Xẹp đốt sống là tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của cột sống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị hiệu quả, mời bạn tìm hiểu để nắm rõ hơn.
Xẹp đốt sống là gì?
Đây là tình trạng thân đốt sống giảm chiều cao và biến dạng, gây ra các cơn đau nhức dữ dội. Các vị trí thường gặp xẹp đốt sống bao gồm đốt sống cổ, đốt sống ngực và đặc biệt là đốt sống lưng - vùng cột sống chịu trọng lực của cơ thể nhiều nhất.
Đốt sống xẹp là tình trạng thân đốt sống có dấu hiệu xẹp xuống và biến dạng
Triệu chứng của xẹp đốt sống
Xẹp đốt sống có thể diễn tiến âm thầm, không gây ra triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt nào cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng thường thấy như:
- Đau lưng đột ngột.
- Đau tăng lên khi đứng hoặc đi lại, giảm khi nằm nghỉ.
- Gù lưng.
- Giảm chiều cao.
- Giảm khả năng vận động cột sống.
Người bị xẹp đốt sống thường có biểu hiện gù, đau lưng
Nguyên nhân gây bệnh
Xẹp đốt sống có thể do một số nguyên nhân dưới đây:
Loãng xương
Loãng xương làm cho xương trở nên mỏng, yếu và dễ gãy. Đối với những người mắc loãng xương nặng, các hoạt động đơn giản như ho hoặc hắt hơi, cúi xuống để nâng đồ vật hay sau một chấn thương nhẹ đều có thể dẫn đến gãy xương. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây xẹp đốt sống, ở phụ nữ trên 50 tuổi, mãn kinh sớm và nam giới trên 70 tuổi.
Chấn thương
Các chấn thương mạnh khi tai nạn xe, tai nạn sinh hoạt, chơi thể thao hoặc ngã từ trên cao tư thế đập mông xuống đất,... có thể gây gãy đốt sống từ nhẹ đến nghiêm trọng, mặc dù trước đó xương khỏe mạnh.
Nguyên nhân khiến đốt sống xẹp có thể do từng bị gãy xương
Ung thư xương
Ở những người dưới 55 tuổi nếu không có tiền sử chấn thương hoặc chỉ có chấn thương nhẹ thì nguyên nhân gây xẹp đốt sống có thể do ung thư xương. Xương cột sống thường là nơi xuất hiện ung thư di căn xương, gây phá hủy cấu trúc xương, làm cho đốt sống trở nên yếu và dễ bị xẹp.
Đối tượng nguy cơ
Xẹp đốt sống có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, tuy nhiên, người có nguy cơ cao mắc tình trạng này bao gồm:
- Phụ nữ mãn kinh: Phụ nữ mãn kinh thường gặp tình trạng loãng xương tiến triển nhanh do thiếu hụt estrogen.
- Còi xương, suy dinh dưỡng.
- Những người ít vận động, không chơi thể thao có xương kém chắc khỏe.
- Người hay sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá có thể làm giảm sức khỏe của hệ xương.
- Người sử dụng thuốc corticoid đường uống hoặc tiêm kéo dài.
- Người có các bệnh lý về rối loạn nội tiết, bệnh lý xương khớp mạn tính như cường cận giáp, viêm khớp dạng thấp,… có thể dẫn đến loãng xương.
Biến chứng có thể gặp của xẹp đốt sống
Nếu không được điều trị kịp thời, xẹp đốt sống có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
Mất vững đoạn cột sống
Các đốt sống kết nối với nhau để nâng đỡ và hỗ trợ toàn bộ cột sống. Vì vậy, khi xẹp hơn 50% thân đốt sống làm thay đổi góc nghiêng của các đốt sống liền kề, giảm sự ổn định của cột sống và gây ảnh hưởng đến thần kinh, cơ.
Gù cột sống
Đốt sống bị xẹp có thể khiến cột sống cong hơn bình thường, đặc biệt là xẹp ở các đốt sống ngực, dẫn đến gù cột sống. Sự biến dạng này có thể chèn ép các cơ quan như tim, phổi, ruột, gây mệt mỏi, khó thở và chán ăn cho người bệnh.
Cột sống bị cong hơn bình thường khi đốt sống bị xẹp
Chèn ép tủy và dây thần kinh
Xẹp đốt sống nặng có thể làm thu hẹp khoảng trống giữa tủy và ống sống, chèn ép dây thần kinh, chèn ép tủy. Điều này dẫn đến đau liên tục tại vị trí đốt sống bị xẹp, đau lan theo đường đi chi phối cảm giác của dây thần kinh và nguy cơ tổn thương tủy gây yếu, liệt, mất cảm giác ở tay chân, rối loạn cơ tròn.
Phương pháp giúp chẩn đoán xẹp đốt sống
Để chẩn tình trạng xẹp đốt sống, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng như đau lưng, hạn chế cử động và quan sát chiều cao giảm dần của bệnh nhân. Sau đó đưa ra các phương pháp thăm khám cụ thể hơn như:
- X-quang: Cho thấy hình ảnh giảm chiều cao thân đốt sống và đánh giá mức độ biến dạng, thoái hóa cột sống,... dù một số trường hợp có thể không hiển thị rõ ràng. Trong những tình huống này, chụp CT scan hoặc MRI có thể cung cấp thêm thông tin về tình trạng cột sống.
- Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương, loãng xương được chẩn đoán khi chỉ số T-Score ≤ -2,5.
- CT scan: Khi cần đánh giá chi tiết hình ảnh đốt sống như mức độ lún, xẹp, mảnh rời, mất vững,....
- MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết về tổn thương vùng tủy, rễ thần kinh và các mô mềm xung quanh.
Chụp X-quang để chẩn đoán tình hình, mức độ xẹp đốt sống
Cách điều trị bướu cổ
Người bị xẹp đốt sống có thể hoàn toàn hồi phục nếu nguyên nhân được xác định sớm và điều trị đúng cách. Các phương pháp điều trị hiện nay thường được áp dụng bao gồm:
Sử dụng thuốc
Dựa trên nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau hay thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ hoặc thuốc chống loãng xương như các chế phẩm chứa canxi, vitamin D, thuốc ức chế hủy cốt bào (Bisphosphonate), Calcitonin,...
Dùng nẹp lưng
Nẹp lưng giúp nâng đỡ cơ thể và hạn chế cử động tại khu vực bị gãy xương, tương tự như phương pháp bó bột. Tuy nhiên, phương pháp này có thể kéo dài thời gian phục hồi và gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Phẫu thuật
Có hai loại phẫu thuật chính cho xẹp đốt sống, chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả, gồm tạo hình thân đốt sống và phẫu thuật cố định cột sống. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể để lại di chứng và không phải tất cả các trường hợp xẹp đốt sống đều cần phẫu thuật.
Điều trị sau phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật chỉ giải quyết phần ngọn, những biểu hiện của bệnh. Nếu không điều trị nguyên nhân chính gây bệnh sẽ lâm vào vòng xoáy luẩn quẩn, làm tốn kém chi phí và hao tổn sức khoẻ. Do đó, bên cạnh việc xử lý các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, sau phẫu thuật, các bác sĩ còn yêu cầu:
- Điều trị loãng xương.
- Điều trị thông qua các biện pháp về dinh dưỡng.
- Phối hợp các bài tập vật trị liệu, phục hồi chức năng, vận động phù hợp.
Thực hiện vật lý trị liệu khi đốt sống lưng bị xẹp
Một số biện pháp phòng tránh
Phòng ngừa là yếu tố quan trọng để bảo vệ cột sống của bạn khỏi các vấn đề khác nhau. Dưới đây là những khuyến nghị từ các chuyên gia cơ xương khớp để ngăn ngừa xẹp đốt sống:
- Đối với người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện đều đặn. Bổ sung khoáng chất, vitamin D, canxi và các vitamin khác mỗi ngày.
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ giúp phát hiện sớm loãng xương hoặc các bệnh lý cột sống khác để điều trị kịp thời.
- Hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích. Thay đổi lối sống sinh hoạt lành mạnh hơn sẽ giúp bảo vệ xương và giảm nguy cơ xẹp đốt sống.
- Luyện tập thể dục đều đặn với các môn thể thao phù hợp với cơ thể. Nghiên cứu khoa học cho thấy tập thể dục có lợi cho sức khỏe của xương, giúp duy trì sự chắc khỏe của xương.
- Lưu ý khi tham gia giao thông và làm việc, sinh hoạt thường ngày để tránh chấn thương và té ngã.
Bổ sung đầy đủ khoáng chất, canxi giúp hệ xương chắc khỏe để phòng xẹp đốt sống
Các câu hỏi thường gặp
Đốt sống bị xẹp có chữa được không?
Hiện nay xẹp đốt sống có thể được điều trị hiệu quả nhờ sự tiến bộ của y học và trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường. Việc điều trị sớm không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giúp tiết kiệm chi phí, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Đốt sống xẹp có tái phát lại không?
Bệnh vẫn có thể tái phát, đặc biệt nếu nguyên nhân gây bệnh chưa được điều trị triệt để hoặc các yếu tố nguy cơ không được kiểm soát. Để giảm nguy cơ tái phát, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, thay đổi lối sinh hoạt lành mạnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát loãng xương, tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Thời gian điều trị đốt sống xẹp có lâu không?
Thời gian điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và phương pháp điều trị. Ngoài ra quá trình phục hồi cũng phụ thuộc vào việc bệnh nhân tuân thủ các hướng dẫn điều trị, chăm sóc cũng như lối sống.
Kết luận
Xẹp đốt sống gây ra biến chứng về sức khỏe, ngoại hình nghiêm trọng. Việc phát hiện các dấu hiệu bệnh càng sớm sẽ càng giúp người bệnh điều trị hiệu quả. Nếu nghi ngờ các dấu hiệu bệnh hãy tới ngay Bệnh viện Đại học Phenikaa để được thăm khám, điều trị sớm nhất.