Viêm loét miệng là tình trạng miệng có tổn thương, gây khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, cụ thể là hoạt động ăn, uống. Tình trạng này có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những vết loét nhỏ đến các tổn thương rộng hơn trong khoang miệng. Hãy cùng tham khảo những thông tin qua bài viết để hiểu rõ hơn về tình trạng viêm loét ở miệng nhé.
Viêm loét miệng là gì?
Viêm loét miệng là tình trạng trên niêm mạc miệng có xuất hiện các vết loét, sưng đau khó chịu. Tình trạng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân, không chỉ gây cảm giác đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng tới hoạt động ăn uống hàng ngày và sức khỏe tổng thể.
Viêm loét miệng có thể trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện khác nhau:
- Giai đoạn ban đầu: Xuất hiện các đốm nhỏ màu hồng lợt trên niêm mạc miệng, gây đau nhẹ. Sau vài ngày, các đốm này sẽ lan rộng, có thể lõm xuống hoặc gồ ghề, chuyển sang màu trắng nhạt kèm theo dịch tiết.
- Giai đoạn tiến triển: Các vết loét sẽ mở rộng hơn, diện tích lớn hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm trầm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử trong khoang miệng.
Viêm loét miệng gây đau đớn, khó chịu ở khoang miệng
Triệu chứng thường gặp của viêm loét miệng
Viêm loét miệng có thể biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt dưới đây:
- Xuất hiện các vết loét có màu trắng nhạt, hồng lợt trong miệng, ở giữa lõm xuống hoặc gồ ghề bề mặt, có viền đỏ xung quanh.
- Vết loét có thể tiết dịch, chảy mủ, chảy máu, gây sưng đau lợi và họng.
- Cảm nhận rõ cơn đau nhức, xót tại vị trí loét, cảm giác đau tăng lên khi ăn uống, tiếp xúc với thực phẩm có vị chua, mặn, cay,...
- Miệng tiết nhiều nước bọt hơn, có thể xuất hiện mùi hôi khó chịu.
Hình ảnh nhìn gần một vết viêm loét miệng
Nguyên nhân chính gây viêm loét miệng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét miệng, trong đó bao gồm:
- Vùng miệng bị tác động (va đập, bỏng nhiệt,...) gây chấn thương và hình thành vết viêm loét.
- Sai sót trong thủ thuật nha khoa.
- Các vi khuẩn có sẵn trong miệng phát triển mạnh có thể gây viêm và tạo thành các vết loét.
- Một số loại virus như: Virus Herpes, virus Coxsackie và virus Varicella Zoster… có thể gây ra loét miệng.
- Một số người bị rối loạn hệ miễn dịch dễ mắc viêm loét miệng hơn.
- Thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết khiến hệ miễn dịch cơ thể suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công gây loét, nhiễm trùng trong miệng.
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách làm tổn thương niêm mạc miệng, tăng khả năng phát triển vi khuẩn gây hại.
Viêm loét miệng có thể do vi khuẩn, virus gây ra
Đối tượng có nguy cơ mắc viêm loét miệng
Viêm loét miệng có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng xét theo các nguyên nhân gây bệnh thì dưới đây các nhóm đối tượng có nguy cơ cao:
- Người lớn tuổi và trẻ em vì có hệ miễn dịch suy yếu.
- Người có sức đề kháng kém, người mắc bệnh mãn tính gây suy giảm miễn dịch như: Tiểu đường, HIV/AIDS hay người đang điều trị ung thư.
- Người thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt thiếu vitamin B12, folate, sắt và kẽm có thể làm tăng nguy cơ bị viêm loét miệng.
- Người thường xuyên bị căng thẳng, stress khiến suy giảm hệ miễn dịch.
- Người mới điều trị, thực hiện thủ thuật nha khoa.
- Người có vấn đề về răng miệng: Viêm nướu, sâu răng hay các bệnh lý về răng miệng khác. Ngoài ra khi răng bị sứt, mẻ tạo cạnh sắc, hoặc các phục hình sai quy cách cũng có thể gây ra các vết loét niêm mạc miệng.
- Người có thói quen vệ sinh răng miệng kém, ít đánh răng hoặc đánh răng với bàn chải quá cứng, dùng lực quá mạnh khi đánh răng.
Viêm loét miệng dễ xảy ra với người có hệ miễn dịch kém
Biến chứng thường gặp của bệnh viêm loét miệng
Viêm loét miệng gây đau đớn, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, nói chuyện, ngủ nghỉ của bệnh nhân, giảm chất lượng cuộc sống,... Ngoài ra các vết loét có thể chuyển biến xấu thành các biến chứng nghiêm trọng dưới đây:
- Nhiễm trùng nghiêm trọng, tạo thành ổ nhiễm trùng nặng trong miệng, gây ra mùi hôi, chảy máu, tăng cảm giác đau đớn cho người bệnh.
- Vết loét tăng sinh, lây lan ra nhiều vùng trong miệng có thể ảnh hưởng đến nha chu, hàm, họng,... thậm chí là hoại tử hàm, lưỡi,...
- Vi khuẩn, virus tăng sinh mạnh mẽ trong miệng có thể lan đến máu, gây ra nhiễm trùng huyết.
- Bệnh nhân đau miệng nên khó khăn khi ăn uống, gây suy dinh dưỡng, sức đề kháng càng suy giảm, tăng nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác.
- Biến chứng hiếm gặp: Viêm loét miệng kéo dài, không được chăm sóc, điều trị dứt điểm có thể dẫn đến ung thư miệng.
Viêm loét miệng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị triệt để
Các phương pháp chẩn đoán viêm loét miệng
Để chẩn đoán bệnh chính xác và loại trừ các vấn đề cùng triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán như sau:
Thăm khám lâm sàng
Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán viêm loét miệng là thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi thăm chi tiết về tình trạng của bệnh nhân, bao gồm triệu chứng gặp phải và thời gian kéo dài triệu chứng, xem xét cường độ đau và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Tiếp đến, bác sĩ sẽ hỏi đến thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng, tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng,... Đồng thời, kiểm tra, quan sát các vị trí tổn thương trong khoang miệng giúp xác định tính chất và mức độ nghiêm trọng của vết loét.
Thăm khám cận lâm sàng
Trong trường hợp viêm loét miệng tái phát hoặc dai dẳng, các xét nghiệm có thể cần thiết để xác định nguyên nhân bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu để kiểm tra tình trạng viêm và sức khỏe tổng quát.
- Nuôi cấy vi khuẩn và virus giúp phát hiện các tác nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm kháng thể để kiểm tra tình trạng miễn dịch.
- Xét nghiệm vitamin và khoáng chất để kiểm tra nồng độ Vitamin B12, Folate, Sắt huyết thanh, Ferritin trong máu.
- Sinh thiết: Nếu vết loét dai dẳng mà không có nguyên nhân rõ ràng, có thể cần sinh thiết để kiểm tra mô.
Bác sĩ thăm khám tình trạng viêm loét miệng để có phương án điều trị tốt nhất
Phương pháp điều trị viêm loét miệng
Thông thường, các vết loét niêm mạc miệng có thể tự khỏi sau 7-14 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp, vết loét lan rộng hoặc gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Đặc biệt với trường hợp người có sức đề kháng kém, người mắc bệnh mãn tính gây suy giảm miễn dịch, viêm loét miệng có thể dai dẳng, kéo dài hơn bình thường.
Tùy trường hợp, tình trạng viêm loét, bác sĩ chỉ định phương án điều trị tương ứng, bao gồm:
- Thuốc bôi tại chỗ, dung dịch súc miệng, kháng sinh uống trong trường hợp có nhiễm trùng. Thuốc uống kháng nấm trong trường hợp nhiễm nấm.
- Thuốc uống kháng virus trong trường hợp viêm loét do virus.
- Thuốc chứa corticoid đường uống như triamcinolone, hydrocortisone,...
- Tăng cường bổ sung vitamin PP, B12, C, sắt và folic acid để nâng cao sức khỏe miệng, thúc đẩy quá trình lành vết loét.
- Loại bỏ các tác nhân gây kích thích nếu có như cạnh sắc của răng, răng giả sai quy cách.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý, giảm stress.
Viêm loét miệng chủ yếu điều trị bằng các loại thuốc uống và bôi
Biện pháp phòng ngừa viêm loét miệng
Để hạn chế gặp vấn đề này, bạn nên tuân thủ các lưu ý trong chế độ sinh hoạt, ăn uống như sau:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và sử dụng chỉ nha khoa, gel bôi chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn. Không dùng bàn chải quá cứng hay dùng lực mạnh khi đánh răng để hạn chế tổn thương niêm mạc miệng.
- Thăm khám, kiểm tra nha khoa định kỳ.
- Giảm thiểu bia, rượu, thuốc lá để tránh suy giảm miễn dịch khiến bản thân dễ bị vi khuẩn, virus tấn công gây loét miệng cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt các vitamin, khoáng chất như kẽm, vitamin B, vitamin C và lysine, vitamin C, B12, B9,... để tăng cường sức khỏe răng miệng và hệ miễn dịch.
- Hạn chế thực phẩm kích thích: Tránh ăn đồ cay, nóng, quá mặn hoặc nhiều đường.
- Chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress.
Viêm loét miệng có thể phòng ngừa bằng cách chăm sóc răng miệng đúng cách
Các câu hỏi thường gặp
Viêm loét miệng có cần dùng kháng sinh, kháng viêm không?
Trong trường hợp viêm loét miệng kéo dài, có dấu hiệu nhiễm trùng sẽ cần dùng đến thuốc kháng sinh, kháng viêm. Việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý mua và sử dụng.
Khi bị viêm loét miệng cần kiêng ăn gì?
Khi bị viêm loét miệng nên tránh ăn các loại thực phẩm sau:
- Các món ăn có gia vị cay hoặc nóng.
- Các loại trái cây, đồ ăn có vị chua nhiều.
- Thức ăn cứng, giòn, khô.
- Thực phẩm nhiều đường.
- Đồ uống có cồn và cafein.
- Thức ăn có độ mặn, chứa nhiều muối.
Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm mềm, dễ nuốt như súp, cháo, sữa chua và trái cây ít chua với chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.
Kết luận
Viêm loét miệng là một vấn đề sức khỏe miệng phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau, gây cảm giác khó chịu và đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi xuất hiện các vết loét kéo dài, không khỏi và tái lại nhiều lần, bạn nên đi khám ở các cơ sở Y tế uy tín hoặc tới PhenikaaMec để được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, giúp tình trạng cải thiện tích cực, hạn chế biến chứng và giảm nguy cơ tái phát.