iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Về Mắt

icon

Bệnh cận thị là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Bệnh cận thị là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Bệnh cận thị là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Bệnh cận thị là vấn đề thị lực phổ biến trong xã hội hiện đại. Bệnh không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, hiệu suất học tập/công việc mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe mắt nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, phương pháp điều trị,... giúp bạn hiểu thêm về bệnh lý này.

Bệnh cận thị là gì?

Cận thị (Myopia) là một bệnh lý về mắt khiến bạn gặp khó khăn trong việc nhìn rõ các vật thể ở xa, trong khi việc nhìn gần thường ít bị ảnh hưởng. Cận thị xảy ra khi khả năng hội tụ ánh sáng của mắt bị sai lệch, làm cho hình ảnh được tạo ra trên võng mạc không rõ nét. Nguyên nhân chính của cận thị là do sự kéo dài quá mức của nhãn cầu hoặc sự cong vẹo quá mức của giác mạc.

Bệnh cận thị là bệnh lý khi mắt không thể nhìn thấy vật thể ở xa

Bệnh cận thị là bệnh lý khi mắt không thể nhìn thấy vật thể ở xa

Dấu hiệu thường gặp của bệnh cận thị

Nhận diện sớm các triệu chứng của cận thị là rất quan trọng để điều trị hiệu quả. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến mà người mắc cận thị có thể gặp phải:

  • Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của cận thị là khả năng nhìn mờ các vật thể ở xa. Bạn có thể gặp khó khăn khi nhìn thấy biển số xe, chữ viết trên bảng, người hay vật thể khác ở khoảng cách xa.
  • Người mắc cận thị thường cảm thấy mỏi mắt hoặc căng thẳng khi cố gắng nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách xa. Điều này có thể gây ra cảm giác khó chịu và đau đầu, choáng váng nếu tình trạng nghiêm trọng hơn.
  • Cận thị có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong điều kiện ánh sáng yếu ban đêm. Đèn pha hoặc ánh sáng đêm có thể trông mờ nhạt và gây khó chịu cho mắt, gây nguy hiểm nếu đang lái xe, tham gia giao thông, điều khiển máy móc,...
  • Để cải thiện khả năng nhìn, người mắc cận thị thường phải nheo mắt hoặc nghiêng đầu giúp thu hẹp phạm vi nhìn và làm cho hình ảnh trở nên rõ hơn.
  • Người cận thị có thể thường xuyên bị đỏ, chảy nước mắt vì mắt cần cố gắng hơn để nhìn đối tượng. Do đó, dễ dẫn đến tình trạng mỏi mắt, mắt tiết nhiều dịch để bôi trơn hơn bình thường.

Bệnh cận thị có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và làm việc của người bệnh

Bệnh cận thị có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và làm việc của người bệnh

Nguyên nhân chính gây bệnh cận thị

Các nguyên nhân gây cận thị có thể là sự kết hợp của yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể:

Di truyền

Nếu cha mẹ bạn bị cận thị, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, hay còn còn gọi là cận thị bẩm sinh.

Môi trường và thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt thường xuyên tiếp xúc với các hoạt động nhìn nhiều và gần mắt như đọc sách, làm việc với máy tính, xem điện thoại,... lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc cận thị.

Đặc biệt khi các hoạt động này diễn ra trong điều kiện thiếu ánh sáng tự nhiên sẽ góp phần vào sự phát triển của bệnh.

Sự phát triển bất thường của nhãn cầu

Cận thị thường xảy ra khi nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong, dẫn đến ánh sáng hội tụ sai vị trí trên võng mạc. Sự phát triển bất thường này có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ và tiếp tục thay đổi theo thời gian.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cận thị

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc cận thị từ nguyên nhân kể trên bao gồm:

  • Người có tiền sử gia đình bị cận thị.
  • Trẻ em và thanh thiếu niên, người trẻ, nhân viên văn phòng,... dành nhiều thời gian làm việc với màn hình máy tính, điện thoại di động, hoặc đọc sách có nguy cơ cao bị cận thị. Áp lực liên tục lên mắt có thể gây ra các vấn đề về thị lực.
  • Người bẩm sinh có phần giác mạc dài, cong bất thường.

Nhãn mạc mắt quá dài hay quá cong sẽ gây bệnh cận thị

Nhãn mạc mắt quá dài hay quá cong sẽ gây bệnh cận thị

Biến chứng thường gặp của bệnh bệnh cận thị

Nếu không được điều trị hoặc kiểm soát bệnh kịp thời, cận thị có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng với mắt như sau:

  • Cận thị nặng có thể dẫn đến bệnh võng mạc cận thị, nơi các mạch máu trong võng mạc bị tổn thương, gây ra các vấn đề về thị lực và thậm chí có thể dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng.
  • Cận thị không được điều trị hoặc kiểm soát có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, thậm chí dẫn đến nhìn mờ, mù lòa, mất khả năng nhìn của mắt. Điều này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mắt khác.

Xem điện thoại, làm việc với máy tính nhiều là nguyên nhân gây bệnh cận thị

Xem điện thoại, làm việc với máy tính nhiều là nguyên nhân gây bệnh cận thị

Các phương pháp chẩn đoán bệnh cận thị

Chẩn đoán cận thị bao gồm các bước kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng để xác định mức độ và loại cận thị, cụ thể như sau:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ thực hiện một bài kiểm tra mắt tổng quát để đánh giá khả năng thị lực của bạn. Bài kiểm tra này thường bao gồm việc đọc các bảng chữ cái ở các khoảng cách khác nhau. Ngoài ra bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sẽ đọc bảng chữ cái (Snellen chart) từ xa để xác định mức độ nhìn rõ các vật ở khoảng cách xa và gần. Mục đích là giúp xác định mức độ cận thị, đo lường mức độ suy giảm thị lực.

Thăm khám cận lâm sàng

Sau khi thực hiện khám lâm sàng, để chẩn đoán chính xác hơn vấn đề của mắt, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp hình ảnh sau:

  • Chụp ảnh đáy mắt giúp bác sĩ quan sát các cấu trúc bên trong mắt, như võng mạc và các mạch máu. Điều này giúp phát hiện các vấn đề có thể liên quan đến cận thị.
  • Đo áp lực mắt là một xét nghiệm quan trọng để loại trừ các bệnh lý khác như tăng nhãn áp, điều này rất quan trọng vì các bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến thị lực của bạn.

Bác sĩ sẽ đo khúc xạ, chụp ảnh đáy mắt,... để chẩn đoán bệnh cận thị

Bác sĩ sẽ đo khúc xạ, chụp ảnh đáy mắt,... để chẩn đoán bệnh cận thị

Phương pháp điều trị bệnh cận thị

Để giúp người bệnh cải thiện tầm nhìn và kiểm soát, ngăn bệnh tiến triển xấu, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau:

  • Đo cắt kính mắt cho bệnh nhân cận thị: Kính giúp điều chỉnh sự hội tụ của ánh sáng trên võng mạc, giúp bạn nhìn rõ hơn các vật thể ở xa. Bệnh nhân có thể lựa chọn sử dụng kính áp tròng thay thế cho kính mắt vì nó có tính thẩm mỹ và tiện lợi hơn.
  • Phẫu thuật khúc xạ giúp điều chỉnh độ cong của giác mạc bằng cách sử dụng tia laser, cải thiện thị lực cho người mắc cận thị, như phẫu thuật LASIK hoặc phẫu thuật điều chỉnh độ cong của giác mạc bằng cách loại bỏ một lớp tế bào mỏng trên bề mặt giác mạc (Phẫu thuật PRK - Photorefractive Keratectomy).
  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt như giảm thời gian làm việc với màn hình máy tính, điện thoại, tăng cường hoạt động ngoài trời,... giúp kiểm soát cận thị.

Biện pháp phòng ngừa bệnh cận thị

Để chăm sóc sức khỏe đôi mắt, hạn chế bị cận thị thì nên áp dụng các biện pháp sau:

  • Giảm thời gian làm việc với máy tính, điện thoại di động hoặc đọc sách. Thực hiện quy tắc 20-20-20: mỗi 20 phút, hãy nhìn ra xa ít nhất 20 feet (khoảng 6 mét) trong ít nhất 20 giây để giảm áp lực lên mắt.
  • Ánh sáng tự nhiên giúp mắt phát triển và hoạt động tốt hơn. Vì vậy bạn nên dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời để giảm nguy cơ mắc cận thị.
  • Khám mắt định kỳ giúp phát hiện và điều trị cận thị sớm, từ đó kiểm soát sự phát triển của bệnh tốt hơn và ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng khác.

Giảm thời gian sử dụng máy tính, điện thoại,... để ngăn ngừa bệnh cận thị

Giảm thời gian sử dụng máy tính, điện thoại,... để ngăn ngừa bệnh cận thị

Các câu hỏi thường gặp

Cận thị có thể được điều trị hoàn toàn không?

Hiện tại không có phương pháp nào có thể hoàn toàn chữa khỏi cận thị, nhưng các phương pháp điều trị như: dùng kính mắt, phẫu thuật khúc xạ,...có thể giúp cải thiện thị lực và kiểm soát tình trạng bệnh lâu dài.

Trẻ em có thể bị cận thị ngay sau khi sinh ra không?

Cận thị bẩm sinh rất hiếm và thường liên quan đến các rối loạn di truyền hoặc bệnh lý khác. Thông thường, cận thị của trẻ sơ sinh khó chẩn đoán chính xác, chỉ có thể phát hiện bệnh khi trẻ lớn hơn. Các yếu tố như: ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đọc sách, dùng thiết bị điện tử nhiều,... sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc cận thị ở trẻ.

Cận thị có mổ được không?

Cận thị có thể mổ được bằng các phương pháp phẫu thuật để điều chỉnh tật khúc xạ, giúp người bệnh không cần đeo kính hoặc kính áp tròng để nhìn rõ. Các phương pháp phẫu thuật hiện đại có thể điều chỉnh mức độ cận thị từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sức khỏe của mắt và một số yếu tố khác.

Kết luận

Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh cận thị có thể được kiểm soát hiệu quả, chỉ cần bệnh nhân thực hiện đúng chỉ định, lời khuyên của bác sĩ. Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thị lực, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ mắt của PhenikaaMec để được tư vấn và điều trị kịp thời.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

Nearsightedness: What is myopia? (2024, January 17) - https://www.aao.org/eye-health/diseases/myopia-nearsightedness.

Nearsightedness – Symptoms and causes (2024, April 19) - https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nearsightedness/symptoms-causes/syc-20375556.

Refraction test. Healthline (2018, July 3) - https://www.healthline.com/health/refraction-test.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6170055/.

right

Chủ đề :