Viêm hạch cổ ở trẻ em là tình trạng thường gặp, xảy ra khi các hạch bạch huyết ở vùng cổ bị viêm, sưng to do nhiễm trùng hoặc phản ứng miễn dịch. Tình trạng này có thể gây lo lắng cho phụ huynh, đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng khác đi kèm. Cùng Bệnh viện Đại học Phenikaa tìm hiểu rõ hơn về viêm hạch cổ qua những thông tin dưới đây.
Viêm hạch cổ ở trẻ em là gì?
Hạch ở cổ trẻ em là nhóm tế bào lympho thuộc hệ thống hạch bạch huyết, chủ yếu tập trung tại vùng cổ. Viêm hạch cổ xảy ra khi các hạch bạch huyết ở đầu và cổ bị phì đại một cách bất thường với kích thước vượt quá 1 cm, đỏ vùng da, nhiễm trùng, đau có kèm theo sốt cao. Hiện tượng sưng hạch ở cổ khá phổ biến, có thể gặp ở khoảng 1/3 trẻ em khỏe mạnh.
Hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Hạch có hình dạng tương tự như hạt đậu và thường xuất hiện ở các khu vực như cổ, nách, háng, bụng và ngực, trong đó vùng cổ là nơi có mật độ hạch cao nhất.
Phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện hạch ở cổ trẻ bằng cách sờ vào khu vực này khi trẻ vẫn khỏe mạnh. Nếu hạch có kích thước quá nhỏ và trẻ không có triệu chứng bất thường nào khác, ba mẹ nên theo dõi thêm.
Hiện tượng sưng hạch ở cổ khá phổ biến và có thể gặp ở khoảng 1/3 trẻ em khỏe mạnh
Dấu hiệu thường gặp của viêm hạch cổ ở trẻ em
Khi hạch bạch huyết ở cổ sưng to, có thể xuất hiện tình trạng đỏ tấy da tại vị trí hạch, sờ vào thấy đau. Ngoài ra tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng hạch, trẻ có thể gặp một số triệu chứng kèm theo như:
- Sốt: Nhiệt độ cơ thể tăng cao, có thể kèm theo cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh.
- Triệu chứng hô hấp: Trẻ có thể gặp vấn đề như nghẹt mũi, đau họng hoặc ho, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.
- Biếng ăn: Trẻ có thể không muốn ăn hoặc giảm khẩu phần ăn.
- Nhức mỏi: Cảm giác khó chịu và mệt mỏi, có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
- Đau đầu: Cảm giác đau nhức ở vùng đầu, có thể nhẹ hoặc dữ dội.
- Mệt mỏi: Trẻ có thể cảm thấy kiệt sức hoặc không có năng lượng để chơi đùa.
- Phát ban: Xuất hiện các vết đỏ hoặc mẩn ngứa trên da, có thể đi kèm với ngứa.
- Sụt cân: Nếu tình trạng diễn ra kéo dài, trẻ có thể sụt cân do chán ăn hoặc tiêu hóa kém.
- Nếu trẻ có những triệu chứng này, đặc biệt là khi đi kèm với sưng hạch, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Khi hạch bạch huyết ở cổ sưng có thể xuất hiện tình trạng đỏ ở da, sờ vào thấy ấm và đau
Nguyên nhân chính gây ra viêm hạch cổ ở trẻ em
Khi cơ thể phải đối phó với một tác nhân gây viêm nhiễm, hạch sẽ phản ứng để chống lại các tác nhân gây viêm. Kết quả là hạch bạch huyết sẽ sưng to. Sưng hạch ở cổ thường xuất hiện do nhiễm trùng, chấn thương ở khu vực lân cận hoặc ngay tại vùng cổ.
Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng nổi hạch cổ ở trẻ em, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, bệnh lao, ung thư, chấn thương, nhiễm siêu vi, rối loạn miễn dịch, tác dụng phụ của một số loại thuốc (như thuốc kháng sinh hoặc thuốc động kinh) và dị ứng. Cụ thể hơn:
Nhiễm trùng dẫn đến nổi hạch
Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus ở khu vực đầu, cổ và vùng lân cận là nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi hạch ở trẻ. Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Sưng hạch do virus: Hạch sưng do virus thường có kích thước từ 12 – 25 mm, mềm khi chạm vào và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên cổ. Thường thì hạch sẽ tự biến mất khi trẻ khỏi bệnh. Một số virus phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm RSV, cúm, virus paramyxovirus và adenovirus. Trẻ nhiễm virus có thể bị sốt, viêm họng, đau khi nuốt và có thể kèm theo viêm tai giữa hoặc viêm tuyến nước bọt, nhưng không có phát ban đỏ.
- Sưng hạch do vi khuẩn: Hạch sưng do vi khuẩn thường lớn hơn 25 mm và chỉ xuất hiện ở một bên cổ. Trẻ có thể sốt, sưng đau cổ, cứng cổ và phát ban đỏ tại khu vực nổi hạch. Một số vi khuẩn gây ra tình trạng này bao gồm Staphylococcus aureus và Streptococcus. Nếu hạch nhỏ hơn 1 cm, di động, không đau và mềm, có thể coi là bình thường và sẽ xẹp xuống sau khi trẻ hết nhiễm trùng vài ngày.
Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus ở khu vực đầu,cổ là nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi hạch ở trẻ
Nổi hạch do bị lao
Nổi hạch ở cổ do lao thường gặp là lao hạch, không gây đau và có thể dính liền với các hạch xung quanh, tạo thành chùm hoặc chuỗi, sờ nhẵn và kéo dài theo thời gian. Trẻ em có dấu hiệu này cần được khám và can thiệp sớm tại bệnh viện.
Nổi hạch do bị ung thư
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng nổi hạch cổ ở trẻ em cũng có thể do ung thư. Ngoài ung thư, các bệnh lý ác tính như u lympho ác tính không Hodgkin, bệnh Hodgkin, hoặc ung thư di căn (như ung thư vòm họng, khoang miệng, họng, thanh quản, vú, phổi,...) cũng có thể gây ra tình trạng này.
Hạch sưng do ung thư thường có kích thước lớn hơn 1 cm. Khi chạm vào có cảm giác cứng và đau, đồng thời khó hoặc không thể di chuyển vì chúng thường dính chặt vào các mô xung quanh.
Lưu ý: Một số trường hợp có thể là u hoặc nang lành tính ở vùng cổ, dễ bị nhầm lẫn với nổi hạch như u bã, u mỡ, u nang giáp móng hoặc chồi xương. Vì vậy để xác định chính xác nguyên nhân gây nổi hạch ở trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám.
Nổi hạch ở cổ trẻ em cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau
Đối tượng nguy cơ
Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao bị viêm hạch cổ và hạch có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như nách hoặc sau tai. Dù hạch xuất hiện ở đâu, phụ huynh cũng cần theo dõi tình trạng của trẻ và có thể cần đưa trẻ đi khám nếu cần thiết.
Trong số các trường hợp viêm hạch cổ ở trẻ em, tình trạng nổi hạch bạch huyết sau tai khá phổ biến. Thông thường, hạch này có kích thước nhỏ, tương đương với hạt đậu xanh. Nếu cha mẹ không chú ý họ có thể nhầm lẫn hạch bạch huyết với mụn trứng cá và không theo dõi tình trạng này một cách cẩn thận.
Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao bị viêm hạch cổ
Biến chứng thường gặp
Viêm hạch cổ ở trẻ em có thể gây ra một số biến chứng nếu kích thước hạch tăng lên, bao gồm:
- Đau: Hạch sưng to có thể gây cảm giác đau tại vị trí hạch hoặc khu vực xung quanh.
- Khàn tiếng hoặc ho: Nếu hạch ảnh hưởng đến các cấu trúc trong ngực, trẻ có thể gặp tình trạng khàn tiếng hoặc ho.
- Tê và ngứa ran: Khi viêm hạch chèn ép vào tủy sống hoặc các dây thần kinh, trẻ có thể cảm thấy tê hoặc ngứa ran ở các vùng cơ thể khác.
- Chèn ép mạch máu: Hạch lớn có thể gây áp lực lên các mạch máu, làm giảm lưu thông máu đến các khu vực khác.
- Chèn ép đường thở: Khi hạch sưng to có thể chèn ép đường thở, gây khó khăn cho trẻ trong việc thở.
- Tắc nghẽn dẫn lưu bạch huyết: Việc chèn ép có thể làm tắc nghẽn hệ thống bạch huyết, dẫn đến tình trạng sưng tấy ở các vùng khác của cơ thể.
Các phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán viêm hạch cổ ở trẻ em là bước quan trọng để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Với sự phát triển của y học hiện đại, có nhiều phương pháp khác nhau giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ như:
Thăm khám lâm sàng
Thăm khám lâm sàng viêm hạch cổ ở trẻ em bắt đầu bằng việc bác sĩ hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh của trẻ. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra vùng cổ để xác định kích thước, độ mềm và vị trí của hạch. Bác sĩ cũng sẽ xem xét các triệu chứng kèm theo như sốt, đau hoặc khó thở. Qua việc thăm khám, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ và quyết định các phương pháp cận lâm sàng khác nếu cần thiết.
Thăm khám lâm sàng viêm hạch cổ ở trẻ em bắt đầu bằng việc bác sĩ hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh
Thăm khám cận lâm sàng
Một số phương pháp cận lâm sàng có thể được thực hiện để chẩn đoán viêm hạch cổ ở trẻ em bao gồm:
- Xét nghiệm: Các xét nghiệm máu và dịch hầu họng thường được thực hiện để xác định nguyên nhân viêm hạch cổ. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm xét nghiệm da, xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm kháng thể đặc hiệu.
- Siêu âm: Siêu âm là phương pháp cận lâm sàng an toàn, nhanh chóng và không xâm lấn, giúp bác sĩ xác định kích thước, vị trí, hình dạng và số lượng hạch. Từ đó bác sĩ có thể phân biệt giữa viêm hạch lành tính và ác tính.
- Chụp X-Quang: Mặc dù ít được sử dụng trong chẩn đoán viêm hạch cổ, chụp X-quang cổ có thể giúp bác sĩ đánh giá tình trạng đường thở của trẻ.
- Sinh thiết hạch: Nếu hạch sưng to kéo dài mà không đáp ứng với điều trị hoặc nghi ngờ về ung thư hay các bệnh lý tự miễn, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết hạch để xác định nguyên nhân gây viêm hạch và xây dựng phác đồ điều trị thích hợp.
Bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết hạch để xác định nguyên nhân gây viêm hạch ở trẻ
Phương pháp điều trị chứng bệnh viêm hạch cổ ở trẻ em
Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị viêm hạch cổ phù hợp cho trẻ. Việc điều trị bao gồm cả việc xử lý nguyên nhân và dùng thuốc để hỗ trợ triệu chứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể áp dụng thủ thuật để loại bỏ hạch hoặc hỗ trợ điều trị.
Viêm hạch do nhiễm virus thường ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà. Trẻ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước và dùng thuốc hỗ trợ theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu viêm hạch do nhiễm vi khuẩn, trẻ sẽ được điều trị bằng kháng sinh và có thể cần thêm một số loại thuốc khác. Đối với các trường hợp viêm hạch do các bệnh lý khác hoặc khối u ác tính, điều trị sẽ tập trung vào việc giải quyết những vấn đề căn nguyên.
Nếu viêm hạch do nhiễm trùng vi khuẩn thì trẻ sẽ được điều trị bằng kháng sinh
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng của trẻ. Quan trọng là phụ huynh phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị và cho trẻ uống thuốc theo đúng liều lượng. Một số loại thuốc có thể được kê như kháng sinh đường uống, kháng sinh tiêm tĩnh mạch hay thuốc hạ sốt, giảm đau. Trong quá trình điều trị, cần theo dõi trẻ để phát hiện các tác dụng phụ của thuốc. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Bên cạnh đó có trường hợp nếu viêm hạch cổ không có dấu hiệu thuyên giảm sau 4 – 6 tuần và có nguy cơ biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết và can thiệp cắt bỏ hạch.
Viêm hạch cổ ở trẻ kéo dài 4-6 tuần có thể cần sinh thiết hoặc cắt bỏ
Biện pháp phòng ngừa
Để giảm nguy cơ viêm hạch cổ, việc chăm sóc trẻ đúng cách và tăng cường miễn dịch là rất quan trọng. Điểm qua một số biện pháp phòng ngừa mà phụ huynh nên lưu ý:
- Tiêm vacxin: Tiêm đủ mũi và đúng lịch vacxin giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ. Nếu trẻ mắc bệnh, triệu chứng thường nhẹ và dễ điều trị.
- Vệ sinh cá nhân: Hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh sạch sẽ, bao gồm tắm hàng ngày, vệ sinh răng miệng và rửa tay thường xuyên với xà phòng.
- Cân bằng dinh dưỡng: Đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng từ bốn nhóm chất thiết yếu. Rau xanh và trái cây nên được bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Uống đủ nước: Khuyến khích trẻ uống đủ nước, bởi nước giúp duy trì chức năng cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Sinh hoạt lành mạnh: Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn và tránh căng thẳng.
- Hạn chế tiếp xúc: Tránh cho trẻ gần gũi với người bệnh hoặc đến khu vực ô nhiễm.
- Thăm khám định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Tiêm đủ vacxin giúp tăng cường miễn dịch và triệu chứng viêm hạch của trẻ cũng nhẹ hơn
Các câu hỏi thường gặp
Có cần lo ngại khi trẻ bị viêm hạch cổ không?
Trẻ em nổi hạch ở cổ thường có thể tự hồi phục sau 2 - 4 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng kéo dài hơn 1 tháng mà không có dấu hiệu cải thiện, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ.
Trẻ bị viêm hạch cổ có nguy hiểm đến tính mạng không?
Hạch ở cổ trẻ em thường là biểu hiện cho thấy cơ thể đang phản ứng với tình trạng nhiễm trùng. Trong hầu hết các trường hợp, sự nổi hạch này là lành tính và không gây nguy hiểm, có thể tự khỏi khi tình trạng viêm nhiễm cải thiện. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đi khám tại bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, tránh kéo dài tình trạng này, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Hầu hết các trường hợp viêm hạch cổ ở trẻ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi kỹ lưỡng các triệu chứng và đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Sốt cao kéo dài, đã dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn không thuyên giảm
- Đổ mồ hôi đêm nhiều, cảm thấy mệt mỏi.
- Chững cân hoặc sụt cân.
- Hạch sưng to gây đau dữ dội.
- Việc cử động vùng cổ trở nên khó khăn hơn.
Viêm hạch cổ ở trẻ em là một tình trạng không hiếm gặp, nhưng cần được nhận biết và xử lý kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu cha mẹ phát hiện bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến viêm hạch cổ, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Bạn cần hỗ trợ thêm thông tin gì có thể liên hệ ngay với Bệnh viện Đại học Phenikaa để được tư vấn cụ thể hơn về bệnh.