iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tai Mũi Họng

icon

Viêm mũi mạn tính là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Viêm mũi mạn tính là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

  Viêm mũi mạn tính là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Viêm mũi mạn tính là tình trạng bệnh lý phổ biến và nghiêm trọng do tính chất kéo dài, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bệnh viêm mạn tính, bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán, điều trị,... cùng tham khảo nhé!

Viêm mũi mạn tính là gì?

Viêm mũi mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc mũi kéo dài, dẫn đến tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi không tự khỏi. Bệnh thường kéo dài hơn 12 tuần, xuất phát từ sự kích ứng hoặc viêm liên tục của niêm mạc bên trong mũi, gây ra các triệu chứng khó chịu cho vùng mũi họng.

Nếu không được điều trị dứt điểm khi viêm mũi, bệnh có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như viêm họng mạn tính, ho kéo dài, hắng giọng, luôn có đờm trong mũi họng,... Viêm mũi mạn tính thường được phân thành hai nhóm chính:

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng trong không khí. Các yếu tố kích thích phổ biến bao gồm phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc,... Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Viêm mũi không dị ứng

Viêm mũi không dị ứng gây ra các triệu chứng tương tự như viêm mũi dị ứng nhưng không liên quan đến các chất gây dị ứng. Các nguyên nhân tiềm ẩn có thể bao gồm ô nhiễm không khí, thay đổi nội tiết tố,...

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm mũi không dị ứng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như viêm xoang, polyp mũi, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai mạn tính,...

Viêm mũi mãn tính có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Viêm mũi mạn tính có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Triệu chứng thường gặp của viêm mũi mạn tính

Một số dấu hiệu dễ thấy để nhận diện chứng viêm mũi mạn tính gồm:

  • Nghẹt mũi kéo dài là triệu chứng điển hình của viêm mũi mạn tính, khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn. Cảm giác nghẹt mũi có thể xảy ra liên tục hoặc lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến khả năng thở của người bệnh.
  • Chảy nước mũi thường xuyên là dấu hiệu rõ ràng của viêm mũi mạn tính. Dịch mũi có thể là trong suốt, nhầy hoặc vàng đặc, có màu vàng xanh, xanh xám,... có thể tiết liên tục gây khó chịu, lau nhiều gây đau rát cánh mũi.
  • Cảm giác ngứa và kích ứng trong khoang mũi. Cảm giác này dẫn đến việc người bệnh thường xuyên gãi hoặc xoa mũi để giảm bớt sự khó chịu.
  • Đau đầu là một triệu chứng phụ thường thấy khi viêm mũi mạn tính kéo dài, đặc biệt là khi có liên quan đến viêm xoang. Cảm giác đau có thể tập trung ở vùng trán, mặt và quanh mắt.
  • Viêm mũi mạn tính làm giảm khả năng cảm nhận mùi, từ đó giảm khả năng của khứu giác và làm giảm sự ngon miệng khi ăn uống.

Viêm mũi mãn tính ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Viêm mũi mạn tính ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống

Nguyên nhân chính gây viêm mũi mạn tính

Viêm mũi mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra. Với mỗi loại viêm mũi mạn tính lại có một nguyên nhân riêng biệt. Cụ thể như sau:

Nguyên nhân gây viêm mũi mạn tính dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng qua đường mũi hoặc miệng, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giải phóng histamine. Sự giải phóng histamin dẫn đến các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi và ngứa,...

Các tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm: Cỏ phấn hương, phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng, mạt nhà, gián chuột, các loại hạt, hải sản, vỏ đào,...

Nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng

Viêm mũi mạn tính không dị ứng không liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch và thường xảy ra khi các mạch máu bên trong mũi giãn ra, dẫn đến tình trạng phù nề và tắc nghẽn. Nguyên nhân cụ thể chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng có một số yếu tố kích thích có thể gây ra tình trạng này:

  • Chất gây kích ứng (Nước hoa, chất tẩy rửa,...) hoặc ô nhiễm không khí (mùi nồng nặc, khói bụi và khói thuốc lá ,...).
  • Biến đổi thời tiết: Không khí lạnh hoặc khô.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Cảm lạnh, cúm,...
  • Thức ăn hoặc đồ uống nóng hoặc cay.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Aspirin, ibuprofen, thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm và thuốc tránh thai.
  • Lạm dụng thuốc xịt chống sung huyết.
  • Thay đổi nội tiết tố khi mang thai, kinh nguyệt, bệnh lý tuyến giáp,...
  • Stress kéo dài.
  • Phẫu thuật mở rộng xoang: Có thể gây kích thích niêm mạc mũi.
  • Các vấn đề về cấu trúc: Vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi và amidan to có thể ảnh hưởng đến đường mũi.
  • Các bệnh lý khác: GERD, hen suyễn hoặc viêm xoang mạn tính có thể liên quan đến triệu chứng viêm mũi mạn tính không dị ứng.

Viêm mũi mãn tính dị ứng là vấn đề nhiều người mắc phải

Viêm mũi mạn tính dị ứng là vấn đề nhiều người mắc phải

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm mũi mạn tính

Từ nguyên nhân nêu trên thì những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh hơn người khỏe mạnh:

  • Những người có tiền sử dị ứng có nguy cơ cao mắc viêm mũi mạn tính do hệ thống miễn dịch nhạy cảm với các yếu tố kích thích từ môi trường.
  • Những người sống trong môi trường ô nhiễm hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất độc hại, ô nhiễm thường xuyên.
  • Những người từng bị nhiễm trùng mũi hoặc xoang dễ bị viêm mũi mạn tính, đặc biệt nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị hoàn toàn.
  • Người lạm dụng thuốc xịt mũi hoặc sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng viêm mũi mạn tính, đặc biệt nếu thuốc chứa corticosteroid hoặc các thành phần làm co niêm mạc.
  • Những người có lịch sử nhiễm virus nhiều lần, chẳng hạn như cảm lạnh, cảm cúm,...
  • Người bị suy giảm hay rối loạn hệ thống miễn dịch, như mắc bệnh tự miễn, HIV, ung thư,... có thể làm suy yếu khả năng của cơ thể trong việc chống lại các yếu tố gây viêm, kích thích khiến cơ thể dễ bị viêm mũi mạn tính.

Viêm mũi mãn tính có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể

Viêm mũi mạn tính có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể

Biến chứng thường gặp của bệnh viêm mũi mạn tính

Bệnh nếu không điều trị sớm, trị dứt điểm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Viêm mũi mạn tính có thể dẫn đến viêm xoang, gây đau đầu, dịch nhầy đặc,...
  • Các triệu chứng của viêm mũi mạn tính, đặc biệt là nghẹt mũi, chảy nước mũi, khó thở,... làm giảm chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh mệt mỏi, không thể tập trung khi làm việc, học tập.
  • Viêm mũi mạn tính làm giảm khả năng cảm nhận mùi, giảm khả năng khứu giác, ảnh hưởng đến sự ngon miệng và cảm giác chung của người bệnh.

Các phương pháp chẩn đoán viêm mũi mạn tính

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và yêu cầu xét nghiệm để có chẩn đoán chính xác bệnh tùy vấn đề của bệnh nhân, cụ thể:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng để đánh giá các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn. Việc kiểm tra này bao gồm kiểm tra mũi, họng và các khu vực xung quanh để xác định nguyên nhân và mức độ của viêm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử bệnh , bao gồm thời gian xuất hiện triệu chứng, các yếu tố kích thích có thể và các phương pháp điều trị đã thực hiện.

Thăm khám cận lâm sàng

Những thông tin trên sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu. Để đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp thăm khám khác như:

  • Xét nghiệm máu: Xác định mức độ viêm trong cơ thể và phát hiện các dấu hiệu của dị ứng hoặc nhiễm trùng. Xét nghiệm này cung cấp thông tin quan trọng để hỗ trợ chẩn đoán.
  • Nội soi mũi: Đây là phương pháp cận lâm sàng giúp bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong khoang mũi bằng cách sử dụng một ống nội soi nhỏ. Phương pháp này giúp xác định tình trạng niêm mạc mũi và phát hiện các vấn đề như polyp mũi hoặc viêm xoang.

Nội soi mũi trong chẩn đoán bệnh viêm mũi mãn tính

Nội soi mũi trong chẩn đoán bệnh viêm mũi mạn tính

Phương pháp điều trị viêm mũi mạn tính

Để đạt kết quả điều trị tối ưu nhất, tùy theo tình trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp như sau:

Điều trị tại nhà

Bệnh nhân sẽ dùng thuốc uống và xịt tại chỗ theo chỉ định bác sĩ, chẳng hạn như:

  • Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid hoặc các thành phần khác có thể giúp giảm viêm và nghẹt mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc xịt cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch dịch nhầy và giảm nghẹt mũi. Đây là một biện pháp điều trị đơn giản và hiệu quả để làm dịu niêm mạc mũi.
  • Sử dụng máy làm ẩm không khí giúp cho niêm mạc mũi không bị khô và giảm cảm giác khó chịu. Môi trường ẩm cũng giúp làm giảm triệu chứng viêm mũi mạn tính.
  • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin hoặc thuốc kháng viêm mạnh hơn để kiểm soát triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây viêm mũi mạn tính.
  • Nếu viêm mũi mạn tính do dị ứng, bác sĩ có thể đề xuất điều trị bằng thuốc chống dị ứng hoặc tiêm vắc xin dị ứng để giảm độ nhạy cảm của hệ thống miễn dịch với các tác nhân gây dị ứng.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ polyp mũi hoặc điều chỉnh cấu trúc mũi nhằm cải thiện lưu thông không khí và giảm triệu chứng viêm mũi mạn tính.

Viêm mũi mãn tính ở trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật can thiệp

Viêm mũi mạn tính ở trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật can thiệp

Biện pháp phòng ngừa viêm mũi mạn tính

Viêm mũi mạn tính có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với các chất kích thích hoặc dị nguyên trong môi trường. Dưới đây là những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển bệnh và hạn chế các triệu chứng:

  • Đóng cửa sổ để hạn chế sự xâm nhập của phấn hoa và bụi vào nhà.
  • Khi tham gia các hoạt động ngoài trời hay dọn dẹp nhà, nên đeo khẩu trang giúp ngăn phơi nhiễm với bụi và các chất gây dị ứng.
  • Sử dụng máy lọc không khí giúp loại bỏ các hạt nhỏ như phấn hoa, bụi, mạt nhà khỏi không gian sống. Chú ý thay bộ lọc điều hòa không khí thường xuyên để giữ không khí trong lành và giảm bụi mịn trong nhà.
  • Dùng máy hút bụi để hút sạch các hạt bụi và chất gây dị ứng trong nhà.
  • Giặt chăn ga bằng nước nóng hàng tuần giúp loại bỏ mạt nhà và các căn nguyên gây dị ứng.
  • Tắm và chải lông cho thú nuôi thường xuyên để hạn chế lông thú, một trong những tác nhân gây dị ứng.
  • Khói thuốc lá là một chất kích ứng mạnh có thể làm nặng thêm viêm mũi mạn tính, vì vậy cần tránh hút thuốc hoặc ngửi khói thuốc.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất và các chất kích ứng khác.
  • Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc dị ứng, hãy tuân thủ liệu pháp điều trị từ bác sĩ. Điều trị đúng cách các bệnh dị ứng có thể giúp giảm đáng kể triệu chứng viêm mũi mạn tính.
  • Duy trì một lối sống lành mạnh, tăng cường miễn dịch bằng cách ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc giúp cơ thể chống lại các bệnh lý viêm nhiễm và dị ứng.

Thể dục mỗi ngày và tránh xa tác nhân dễ gây dị ứng mũi là biện pháp ngăn ngừa viêm mũi mãn tính tốt nhất

Thể dục mỗi ngày và tránh xa tác nhân dễ gây dị ứng mũi là biện pháp ngăn ngừa viêm mũi mạn tính tốt nhất

Các câu hỏi thường gặp

Viêm mũi mạn tính có thể điều trị hoàn toàn không?

Viêm mũi mạn tính là bệnh lý kéo dài và khó điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị và phòng ngừa đúng cách, triệu chứng có thể được kiểm soát và cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả.

Viêm mũi mạn tính có thể gặp ở trẻ em, và tình trạng này không chỉ giới hạn ở người lớn. Việc nhận biết và điều trị sớm rất quan trọng để tránh các vấn đề sức khỏe lâu dài cho trẻ.

Viêm mũi dị ứng nên ăn gì và kiêng gì?

Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Mặc dù không có một chế độ ăn cụ thể chữa viêm mũi dị ứng, nhưng một số thực phẩm có thể giúp giảm triệu chứng, trong khi những thực phẩm khác có thể làm tăng tình trạng viêm và gây kích ứng. Dưới đây là những thực phẩm nên ăn và tránh đối với người bị viêm mũi dị ứng:

Thực phẩm nên ăn:

  • Vitamin C: Cam, chanh, kiwi, dâu tây, ớt chuông.
  • Omega-3: Cá hồi, cá thu, hạt chia, hạt lanh.
  • Probiotic: Sữa chua, kefir, dưa cải muối.
  • Chất chống oxy hóa: Trà xanh, rau cải xanh, nghệ.

Thực phẩm không nên ăn:

  • Sữa và sản phẩm từ sữa: Gây tăng tiết chất nhầy.
  • Đồ cay nóng: Gây kích ứng niêm mạc mũi.
  • Đường và thực phẩm ngọt: Làm tăng viêm.
  • Rượu, bia: Kích thích phản ứng dị ứng.

Kết luận

Bệnh viêm mũi mạn tính là một tình trạng nghiêm trọng và kéo dài, có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Cách tốt nhất để điều trị viêm mũi mạn tính là hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Nếu bạn cần tư vấn, giải đáp thắc mắc gì thêm về bệnh viêm mũi mạn tính hay các bệnh lý khác, có thể liên hệ với PhenikaaMec chúng tôi để nhận được tư vấn, đặt lịch khám ngay nhé!

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

What Causes Chronic Rhinitis?: https://www.healthline.com/health/chronic-rhinitis.

Chronic Rhinitis: https://northdallasent.com/chronic-rhinitis/.

Chronic Rhinitis: Causes, Symptoms & Treatment in Denver: https://www.advancedentdenver.com/allergy/chronic-rhinitis/.

What Causes Chronic Allergic Rhinitis?: https://www.verywellhealth.com/coping-with-chronic-rhinitis-4160487.

Chronic Rhinitis: https://www.ent-phys.com/ent-services/nose/chronic-rhinitis/.

right

Chủ đề :