Trẻ sinh non 27 tuần là trường hợp trẻ sinh ra khá non tháng nhưng tiên lượng sống vẫn khá tốt nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong khoa học và kỹ thuật y tế hiện nay. Trẻ sinh non ở 27 tuần có nhiều yếu tố nguy cơ về sức khỏe và phát triển, yêu cầu sự chăm sóc đặc biệt. Để hiểu thêm về vấn đề này giúp bạn nắm được cách chăm sóc trẻ sinh non và phòng ngừa sinh non, hãy cùng tham khảo nội dung dưới đây.
Trẻ sinh non 27 tuần là gì?
Thông thường thai nhi cần 38 - 40 tuần để phát triển đầy đủ và sẵn sàng chào đời. Trẻ sinh sớm hơn, đặc biệt giai đoạn từ tuần 22 đến trước tuần 37 của thai kỳ được gọi chung là sinh non.
Trẻ sinh non 27 tuần được gọi là sinh cực non tháng. Sau khi trẻ sinh ra luôn cần lưu trú và chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt (NICU) và có nhiều khả năng gặp các biến chứng tùy thuộc tình trạng sức khỏe của trẻ.
Đặc điểm của trẻ sinh non 27 tuần
Trẻ sinh non ở tuần thứ 27 có khả năng sống sót bên ngoài tử cung dao động từ 60 - 89% vì phần dưới phổi của trẻ đã hình thành các túi khí nhỏ gọi là phế nang, giúp cải thiện khả năng thở. Đặc điểm của trẻ sinh non 27 tuần như sau:
- Trẻ có chiều dài khoảng 35cm và nặng khoảng 760 gram, khá nhỏ so với tuổi thai, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay người lớn.
- Trẻ dễ gặp các vấn đề về hô hấp vì cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị ngừng thở do phần não điều khiển hơi thở chưa phát triển đầy đủ.
- Các cử động của trẻ thường chỉ là co giật, giật mình, chưa có nhiều cơ bắp để co nắm, cuộn tròn.
- Trẻ có thể mở mắt nhưng chưa thể tập trung và nhìn rõ, ánh sáng có thể kích thích thị giác gây căng thẳng cho mắt trẻ nên phòng NICU luôn chỉ sử dụng đèn mờ vào ban đêm.
- Cấu trúc thính giác của trẻ đã hình thành nhưng rất nhạy cảm với âm thanh bên ngoài.
- Trẻ có thể nhận ra giọng nói của bạn nhưng chưa thể phản ứng.
- Trẻ chưa thể bú sữa mẹ và cần được nuôi bằng dinh dưỡng tĩnh mạch và sữa mẹ qua ống sonde dạ dày.
- Da của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm, cha mẹ và người chăm sóc có thể bế trẻ nhưng không nên vuốt ve, không kích thích làn da nhạy cảm của trẻ.
Trẻ sinh non 27 tuần có hệ hô hấp, thính giác rất nhạy cảm
Nguyên nhân chính khiến trẻ sinh non từ tuần 27
Sinh non có thể xảy ra với bất kỳ thai phụ nào, dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sinh non:
- Tiền sử sinh non: Nếu mẹ đã từng sinh non trong các thai kỳ trước, nguy cơ sinh non trong các thai kỳ sau sẽ cao hơn.
- Mang đa thai: Sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn cũng làm tăng nguy cơ sinh non cho thai phụ.
- Mang thai quá sớm sau lần sinh nở trước: Khi thai phụ mang thai sớm, cơ thể chưa kịp hồi phục hoàn toàn từ lần sinh nở trước đó sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.
- Tiền sử phẫu thuật: Các can thiệp phẫu thuật liên quan đến cơ quan sinh sản như sảy thai, nạo phá thai hoặc phẫu thuật điều trị các bệnh liên quan đến tử cung và cổ tử cung sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.
- Bệnh mãn tính: Các bệnh mãn tính như tiểu đường (trước hoặc trong thai kỳ), huyết áp cao, tiền sản giật, các vấn đề về tim mạch hoặc rối loạn đông máu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, dẫn đến sinh non ở tuần 27.
- Nhiễm trùng phụ khoa: Thai phụ mắc các nhiễm trùng phụ khoa làm tăng nguy cơ trẻ sinh non 27 tuần.
- Bất thường nhau thai: Các vấn đề với nhau thai như suy bánh nhau hoặc nhau bong non có thể gây ra sinh non.
- Tai nạn hoặc chấn thương, té ngã trong quá trình mang thai ảnh hưởng đến vùng bụng gây sinh non.
- Chế độ dinh dưỡng trong khi mang thai không phù hợp, thiếu hoặc thừa cân.
- Chế độ sinh hoạt không khoa học như: Làm việc nặng, căng thẳng/áp lực kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và làm tăng nguy cơ trẻ sinh non 27 tuần.
- Sử dụng chất kích thích, dùng nhiều bia rượu, ma túy, thuốc lá,... hoặc các hóa chất độc hại trong giai đoạn mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.
Mẹ bầu ăn uống, nghỉ ngơi không phù hợp sẽ tăng nguy cơ sinh non lúc 27 tuần
Mẹ bầu nào có nguy cơ cao sinh non trẻ 27 tuần tuổi?
Mẹ bầu nếu thuộc các nhóm đối tượng sau sẽ có nhiều nguy cơ sinh non ở tuần 27:
- Mang đa thai (Sinh đôi, sinh ba,...).
- Mẹ bầu có tiền sử sinh non, từng phẫu thuật can thiệp liên quan đến cổ tử cung, tử cung,...
- Mẹ bầu bị đa ối hoặc thiếu ối, nhiễm trùng ối hoặc ối vỡ non.
- Thai phụ bị hở eo tử cung và cổ tử cung ngắn, chấn thương cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung, có các bất thường tử cung (dị dạng bẩm sinh, u xơ cơ tử cung,...).
- Trong thai kỳ mẹ bầu bị viêm nhiễm âm đạo, viêm nha chu, nhiễm trùng đường tiểu,...
- Mẹ bầu mang thai và sinh nở quá sớm so với lần sinh đẻ trước.
- Tuổi mẹ dưới 17 hoặc trên 35 tuổi, bị suy dinh dưỡng hay thừa cân.
- Thói quen sinh hoạt của mẹ bầu không lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu, dùng chất kích thích,...
Mẹ bầu quá tuổi cũng tăng nguy cơ khiến trẻ sinh non 27 tuần
Biến chứng có thể gặp ở trẻ sinh non 27 tuần
Các biến chứng có thể gặp ở trẻ sinh non khi chào đời từ tuần 27 bao gồm:
- Trẻ sinh non thường gặp khó khăn trong việc thở do hệ hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ bị loạn sản phế quản phổi, ngừng thở kéo dài.
- Trẻ sinh non dễ bị vấn đề về tim như: Huyết áp thấp, ống động mạch (PDA) có thể dẫn đến máu chảy qua tim, suy yếu cơ tim, suy tim và các biến chứng với hệ tim mạch khác.
- Nguy cơ chảy máu não, xuất huyết não, chảy máu nặng gây chấn thương não vĩnh viễn.
- Trẻ sinh non rất dễ bị mất nhiệt cơ thể dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt, sốc nhiệt.
- Hệ tiêu hóa của trẻ sinh non dễ gặp biến chứng nhiễm khuẩn đường ruột, viêm ruột hoại tử (NEC).
- Trẻ sinh non 27 tuần có nguy cơ cao mắc các vấn đề về máu như thiếu máu và vàng da sơ sinh.
- Hệ thống miễn dịch của trẻ sinh non chưa phát triển đầy đủ, dễ bị nhiễm trùng, nghiêm trọng nhất là nhiễm trùng huyết.
- Trẻ có thể bị giảm thị lực, mắt bệnh võng mạc hoặc thậm chí mù lòa.
- Trẻ có thể bị giảm thính giác hoặc điếc.
Các phương pháp chẩn đoán trẻ sinh non 27 tuần
Để chẩn đoán và xử lý khi mẹ bầu có dấu hiệu sinh non từ tuần 27, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng như sau:
Dấu hiệu lâm sàng
- Có cơn gò tử cung đều đặn là 4 cơn trong 20 phút hoặc 8 cơn trong 60 phút.
- Cổ tử cung mở ≥ 3 cm.
- Chiều dài kênh cổ tử cung từ 20 - 30 mm khi siêu âm ngả âm đạo (với thai đôi là 25 - 35 mm).
- Các dấu hiệu khác: Ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy từ cổ tử cung, vỡ ối, đau thắt lưng, trằn nặng bụng, chuột rút thường xuyên, cảm giác có áp lực lớn ghì lên xương chậu/đùi/háng,...
Thăm khám cận lâm sàng
Các xét nghiệm và đánh giá sau sẽ giúp bác sĩ xác định tình trạng của thai phụ và đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ sức khỏe của mẹ và trẻ sinh non 27 tuần tuổi:
- CTG (Theo dõi tim thai) đánh giá hoạt động tim thai và các cơn gò tử cung.
- Siêu âm ngả âm đạo đo chiều dài kênh cổ tử cung để xác định độ mở và tình trạng của cổ tử cung.
- Xét nghiệm fetal fibronectin (fFN): Kiểm tra sự hiện diện của protein này để đánh giá nguy cơ sinh non.
- Partosure: Xét nghiệm để phát hiện placental alpha microglobulin-1 (PAMG-1) giúp đánh giá nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày khi có triệu chứng nghi ngờ sinh non từ 24 - 34 tuần.
Phương pháp chăm sóc trẻ sinh non 27 tuần
Trẻ sinh non ở tuần 27 thường cần sự chăm sóc đặc biệt tại phòng chăm sóc tích cực trẻ sinh non (NICU), nơi được trang bị các thiết bị và đội ngũ chuyên gia y tế để đảm bảo sự chăm sóc tối ưu.
Chăm sóc tại NICU
Ngay sau khi sinh, bác sĩ hồi sức sơ sinh sẽ phối hợp với ekip bác sĩ sản khoa để hồi sức tích cực cho trẻ ngay trên bụng mẹ, hỗ trợ hô hấp và ổn định thân nhiệt. Trẻ sẽ được đặt trong lồng ấp với nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để phòng ngừa mất nước và hỗ trợ ổn định nhiệt độ cơ thể.
Theo dõi và điều trị
Trẻ sẽ được theo dõi nhịp tim, huyết áp và được hỗ trợ hô hấp tích cực nếu cần. Dinh dưỡng của trẻ sẽ được cung cấp qua đường tĩnh mạch và qua ống sonde dạ dày với sữa mẹ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng không chỉ cung cấp các dưỡng chất thiết yếu mà còn bổ sung kháng thể, hỗ trợ phát triển sức khỏe của trẻ.
Áp dụng phương pháp Kangaroo
Phương pháp Kangaroo - tiếp xúc da kề da được khuyến cáo để hỗ trợ ổn định thân nhiệt và hô hấp cho trẻ. Phương pháp này giúp trẻ cảm nhận được hơi ấm và tình yêu của mẹ, hỗ trợ sự phát triển cảm xúc và thể chất, từ đó ổn định nhiệt độ, nhịp thở.
Chăm sóc tại nhà khi trẻ xuất viện
- Tiêm chủng đầy đủ cho ba mẹ, người chăm sóc và các thành viên trong gia đình để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
- Vệ sinh bình sữa và các vật dụng cá nhân của trẻ sạch sẽ và khử khuẩn định kỳ.
- Đảm bảo trẻ nghỉ ngơi trong không gian thông thoáng, yên tĩnh và sạch sẽ với nhiệt độ và độ ẩm phòng phù hợp.
- Trẻ cần theo dõi, thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để can thiệp sớm nếu phát hiện vấn đề sức khỏe bất thường.
Phương pháp kangaroo - tiếp xúc da kề da hỗ trợ ổn định thân nhiệt cho trẻ sinh non 27 tuần
Biện pháp phòng ngừa trẻ sinh non 27 tuần áp dụng với thai phụ
Để hạn chế sinh non ở thai phụ, khi mang thai các mẹ bầu nên thực hiện các lưu ý sau:
- Đảm bảo mang thai khi cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, mang thai cách xa lần sinh nở trước theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
- Khám thai định kỳ: Đảm bảo tham gia đầy đủ các buổi khám thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Các bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu sớm của nguy cơ sinh non và điều chỉnh kế hoạch xử lý, chăm sóc phù hợp.
- Siêu âm và kiểm tra cổ tử cung: Thực hiện siêu âm và đo chiều dài cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu của hở eo tử cung hoặc cổ tử cung ngắn. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp can thiệp như khâu eo tử cung giúp hạn chế trẻ sinh non.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, xây dựng lối sống lành mạnh. Bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ suy dinh dưỡng.
- Duy trì cân nặng hợp lý trước khi mang thai và trong thai kỳ để tránh thiếu cân hoặc thừa cân.
- Điều trị và theo dõi thường xuyên các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh lý tim mạch để giảm nguy cơ sinh non, điều chỉnh thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị nhiễm trùng: Kịp thời xử lý nhiễm trùng phụ khoa hoặc nhiễm trùng đường tiểu để giảm nguy cơ kích thích chuyển dạ sớm.
Theo dõi sức khỏe, cân nặng, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để ngăn ngừa trẻ sinh non 27 tuần
Các câu hỏi thường gặp
Trẻ sinh non 27 tuần nặng bao nhiêu là bình thường?
Trẻ sinh non ở tuần thứ 27 thường có cân nặng từ 875 gram đến 1kg, tùy thuộc điều kiện phát triển và khả năng hấp thu dinh dưỡng của thai nhi khi còn trong bụng mẹ.
Trẻ sinh cực non ở tuần thứ 27 có tự hô hấp được không?
Trẻ sinh non ở tuần 27 có khả năng tự hô hấp, nhưng phổi của trẻ còn rất yếu và chưa hoàn thiện. Trẻ cần được hỗ trợ hô hấp để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng như: Suy hô hấp, nhiễm trùng phổi và loạn sản phế quản phổi.
Trẻ sinh non 27 tuần có nuôi được không?
Trẻ sinh non ở tuần thứ 27 có thể nuôi sống được, nhưng cần chăm sóc y tế đặc biệt. Tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non ở tuần 27 hiện nay khoảng 80-90%, tuy nhiên trẻ có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh phổi mạn tính, vấn đề về phát triển thần kinh và các biến chứng khác. Việc chăm sóc trong môi trường chăm sóc đặc biệt (NICU) với sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Kết luận
Trẻ sinh non 27 tuần có thể gặp phải nhiều nguy cơ khác nhau về sức khỏe, tính mạng. Do đó, để hạn chế tình trạng sinh non mẹ nên đi khám thai định kỳ, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Nếu cần tư vấn hoặc hỗ trợ thêm hãy để lại số điện thoại, câu hỏi bên dưới để được PhenikaaMec hỗ trợ nhanh chóng nhé!