iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Nhi

icon

Viêm phổi thùy ở trẻ em: Dấu Hiệu Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Điều Trị

Viêm phổi thùy ở trẻ em: Dấu Hiệu Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Điều Trị

Viêm phổi thùy ở trẻ em: Dấu Hiệu Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Điều Trị
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Viêm phổi thùy ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng cấp tính chủ yếu do vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng nên việc nhận biết bệnh sớm và điều trị, cũng như chủ động phòng tránh là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe.

Viêm phổi thùy ở trẻ em là gì?

Viêm phổi thùy ở trẻ em là bệnh lý xảy ra khi các mô phổi bị viêm nhiễm, bao gồm túi phế nang, ống phế nang và tiểu phế quản. Gây ảnh hưởng tới một hoặc cả hai bên phổi. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên do sức đề kháng của trẻ em còn kém nên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phổi được chia thành 5 thùy gồm thùy trên, thùy giữa, thùy dưới bên phải và thùy dưới bên trái. Viêm phổi thùy có thể gây viêm và tắc nghẽn ở một hoặc nhiều phần của thùy phổi. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm cấp tính toàn bộ phổi và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng với hệ hô hấp, hệ miễn dịch cùng nhiều cơ quan khác.

Viêm phổi thùy ở trẻ em là một bệnh lý do vi khuẩn tấn công

Viêm phổi thùy ở trẻ em là một bệnh lý do vi khuẩn tấn công

Nguyên nhân chính gây viêm phổi thùy ở trẻ em

Bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em có thể bắt nguồn từ vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập.

Nguyên nhân chính

  • Vi khuẩn: Các vi khuẩn thường gặp gây viêm phổi thùy: phế cầu (Streptococcus pneumoniae), vi khuẩn tụ cầu , liên cầu (Streptococcus spp)
  • Virus: Các loại virus cũng có thể gây bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em như virus sởi, cúm, ho gà,, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adenovirus…
  • Ký sinh trùng: Một số nấm, ký sinh trùng trong môi trường cũng có thể gây viêm phổi thùy ở trẻ em.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

  • Thời tiết: Viêm phổi thùy có nguy cơ gia tăng vào thời điểm giao mùa và mùa đông lạnh.
  • Bệnh lý phổi và đường hô hấp: Những trẻ từng mắc các bệnh lý liên quan đến phổi như: Hen phế quản, các bệnh lý đường hô hấp (viêm xoang, viêm mũi họng, viêm amidan,...) cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Đề kháng kém: Trẻ suy dinh dưỡng, gầy yếu, suy nhược cơ thể,... có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Sự khác thường ở lồng ngực: Có nhiều trường hợp bệnh xuất hiện ở trẻ có biến dạng lồng ngực, xương ức

Một số trường hợp viêm phổi thùy ở trẻ em xảy ra do biến chứng của các bệnh nhiễm trùng khác như cúm hoặc sau mắc COVID-19.

Viêm phổi thùy ở trẻ em có nhiều nguyên nhân gây ra

Viêm phổi thùy ở trẻ em có nhiều nguyên nhân gây ra

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em

Viêm phổi thùy có thể ảnh hưởng đến bất kỳ trẻ em nào tuy nhiên một số nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:

  • Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện (trẻ sơ sinh, bé nhỏ dưới 5 tuổi) hay trẻ có hệ miễn dịch kém, mới ốm dậy rất dễ bị nhiễm trùng, bao gồm cả viêm phổi thùy.
  • Các trẻ đang mắc hay đã từng mắc các bệnh lý về hô hấp như: Hen phế quản, bệnh tim, bệnh phổi, viêm xoang, viêm amidan,...
  • Trẻ em suy dinh dưỡng, có chế độ ăn uống kém, không được cung cấp đủ dinh dưỡng hoặc có chế độ ăn uống không cân bằng.
  • Trẻ sống trong môi trường không sạch sẽ, tiếp xúc với nhiều tác nhân dễ gây bệnh như: Khói bụi, ô nhiễm, khói thuốc lá, hóa chất độc hại,...
  • Trẻ có lồng ngực, xương ức khác thường như dị dạng lồng ngực, ngực lõm, ngực ức gà, hở xương ức hoặc các biến dạng cột sống như gù hoặc vẹo cột sống,….

Triệu chứng thường gặp của viêm phổi thùy ở trẻ em

Viêm phổi thùy ở trẻ em tiến triển qua ba giai đoạn chính, mỗi giai đoạn có các triệu chứng đặc trưng như sau:

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn đầu của viêm phổi thùy thường có dấu hiệu khá mờ nhạt, không rõ ràng, khó nhận biết triệu chứng ở trẻ, bao gồm:

  • Trẻ có thể than bị đau tức ngực hay quấy khóc nhiều.
  • Sốt cao đột ngột, nhiệt độ tăng cao nhanh chóng, có thể đạt từ 38 - 40°C khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, lờ đờ,...
  • Ho khan, ho nhiều nhưng không có đờm, có thể ho nặng kèm theo đau ngực.
  • Trẻ gặp khó khăn trong việc hít thở, thở nhịp yếu.
  • Sốt cao có thể khiến trẻ giảm thân nhiệt, cảm thấy lạnh và run rẩy, rùng mình, nổi da gà.
  • Một số trẻ có thể gặp triệu chứng sớm về tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy,...
  • Trong một số trường hợp nghiêm trọng, sốt cao có thể gây ra các cơn co giật toàn thân.

Giai đoạn toàn phát

Sau khoảng 2-3 ngày nhiễm bệnh, từ khi các triệu chứng khởi phát, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát với những triệu chứng nghiêm trọng hơn như :

  • Sốt cao liên tục ở mức từ 39 - 40°C, thậm chí không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt.
  • Trẻ mệt mỏi, yếu ớt, có thể quấy khóc nhiều hơn bình thường.
  • Trẻ không muốn ăn uống, nôn mửa nhiều lần và có dấu hiệu giảm cân, mất nước.
  • Nhiều trẻ bị đau bụng, bụng chướng và đi ngoài.
  • Ho khan và ho có đờm, cơn ho dài hơn đi kèm đờm đặc màu gỉ sắt, vàng xám cho thấy tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
  • Khó thở, thở rút lõm lồng ngực.
  • Tình trạng mất nước dẫn đến khô môi, môi tím tái, nước tiểu ít hơn và có màu vàng sẫm.

Giai đoạn lui bệnh

Ở giai đoạn này, khi đã được điều trị kịp thời, triệu chứng bệnh sẽ dần giảm bớt và hồi phục:

  • Sốt ít hơn, bắt đầu hạ nhiệt, thân nhiệt dần ổn định ở mức bình thường.
  • Nước tiểu nhiều hơn, có màu sáng hơn, môi hồng hào.
  • Trẻ sẽ có cảm giác đói, dần ăn ngon miệng hơn, ít quấy khóc hơn.
  • Ho giảm, đờm loãng và ít hơn, còn ít hoặc không còn triệu chứng nôn trớ.
  • Các triệu chứng như khó thở và đau tức ngực giảm dần, trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.


Viêm phổi thùy ở trẻ em gây ra nhiều triệu chứng khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi

Viêm phổi thùy ở trẻ em gây ra nhiều triệu chứng khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi

Biến chứng thường gặp của bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em

Bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sau:

  • Xẹp thùy phổi: Phổi bị xẹp do tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng.
  • Áp xe phổi: Hình thành ổ mủ trong phổi.
  • Tràn dịch màng phổi: Dịch tích tụ nhiều trong khoang màng phổi.
  • Viêm mủ màng phổi: Nhiễm trùng mủ trong màng phổi.
  • Suy hô hấp và nhiễm trùng huyết
  • Viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc: Các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan lân cận trong cơ thể.

Viêm phổi thùy ở trẻ em gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

Viêm phổi thùy ở trẻ em gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

Các phương pháp chẩn đoán viêm phổi thùy ở trẻ em

Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có những dấu hiệu như: Sốt cao kéo dài, thở khó, rút lõm lồng ngực, đau tức ngực, thở khò khè,... cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử của trẻ, khai thác các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đau tức ngực và các triệu chứng khác đi kèm. Khám chi tiết các cơ quan, bộ phận, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cũng như các triệu chứng giúp định hướng chẩn đoán tình trạng bệnh của trẻ.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Để chẩn đoán chính xác hơn và lên liệu trình điều trị viêm phổi thùy ở trẻ em phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ thực hiện thêm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Xét nghiệm máu: Sử dụng để kiểm tra các chỉ số viêm như bạch cầu máu, CRP, Procalcitonin để đánh giá tình trạng nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm đờm: Giúp xác định nguyên nhân gây bệnh từ các mẫu đờm.
  • Chụp X-quang ngực: Hình ảnh X-quang ngực sẽ cho thấy các hình ảnh bất thường như tổn thương nhu mô phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi,… giúp chẩn đoán viêm phổi thùy và biến chứng.
  • Chụp CT phổi: Xác định sự hiện diện của đám mờ khu trú trên thùy phổi hoặc tình trạng xẹp phổi, giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Chụp X-quang giúp chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em chính xác hơn

Chụp X-quang giúp chẩn đoán bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em chính xác hơn

Phương pháp điều trị viêm phổi thùy ở trẻ em

Việc điều trị viêm phổi thùy ở trẻ em cần phù hợp với từng tình trạng bệnh, hướng đến mục tiêu là giảm thiểu biến chứng và giúp trẻ hồi phục nhanh chóng. Phương pháp điều trị sẽ bao gồm:

Ở giai đoạn khởi phát

Nếu bệnh viêm phổi thùy ở trẻ đang ở giai đoạn khởi phát và triệu chứng chưa rõ ràng thường được chỉ định áp dụng các phương pháp:

  • Sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, hỗ trợ tiêu hóa,... giảm các triệu chứng khó chịu.
  • Bù nước và điện giải cho trẻ với nước ấm, nước ép hoa quả hoặc các dung dịch điện giải để hỗ trợ cơ thể.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ưu tiên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa và dễ ăn như súp, cháo dinh dưỡng,...
  • Tạo điều kiện cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ trong phòng yên tĩnh và thông thoáng.

Điều trị cho trẻ ở giai đoạn toàn phát

Khi bệnh viêm phổi thùy đã chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng trầm trọng hơn, cần áp dụng các phương pháp điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Cụ thể như sau:

  • Dùng thuốc kháng sinh, để điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Dùng thuốc hạ sốt và giảm đau, cho trẻ mặc quần áo mỏng, chườm ấm,... để điều hòa thân nhiệt và giúp trẻ bớt khó chịu.
  • Trẻ bị mất nước nhiều có thể cần truyền dịch và bổ sung nước và điện giải.
  • Làm sạch đờm trong phổi với các loại thuốc giảm ho và tiêu đờm theo chỉ định của bác sĩ, có thể kết hợp các biện pháp vật lý như vỗ rung giúp đẩy đờm ra ngoài.
  • Trong một số trường hợp nghiêm trọng, trẻ khó khăn khi hô hấp có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp oxy để duy trì mức oxy cần thiết cho cơ thể, giúp giảm tình trạng khó thở và cải thiện tình trạng sức khỏe.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và điều chỉnh liệu trình điều trị nếu cần thiết.

Viêm phổi thùy ở trẻ em cần dùng tới thuốc kháng sinh, kháng viêm

Viêm phổi thùy ở trẻ em cần dùng tới thuốc kháng sinh, kháng viêm

Biện pháp phòng ngừa viêm phổi thùy ở trẻ em

Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi thùy ở trẻ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

  • Trong thời tiết lạnh, đảm bảo trẻ được giữ ấm, đặc biệt là vùng cổ và ngực, gan bàn chân, tay. Vào mùa hè, cho trẻ mặc đồ thông thoáng để tránh nóng bức.
  • Giữ cho môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với hóa chất, khói bụi và khói thuốc lá.
  • Điều trị kịp thời và triệt để các bệnh lý nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm VA và viêm phế quản.
  • Cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ viêm phổi hoặc viêm phế quản. Việc này giúp điều trị kịp thời và phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để tăng cường đề kháng.
  • Tiêm chủng đầy đủ các mũi vacxin theo khuyến nghị của Bộ Y Tế để phòng bệnh, tăng đề kháng cho trẻ.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc gần với người có biểu hiện bệnh viêm phổi hoặc các bệnh lý về đường hô hấp.
  • Hình thành thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn giúp trẻ hạn chế nguy cơ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để ngăn ngừa viêm phổi thùy ở trẻ em

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để ngăn ngừa viêm phổi thùy ở trẻ em

Các câu hỏi thường gặp

Viêm phổi thùy ở trẻ em có hay tái phát không?

Viêm phổi thùy trẻ em là bệnh lý nhiễm trùng, có thể tái lại nhiều lần. Viêm phổi thùy tái phát có thể dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Cách phòng ngừa viêm phổi thùy cho trẻ bằng vắc-xin như thế nào?

Để bảo vệ trẻ giảm nguy cơ mắc viêm phổi thùy, cha mẹ nên cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo khuyến nghị của Bộ Y Tế, đặc biệt là vắc-xin phế cầu khuẩn và vắc-xin cúm mùa.

Kết luận

Tóm lại, viêm phổi thùy ở trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Hy vọng thông tin bài viết giúp bạn thêm hiểu về bệnh và chủ động phòng tránh hoặc nhận biết và điều trị bệnh sớm, ngăn biến chứng. Hãy liên hệ với PhenikaaMec nếu bạn có thắc mắc gì thêm, hay cần tư vấn, đặt khám qua số hotline bên dưới.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

Nguồn tham khảo:

  • Pediatric pneumonia. StatPearls – NCBI Bookshelf (2023, January 16) - https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK536940/.
  • What are the Stages of Lobar Pneumonia? Healthline (2022, April 29) - https://www.healthline.com/health/pneumonia/pneumonia-stages#symptoms.


right

Chủ đề :