Chào bạn Lan Hương! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục hỏi đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Trẻ bị tay chân miệng thường sốt trong khoảng 2-3 ngày đầu sau khi phát bệnh và sau đó dần hạ nhiệt nếu được chăm sóc đúng cách. Thông thường, bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, quá trình hồi phục nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào thể trạng và sức đề kháng của từng trẻ.
Trẻ có thể sốt từ 2-3 ngày đầu khi triệu chứng tay chân miệng xuất hiện
Tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Virus gây bệnh thường là Coxsackievirus và Enterovirus, lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc, đặc biệt là trong môi trường đông người như nhà trẻ, trường mẫu giáo. Triệu chứng chính của bệnh bao gồm sốt, nổi ban ở tay, chân, miệng và trên mông của trẻ.
Thắc mắc của bạn đã được bác sĩ Bệnh Viện Đại học Phenikaa giải đáp trên đây. Mặc dù bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi, nhưng triệu chứng sốt và nổi ban có thể khiến phụ huynh lo lắng, đặc biệt đối với những trẻ hồi phục chậm. Ngoài ra, ba mẹ nên chú ý tham khảo thêm những thông tin được chia sẻ dưới đây để chăm sóc con mình giúp bé nhanh phục hồi hơn.
Giai đoạn và triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng
Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng thường diễn tiến với các triệu chứng khác nhau. Ba mẹ thường chỉ nhận biết được bệnh của bé khi chúng đã khởi phát. Cụ thể bệnh tay chân miệng thường phát triển qua ba giai đoạn chính sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3 -10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
+ Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 - 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
+ Tổn thương đa dạng hồng ban hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, khuỷu tay, lòng bàn chân, gối, mông, cùi trỏ; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
+ Sốt nhẹ.
+ Ăn, bú kém.
+ Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5, có thể đến ngày 7 của bệnh.
+ Giật mình chới với là dấu hiệu quan trọng báo hiệu biến chứng thần kinh. Trẻ sốt cao hoặc nôn nhiều dễ có nguy cơ gặp biến chứng này.
Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Bệnh tay chân miệng diễn biến qua 3 giai đoạn chính
Ba mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà?
Thông thường bệnh tay chân miệng không cần nhập viện để điều trị. Sau khi có các dấu hiệu, ba mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Để trẻ nhanh chóng hồi phục, phụ huynh cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc tại nhà sau:
- Hạ sốt đúng cách cho trẻ: Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi xuất hiện cơn sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm khi không có chỉ định rõ ràng vì điều này có thể làm tình trạng bệnh trở nên phức tạp.
- Dinh dưỡng hợp lý: Cung cấp cho trẻ các loại thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp để giúp trẻ tránh đau miệng. Uống đủ nước là rất quan trọng để tránh mất nước, đặc biệt khi trẻ sốt cao.
- Giữ vệ sinh: Tay chân miệng là bệnh lây qua tiếp xúc, do đó cần thường xuyên vệ sinh tay chân của trẻ, lau sạch các vết ban và vệ sinh đồ chơi, vật dụng của trẻ để ngăn ngừa lây lan.
- Theo dõi dấu hiệu bất thường: Nếu trẻ sốt cao liên tục không hạ, có dấu hiệu khó thở, nôn mửa liên tục hoặc ngủ lịm đi, giật mình, bỏ bú, bỏ ăn, li bì,... phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Bệnh tay chân miệng thường được điều trị tại nhà
Làm thế nào để giúp trẻ phòng ngừa bệnh tay chân miệng?
Tay chân miệng rất dễ lây lan trong môi trường đông người. Do đó, để phòng bệnh ba mẹ hoặc các thầy cô giáo trông coi trẻ cần giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống, học tập:
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ: Rửa tay cho trẻ và tạo thói quen nhắc trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người lớn sau khi chăm sóc trẻ hoặc chạm vào các bề mặt nơi công cộng cũng cần rửa tay lại với xà phòng dưới vòi nước sạch.
- Khử trùng đồ chơi và vật dụng của trẻ: Đảm bảo đồ chơi, chén đĩa và các vật dụng của trẻ được khử trùng thường xuyên để ngăn ngừa lây nhiễm virus.
- Để trẻ ở nhà khi có dấu hiệu bệnh: Tránh đưa trẻ đến nhà trẻ, trường mẫu giáo khi có triệu chứng tay chân miệng để hạn chế lây lan cho các trẻ khác.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Nếu có thành viên trong gia đình hoặc bạn bè bị bệnh tay chân miệng, nên hạn chế tiếp xúc gần với trẻ để tránh nguy cơ lây bệnh.
Giữ vệ sinh môi trường và cá nhân cho trẻ để phòng bệnh tay chân miệng
Khi nào ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khi bị chân tay miệng
Bệnh tay chân miệng thông thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày mà không để lại biến chứng. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm cơ tim hoặc viêm phổi. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện trong các trường hợp sau:
- Trẻ sốt cao liên tục không hạ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt.
- Trẻ bị nôn mửa liên tục và không thể ăn uống được, xuất hiện tình trạng mất nước.
- Xuất hiện dấu hiệu thần kinh như co giật, giật mình liên tục hoặc li bì, loạng choạng.
- Các biến chứng hô hấp như khó thở, thở nhanh, hoặc da trở nên xanh tái.
- Các biểu hiện này có thể là dấu hiệu của biến chứng nặng và cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
Nếu trẻ mắc bệnh chân tay miệng có biểu hiện bất thường ba mẹ nên đưa con tới bệnh viện để được điều trị
Tóm lại, bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus thường gặp ở trẻ nhỏ và gây ra các triệu chứng như sốt, nổi ban ở tay, chân và miệng. Trẻ thường sẽ sốt trong vòng 2-3 ngày đầu và khỏi bệnh sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc tốt và không có biến chứng. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được theo dõi cẩn thận. Để đảm bảo sức khỏe cho con, bạn nên đưa bé đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Phenikaa. Bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bệnh như tay chân miệng.