Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:
Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm ở amidan nằm trong khoang họng. Nguyên nhân gây bệnh hàng đầu do virus sau đó là vi khuẩn với các triệu chứng điển hình như đau họng, khó nuốt, sốt và sưng amidan. Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trẻ em.
Thời gian hồi phục khi bé bị viêm amidan còn phụ thuộc vào tình trạng của bé. Viêm amidan do virus thường cần 7–10 ngày mới hồi phục, hết sốt. Viêm amidan do vi khuẩn (liên cầu khuẩn) cần dùng kháng sinh điều trị, bệnh sẽ đỡ sau 2 – 4 ngày, khỏi bệnh sau 7 – 10 ngày khi dùng đúng liệu trình thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Nếu triệu chứng sốt kéo dài hơn 7 ngày hay có dấu hiệu nghiêm trọng hơn (khó thở, sốt cao), bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Viêm amidan tùy nguyên nhân và cách điều trị cần từ 7 – 10 ngày mới khỏi bệnh
Các bác sĩ đã giải đáp cho bạn về thắc mắc bé bị viêm amidan bao lâu thì khỏi. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh và biết cách chăm sóc bé tại nhà đúng cách, hỗ trợ rút ngắn thời gian hồi phục, mời bạn tham khảo những thông tin liên quan dưới đây:
Nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm amidan là gì?
Viêm amidan ở trẻ là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại amidan, thường gây ra đau, sưng và đỏ, kèm theo sốt nóng, hơi thở có mùi,... khiến trẻ khó nuốt, biếng ăn, mệt mỏi. Đây là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn yếu, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và virus. Các nguyên nhân chính gây viêm amidan ở trẻ bao gồm:
- Virus: Các virus như adenovirus, coronavirus và virus cảm cúm thường là nguyên nhân chính bệnh.
- Vi khuẩn: Vi khuẩn Streptococcus nhóm A là nguyên nhân phổ biến, chiếm tới 30% trường hợp.
- Các vi khuẩn khác có thể gây bệnh như vi khuẩn ho gà, chlamydia, pneumoniae, mycoplasma,...
Các yếu tố khiến hệ miễn dịch trẻ suy yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ phải kể đến như:
- 6 tháng đầu trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ gây suy giảm miễn dịch.
- Thời tiết lạnh và bé không được giữ ấm đúng cách.
- Tiếp xúc gần và lây nhiễm vi khuẩn từ người mắc bệnh hô hấp.
- Vệ sinh cá nhân kém, đặc biệt là vùng miệng và họng.
- Ăn uống thiếu chất.
- Trẻ có thói quen như mút tay, ngậm cắn đồ chơi, không thường xuyên rửa tay,...
Viêm Amidan dễ xảy ra do virus, vi khuẩn tấn công
Có những cách nào để điều trị viêm amidan ở trẻ nhỏ?
Viêm amidan là bệnh lý thường gặp với trẻ nhỏ và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng tái phát nhiều lần hay có dấu hiệu trầm trọng, cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, ngăn tái phát. Phương pháp điều trị viêm amidan cụ thể như sau:
Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
Nếu viêm amidan do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh kết hợp các loại thuốc như giảm đau, kháng viêm,... để giảm triệu chứng cho bé khi mắc bệnh. Cha mẹ cần lưu ý cho bé uống thuốc đúng với liều lượng, loại thuốc và thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.
Áp dụng các bài thuốc dân gian
Cha mẹ cũng có thể kết hợp với một số phương pháp dưới đây bên cạnh liệu trình điều trị nội khoa để giúp bé nhanh hồi phục:
- Súc miệng với nước muối ấm nhiều lần trong ngày giúp làm dịu cổ họng.
- Uống thêm nước gừng và mật ong, các loại siro thảo dược để giảm triệu chứng khó chịu ở cổ họng.
Điều trị ngoại khoa (Phẫu thuật)
Phẫu thuật cắt amidan được xem là giải pháp điều trị dứt điểm nếu viêm amidan tái phát nhiều lần ở trẻ hoặc có biến chứng như khó thở, khó nuốt, áp xe, không đáp ứng với điều trị kháng sinh. Phẫu thuật giúp loại bỏ ổ viêm nhanh chóng, hạn chế bệnh tái phát và cải thiện sức khỏe đường hô hấp cho trẻ hiệu quả.
Viêm amidan tái phát hay có dấu hiệu áp xe nên can thiệp phẫu thuật cắt amidan
Cách chăm sóc trẻ viêm amidan tại nhà rút ngắn thời gian hồi phục
Nếu phát hiện sớm và triệu chứng nhẹ, viêm amidan có thể được điều trị tại nhà. Dưới đây là một số cách hiệu quả để chăm sóc bé giúp giảm triệu chứng:
- Uống nhiều nước ấm để làm dịu cổ họng và giúp bảo vệ amidan.
- Chọn thực phẩm mềm lỏng, nấu nhừ như cháo, súp,... để trẻ dễ ăn, dễ nuốt, giảm kích ứng cổ họng.
- Súc miệng với nước muối ấm nhiều lần trong ngày để sát khuẩn và kháng viêm, giảm ngứa họng. Hướng dẫn trẻ nhỏ súc và nhổ nước muối ra mà không nuốt.
- Tránh ăn thực phẩm cứng, thô như bánh quy, kẹo bánh ngọt cứng, khoai tây chiên, hạt ngũ cốc,... vì chúng có thể làm tổn thương vùng amidan đang bị viêm.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm cảm giác đau và ngứa họng. Điều này đặc biệt quan trọng trong mùa khô.
- Giảm thiểu việc nói chuyện với bé đang bị bệnh giúp vùng họng được nghỉ ngơi và giảm kích thích.
- Nếu triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên nặng hơn, nên thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Tránh tự ý dùng thuốc không có chỉ định.
Viêm amidan có thể điều trị tại nhà với trường hợp nhẹ
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc Bé bị viêm amidan bao lâu thì khỏi cũng như những thông tin liên quan khác giúp bạn biết cách điều trị, chăm sóc bé tại nhà. Bạn muốn kiểm tra kỹ lưỡng sức khỏe cho con có thể tham khảo Bệnh viện Đại học Phenikaa. Bệnh viện sở hữu đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tân tiến, hỗ trợ thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về sức khỏe, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng.