Đục thủy tinh thể ở người già là tình trạng phổ biến ở mắt xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhìn và gây khó khăn trong mọi hoạt động thường ngày. Vậy nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết cách điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? Cùng tham khảo ngay qua nội dung sau.
Đục thủy tinh thể ở người già là gì?
Đục thủy tinh thể ở người già là một bệnh lý về mắt phổ biến ở người cao tuổi, chủ yếu từ 65 tuổi. Ước tính có khoảng 50% người trong độ tuổi từ 65 - 74 mắc chứng đục thủy tinh thể, con số này tăng lên 70% ở những người trên 70 tuổi.
Đục thủy tinh thể ở người già là bệnh lý phổ biến, gây suy giảm thị lực ở người lớn tuổi
Đục thủy tinh thể ở người cao tuổi chủ yếu do sự lão hóa của cơ thể khiến thủy tinh thể trong mắt mất đi độ trong suốt, xuất hiện mảng mờ đục, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh. Đục thủy tinh thể có thể được phân thành hai loại chính: Đục nhân trung tâm (nucleus) và đục phần vỏ (cortex).
Nếu phân chia bệnh theo quá trình thể thủy tinh trở nên xơ cứng và chuyển màu thì bệnh có ba giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn đục bắt đầu: Thời điểm này lỗ đồng tử chưa xuất hiện hình ảnh mờ đục rõ rệt. Khi kiểm tra bằng kính hiển vi mới thấy rõ các vùng đục ở phần Cortex hoặc Nucleus.
- Giai đoạn đục tiến triển: Người bệnh đã suy giảm thị lực đáng kể, lỗ đồng tử bắt đầu trở nên mờ đục đáng kể và ánh sáng không còn rõ nét dưới mắt người bệnh.
- Giai đoạn đục thể thủy tinh hoàn toàn (đục chín): Thị lực giảm xuống trầm trọng, người bệnh chỉ còn cảm nhận được ánh sáng qua hướng và mức độ, không thể soi thấy đáy mắt dưới máy chuyên dụng.
Đục thủy tinh thể ở người già có thể tiến triển dưới nhiều hình thức
Dấu hiệu đục thủy tinh thể ở người già
Bệnh đục thủy tinh thể là một tình trạng ở mắt có diễn biến âm thầm theo thời gian. Các dấu hiệu của bệnh cụ thể như sau:
Hiện tượng nhìn mờ sương
Đây là dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn đầu của đục thủy tinh thể. Người bệnh có thể cảm thấy hình ảnh mắt thu lại hơi mờ, giống như có một lớp sương mỏng trước mắt. Ban đầu mức độ mờ có thể không rõ rệt nhưng theo thời gian thì tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, khiến cho mọi vật trở nên mờ và khó nhận diện hơn.
Tầm nhìn ban đêm giảm sút
Khi bệnh tiếp tục tiến triển, thủy tinh thể có xu hướng trở nên sẫm màu hơn, ảnh hưởng đến khả năng nhìn trong điều kiện thiếu sáng. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm hoặc thấy hình ảnh mờ ảo trong bóng tối.
Cảm giác nhìn bị chói, lóa
Một trong những triệu chứng phổ biến khi bị đục thủy tinh thể ở người già là cảm giác chói mắt khi nhìn vào các nguồn sáng mạnh (đèn pha ô tô, ánh nắng, đèn chiếu sáng trong nhà,...). Điều này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến đau nhức mắt, làm cho người bệnh phải hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh.
Đục thủy tinh thể ở người già khiến họ nhìn mờ, chói hoặc lóa mắt
Cảm nhận màu sắc giảm
Người bệnh có thể nhận thấy màu sắc của các vật thể sẫm màu hơn, xám xịt và kém sống động hơn. Đục thủy tinh thể cũng khiến tầm nhìn hạn chế, giảm độ tương phản màu sắc dẫn đến khó phân biệt giữa các màu sắc khác nhau.
Xuất hiện quầng sáng
Đục thủy tinh thể có thể gây ra hiện tượng nhiễu xạ ánh sáng khiến người bệnh luôn thấy có những quầng sáng bao quanh khi nhìn trực diện. Hiện tượng này có thể gây khó chịu và làm giảm khả năng nhìn.
Nhìn hình ảnh thành hai, ba bóng
Triệu chứng này xảy ra khi đục thủy tinh thể gây nhiễu xạ khiến người bệnh nhìn một vật thành hai hoặc ba bóng. Triệu chứng này có thể trở nên rõ rệt hơn khi bệnh tiến triển nặng.
Mức độ cận thị tăng lên
Việc thay kính liên tục với số độ tăng dần có thể là dấu hiệu của đục thủy tinh thể. Người bệnh có thể nhận thấy rằng việc đổi kính không còn cải thiện thị lực, tình trạng cận thị có xu hướng gia tăng, thị lực giảm đi dù đã đeo kính hỗ trợ.
Đục thủy tinh thể ở người già khiến mắt giảm thị lực, khó nhận diện màu sắc
Nguyên nhân chính gây đục thủy tinh thể ở người già
Đục thủy tinh thể ở người già chủ yếu xuất phát từ quá trình lão hóa tự nhiên. Khoảng 90% các ca bệnh thuộc nhóm này là do tuổi tác, khi các protein trong thủy tinh thể bắt đầu kết tụ lại, làm mờ một vùng nhỏ. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng được cho là nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể ở người già như:
- Lạm dụng thuốc chứa corticoid: Corticoid là một chất kháng viêm mạnh thường được sử dụng trong thuốc nhỏ mắt và nhiều loại thuốc trị bệnh. Việc sử dụng lâu dài hoạt chất này có thể dẫn đến tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
- Thiếu dinh dưỡng: Thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho mắt làm tăng tốc độ lão hóa, dẫn đến các bệnh lý về mắt, trong đó có đục thủy tinh thể.
- Môi trường ô nhiễm: Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi và tia UV từ ánh nắng mặt trời thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ mắc đục thủy tinh thể.
- Đặc thù công việc: Những người làm việc với ánh sáng cường độ lớn như thợ hàn, thợ điện,... hay tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể hơn.
Nguyên nhân chính gây đục thủy tinh thể ở người già là do sự lão hóa của mắt
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đục thủy tinh thể ở người già
Bệnh dễ gặp nhất với các nhóm đối tượng dưới đây:
- Người trên 50 tuổi.
- Người già mắc bệnh lý toàn thân như tiểu đường, huyết áp cao, viêm màng bồ đào hoặc bệnh võng mạc có nguy cơ cao hơn.
- Người lớn tuổi lạm dụng thường xuyên các loại thuốc như steroid, corticoid có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
- Người già từng bị chấn thương mắt.
- Người từng tiếp xúc với xạ ion hóa hoặc tia cực tím nhiều khiến mắt suy yếu, bị tổn thương.
- Người lạm dụng rượu bia hoặc chất gây nghiện.
- Người lớn tuổi bổ sung không đầy đủ các dưỡng chất cho mắt, khiến sức khỏe mắt suy giảm.
Đục thủy tinh thể ở người già dễ gặp nhất ở người từ 50 tuổi
Biến chứng thường gặp của bệnh đục thủy tinh thể ở người già
Nếu không được điều trị kịp thời, đục thủy tinh thể có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
- Giảm thị lực nghiêm trọng, dẫn đến mất thị lực và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.
- Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn đục chín có thể gây ra tình trạng tăng nhãn áp, đau mắt và có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh Glôcôm, là tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.
Đục thủy tinh thể ở người già ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh
Các phương pháp chẩn đoán đục thủy tinh thể ở người già
Phương pháp chẩn đoán lâm sàng và thực hiện các chỉ định khám, xét nghiệm liên quan giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chính xác về bệnh đục thủy tinh thể ở người già. Cụ thể:
Thăm khám lâm sàng
Khi người bệnh đến khám, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử một cách chi tiết để hiểu rõ hơn về tình trạng thị lực cũng như các dấu hiệu, thời điểm xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh mắt và các bệnh toàn thân như: Viêm màng bồ đào, cận thị nặng, bệnh Glôcôm và tiểu đường, các vấn đề về mắt trước đó của bệnh nhân để có chẩn đoán chính xác nhất.
Thăm khám cận lâm sàng
Để đưa ra chẩn đoán và các liệu trình điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần thực hiện soi ánh đồng tử với máy chuyên dụng. Nếu thể thủy tinh có đám đục, có những vết đen nổi bật trên nền ánh đồng tử hồng, bác sĩ sẽ xác định là bệnh đục thủy tinh thể.
Tiếp theo, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá vị trí, mức độ đục và độ cứng của nhân thể thủy tinh bằng cách sử dụng đèn khe Slit Lamp hoặc kiểm tra phản xạ đồng tử với ánh sáng trực tiếp. Việc này giúp xác định rõ ràng tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Soi ánh đồng tử là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể ở người già
Phương pháp điều trị đục thủy tinh thể ở người già
Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể cải thiện bằng cách thay kính mới hoặc đeo kính râm chống lóa, thay đổi môi trường sống và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hiện tại, một số loại thuốc đang được nghiên cứu với mục tiêu làm chậm quá trình đục thủy tinh thể như: Sorbitol, Aspirin và các thuốc bổ sung vitamin C, Canxi, Glutathione.
Khi bệnh trở nên nặng hơn, phẫu thuật sẽ là lựa chọn điều trị chính để loại bỏ và thay thế thủy tinh thể. Phẫu thuật đục thủy tinh thể đã được chứng minh là phương pháp điều trị hiệu quả nhất giúp phục hồi thị lực cho người bệnh.
Đục thủy tinh thể ở người già có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật tùy tình trạng bệnh
Biện pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người già
Để hạn chế bệnh tiến triển, người bệnh cần lưu ý một số điều sau để tăng cường sức khỏe đôi mắt:
- Luôn đeo kính râm khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh sáng mặt trời.
- Đeo kính bảo hộ nếu môi trường sinh sống, làm việc có nguy cơ ô nhiễm, có tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe mắt.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất vào chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả chứa vitamin A, omega-3 từ các loại cá biển và đậu để bảo vệ sức khỏe mắt.
- Điều trị và theo dõi những bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì,... để giảm thiểu nguy cơ bệnh tiến triển.
Bổ sung nhiều vitamin A, omega-3 để giảm thiểu nguy cơ bị đục thủy tinh thể ở người già
Các câu hỏi thường gặp
Phẫu thuật đục thủy tinh thể cho người già cải thiện được tầm nhìn ra sao?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể ở người già là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất và có thể cải thiện đáng kể tầm nhìn. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật này rất cao, thường đạt khoảng 60 - 90%. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sau phẫu thuật hầu hết bệnh nhân sẽ có sự cải thiện rõ rệt về thị lực, thậm chí có thể thấy rõ mà không cần kính.
Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, người bệnh nên ăn những thực phẩm nào?
Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng để hỗ trợ quá trình hồi phục. Dưới đây là những nhóm thực phẩm nên bổ sung:
- Thực phẩm giàu đạm gồm: Thịt nạc, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Thực phẩm giàu omega-3 gồm: Cá hồi, cá thu, hạt chia, hạt lanh và quả óc chó.
- Thực phẩm giàu tinh bột lành mạnh như: Gạo lứt, quinoa và khoai lang cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể và giúp làm lành vết thương.
- Rau củ và trái cây giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt các loại rau củ giàu vitamin A và vitamin C, rau xanh lá đậm.
Kết luận
Đục thủy tinh thể ở người già là một vấn đề sức khỏe phổ biến và nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời để hạn chế ảnh hưởng đến khả năng nhìn, chất lượng cuộc sống. Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu rõ về dấu hiệu, nguyên nhân và các phương pháp điều trị, từ đó nâng cao nhận thức về sức khỏe mắt và chủ động chăm sóc, phòng tránh bệnh. Hãy liên hệ với PhenikaaMec để nhận được tư vấn, đặt khám nếu bạn nghi ngờ người thân có dấu hiệu bệnh.