iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Cơ Xương Khớp

icon

Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Viêm cơ nhiễm khuẩn là tình trạng tổn thương cơ do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều vùng cơ trên cơ thể, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin giúp bạn hiểu về bệnh, bao gồm cả nguyên nhân, cách điều trị, phòng bệnh, cùng tham khảo nhé!

Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì?

Viêm cơ nhiễm khuẩn là tình trạng cơ bị tổn thương do sự xâm nhập và phát triển của các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng.

Trong đó, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh. Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương hay vết thương hở gần cơ và phát triển, gây viêm cơ nhiễm khuẩn.

Viêm cơ nhiễm khuẩn do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập qua vết thương ngoài da

Viêm cơ nhiễm khuẩn do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập qua vết thương ngoài da

Triệu chứng thường gặp khi bị viêm cơ nhiễm khuẩn

Người bị viêm cơ nhiễm khuẩn thường có các triệu chứng rõ rệt, bao gồm:

Triệu chứng chung

  • Sưng đỏ và căng cứng, đau rát ở một hoặc nhiều vùng cơ.
  • Sốt cao, cảm thấy rét run, môi khô, hơi thở hôi.
  • Vùng tay hoặc chân có cơ bị nhiễm khuẩn căng cứng, đau nhức không co duỗi được.

Triệu chứng theo giai đoạn

Bệnh có thể tiến triển theo các giai đoạn với dấu hiệu cụ thể như sau:

  • Giai đoạn 1: Sưng cơ có thể kèm theo hiện tượng đỏ rát và đau nhẹ trên da.
  • Giai đoạn 2: Vùng cơ nhiễm khuẩn sưng phù to hơn, nóng đỏ và đau rát. Bệnh nhân có thể kèm theo ngứa ngáy khó chịu nhiều hơn, khi ấn vào da lõm xuống, không căng. Ngoài ra, có thể kèm theo mủ dịch vàng xanh, vàng xám.
  • Giai đoạn muộn: Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, biểu hiện nặng nề tại vùng cơ viêm như mưng mủ, ộc mủ, viêm nhiễm tổ chức xương khớp, khớp, phần mềm; có thể xuất hiện biến chứng như áp xe, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp và suy thận,....

Viêm cơ nhiễm khuẩn thường xảy ra ở vùng cơ tay, chân gây đau rát, sưng phù,...

Viêm cơ nhiễm khuẩn thường xảy ra ở vùng cơ tay, chân gây đau rát, sưng phù,...

Nguyên nhân chính gây viêm cơ nhiễm khuẩn

Tụ cầu vàng là một trong những tác nhân chính gây viêm cơ nhiễm khuẩn. Bệnh lý hình thành khi vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở hoặc tổn thương cơ, phát triển và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Ngoài ra, có nhiều vi khuẩn khác cũng xâm nhập và gây tổn thương cơ nhiễm khuẩn như: Vi khuẩn gram âm, vi khuẩn phế cầu, lậu cầu và vi khuẩn liên cầu.

Các yếu tố thúc đẩy khiến nguy cơ mắc viêm cơ nhiễm khuẩn cao hơn bao gồm:

  • Suy giảm miễn dịch, miễn dịch yếu do thể trạng, suy dinh dưỡng, sử dụng corticoid kéo dài, mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch,...
  • Bị chấn thương hở, đa chấn thương trên cơ thể liên tục hoặc nghiêm trọng.
  • Các thủ thuật y tế thực hiện tiếp xúc với vết thương hở không đảm bảo vô khuẩn hoặc chăm sóc không tốt sau thủ thuật.

Việc chăm sóc vết thương hở không đảm bảo có thể tăng nguy cơ bị viêm cơ nhiễm khuẩn

Việc chăm sóc vết thương hở không đảm bảo có thể tăng nguy cơ bị viêm cơ nhiễm khuẩn

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Bệnh lý này khá phổ biến tại các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và có thể gặp ở bất kỳ ai. Dưới đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn:

  • Người bị suy giảm miễn dịch do mắc đái tháo đường, ung thư, HIV,... hay do điều trị corticosteroid thời gian dài.
  • Người có chấn thương, tổn thương hở trên cơ thể như mụn nhọt, trầy xước, rách da,... Đây chính là “cửa ngõ” cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, tạo điều kiện cho viêm cơ nhiễm khuẩn phát triển.
  • Người thường xuyên tự xử lý các vết thương hoặc mụn tại nhà với dụng cụ không đảm bảo vô trùng.
  • Người sau thực hiện các thủ thuật (tiêm chích, xăm trổ,...) hoặc phẫu thuật, tiểu phẫu không đảm bảo vô khuẩn.

Vết thương hở, mụn nhọt,... không được xử lý đúng cách có thể là con đường khiến bạn mắc viêm cơ nhiễm khuẩn

Vết thương hở, mụn nhọt,... không được xử lý đúng cách có thể là con đường khiến bạn mắc viêm cơ nhiễm khuẩn

Biến chứng thường gặp của bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bao gồm:

  • Áp xe cơ: Hình thành túi mủ trong hoặc xung quanh cơ bị nhiễm khuẩn, gây đau đớn nghiêm trọng, làm hạn chế vận động của cơ.
  • Nhiễm khuẩn khớp, gây đau, sưng, cứng khớp và hạn chế phạm vi chuyển động của các chi, vùng cơ, có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn.
  • Sốc nhiễm khuẩn (Septic shock): Là tình trạng nghiêm trọng khi nhiễm khuẩn lây lan vào máu, gây ra phản ứng viêm toàn thân, dẫn đến giảm huyết áp, suy nội tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Suy thận: Gây ra các triệu chứng như phù nề, tăng huyết áp và cần phải điều trị thay thế thận hoặc lọc máu trong trường hợp nặng.
  • Viêm xương tủy xương (Osteomyelitis): Gây đau xương, sốt, khiến các chi không thể vận động, có thể dẫn đến hoại tử xương.
  • Tổn thương mô mềm: Gây sưng đau, nặng nhất là có thể gây hoại tử mô mềm xung quanh cơ.
  • Rối loạn chức năng cơ: Khi viêm cơ nặng có thể dẫn đến tổn thương cơ nghiêm trọng, làm giảm chức năng cơ, gây khó khăn trong mọi vận động và cần điều trị phục hồi chức năng cơ.
  • Nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn từ cơ xâm nhập vào máu.
  • Nhiễm khuẩn lây lan: Có thể gây tổn thương, nhiễm trùng và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý cho các cơ quan khác.

Trường hợp nhiễm trùng nặng khi tự ý nặn chích mủ tại nhà gây viêm cơ nhiễm khuẩn

Trường hợp nhiễm trùng nặng khi tự ý nặn chích mủ tại nhà gây viêm cơ nhiễm khuẩn

Các phương pháp chẩn đoán viêm cơ nhiễm khuẩn

Việc nhận diện và điều trị kịp thời bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn là rất quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng kể trên. Dưới đây là các phương pháp được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán bệnh:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ quan sát, đánh giá mức độ nhiễm trùng qua vết thương, vị trí đau, mức độ sưng đỏ,... của bệnh nhân. Kèm theo đó, bác sĩ cần hỏi tới triệu chứng và thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng, các chấn thương, tổn thương bệnh nhân từng bị, cách xử lý tại nhà, các thủ thuật y tế từng thực hiện thời gian gần đây,... để tìm căn nguyên gây nhiễm trùng.

Thăm khám cận lâm sàng

Để xác định viêm cơ nhiễm khuẩn, bác sĩ cần dựa vào kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh dưới đây:

  • Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng bạch cầu và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính, chỉ số CRP, Procalcitonin.
  • Xét nghiệm dịch mủ lấy ra từ ổ dịch mủ tại vùng viêm của bệnh nhân giúp xác định vi khuẩn và thực hiện kháng sinh đồ.
  • Siêu âm cơ cho thấy hình ảnh áp xe cơ, tăng thể tích cơ và mất cấu trúc sợi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) khi nghi ngờ viêm cơ thắt lưng chậu để phát hiện tổn thương sớm và có độ nhạy cao.
  • Cộng hưởng từ (MRI) để quan sát tổn thương mô mềm, giúp phân biệt viêm cơ nhiễm khuẩn với viêm tủy xương và các tổn thương khác.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán đúng tác nhân gây viêm cơ nhiễm khuẩn

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán và theo dõi tác nhân gây viêm cơ nhiễm khuẩn

Phương pháp điều trị viêm cơ nhiễm khuẩn

Khi nghi ngờ mắc viêm cơ nhiễm khuẩn, việc khám và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là các phương pháp điều trị cơ bản với bệnh lý này:

  • Nếu có ổ mủ, chọc hút mủ là cần thiết để giảm áp lực và loại bỏ dịch mủ, giúp điều trị hiệu quả hơn.
  • Sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Loại kháng sinh được chỉ định sẽ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, ví dụ: Vancomycin, Clindamycin,Oxacillin, Nafcillin, Cefazolin, Moxifloxacin, Linezolid,...
  • Thuốc điều trị triệu chứng gồm: Thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc nâng cao sức đề kháng,...
  • Điều trị biến chứng: Nếu có biến chứng như viêm khớp, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy thận cần phải được điều trị triệt để, ngăn ngừa tình trạng sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Theo dõi sự tiến triển của bệnh, điều chỉnh phương pháp điều trị để giảm nguy cơ biến chứng và tái phát bệnh.
  • Việc điều trị viêm cơ nhiễm khuẩn cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời là chìa khóa để phục hồi nhanh chóng giúp giảm thiểu các biến chứng.

Dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ khi điều trị viêm cơ nhiễm khuẩn

Dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ khi điều trị viêm cơ nhiễm khuẩn

Biện pháp phòng ngừa viêm cơ nhiễm khuẩn

Để giảm nguy cơ mắc viêm cơ nhiễm khuẩn, bạn có thể ghi nhớ, áp dụng các biện pháp sau:

  • Khi thực hiện các thủ thuật như châm cứu, tiêm truyền, tiêm khớp,... cần đảm bảo các quy trình vô khuẩn, vệ sinh sạch sẽ.
  • Có vết thương hở cần làm sạch và che chắn tốt, dùng thuốc bôi ngoài da hay thuốc uống theo chỉ định bác sĩ để tránh nhiễm khuẩn. Không tự ý làm vỡ hoặc nặn các vết mụn nhọt, dịch mủ.
  • Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý suy giảm miễn dịch như: Đái tháo đường, ung thư, HIV và tránh sử dụng corticosteroid kéo dài.

Các câu hỏi thường gặp

Khả năng phục hồi sau chữa trị viêm khớp nhiễm trùng như thế nào?

Viêm khớp nhiễm trùng có thể được điều trị dứt điểm khi người bệnh chủ động thăm khám và điều trị sớm, thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh có thể đáp ứng tốt với biện pháp điều trị và cải thiện triệu chứng sau 2 – 8 tuần.

Bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn có thể gặp ở lứa tuổi nào?

Bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn, đặc biệt là các đối tượng có hệ miễn dịch kém. Tuy nhiên, mức độ phổ biến và nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất có lẽ thuộc nhóm tuổi trưởng thành bắt nguồn từ lối sống cũng như sự chủ quan với các tác nhân gây bệnh.

Kết luận

Viêm cơ nhiễm khuẩn có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được phát triển và xử trí kịp thời. Do đó nếu bạn gặp phải triệu chứng như đau nhức, sưng nóng cơ, hạn chế vận động kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng, có dịch mủ,... hãy ngay lập tức đến bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách. Bạn có thể liên hệ với PhenikaaMec để nhận được tư vấn, đặt khám để được hỗ trợ tốt nhất.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Infectious Myositis - https://emedicine.medscape.com/article/1168167-overview#a6/.

Everything you need to know about myositis - https://www.medicalnewstoday.com/articles/myositis.

  • Infective myositis - https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8412094/.

Infectious myositis - -https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1521694206001094.

  • Septic arthritis. (2024, July 25) - https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/arthritis/septic-arthritis/.
right

Chủ đề :