Carcinoma là ung thư gì?

banner
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile
questionKhách hàng: Hoàng Thu Thủy
calendarĐã hỏi: 10/01/2025
Chào bác sĩ, cháu muốn hỏi về ung thư Carcinoma vì gần đây cháu được mẹ bảo ông có nguy cơ mắc phải bệnh này. Bác sĩ có thể giải thích cho cháu biết Carcinoma là ung thư gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe không ạ?
calendarĐã trả lời: 22/01/2025

Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:

Carcinoma là thuật ngữ y học dùng để chỉ nhóm bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào biểu mô - những tế bào bao phủ bề mặt cơ thể và lót bên trong các cơ quan, tuyến hoặc khoang cơ thể. Đây là nhóm ung thư phổ biến nhất, chiếm 80 - 90% các trường hợp, sự thường gặp này có thể được lí giải do 3 nguyên nhân chính:

  • Diện tích lớn và phân bố rộng: Biểu mô bao phủ nhiều cơ quan trong cơ thể (da, niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục, …), làm tăng xác suất phát sinh carcinoma so với các loại ung thư khác.
  • Chịu tác động trực tiếp từ các tác nhân gây sinh ung thư do tế bào biểu mô phủ bên ngoài cơ thể và lót bề mặt mô, cơ quan,...  Ví dụ, tia UV tiếp xúc trực tiếp biểu mô da, khói thuốc lá tiếp xúc trực tiếp biểu mô đường hô hấp, các hóa chất bảo quản trong thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với biểu mô đường tiêu hóa
  • Tốc độ phân chia nhanh: Tế bào biểu mô có tốc độ phân chia nhanh để tái tạo và sửa chữa mô bị tổn thương (ví dụ như da liên tục tái tạo, niêm mạc tiêu hóa thay đổi hàng ngày,…)

Dựa trên loại tế bào biểu mô phát sinh ung thư, có thể phân chia thành 5 loại ung thư biểu mô: Ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp, ung thư biểu mô không biệt hóa.

carcinoma-la-nhom-benh-ung-thu-phat-sinh-tu-cac-te-bao-bieu-mo

Carcinoma là nhóm bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào biểu mô

Trên đây, chúng tôi đã giải đáp về thắc mắc Carcinoma là ung thư gì hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ về bệnh của ông. Để hiểu thêm bệnh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và cách điều trị, chăm sóc, mời bạn tham khảo thêm thông tin liên quan qua những chia sẻ dưới đây:

Triệu chứng của ung thư biểu mô (Carcinoma) là gì?

Triệu chứng của ung thư biểu mô rất đa dạng. Tuy nhiên, thường biểu hiện bằng các triệu chứng toàn thân (không đặc hiệu) trong ung thư và các triệu tại chỗ phụ thuộc vào vị trí khối u:

Triệu chứng toàn thân (triệu chứng chung trong ung thư)

  • Mệt mỏi kéo dài: Cơ thể luôn cảm thấy kiệt sức, thiếu năng lượng, dù đã nghỉ ngơi đầy đủ vẫn không cải thiện.
  • Chán ăn hoặc thay đổi khẩu vị: Mất cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi vị giác.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Giảm cân nhanh chóng mà không liên quan đến thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, hoặc các lý do khác.
  • Đau kéo dài: Đau mơ hồ, không rõ nguyên nhân hoặc đau khu trú tại vùng cơ thể có khối u. Đôi khi, đau không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.
  • Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân: Sốt nhẹ, tái phát thường xuyên mà không tìm được nguyên nhân nhiễm trùng rõ ràng, có thể liên quan đến phản ứng viêm của cơ thể trước sự phát triển của khối u.

sot-keo-dai-khong-ro-nguyen-nhan-la-trieu-chung-thuong-thay-cua-ung-thu

Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân là triệu chứng thường thấy của ung thư 

Triệu chứng theo vị trí khối u

  • Ung thư biểu mô ở da:  các tổn thương ở da lâu lành (vết loét, mảng đỏ, nốt sần sùi), dễ chảy máu
  • Ung thư biểu mô ở đầu-cổ: đau họng kéo dài, khó nuốt, giọng khàn, ù tai, hoặc sờ thấy u ở cổ,...
  • Ung thư biểu mô ở phổi: ho dai dẳng, ho máu, đau ngực, khó thở
  • Ung thư biểu mô ở thực quản: nuốt nghẹn, nuốt đau
  • Ung thư biểu mô ở dạ dày: đau bụng trên rốn không có tính chu kỳ, nhịp điệu, bụng chướng, ăn nhanh no, buồn nôn, nôn máu, đại tiện phân đen
  • Ung thư biểu mô ở đại trực tràng: đau bụng dọc khung đại tràng, thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy và/hoặc táo bón thất thường, kéo dài, phân nhầy máu, phân dẹt hình lá lúa. Ở giai đoạn muộn hơn có thể sờ thấy khối u trên thành bụng, biểu hiện biến chứng tắc ruột, …
  • Ung thư biểu mô ở cổ tử cung: ra máu âm đạo bất thường (ra máu sau khi quan hệ, giữa các chu kỳ kinh, sau mãn kinh), khí hư bất thường, đau vùng chậu, đau, khó chịu khi quan hệ
  • Ung thư biểu mô ở tuyến vú: có thể tự sờ thấy u ở vú, ở nách, đau hoặc khó chịu ở vú, chảy dịch núm vú bất thường, có kéo núm vú
  • Ung thư biểu mô ở tuyến tiền liệt: các triệu chứng gần giống với tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, biểu hiện rối loạn tiểu tiện như tiểu khó, tiểu rắt, tiểu tăng lần về đêm, cảm giác tiểu không hết, có thể xuất hiện tiểu máu, đau hạ vị, đau xương vùng chậu, đau khi xuất tinh,…

Nguyên nhân chính gây ung thư Carcinoma là gì?

Ung thư hình thành do sự tích lũy các đột biến gen trong tế bào, khiến chúng phát triển và phân chia không kiểm soát, mất khả năng chết theo chương trình, xâm lấn các mô lân cận và di căn. Những đột biến này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Một số người có thể mang đột biến gen dễ bị ung thư do di truyền từ cha mẹ, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư trong suốt cuộc đời.
  • Hóa chất gây ung thư: Tiếp xúc với các chất như Amiăng, Benzen, Asen formaldehyde,  hóa chất trong công nghiệp,….
  • Khói thuốc lá: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi và nhiều loại ung thư khác. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 70 hóa chất có thể gây ung thư.
  • Bức xạ ion hóa: Có khả năng gây tổn thương DNA trong tế bào và làm tăng nguy cơ ung thư. Các nguồn bức xạ ion hóa bao gồm tia X, tia gamma, và các hạt phóng xạ từ môi trường hoặc y học.
  • Tiếp xúc với tia cực tím (UV): Ánh nắng mặt trời là nguồn tia cực tím chính, có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.
  • Nhiễm trùng: Một số loại virus, vi khuẩn có thể gây ung thư như Virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra ung thư cổ tử cung và tăng nguy cơ ung thư vòm họng, hậu môn, dương vật, âm hộ; Virus HBV (Hepatitis B virus) và HCV (Hepatitis C virus) gây ra ung thư biểu mô tế bào gan (HCC); Virus Epstein-Barr (EBV) liên quan ung thư vòm họng và lympho; Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) liên quan đến ung thư dạ dày.... 
  • Bệnh lý mãn tính: Các bệnh mãn tính làm tăng nguy cơ ung thư qua cơ chế viêm và tổn thương tế bào liên tục. Một số bệnh lý như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, xơ gan, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và Barrett thực quản, bệnh phổi mãn tính (COPD, viêm phổi kẽ),... 
  • Tuổi tác: Tuổi cao là một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thưdo sự tích tụ của các đột biến gen theo thời gian.

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh cũng là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ như:

  • Tiêu  thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và dầu mỡ, chế độ ăn nhiều đường, muối.
  • Sử dụng rượu bia quá mức
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì, ít vận động

thoi-quen-song-va-che-do-an-uong-khong-lanh-manh-se-tang-nguy-co-mac-ung-thu

Thói quen sống và chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư

Các phương pháp điều trị ung thư Carcinoma?

Việc điều trị ung thư biểu mô (Carcinoma) sẽ phụ thuộc vào vị trí, kích thước khối u, giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của từng người bệnh. Các phương pháp điều trị thường áp dụng, bao gồm:

Hóa trị (Chemotherapy)

Là phương pháp điều trị sử dụng các thuốc hóa chất gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị là liệu pháp điều trị toàn thân, do đó có thể tác động lên các tế bào ung thư ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể.

Xạ trị (Radiation Therapy)

Là phương pháp điều trị tại chỗ, bằng cách sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển. Xạ trị có thể được sử dụng đồng thời với hóa trị nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, sử dụng bổ trợ trước hoặc sau phẫu thuật hoặc có thể sử dụng như phương pháp chính nếu khối u không thể phẫu thuật.

Phẫu thuật (Surgery)

Phẫu thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn khối u và các mô xung quanh để đảm bảo không còn tế bào ung thư.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Là phương pháp điều trị ung thư hiện đại, sử dụng các thuốc hoặc phân tử đặc hiệu để tấn công trực tiếp vào các yếu tố bất thường của tế bào ung thư như protein, thụ thể, hoặc gen. Phương pháp này giúp ngăn chặn sự phát triển, phân chia hoặc lan rộng của khối u, đồng thời giảm thiểu tác động đến tế bào bình thường.

Liệu pháp miễn dịch

Hoạt động bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, chủ động phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư. Hoặc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và đưa vào cơ thể người bệnh các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại ung thư.

Kết luận

Trên đây là những thông tin giải đáp về thắc mắc Carcinoma là ung thư gì cũng như những thông tin liên quan khác, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ về tình trạng bệnh mà ông bạn đang mắc phải. Ung thư biểu mô có khả năng được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nếu được can thiệp kịp thời.

Gia đình bạn đang tìm kiếm địa chỉ y tế giúp ông chăm sóc, điều trị bệnh có thể tham khảo Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tân tiến, ông bạn sẽ được xét nghiệm, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh để được điều trị với phương pháp phù hợp, hiệu quả nhất. Nếu bạn cần tư vấn, giải đáp thắc mắc về sức khỏe các thành viên gia đình, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng.

 

calendar

22/01/2025

right

Chủ đề :

Đặt câu hỏi với chuyên gia

Họ và tên *
Tuổi *
Số điện thoại *
Email *
Chọn chuyên khoa *
Câu hỏi *
Mọi thắc mắc của quý khách sẽ được chuyên gia của chúng tôi giải đáp kịp thời và tận tâm nhất.