Chào bạn Long! Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đến chuyên mục giải đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với câu hỏi của bạn về đái tháo đường tuýp 2 là mấy phẩy, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Theo phương pháp xét nghiệm đường máu lúc đói, bạn thực hiện đo chỉ số đường máu vào lúc đói, không ăn bất kỳ thực phẩm nào trong vòng 8 tiếng. Nếu kết là trên 126mg/dl (trên 7mmol/l hay 7 phẩy) – đây là chỉ số cho thấy bạn đang bị đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác, bạn cần thực hiện đo liên tiếp 2 lần, bởi đôi khi kết quả này sẽ có sự sai số.
Đái tháo đường tuýp 2 là 7 phẩy (7mmol hoặc 126mg/dl)
Ngoài ra, nếu kết quả đo lúc đói đạt từ khoảng 5,6 – 6,9mmol/L, tức là bạn đang ở giai đoạn đường máu bị rối loạn khi đói hoặc có nguy cơ thuộc giai đoạn tiền đái tháo đường. Dù ở mức nào, bạn cũng cần đến cơ sở y tế để thăm khám và có lộ trình điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đo chỉ số đường máu theo phương pháp HbA1C (xét nghiệm huyết sắc tố). Đây là xét nghiệm máu dùng để kiểm tra lượng glucose gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu. Người mắc đái tháo đường hoặc các bệnh làm tăng lượng đường trong máu sẽ có lượng glucose gắn với hemoglobin nhiều hơn.
Bản chất của xét nghiệm HbA1c chính là xác định nồng độ phần trăm hemoglobin bị glycosyl trong tổng số hemoglobin để đánh giá nồng độ glucose trong máu trong khoảng thời gian 2 - 4 tháng trước đó. Cụ thể:
- Chỉ số HbA1c trên 6.5% được chẩn đoán là mắc đái tháo đường.
- Chỉ số HbA1c dưới 5,7% được chẩn đoán là bình thường.
Để hiểu rõ hơn về tình trạng đái tháo đường tuýp 2 bạn có thể tham khảo thêm một vài nội dung dưới đây:
Đối tượng nào có nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2?
Những người có yếu tố nguy cơ cao dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường nằm trong các nhóm đặc thù sau đây:
- Tuổi tác: Người trên 45 tuổi có nguy cơ cao hơn, do theo thời gian khả năng điều hòa đường máu trong cơ thể có xu hướng giảm.
- Chỉ số khối cơ thể (BMI): Người có BMI từ 23 trở lên, đặc biệt là những người bị thừa cân hoặc béo phì, dễ mắc bệnh hơn do ảnh hưởng đến sự điều tiết insulin.
- Huyết áp cao: Những người có huyết áp tâm thu từ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 85mmHg trở lên thường gặp khó khăn trong việc duy trì đường máu ổn định, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình trực hệ (bố, mẹ, anh, chị em ruột hoặc con ruột) đã mắc đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc cao hơn do yếu tố di truyền.
- Tiền sử bệnh lý liên quan: Những người từng được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa hoặc ở giai đoạn tiền đái tháo đường đều thuộc nhóm nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2.
- Phụ nữ có tiền sử thai nghén đặc biệt: Các trường hợp như đái tháo đường thai kỳ, sinh con có cân nặng trên 4000 gam hoặc có tiền sử sảy thai tự nhiên nhiều lần hoặc thai chết lưu đều có khả năng mắc đái tháo đường type 2 cao hơn.
- Rối loạn lipid máu: Người có mức HDL-C dưới 0,9mmol/l hoặc triglycerid trên 2,2mmol/l thường dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2 do ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và cân bằng đường máu trong cơ thể.
Người bị béo phì có nguy cơ cao sẽ bị đái tháo đường tuýp 2
Những yếu tố trên đều làm tăng khả năng phát triển bệnh đái tháo đường type 2 và cần được chú ý theo dõi và kiểm soát để phòng ngừa bệnh.
Dấu hiệu nào cho thấy cần thực hiện chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2?
Nếu bạn gặp phải những triệu chứng sau đây, có thể bạn cần thực hiện chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2 để phát hiện và điều trị kịp thời:
- Tiểu nhiều vào đêm.
- Hay khát nước.
- Mệt mỏi.
- Mờ mắt.
- Thèm đồ ngọt.
- Cân nặng bị sụt nhanh không biết do đâu.
- Tê bì tay chân.
- Vết thương hở chậm lành.
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 2, vì vậy nếu bạn gặp một hoặc nhiều triệu chứng trên, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ để kiểm tra và nhận được sự tư vấn cần thiết.
Đi tiểu nhiều vào ban đêm có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường tuýp 2
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường tuýp 2
Nguyên nhân gây đái tháo đường type 2 chủ yếu do hai yếu tố thiếu hụt insulin và kháng insulin (cơ thể giảm đáp ứng với insulin). Ở người bị đái tháo đường, do cơ thể không thể vận chuyển đường từ máu vào tế bào, từ đó khiến đường máu tăng cao liên tục. Ngoài ra, đái tháo đường tuýp 2 còn do các yếu tố nguy cơ bao gồm di truyền, tuổi tác, ít vận động, thừa cân, đặc biệt là khi mỡ tập trung ở vùng bụng, làm tăng kháng insulin.
Bệnh thường phát triển âm thầm, triệu chứng ban đầu không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua nhưng biến chứng có thể đã tiến triển. Mặc dù thay đổi lối sống như giảm cân, tăng cường vận động và điều chỉnh chế độ ăn có thể cải thiện bệnh nhưng đái tháo đường type 2 rất khó chữa khỏi hoàn toàn.
Làm sao để phòng tránh đái tháo đường tuýp 2?
Hiểu rõ chỉ số đái tháo đường tuýp 2 góp phần giúp bạn chủ động ngăn ngừa bệnh tiến triển. Để phòng tránh bệnh bạn cần duy trì 1 chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh:
- Ăn uống với một chế độ lành mạnh gồm ăn thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo xấu, ăn dầu thực vật, bổ sung protein qua các thực phẩm như thịt nạc, cá, thịt gia cầm bỏ da và đặc biệt chọn thực phẩm ít carbohydrate tinh chế.
- Tập thể dục khoảng 30 phút/ngày hoặc ít nhất 150 phút mỗi tuần giúp kiểm soát cân nặng, đốt cháy lượng đường và tăng cường hiệu quả sử dụng insulin.
- Nếu đang thừa cân hãy thực hiện giảm từ 5 - 7% trọng lượng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc đái tháo đường.
- Bỏ hút thuốc.
- Bác sĩ có thể kê thuốc hạ đường máu nếu nguy cơ mắc bệnh cao, đồng thời cần kiểm soát mỡ máu và huyết áp.
Ăn uống khoa học và rèn luyện thể thao để phòng ngừa đái tháo đường
Trên đây là giải đáp cho thắc mắc đái tháo đường tuýp 2 là mấy phẩy mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp bạn ngăn ngừa được các biến chứng một cách nhanh chóng. Nếu ông bạn đã được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2, hãy cố gắng có chế độ chăm sóc ông một cách khoa học và đừng quên theo dõi chỉ số đái tháo đường thường xuyên. Mọi thắc mắc về bệnh hoặc có sự bất thường về bệnh hãy liên hệ với Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trang thiết bị y tế tiên tiến, chúng tôi sẽ hỗ trợ, tư vấn, thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.