Chào bạn! Với thắc mắc của bạn, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa xin được giải đáp như sau:
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn chuyển hóa carbohydrate xảy ra trong thai kỳ, thường xuất hiện từ tuần thứ 24 - 28. Tình trạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi nếu không được chủ động quản lý.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng cần được kiểm soát chặt chẽ thông qua chế độ ăn uống hợp lý. Mẹ bầu nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức, gạo lật nảy mầm thay thế cho gạo trắng có chỉ số đường huyết cao. Sử dụng trên 400g rau/ngày, nên ăn rau có nhiều chất xơ để làm hạn chế tăng đường máu sau ăn. Đồng thời mẹ bầu cần hạn chế tối đa các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng glucose huyết tương sau ăn như bánh, kẹo, kem, chè, trái cây sấy,....
Các bữa ăn nên được cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng cho bà mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Nên ăn nhiều loại thực phẩm (15 - 20 loại/ngày, mỗi bữa có trên 10 loại thực phẩm) để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ăn thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa chua, sữa, phô mai (ít béo, không đường) để giữ cho mức đường huyết ổn định trong thai kỳ, đảm bảo vợ bạn có thai kỳ khỏe mạnh, thuận lợi chào đón bé yêu.
Tiểu đường thai kỳ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc,...
Chúng tôi đã giải đáp cho bạn về thắc mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn gì trên đây. Ngoài ra, để giúp bạn hiểu rõ về tình trạng tiểu đường thai kỳ mà vợ gặp phải và chủ động theo dõi, can thiệp, hạn chế biến chứng trong thai kỳ, hãy tham khảo thêm một số thông tin liên quan dưới đây:
Nguyên nhân chính gây tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng bệnh lý do cơ thể mẹ bầu không dung nạp được đường huyết, dẫn đến mức đường trong máu cao. Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2013, tình trạng tăng đường huyết trong thai kỳ được chia thành hai nhóm:
- Tiểu đường thai kỳ bệnh lý (diabetes in pregnancy): Thai phụ có mức đường huyết đạt tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường, phát hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ và không tự hết sau khi sinh.
- Tiểu đường thai kỳ sinh lý (gestational diabetes mellitus): Tình trạng xuất hiện ở khoảng 5% phụ nữ mang thai từ 3 tháng giữa thai kỳ và thường tự khỏi sau khi sinh.
Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể thai phụ không sản xuất đủ insulin để đưa đường từ máu vào tế bào sử dụng hoặc khi có sự bất thường trong việc sử dụng insulin. Trong quá trình mang thai, sự gia tăng hormone như hormone nhau thai (hPL), prolactin, leptin và cortisol có thể làm tăng đề kháng insulin hoặc giảm sản xuất insulin, dẫn đến tình trạng này.
Tiểu đường thai kỳ có thể không tự hết sau khi sinh
Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào?
Tiểu đường thai kỳ thường không gây ra triệu chứng rõ rệt ở những tuần đầu, sẽ chỉ phát hiện qua sàng lọc đường huyết, thăm khám thai. Tuy nhiên nếu mức đường huyết tăng cao, thai phụ có thể gặp các triệu chứng sau:
- Khát nước nhiều, liên tục.
- Tiểu nhiều.
- Khô miệng.
- Mệt mỏi.
- Mờ mắt.
- Ngứa vùng âm hộ, khí hư nhiều, có mùi hôi.
Tình trạng tiểu đường thai kỳ nếu không chủ động kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi như sau:
Biến chứng đối với mẹ
- Tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai.
- Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Có thể dẫn đến đột quỵ, suy gan, suy thận, sinh non và tăng tỷ lệ tử vong trong quá trình sinh nở.
- Tăng nguy cơ phải mổ lấy thai vì thai nhi phát triển to hơn bình thường, gặp khó khăn khi sinh thường.
- Đa ối: Tình trạng nước ối quá nhiều có thể gây đau và chuyển dạ sớm.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai: Khoảng 45% phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tái phát trong thai kỳ sau.
Biến chứng đối với thai nhi
- 3 tháng đầu: Có nguy cơ không phát triển, thai lưu và dị tật bẩm sinh.
- 3 tháng giữa và cuối: Thai tăng trưởng quá mức, dẫn đến các vấn đề trong sinh nở.
- Trẻ sau sinh: Tăng nguy cơ tử vong ngay sau sinh, hạ đường huyết, gặp bệnh lý đường hô hấp, vàng da sơ sinh và một số dị tật bẩm sinh khác.
- Trẻ sinh ra khi mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao bị béo phì, đái tháo đường tuýp 2 và rối loạn phát triển tâm vận.
Tiểu đường thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi
Có thể điều trị tiểu đường thai kỳ không?
Bệnh không thể chữa trị hoàn toàn mà cần theo dõi, kiểm soát để chỉ số đường huyết của người mẹ không tăng quá mức, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. Tiểu đường thai kỳ được chia thành hai loại với cách điều trị như sau:
- Tiểu đường thai kỳ A1: Kiểm soát bệnh thông qua các phương pháp không dùng thuốc.
- Tiểu đường thai kỳ A2: Cần dùng thêm insulin hoặc thuốc uống để kiểm soát.
Mục tiêu điều trị là đưa lượng đường huyết về gần mức bình thường, đồng thời kiểm soát nguy cơ hạ đường huyết. Các chỉ tiêu mẹ bầu cần đạt được để kiểm soát đường huyết hiệu quả như sau:
- Glucose huyết lúc đói: 90 - 95 mg/dL
- Glucose huyết 1 giờ sau ăn: 140 mg/dL.
- Glucose huyết 2 giờ sau ăn: 120 mg/dL.
Sau khi chẩn đoán và dựa vào tình trạng thực tế của mẹ bầu, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Cách điều trị thường sẽ dùng thuốc và kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện thể dục để kiểm soát đường huyết. Nếu các biện pháp không dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể thay đổi chiến lược điều trị và thêm thuốc uống hoặc insulin.
Điều trị tiểu đường thai kỳ cần sử dụng thuốc kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng, vận động
Cách kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ
Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản của để điều trị và kiểm soát tình trạng tiểu đường thai kỳ:
- Tuân thủ chế độ ăn giảm glucid. Glucid nên được chia nhỏ suốt cả ngày trong 3 bữa ăn chính và 2 - 3 bữa ăn phụ. Nên sử dụng tối thiểu 175g glucid/ngày.
- Tránh ăn phụ quà bánh, thay thế bằng trái cây ít ngọt, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Đáp ứng đủ tỷ lệ carbohydrate và protein là 4:2.
- Lượng lipid chiếm khoảng 20 - 30% tổng năng lượng, tỉ lệ lipid động vật/lipid tổng số không nên vượt quá 60%. Nên tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và hạn chế tiêu thụ các loại mỡ động vật.
- Chọn thực phẩm thông minh, ưu tiên carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế đường tinh luyện.
- Chế biến thực phẩm bằng cách hấp, luộc hoặc nướng thay vì chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Tập luyện thể dục, vận động 30 phút mỗi ngày với cường độ từ nhẹ đến vừa, như đi bộ hoặc bơi lội.
- Kiểm tra mức đường huyết nhiều lần trong ngày và ghi chép lại các chỉ số để theo dõi.
- Đi khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe, đồng thời điều chỉnh phương pháp điều trị theo tình trạng bệnh từng thời điểm. Ngoài ra, luôn tuân thủ theo chỉ định hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc insulin của bác sĩ, không tự ý tăng/giảm liều thuốc.
- Việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên sẽ giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ cần thay đổi chế độ ăn, tập luyện kết hợp dùng thuốc mỗi ngày
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp về tiểu đường thai kỳ nên ăn gì cũng như những thông tin liên quan khác giúp bạn hiểu nên điều trị và kiểm soát tình trạng thế nào giúp hạn chế biến chứng cho mẹ và thai nhi. Nếu bạn lo lắng cho sức khỏe của vợ, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
Bệnh viện Đại học Phenikaa với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc tân tiến. Vợ bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất để kiểm soát, hạn chế biến chứng, chuẩn bị tốt nhất chào đón bé yêu.