Chào bạn Hồng Thu! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục hỏi đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời rằng:
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể rất nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một bệnh tâm thần nghiêm trọng với đặc trưng là những biến động cảm xúc thất thường từ trạng thái hưng phấn (mania) đến trầm cảm (depression). Trong giai đoạn hưng phấn, người bệnh có thể trở nên quá phấn khích, suy nghĩ nhanh, nói nhiều và cảm thấy tự tin thái quá.
Ngược lại, khi rơi vào giai đoạn trầm cảm, họ dễ rơi vào trạng thái buồn bã, vô vọng và mất hứng thú trong cuộc sống. Những biến động này nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe tổng thể của người bệnh, thậm chí dẫn đến hành vi tự huỷ hoại cơ thể hoặc tự sát.
Rối loạn lưỡng cực rất nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách
Bạn có thể tham khảo thêm về tình trạng này qua những chia sẻ dưới đây để có thêm thông tin về bệnh và giúp người bạn của mình tăng khả năng phục hồi tốt hơn.
Tác động của rối loạn lưỡng cực đối với sức khỏe tâm lý và thể chất
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần mà còn tác động tiêu cực lên cả thể chất. Người bệnh có nguy cơ cao gặp các vấn đề về tim mạch, béo phì, tiểu đường, rối loạn giấc ngủ và các bệnh lý liên quan đến suy giảm hệ miễn dịch.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực còn có thể dẫn đến nguy cơ gây hại cho bản thân như tự gây tổn thương cơ thể hoặc thậm chí có xu hướng tự tử do không thể kiểm soát cảm xúc. Nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử ở người mắc rối loạn lưỡng cực cao hơn so với các rối loạn tâm thần khác, đặc biệt là trong giai đoạn trầm cảm nặng.
Những dấu hiệu nhận biết điển hình của rối loạn lưỡng cực
Hiểu rõ các dấu hiệu của rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ giúp người bệnh và người thân có cách tiếp cận điều trị sớm hơn, giảm thiểu nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực:
- Giai đoạn hưng phấn (mania): Người bệnh thường có cảm giác phấn chấn mạnh, tràn đầy năng lượng và tự tin. Tuy nhiên có thể dẫn tới mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến các hành vi rủi ro, như chi tiêu không suy nghĩ, quyết định không an toàn và thậm chí có hành vi bạo lực.
- Giai đoạn trầm cảm (depression): Người bệnh rơi vào tình trạng mất hứng thú, u uất, tự trách bản thân và không còn quan tâm đến hoạt động yêu thích. Trong nhiều trường hợp, họ có thể gặp rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon miệng và dễ có cảm giác vô dụng hoặc muốn tự tử.
Biểu hiển của rối loạn cưỡng cực các giai đoạn là khác nhau
Những nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn lưỡng cực
Nguyên nhân của rối loạn cảm xúc lưỡng cực chưa được xác định rõ ràng, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Di truyền học: Nếu trong gia đình có người thân mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác sẽ cao hơn.
- Não bị mất cân bằng hóa học: Các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine, norepinephrine có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, và sự mất cân bằng của chúng có thể góp phần gây nên rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
- Môi trường và trải nghiệm: Căng thẳng kéo dài, sang chấn tâm lý hoặc những trải nghiệm buồn đau có thể góp phần khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Rối loạn lưỡng cực có thể do nhiều yếu tố tạo nên
Các phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực phổ biến
Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực không chỉ là điều trị triệu chứng mà còn hướng đến việc giúp người bệnh kiểm soát và ngăn ngừa tái phát. Thông thường các bác sĩ sẽ áp dụng một số cách điều trị rối loạn lưỡng cực sau:
- Dùng thuốc: Thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm và thuốc chỉnh khí sắc là những lựa chọn phổ biến. Thuốc chỉnh khí sắc như lithium giúp ngăn ngừa những thay đổi cảm xúc bất thường, trong khi thuốc chống trầm cảm giúp người bệnh vượt qua giai đoạn trầm cảm.
- Tâm lý trị liệu: Áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) giúp người bệnh hiểu rõ các yếu tố kích thích và phát triển kỹ năng đối phó. Liệu pháp này không chỉ giúp kiểm soát cảm xúc mà còn hỗ trợ người bệnh xây dựng mối quan hệ tốt hơn với gia đình và xã hội.
- Chăm sóc dinh dưỡng và lối sống: Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và quản lý căng thẳng để duy trì tâm trạng ổn định.
Tùy theo tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực khác nhau cho bệnh nhân
Người mắc rối loạn lưỡng cực cần hỗ trợ gì từ gia đình và xã hội?
Người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực cần sự hỗ trợ tích cực từ gia đình và cộng đồng. Gia đình cần thông cảm, tránh phán xét và hỗ trợ người bệnh tiếp cận điều trị. Xã hội cũng cần nâng cao nhận thức để tránh kỳ thị, giúp người bệnh có môi trường sống lành mạnh và hỗ trợ lẫn nhau.
Hiểu biết về bệnh, tuân thủ điều trị và sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh duy trì cuộc sống ổn định. Bệnh viện Đại học Phenikaa với đội ngũ chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn và cung cấp các phương pháp điều trị tiên tiến nhất cho người bệnh rối loạn lưỡng cực. Nếu cần tư vấn hay hỗ trợ thêm thông tin gì hãy liên hệ với chúng tôi sớm nhất.