Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ hay nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống được thực hiện để phát hiện tình trạng đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai. đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện và quản lý kịp thời. Nếu bạn được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng insulin hoặc thuốc để kiểm soát đường máu.
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ nên được thực hiện từ tuần 24 - 28 của thai kỳ. Với các mẹ bầu có yếu tố nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ nên thực hiện xét nghiệm sớm hơn khoảng từ tuần 16. Xét nghiệm giúp phát hiện chính xác tình trạng đái tháo đường thai kỳ và can thiệp kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong giai đoạn mang thai và sau sinh.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nên thực hiện từ tuần 24 – 28 hay từ tuần 16 với mẹ bầu có yếu tố nguy cơ cao
Thắc mắc về vấn đề xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ ở tuần bao nhiêu đã được bác sĩ giải đáp. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về đái tháo đường thai kỳ dưới đây để có 1 thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.
Có nhất định phải xét nghiệm tiểu đường thai kỳ không?
Câu trả lời là “CÓ”, xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ rất quan trọng, nó được khuyến nghị thực hiện ở tất cả phụ nữ mang thai. Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ giúp y bác sĩ chẩn đoán, phát hiện sớm chứng đái tháo đường thai kỳ vì nhiều người không có triệu chứng rõ ràng. Từ đó có biện pháp can thiệp sớm, hạn chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Thêm nữa, đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ tử vong chu sinh (tử vong trước, trong và sau đẻ 7 ngày). Phát hiện sớm tình trạng sẽ giúp bác sĩ quản lý và giảm nguy cơ biến chứng cho hai mẹ con.
Khi biết mình có nguy cơ cao hoặc bị đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cũng nhận được lời khuyên, tư vấn từ bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để kiểm soát lượng đường máu, từ đó đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Xét nghiệm này rất đơn giản, chỉ mất vài phút nhưng lại rất quan trọng cho sự an toàn và sức khỏe chính mẹ bầu và thai nhi trong suốt thai kỳ.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ rất đơn giản nhưng góp phần bảo vệ sức khỏe mẹ bầu và thai nhi
Nếu bị tiểu đường thai kỳ phải làm sao?
Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ có thể liên quan đến sự bài tiết các hormone khi mang thai gây kháng insulin và tăng đường trong máu. Khi được chẩn đoán mắc tình trạng này, khoảng 70-85% trường hợp mẹ bầu cần được kiểm soát lượng đường trong máu của mình và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi. Cụ thể như sau:
- Thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát cân nặng và hạn chế hấp thụ nhiều đường. Mẹ bầu cần tránh đồ ngọt, chọn thực phẩm tinh bột chọn lọc, tăng cường rau xanh, trái cây, bổ sung acid folic, sắt,... theo chỉ định, sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
- Vận động nhẹ nhàng để tiêu hao glucose và giảm áp lực cho tuyến tụy với các bài tập như đi bộ, yoga,... khoảng 15-20 phút sau bữa ăn để kiểm soát đường máu.
- Dùng thuốc hỗ trợ kiểm soát đường máu theo đơn bác sĩ kê, không tự ý đổi thuốc, thay thế hay tạm ngưng thuốc.
- Dùng thiết bị chuyên dụng đo lượng đường trong máu 4-6 lần/ngày để điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện hợp lý.
Tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát qua chế độ ăn uống, tập luyện hoặc dùng thuốc hỗ trợ theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa
Có thể phòng ngừa tiểu đường thai kỳ không?
Đái tháo đường thai kỳ có thể phòng ngừa hiệu quả thông qua lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn chủ động phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé:
- Duy trì, kiểm soát cân nặng hợp lý trước khi mang thai.
- Theo dõi cân nặng trong thai kỳ, tăng cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng, ưu tiên rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc (thịt gà, cá,...) và các loại hạt.
- Hạn chế đường và carbohydrate tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, nước ngọt, ...
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để duy trì mức đường máu ổn định thay vì ăn ba bữa lớn.
- Cố gắng tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc yoga rất tốt cho sức khỏe.
- Quản lý căng thẳng, ngủ đủ giấc, hạn chế mệt mỏi quá độ.
- Thăm khám bác sĩ thường xuyên, theo dõi sức khỏe tổng thể và các yếu tố tăng nguy cơ đái tháo đường như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu,...
Bạn cần kiểm soát cân nặng trước và khi mang thai để hạn chế nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp về Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ ở tuần bao nhiêu cũng như những thông tin liên quan khác giúp bạn hiểu hơn về tình trạng sức khỏe này. Nếu bạn cần tư vấn gì thêm, lo lắng về đái tháo đường thai kỳ, có thể đến thăm khám tại Bệnh viện Đại học Phenikaa. Chúng tôi có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn và trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ mẹ bầu tốt nhất trong thai kỳ và quá trình sinh nở chào đón thành viên mới.