Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:
Khớp kêu lục cục là hiện tượng các khớp như khớp gối, khớp vai, hoặc khớp háng, khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp cột sống… phát ra những âm thanh lạ khi thực hiện vận động như đi bộ, lên xuống cầu thang, chuyển tư thế đứng - ngồi, chơi thể thao…
Âm thanh lục cục phát ra từ khớp có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, tổn thương mô liên kết hoặc nhiều vấn đề sức khỏe khác. Để xác định nguyên nhân chính xác và cách điều trị, bạn nên đưa mẹ đi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm để y bác sĩ chuyên môn chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp và tốt nhất.
Các khớp xương kêu lục cục có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý xương khớp ở người già
Chúng tôi đã giải đáp cho bạn về thắc mắc các khớp xương kêu lục cục là bệnh gì. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và biết cách phòng ngừa và điều trị mời bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan dưới đây:
Nguyên nhân gây khớp xương kêu lục cục là gì?
Khớp là vị trí trí liên kết giữa hai hoặc nhiều xương, các khớp được phân loại theo cấu trúc và chức năng, trong đó khớp hoạt dịch là loại khớp động, chứa chất hoạt dịch trong ổ khớp, giúp cho khớp vận động linh hoạt, trơn tru.
Âm thanh lục cục phát ra từ khớp có thể do thay đổi áp lực đột ngột như đứng lên, ngồi xuống… dẫn đến kéo căng bao hoạt dịch hoặc đè nén bóng khí, hệ thống dây chằng, phần mềm quanh khớp. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt khi có các triệu chứng khác kèm theo. Một số nguyên nhân thường gặp:
- Thoái hóa khớp: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, thường xảy ra do quá trình lão hóa, làm giảm sụn khớp và tăng ma sát giữa các đầu xương.
- Thiếu dịch khớp: Hay còn gọi là “khô khớp”, khiến các đầu sụn ma sát với nhau, tạo ra âm thanh lục cục.
- Chấn thương: Do chơi thể thao, tai nạn, va đập mạnh vào xương khớp.
- Các bệnh lý khớp viêm: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…. hoặc trong viêm khớp nhiễm khuẩn.
- U sụn màng hoạt dịch: Là một dạng dị sản lành tính của bao hoạt dịch trong đó các tế bào liên kết có khả năng tự tạo sụn, người bệnh có thể có dấu hiệu kẹt khớp.
Để xác định chính xác nguyên nhân và điều trị hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Các khớp xương kêu lục cục có thể dấu hiệu bất thường của nhiều bệnh lý xương khớp
Các cách cải thiện chứng khớp xương kêu lục cục
Khớp gối kêu lục cục có thể là dấu hiệu thoái hóa khớp hoặc biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe. Người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thoái hóa khớp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh:
Giảm đau tại nhà
Khi khớp gối phát ra tiếng kêu lục cục nhẹ, việc đầu tiên người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, vận động để giảm áp lực lên khớp. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp sau để cải thiện các triệu chứng khó chịu, giảm đau:
- Chườm lạnh: Sử dụng đá bọc trong khăn để chườm lên vùng khớp đau trong 15-20 phút để giảm đau và sưng.
- Chườm nóng: Sau giai đoạn sưng, chườm nóng giúp tăng tuần hoàn máu và giảm cảm giác cứng khớp. Bạn có thể sử dụng túi nước ấm hoặc khăn vải ấm để thực hiện.
Sử dụng thuốc
Nếu tình trạng đau nhức nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ chuyên khoa để giảm triệu chứng. Một số loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân gồm có:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc như Acetaminophen (Paracetamol) giúp giảm đau nhẹ đến vừa.
- Kháng viêm không steroid (NSAIDs): Giảm đau, chống viêm, tuy nhiên nhóm thuốc này có nhiều chống chỉ định và thận trọng, do đó cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.
- Các thuốc chống thoái hóa khớp: Glucosamin, diacerin….
Tiêm nội khớp bằng steroid
Trong trường hợp tình trạng sưng đau trở nên nặng nề và sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm không cải thiện triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid vào khớp bệnh nhân. Lưu ý: Phương pháp này cần chỉ đinh và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để tránh các tác dụng phụ không mong muốn đặc biệt là nhiễm trùng khớp, phần mềm
Dùng thuốc uống và tiêm theo chỉ định bác sĩ để cải thiện các khớp xương kêu lục cục
Tiêm "dịch nhờn" vào khớp gối
Bác sĩ có thể xem xét việc tiêm dịch nhờn (hyaluronic acid) vào khớp gối giúp bôi trơn khớp, giảm ma sát và cải thiện độ linh hoạt, từ đó giảm tiếng kêu lục cục khi vận động cho bệnh nhân.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) vào khớp gối
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP -Platelet Rich Plasma) tự thân là chế phẩm được tách từ chính máu của người bệnh, với hàm lượng tiểu cầu cao gấp nhiều lần bình thường, bao gồm các yếu tố tăng trưởng như PDGF, VEGF, IGF...giúp tăng sinh tế bào, tăng tạo collagen giúp phục hồi tổn thương.
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu tự thân đã và đang chứng minh ưu điểm vượt trội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các bệnh cơ xương khớp, mở ra một hướng mới để điều trị thoái hóa khớp và các bệnh lý phần mềm quanh khớp. Đây là biện pháp điều trị bảo tồn, giảm đau, cải thiện triệu chứng, đặc biệt có thể phục hồi sụn khớp, gân một cách sinh lý mà hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn.
Trị liệu vật lý phục hồi chức năng
Chương trình vật lý trị liệu giúp khôi phục chức năng khớp xương và tăng cường sức mạnh cơ bắp cho bệnh nhân. Các chuyên gia, chuyên viên sẽ thiết kế bài tập cá nhân hóa để tăng cường cơ bắp quanh khớp, giúp cải thiện linh hoạt và giảm tiếng kêu cho người bệnh và yêu cầu họ thường xuyên tập luyện tại nhà.
Phẫu thuật
Với trường hợp nặng, khi các phương pháp điều trị bảo tồn và hỗ trợ không mang lại hiệu quả và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm phẫu thuật nội soi khớp để làm sạch hoặc sửa chữa tổn thương bên trong khớphoặc thay khớp nhân tạo.
Các khớp xương kêu lục cục tình trạng nặng có thể cần can thiệp phẫu thuật
Có thể phòng tránh các khớp xương kêu lục cục không?
Để phòng tránh, giảm thiểu triệu chứng khớp xương kêu lục cục, mọi người nên áp dụng một số biện pháp dưới đây:
Xây dựng chế độ ăn uống đủ dưỡng chất
- Thực phẩm giàu canxi: Sữa, sữa chua, phô mai và các loại rau xanh như cải bó xôi, bông cải xanh.
- Vitamin D: Các loại cá béo như cá hồi và ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin D.
Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe xương khớp, bạn có thể sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung chứa các thành phần có lợi cho khớp như glucosamine, chondroitin, và omega-3.
Giữ cân nặng hợp lý
Thừa cân và béo phì có thể tạo áp lực lớn lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, từ đó gây sưng viêm, thoái hóa. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe tổng thể và kiểm soát cân nặng phù hợp.
Tập thể dục cũng góp phần cải thiện tình trạng các khớp xương kêu lục cục
Tập thể dục đều đặn
Vận động thường xuyên giúp duy trì sự linh hoạt và sức khỏe của khớp. Bạn có thể chọn các môn thể thao phù hợp thể trạng như: Bơi lội, Yoga, đạp xe,...
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi và tái tạo các mô. Bạn dù bận rộn đến đâu cũng nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức để cơ thể được thư giãn.
Tránh vận động sai tư thế
Để tránh tổn thương khớp, bạn cần lưu ý tránh mang vác nặng. Đồng thời cần chú ý nằm hay đứng/ngồi đúng tư thế để bảo vệ sức khỏe khớp và cơ.
Người bị các khớp xương kêu lục cục nên tăng cường nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, sai tư thế
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp về thắc mắc các khớp xương kêu lục cục là bệnh gì cũng như những thông tin liên quan khác về nguyên nhân, cách chữa trị và phòng ngừa. Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng mẹ bạn gặp phải và đồng hành cùng bà để cải thiện bệnh hiệu quả.
Để có liệu trình điều trị phù hợp và hiệu quả, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn chi tiết. Bạn có thể tham khảo Bệnh viện Đại học Phenikaa với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tân tiến, liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng.