Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:
Suy tim sung huyết là tình trạng tim không thể bơm máu hiệu quả, dẫn đến máu tích tụ (sung huyết) trong mạch máu và các cơ quan. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên của tim (suy tim trái hoặc suy tim phải). Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong là 50% trong vòng 5 năm.
Suy tim sung huyết có thể phát sinh từ nhiều vấn đề sức khỏe như hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho tim, động mạch có áp lực cao, các van tim không hoạt động đúng cách,... Các triệu chứng thường gặp của suy tim sung huyết bao gồm: Khó thở, chân, mắt cá chân sưng phù, bụng trướng, ho, mệt mỏi, tăng cân, nhịp tim nhanh hoặc không đều,...
Suy tim sung huyết là tình trạng có máu tích tụ (sung huyết) trong các mạch máu và các cơ quan
Chúng tôi đã giải đáp thắc mắc về suy tim sung huyết là gì trên đây, hy vọng có thể giúp bạn hiểu về bệnh ông bạn mắc phải. Để hiểu rõ bệnh nguy hiểm như thế nào, cách điều trị, mời bạn tham khảo những thông tin liên quan được chia sẻ dưới đây:
Có mấy dạng suy tim sung huyết?
Suy tim là một hội chứng bệnh lý phổ biến trong các bệnh tim mạch. Suy tim sung huyết là một dạng suy tim, trong đó tim không đủ khả năng bơm máu hiệu quả, gây ra tình trạng ứ máu tại tim, phổi và các mô, cơ quan trong cơ thể. Điều này làm giảm lượng oxy cung cấp cho các cơ quan, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Bệnh có thể phân loại thành các dạng sau:
Phân loại theo vị trí suy tim
Nếu xét theo vị trí suy tim, bệnh chia thành hai dạng chính là suy tim trái và suy tim phải. Cụ thể:
- Suy tim sung huyết trái: Xảy ra khi tâm thất trái không bơm máu tới các cơ quan một cách thích hợp. Khi bệnh tiến triển nặng, dịch có thể tích tụ trong phổi gây khó thở. Đây là trường hợp phổ biến nhất, chia thành hai trường hợp là suy tim tâm thu và suy tim tâm trương (rối loạn chức năng tâm trương).
- Suy tim sung huyết phải: Xảy ra khi tâm thất phải không thể bơm máu lên phổi, dẫn đến ứ máu tại tâm thất phải và cản trở máu trở về tim.
Ngoài ra, số ít trường hợp là suy tim sung huyết toàn bộ, có ảnh hưởng đến cả hai tâm thất của tim. Triệu chứng của bệnh là kết hợp của các triệu chứng cả suy tim trái và phải, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Suy tim sung huyết có thể xảy ra ở tâm thất phải, trái hay cả hai tâm thất
Phân loại theo giai đoạn suy tim sung huyết
Suy tim sung huyết được chia thành 4 giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn A: Đây là giai đoạn tiền suy tim. Người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh mạch vành, lạm dụng rượu bia, gia đình mắc bệnh cơ tim,...
- Giai đoạn B: Người bệnh được chẩn đoán rối loạn chức năng tâm thu thất trái nhưng chưa có triệu chứng rõ ràng của suy tim. Hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn này có siêu âm tim cho thấy phân suất tống máu (EF) dưới 40%.
- Giai đoạn C: Bệnh đã xuất hiện các triệu chứng của suy tim điển hình như hụt hơi, mệt mỏi, chân yếu, tiểu đêm nhiều lần, sưng/phù nề bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân và bụng,...
- Giai đoạn D: Đây là giai đoạn nặng nhất của suy tim sung huyết, với các triệu chứng tiến triển không thuyên giảm dù đã được điều trị. Người bệnh có thể cần nhập viện theo dõi và can thiệp điều trị mạnh mẽ hơn.
Suy tim sung huyết chia thành 4 giai đoạn bệnh
Bị suy tim sung huyết có nguy hiểm không?
Suy tim sung huyết nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Dưới đây là một số biến chứng người bệnh có thể gặp phải:
Nhịp tim bất thường
Khi tim không bơm máu hiệu quả có thể gây ra loạn nhịp tim. Tình trạng này làm cho các buồng tim hoạt động không đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu giàu oxy đến các cơ quan khác. Loạn nhịp tim có thể dẫn đến quá trình lưu thông máu bị ngưng trệ, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông này có thể di chuyển đến não, dẫn đến đột quỵ.
Tổn thương gan và thận
Gan và thận cần một dòng chảy máu ổn định để thực hiện chức năng quan trọng như lọc chất thải và loại bỏ độc tố. Khi các cơ quan này không nhận đủ máu, khả năng hoạt động của chúng sẽ bị cản trở. Suy tim sung huyết có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho thận và gan, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Suy giảm chức năng phổi
Khi tim không thể điều hòa lượng máu vào và ra khỏi phổi, sẽ xảy ra tình trạng máu tích tụ trong phổi, gây tăng áp lực lên các mạch máu và dẫn đến phù phổi. Tình trạng này khiến bệnh nhân khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc nằm ngửa.
Suy tim sung huyết có thể ảnh hưởng đến chức năng gan thận hoặc phổi
Có mấy cách điều trị suy tim sung huyết?
Việc điều trị suy tim sung huyết sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng như mức độ tiến triển của bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính:
Điều trị nội khoa
Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc sau để điều trị suy tim sung huyết:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE) hay thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARBs) thay thế, thuốc ARNI.
- Thuốc chẹn beta.
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc SGLTi
Điều trị ngoại khoa
Nếu phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị một số thủ thuật can thiệp như:
- Nong động mạch vành để mở rộng các động mạch vành bị tắc nghẽn để cải thiện lưu thông máu đến tim.
- Phẫu thuật sửa van tim để đảm bảo các van tim hoạt động đúng cách, giúp máu lưu thông hiệu quả hơn.
- Ghép tim.
Tùy tình trạng suy tim sung huyết chỉ cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật ngoại khoa
Cách hạn chế diễn tiến của suy tim sung huyết
Để ngăn ngừa tình trạng suy tim sung huyết trở nên tồi tệ hơn, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Khám sức khỏe định kỳ.
- Tuân thủ phác đồ điều trị và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện khả năng bơm máu của tim và giảm tình trạng ứ nước.
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể hàng ngày để theo dõi, nhận biết các thay đổi của cơ thể. Nếu bạn tăng cân không rõ nguyên nhân hoặc có hiện tượng phù nề cho thấy triệu chứng bệnh gia tăng.
- Theo dõi lượng nước uống vào và đi tiểu. Hạn chế lượng chất lỏng dưới 2 lít mỗi ngày giúp giảm tải cho tim và ngăn ngừa triệu chứng.
- Ngừng hút thuốc lá, dùng rượu bia.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt đặc biệt để kiểm soát huyết áp.
- Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng.
- Kiểm soát mỡ máu và bệnh đái tháo đường, kiểm soát mức cholesterol và đường huyết trong giới hạn bình thường.
- Luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc bơi lội có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Ăn uống với chế độ lành mạnh, hạn chế ăn nhiều muối, đường, chất béo chuyển hóa,... tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất xơ và vitamin.
- Tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, bảo vệ sức khỏe.
Để kiểm soát bệnh suy tim sung huyết cần xây dựng lối sống lành mạnh
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc suy tim sung huyết là gì cũng như những thông tin liên quan khác, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ về bệnh tình ông bạn đang mắc phải. Những thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng là những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát và hạn chế diễn tiến của suy tim sung huyết.
Bạn đang tìm kiếm địa chỉ thăm khám giúp điều trị, kiểm soát bệnh cho ông cùng chăm sóc sức khỏe cả gia đình, hãy tham khảo Bệnh viện Đại học Phenikaa. Chúng tôi có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tân tiến, bệnh viện sẽ đưa ra chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc về sức khỏe để được hỗ trợ tốt nhất.