Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:
Thiếu máu, thiếu hồng cầu là tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để cung cấp oxy cho các mô và cơ quan, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, da nhợt nhạt, khó thở khi hoạt động, chóng mặt và đau đầu. Trẻ bị thiếu máu dễ cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hoạt động học tập, vui chơi hàng ngày.
Để tăng hồng cầu và cải thiện tình trạng thiếu máu, chế độ ăn uống nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt, như thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu), gan động vật và hải sản (cá, ngao). Ngoài ra, các loại đậu, hạt, rau xanh đậm (như cải bó xôi, bông cải xanh,...) cũng là nguồn cung cấp sắt dồi dào.
Bên cạnh đó, vitamin C từ trái cây như cam, kiwi và dâu tây giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm. Ngoài sắt, bạn cũng cần bổ sung vitamin B12 và folate, đồng và vitamin A để hỗ trợ cơ thể sản xuất hồng cầu. Các thực phẩm như trứng, sữa, gan bò, các loại ngũ cốc nguyên hạt và nhiều loại rau xanh, trái cây giúp cung cấp đủ các vitamin này. Đừng quên nhắc nhở bé uống đủ nước và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, cải thiện tình trạng của bé hiệu quả.
Thiếu hồng cầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt, vitamin B12 và folate, vitamin C
Ngoài giải đáp cho thắc mắc cho vấn đề ăn gì để tăng hồng cầu của bạn, chúng tôi cũng muốn lưu ý thêm với bạn một số thông tin liên quan tới tình trạng thiếu hồng cầu bé gặp phải dưới đây, mời bạn tham khảo:
Nguyên nhân chính gây thiếu hồng cầu là gì?
Tế bào hồng cầu (hồng cầu) là thành phần chính trong máu, chiếm số lượng lớn nhất. Chúng chứa hemoglobin, một protein quan trọng giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và tế bào trong cơ thể, đồng thời tạo nên sắc tố đỏ của máu. Nếu cơ thể không nhận đủ dinh dưỡng thiết yếu, hồng cầu mới có thể bị đột biến hoặc chết sớm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt.
Chỉ số hồng cầu trung bình ở trẻ em dao động từ 4,1 - 5,5 G/L với trẻ từ 1 – 12 tuổi và là 5 triệu tế bào hồng cầu/mm³ máu với trẻ sơ sinh, ở người lớn trưởng thành là 3,8 - 4,2 G/L. Thiếu hồng cầu có thể gây ra tình trạng thiếu máu, khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xanh xao và tăng nhịp tim. Một số nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số hồng cầu thấp bao gồm:
- Chế độ ăn uống không đầy đủ, thiếu dinh dưỡng.
- Sau ốm, phẫu thuật, tai nạn,... bị mất máu. Với phụ nữ thường sau kỳ kinh nguyệt dễ gặp tình trạng này.
- Yếu tố di truyền: Một số trường hợp thiếu hồng cầu có thể liên quan đến các yếu tố di truyền.
Thiếu hồng cầu chủ yếu bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng
Bị thiếu hồng cầu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Thiếu hồng cầu ở trẻ 8 tuổi không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí não mà còn gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số ảnh hưởng nguy hiểm có thể xảy ra:
- Thiếu hồng cầu làm giảm khả năng cung cấp oxy cho các mô và cơ quan, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, yếu sức và giảm khả năng hoạt động thể chất.
- Thiếu hồng cầu có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
- Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phát triển thể chất và trí tuệ, ảnh hưởng đến khả năng học tập và sinh hoạt hàng ngày.
- Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu.
Thiếu hồng cầu ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ
Có thể dùng thuốc gì để điều trị thiếu hồng cầu không?
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, nếu nghi ngờ có triệu chứng thiếu hồng cầu, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tùy tình trạng và nguyên nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung dinh dưỡng hoặc cần đến thuốc điều trị. Các sản phẩm bổ sung thường được khuyên dùng với người bị thiếu hồng cầu bao gồm:
- Thuốc bổ sung sắt: Bác sĩ có thể chỉ định các dạng sắt như sắt sunfat hoặc sắt gluconat để cải thiện tình trạng thiếu máu.
- Vitamin B12: Thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu hồng cầu to. Bác sĩ có thể kê đơn vitamin B12 dưới dạng tiêm hoặc viên nén để kích thích sản xuất tế bào máu.
- Acid folic: Bổ sung acid folic giúp sản xuất hồng cầu và quá trình sử dụng thường kéo dài khoảng 4 tháng.
- Erythropoietin (EPO): Hormone này kích thích sản xuất hồng cầu. Nếu cơ thể không sản xuất đủ EPO, bác sĩ có thể chỉ định thuốc tổng hợp dạng tiêm để cải thiện tình trạng thiếu máu.
Khi sử dụng thuốc điều trị thiếu máu, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: Tiêu chảy, táo bón, nôn mửa, tăng nguy cơ đông máu và các biến chứng tim mạch. Do đó, việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua và sử dụng.
Việc dùng thuốc trị thiếu hồng cầu cần theo chỉ định bác sĩ, không nên tự ý sử dụng
Các phương pháp khác điều trị thiếu máu, thiếu hồng cầu
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh thiếu máu, thiếu hồng cầu có thể áp dụng một số phương pháp điều trị bổ sung dưới đây theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện vấn đề:
- Liệu pháp sắt: Chỉ định tiêm sắt tĩnh mạch giúp tăng nhanh nồng độ sắt trong máu, đặc biệt cho những bệnh nhân thiếu máu nghiêm trọng hoặc mắc bệnh mãn tính như bệnh celiac. Liều lượng tiêm tĩnh mạch sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân.
- Truyền máu: Đây là phương pháp cần thiết khi người bệnh mất máu nhiều do chấn thương, sinh con hoặc phẫu thuật.
- Ghép tủy xương: Ghép tủy xương được sử dụng để cấy ghép tế bào gốc từ tủy xương nhằm sản xuất các tế bào máu mới. Phương pháp này thường được áp dụng cho những trường hợp thiếu máu bất sản nặng, thalassemia hoặc bệnh lý liên quan đến tủy xương.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Điều chỉnh khẩu phần ăn để bổ sung thực phẩm giàu sắt, vitamin C, vitamin B và acid folic có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, hỗ trợ quá trình sản xuất hồng cầu.
Thiếu hồng cầu có thể cần can thiệp truyền máu, tiêm sắt tĩnh mạch,... để cải thiện triệu chứng
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp về ăn gì để tăng hồng cầu cũng như những thông tin liên quan giúp bạn hiểu rõ về tình trạng bé đang gặp phải. Nếu bé gặp bất cứ vấn đề gì về thiếu máu, thiếu hồng cầu bạn có thể đặt lịch cho bé thăm khám tại Bệnh viện Đại học Phenikaa..
Nơi đây quy tụ đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, trang thiết bị máy móc tân tiến. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn còn thắc mắc khác hay cần tư vấn sức khỏe cho gia đình để được hỗ trợ nhanh chóng.