Chào bạn Thảo Nhi! Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tại chuyên mục hỏi đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với thắc mắc của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Dựa theo từng triệu chứng cũng như nguyên nhân dẫn đến viêm amidan mà sẽ có loại thuốc điều trị phù hợp. Dưới đây là một số nhóm thuốc hay được sử dụng trong điều trị viêm amidan bạn có thể tham khảo:
Thuốc giảm đau
Đây là nhóm thuốc được sử dụng khi bệnh nhân bị viêm amidan kèm theo sốt, đau họng và cơ thể mệt mỏi. Loại thuốc thường được sử dụng phổ biến đó là Paracetamol, phù hợp với mọi đối tượng, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ. Nếu trẻ sốt cao liên tục không đáp ứng với paracetamol, phối hợp sử dụng với ibuprofen.
Một vài loại thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh được kê khi viêm amidan
Thuốc kháng sinh
Kháng sinh thường được sử dụng khi bị viêm amidan do vi khuẩn, bởi vi khuẩn thường khiến tình trạng nghiêm trọng và dễ có biến chứng hơn.
Đối với tình trạng này, thuốc kháng sinh thường được sử dụng là amoxicilin và cephalosporin – loại thuốc đặc trị viêm amidan hốc mủ và do vi khuẩn. Khi sử dụng kháng sinh cần duy trì từ 7 – 10 ngày để tránh tình trạng kháng thuốc.
Thuốc chống viêm, giảm phù nề
Các loại thuốc chống viêm thường được sử dụng giúp chống viêm, giảm phù nề, điển hình như: Alpha Choay (dạng viên ngậm dưới lưỡi) và thuốc chứa Corticoid (loại thuốc này cần phải có chỉ định của bác sĩ mới được dùng).
Thuốc xịt họng
Ngoài các loại thuốc uống, thuốc ngậm bác sĩ có thể kê thêm thuốc xịt họng nhằm đưa thuốc tê, chống viêm và sát trùng vùng cổ họng nơi đau amidan như: Benzydamine, Phenol, Dibucaine,…
Ngoài việc tìm hiểu về viêm amidan uống thuốc gì bạn có thể tham khảo thêm một vài thông tin về viêm amidan dưới đây để hiểu hơn:
Chăm sóc bệnh nhân viêm amidan tại nhà thế nào?
Với những người bị viêm amidan không quá nặng hoàn toàn có thể tự uống thuốc và chăm sóc tại nhà. Đối với trẻ nhỏ, bạn nên cân nhắc và áp dụng một số cách dưới đây để giúp trẻ nhanh khỏi:
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm để các cơn đau họng giảm dần, có thể lựa chọn một số loại trà thảo mộc chứa mật ong, glycerine hay pectin để bảo vệ cổ họng trẻ, giảm kích ứng.
- Trong thời gian bị viêm amidan nên chọn các thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, sinh tố. Tránh sử dụng các thực phẩm cứng như bánh quy, bánh mì, trái cây,... khiến trẻ khó nuốt và từ chối ăn.
- Thường xuyên cho trẻ súc miệng với nước muối sinh lý cũng sẽ giúp các cơn đau giảm dần.
- Khi bị viêm amidan cần cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế nói để cổ họng không bị căng gây đau.
Cho trẻ uống nước ấm và ăn cháo loãng để dễ nuốt
Khi nào viêm amidan cần đi gặp bác sĩ?
Thông thường, tình trạng viêm amidan sẽ tự khỏi sau vài ngày nhưng cũng có một vài trường hợp các triệu chứng trở nặng và kéo dài. Do đó, nếu bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng dưới đây hãy đến trung tâm y tế để được bác sĩ thăm khám:
- Tình trạng viêm đau họng kéo dài hơn 2 ngày.
- Không thể nuốt thức ăn hay uống nước vì họng đau dữ dội.
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi kèm theo sốt kéo dài hơn 3 ngày hoặc hạ sốt nhưng lại tái sốt.
Trẻ sốt cao, kéo dài quá 2 ngày vì viêm amidan cần gặp bác sĩ
Trẻ bị viêm amidan nguy hiểm như thế nào?
Thông thường, tình trạng trẻ bị viêm amidan khá phổ biến và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu nguyên nhân gây viêm amidan là do nhiễm cầu khuẩn nhóm A sẽ có biến chứng rất nguy hiểm. Một trong những biến chứng dễ xảy ra nhất đó là nuốt đau, khó nuốt, đôi khi bị khó thở, hàm khít lại và sốt cao.
Nhưng để có thể phát hiện các biến chứng từ viêm amidan cần phải thực hiện một số xét nghiệm hoặc được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán. Để có thể điều trị nhanh chóng tình trạng viêm amidan tránh những biến chứng nguy hiểm, tốt nhất bạn hãy đến trung tâm y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc viêm amidan uống thuốc gì. Việc hiểu rõ hơn về tình trạng viêm amidan chắc chắn sẽ giúp bạn có cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Nếu tình trạng của bé có nặng hơn hay xuất hiện những bất thường về sức khỏe bạn có thể đến Bệnh viện Đại học Phenikaa để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán và có phương pháp xử lý tốt nhất nhé!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi và chia sẻ về tình trạng của mình cho PhenikaaMec!