Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:
Mổ thoát vị đĩa đệm là một thủ thuật y khoa nhằm loại bỏ phần đĩa đệm bị thoát vị để giảm áp lực lên các dây thần kinh cột sống cho người bệnh. Thoát vị đĩa đệm có thể gây đau lưng, đau chân tay và các triệu chứng thần kinh khác. Phẫu thuật thường được thực hiện khi các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc, vật lý trị liệu và tiêm corticosteroid không mang lại hiệu quả.
Thời gian hồi phục sau mổ thoát vị đĩa đệm sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp phẫu thuật, tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của thoát vị. Hầu hết bệnh nhân có thể hồi phục tốt, tự thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng sau mổ khoảng 2-6 tuần. Ông bạn sau mổ sẽ cần thời gian từ 3-6 tháng mới có thể trở lại cuộc sống bình thường, đi lại, hoạt động thể lực nặng hơn.
Mổ thoát vị đĩa đệm cần thời gian hồi phục từ 3 – 6 tháng sau phẫu thuật
Chúng tôi đã giải đáp thắc mắc về mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục trên đây. Để giúp bạn hiểu rõ cần lưu ý những gì trong quá trình hồi phục của ông và những thông tin liên quan, mời bạn tham khảo thêm nội dung dưới đây:
Các hình thức phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến
Khi thoát vị đĩa đệm gây ra các triệu chứng nghiêm trọng không thể kiểm soát bằng phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Dưới đây là các phương pháp phẫu thuật phổ biến:
Phẫu thuật cắt bỏ cung cột sống (Laminotomy)
Phẫu thuật này được thực hiện để giảm áp lực lên rễ thần kinh bằng cách mở rộng đường kính của ống tủy sống. Bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ ở vòm đốt sống thông qua một vết rạch nhỏ ở lưng hoặc cổ, tùy trường hợp sẽ gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.
Trong quá trình mổ, bác sĩ cũng có thể loại bỏ các gai xương và mảnh đĩa đệm nhỏ chèn ép lên dây thần kinh. Phương pháp này còn có thể kết hợp với phẫu thuật hợp nhất cột sống để tăng cường sự ổn định cho cột sống bệnh nhân.
Cắt bỏ đĩa đệm (Microdiscectomy)
Cắt bỏ đĩa đệm là một trong những phương pháp phổ biến nhất để điều trị thoát vị đĩa đệm, đặc biệt với trường hợp thoát vị vùng thắt lưng. Phẫu thuật thường được thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ ở lưng hoặc cổ, loại bỏ phần đĩa đệm bị thoát vị chèn ép lên rễ thần kinh giúp giảm tổn thương mô và hạn chế các biến chứng. Microdiscectomy là phương pháp ít xâm lấn, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng và trở lại sinh hoạt bình thường trong thời gian ngắn.
Mổ thoát vị đĩa đệm Microdiscectomy được chỉ định khi bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thay đĩa đệm nhân tạo
Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm ở vùng lưng dưới. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân trong suốt quá trình phẫu thuật. Bác sĩ thực hiện thông qua một vết mổ trên bụng, thay thế đĩa đệm bị tổn thương bằng một đĩa đệm nhân tạo được làm từ vật liệu nhựa hoặc kim loại.
Sau khi thay đĩa đệm, bệnh nhân cần nằm viện để theo dõi trong vài ngày, thời gian hồi phục khoảng 2-4 tháng. Phương pháp này không thích hợp cho những người bị loãng xương, viêm khớp hoặc nhiều đĩa đệm bị thoái hóa.
Phẫu thuật hợp nhất cột sống
Phẫu thuật hợp nhất cột sống là phương pháp nhằm cố định hai hoặc nhiều đốt sống lại với nhau để tăng cường ổn định cho cột sống. Bác sĩ có thể ghép xương lấy từ một bộ phận khác trên cơ thể hoặc từ người hiến tặng cùng với các thiết bị hỗ trợ như thanh kim loại hoặc vít để cố định cột sống cho người bệnh.
Phương pháp này thường yêu cầu bệnh nhân nằm viện lâu hơn để theo dõi và thời gian hồi phục cũng lâu hơn. Phẫu thuật hợp nhất cột sống thường được chỉ định trong những trường hợp thoát vị nặng hoặc có dấu hiệu mất ổn định cột sống.
Mổ thoát vị đĩa đệm hợp nhất cột sống cần thời gian hồi phục lâu nhất
Biến chứng sau mổ thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có tỷ lệ thành công cao nhưng cũng có thể tồn tại những rủi ro và biến chứng sau thực hiện. Dưới đây là một số biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải sau phẫu thuật:
Tổn thương thần kinh
Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất sau mổ thoát vị đĩa đệm là tổn thương thần kinh. Khi tình trạng chèn ép hoặc tổn thương các dây thần kinh xung quanh khu vực phẫu thuật xảy ra sẽ dẫn đến các triệu chứng như đau, tê bì hoặc yếu cơ ở chân tay. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tổn thương thần kinh có thể là vĩnh viễn, ảnh hưởng đến khả năng vận động và cảm giác các chi của bệnh nhân.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là biến chứng mà hầu hết các phẫu thuật đều có thể xảy ra. Nhiễm trùng tại vị trí mổ hoặc sâu hơn, ảnh hưởng đến các mô mềm và cột sống khiến bệnh nhân bị sốt, viêm, đau, sưng đỏ tại vùng phẫu thuật. Nhiễm trùng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn và cần can thiệp y tế, phẫu thuật thêm để giảm triệu chứng cho bệnh nhân.
Tụ máu bên ngoài mạch máu
Tụ máu là tình trạng máu tích tụ bên ngoài mạch máu, có thể xảy ra sau mổ thoát vị đĩa đệm do tổn thương mạch máu hoặc sự chảy máu không được kiểm soát. Tụ máu có thể gây áp lực lên các dây thần kinh, dẫn đến đau và khó chịu. Trong trường hợp tụ máu nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần phải can thiệp để loại bỏ tụ máu và giảm áp lực cho các mạch máu.
Thoát vị đĩa đệm tái phát
Mổ thoát vị đĩa đệm không thể đạt hiệu quả 100%, do đó khả năng bệnh nhân tái phát sau phẫu thuật hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này khiến bệnh nhân luôn cần theo dõi sức khỏe, chú ý đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để kiểm soát bệnh. Thậm chí bệnh nhân có thể cần thực hiện thêm phẫu thuật khác để giải quyết tình trạng bệnh.
Mổ thoát vị đĩa đệm cũng tiềm ẩn rủi ro gặp biến chứng sau phẫu thuật
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm cần lưu ý gì?
Chăm sóc sau phẫu thuật rất quan trọng để giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và tránh các biến chứng. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể về cách chăm sóc bệnh nhân sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cần lưu ý:
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tối thiểu từ 1 - 3 tuần để các mô mềm xung quanh vết mổ có thời gian hồi phục.
- Luôn theo dõi các triệu chứng sau mổ, có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần báo cáo ngay với bác sĩ.
- Bệnh nhân có thể cần thực hiện chương trình vật lý trị liệu từ tuần thứ 2 hoặc thứ 3 sau phẫu thuật. Các bài tập này sẽ tập trung vào việc tăng cường cơ bắp, nới lỏng các khớp bị cứng và bảo vệ cột sống.
- Sau khi có thể xuất viện về nhà, cần ghi nhớ hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ về thời gian và cách vận động, thời gian có thể bắt đầu tập thể dục,...
- Bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến tư thế ngồi và hoạt động thường ngày. Việc ngồi lâu hay cúi người về phía trước quá mức có thể gây áp lực lên cột sống, dẫn đến cơn đau tái phát hoặc làm chậm quá trình hồi phục.
- Hãy tìm hiểu và thực hành tư thế ngồi đúng cách, nghỉ giải lao thường xuyên để di chuyển và kéo giãn cơ thể.
- Khuyến khích bệnh nhân thực hiện các hoạt động đi bộ ngắn và các bài tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày để hỗ trợ quá trình hồi phục. Đi bộ không chỉ giúp cải thiện tuần hoàn máu mà còn giúp giảm cảm giác đau nhức.
- Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ và thường xuyên theo dõi sức khỏe là rất quan trọng trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật.
Sau mổ thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần chú ý lời khuyên từ bác sĩ để quá trình phục hồi suôn sẻ
Nên ăn gì, kiêng gì sau mổ thoát vị đĩa đệm?
Chế độ ăn uống hợp lý là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân sau phẫu thuật đĩa đệm nhanh chóng hồi phục. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch ăn uống cụ thể, phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Dưới đây là các thực phẩm bệnh nhân sau phẫu thuật đĩa đệm nên dùng và không nên dùng:
Thực phẩm nên ăn
- Thực phẩm giàu protein: Thịt nạc (thịt lơn, thịt gà, thịt bò), cá, trứng và các loại đậu giúp phục hồi mô và cơ bắp.
- Rau xanh và trái cây: Các loại rau như cải xanh, bông cải xanh, rau bina và trái cây như cam, quýt, táo, kiwi,... chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình hồi phục.
- Thực phẩm giàu omega-3: Cá hồi, hạt chia, hạt lanh và óc chó giúp giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe xương khớp.
- Sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa chua, phô mai và sữa giúp cung cấp canxi và vitamin D cần thiết cho sức khỏe của xương.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch và lúa mì nguyên cám cung cấp năng lượng bền vững và chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
- Nước: Uống đủ nước giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể và hỗ trợ quá trình hồi phục.
Thực phẩm nên kiêng
- Thực phẩm chứa nhiều đường: Bánh kẹo, nước ngọt có ga có thể làm tăng tình trạng viêm và không tốt cho sức khỏe.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh và phụ gia, có thể gây tăng cân và làm chậm quá trình hồi phục.
- Thực phẩm nhiều muối: Muối có thể làm tăng huyết áp và gây giữ nước, không tốt cho sức khỏe sau phẫu thuật.
- Thức uống có cồn: Rượu và bia có thể ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của cơ thể và làm giảm hiệu quả của thuốc giảm đau.
- Thực phẩm gây viêm: Thực phẩm chiên, nhiều chất béo bão hòa như đồ chiên xào có thể làm tăng tình trạng viêm và sưng đau.
Lưu ý về phòng ngừa táo bón sau phẫu thuật
- Ăn đủ lượng chất xơ (rau quả, bánh mì nguyên cám, đậu hầm, ngũ cốc nguyên hạt,...).
- Uống đủ nước.
- Luyện tập thường xuyên, góp phần tăng nhu động ruột.
Sau mổ thoát vị đĩa đệm cần kiêng đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp về thắc mắc mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục, những lưu ý trong chế độ chăm sóc, dinh dưỡng để rút ngắn thời gian phục hồi sau mổ. Hy vọng các thông tin này sẽ giúp bạn chăm sóc ông đúng cách, giúp ông nhanh hồi phục, trở lại cuộc sống thường ngày.
Bạn và gia đình nếu đang tìm kiếm địa chỉ uy tín để đồng hành hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, hãy tham khảo Bệnh viện Đại học Phenikaa. Chúng tôi có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tiêu chuẩn Châu Âu, sẽ giúp chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh. Nếu cần tư vấn gì thêm hay muốn đặt lịch khám, hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng.