căn, khối u nguyên phát, áp xe, tụ máu do chấn thương hoặc xuất huyết.
- Phù não: Thường liên quan đến viêm màng não, các bệnh lý chuyển hóa như xơ gan, bệnh thận mạn, thiếu oxy kéo dài hoặc động kinh.
Ngoài ra, còn các yếu tố khác như:
- Sự tích tụ mủ hoặc chất lạ trong não do nhiễm khuẩn hoặc nấm (áp xe).
- Tích tụ dịch gây phù (úng thủy).
- Khiếm khuyết cấu trúc não như dị tật Arnold Chiari.
Đối tượng nguy cơ
Thoát vị não có thể xảy ra ở bất kỳ ai bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý liên quan, do áp lực nội sọ tăng lên. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng thường có nguy cơ cao hơn gồm:
- Người mắc các bệnh như u, đột quỵ, úng thủy, xuất huyết, áp xe não, dị tật Chiari,...
- Người gặp tai nạn khiến sọ não bị chấn thương.
- Những người mắc bệnh về mạch máu như phình động mạch.
- Người vừa thực hiện xạ trị hoặc thực hiện các ca phẫu thuật về não.
Người bị tai nạn gây chấn thương sọ não có nguy cơ cao bị thoát vị não
Biến chứng thường gặp
Thoát vị não khiến cấu trúc não không còn được bình thường. Do đó các chức năng của não sẽ bị ảnh hưởng dẫn tới những biến chứng khó lường, thậm chí có thể tử vong.
- Vĩnh viễn tổn thương mô não, thậm chí hoại tử, chết não.
- Ngừng hô hấp, tuần hoàn.
- Người bệnh có thể hôn mê sâu và tử vong.
Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán thoát vị não một cách chính xác, bác sĩ sẽ thu thập thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh và các bệnh lý nền. Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng cũng được chỉ định, bao gồm:
- Chụp X - quang: Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo hình ảnh giải phẫu sọ, giúp bác sĩ quan sát tổn thương trong hộp sọ và bên trong như thoát vị não, khối u hoặc chấn thương.
- Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và sọ não. Hình ảnh 2D hoặc 3D từ chụp CT giúp bác sĩ quan sát rõ các tổn thương và tình trạng dịch chuyển mô.
- Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ): MRI sử dụng sóng điện từ để ghi nhận hình ảnh 3D chi tiết về cấu trúc bên trong. Phương pháp này có độ nhạy cao, giúp phân biệt rõ mô não bình thường và bị tổn thương, từ đó xác định chính xác bệnh.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra các rối loạn chảy máu hoặc nhiễm trùng nếu nghi ngờ có áp xe.
Thực hiện chụp MRI để xác định tình trạng thoát vị não
Phương pháp điều trị
Việc điều trị bệnh này yêu cầu một phương pháp đa dạng và chính xác, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ sẽ căn cứ vào vị trí và mức độ ảnh hưởng của bệnh, tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và thời điểm cần can thiệp để quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp chính bao gồm:
Phẫu thuật điều trị theo nguyên nhân bệnh
Nếu bệnh là kết quả của khối máu tụ, u hoặc áp xe não, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ các khối u hoặc khối máu tụ gây áp lực. Mục tiêu là loại bỏ nguồn gốc gây ra sự chèn ép, từ đó giảm áp lực và cải thiện chức năng.
Dẫn lưu não
Để giảm áp lực nội sọ, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật tạo lỗ nhỏ trên hộp sọ, giúp dẫn lưu dịch não thất. Phương pháp này giúp điều chỉnh lượng dịch thất trong não, từ đó giảm thiểu tình trạng phù và áp lực lên sọ não.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần sọ
Trong trường hợp nghiêm trọng, khi mà các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần của sọ để tạo ra khoảng trống, giúp giảm áp lực trực tiếp lên não. Đây là phương pháp thường được áp dụng trong các tình huống cấp cứu.
Tùy từng tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp
Dùng thuốc giảm phù não
Thuốc lợi tiểu như mannitol hoặc dung dịch muối ưu trương có thể được sử dụng để giảm phù. Những loại thuốc này giúp giảm lượng dịch, từ đó giảm áp lực nội sọ và cải thiện tình trạng thoát vị não.
Hút dịch não tủy
Bác sĩ có thể sử dụng ống shunt để rút bớt dịch, qua đó giảm áp lực trong hộp sọ. Phương pháp này giúp duy trì áp lực nội sọ ở mức bình thường, góp phần cải thiện tình trạng bệnh.
Tăng thông khí
Đặt nội khí quản có thể được thực hiện để giảm nồng độ CO2 trong máu. Việc giảm nồng độ CO2 giúp làm giảm áp lực nội sọ, hỗ trợ trong việc điều trị các triệu chứng liên quan.
Điều trị thoát vị não là quy trình phức tạp, cần được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật thần kinh giàu kinh nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín để tối ưu hiệu quả và giảm nguy cơ để lại di chứng lâu dài.
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa hoặc giảm nguy cơ bị thoát vị não, mỗi người nên:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện khám tổng quát ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến bệnh, từ đó giúp tăng hiệu quả điều trị.
- Kiểm soát tốt bệnh lý có nguy cơ: Những người mắc các bệnh như đột quỵ, u, phình động mạch hay xuất huyết cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để giảm nguy cơ biến chứng, bao gồm thoát vị não.
- Bảo vệ vùng đầu: Tránh các va chạm vào đầu để giảm nguy cơ chấn thương sọ não, đồng thời luôn đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc hoạt động có cường độ cao.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện, kiểm soát bệnh
Các câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi về thoát vị não này được rất nhiều người thắc mắc:
Người bị thoát vị não nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Chế độ ăn uống cho người bệnh cần dựa trên khả năng nuốt và tình trạng sức khỏe hiện tại. Do bệnh thường xảy ra khi người mắc đã chịu ảnh hưởng nặng từ các bệnh lý khác, hầu hết người bệnh sẽ được nuôi dưỡng qua ống thông mũi - dạ dày với thức ăn loãng. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng các bác sĩ sẽ lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân.
Đối tượng có nguy cơ bị thoát vị não khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh như đau đầu dữ dội, rối loạn ý thức, phản xạ bất thường, co giật,… hoặc sau khi có va đập ở vùng đầu, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc này giúp ngăn ngừa nguy cơ chết não và các biến chứng nghiêm trọng khác, từ đó bảo toàn tính mạng và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Thoát vị não gồm những loại nào?
Các loại thoát vị não phổ biến bao gồm:
- Thoát vị màng: Một phần tổ chức não thoát khỏi xương sọ và tạo thành túi thoát vị bên ngoài hộp sọ, thường là bẩm sinh.
- Thoát vị dưới liềm: Khối mô não di chuyển xuống dưới liềm não và bị đẩy sang một bên.
- Thoát vị trung tâm: Cả hai thùy thái dương thoát qua khe lều tiểu não do phù lan tỏa hoặc khối choán chỗ.
- Thoát vị xuyên lều tiểu não: Gồm hai dạng là giảm dần (thùy thái dương di chuyển vào hố sọ sau) và tăng dần (thân và tiểu não di chuyển lên trên qua lều tiểu não).
- Thoát vị hạnh nhân tiểu não: Các hạnh nhân tiểu não di chuyển qua lỗ chẩm lớn xuống vùng dưới hộp sọ, thường do khối choán chỗ như chảy máu tiểu não.
Kết luận
Thoát vị não dù là tình trạng hiếm gặp nhưng bệnh này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Mọi thắc mắc cần tư vấn và hỗ trợ điều trị hãy đến với bệnh viện PhenikaaMec, với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại chắc chắn sẽ thăm khám và điều trị tốt nhất.