Chào bạn! Cảm ơn bạn đã đưa ra câu hỏi tại chuyên mục hỏi đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng lớp màng mỏng che phủ ở bên ngoài và bên trong mí mắt (kết mạc) bị viêm đỏ do tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em được chia thành 2 loại là viêm kết mạc dị ứng theo mùa và viêm kết mạc mùa xuân.
- Viêm kết mạc dị ứng theo mùa: Tình trạng này thường xảy ra trong những tháng mùa hè và mùa xuân, đôi khi vào mùa thu.Viêm kết mạc dị ứng theo mùa thường bắt nguồn do các bào tử nấm mốc trong không khí hoặc phấn hoa của cây, cỏ.
- Viêm kết mạc dị ứng lâu năm: Đây là tình trạng viêm kết mạc dị ứng tồn tại quanh năm, thường được kích hoạt bởi những chất gây dị ứng trong nhà như bụi, lông thú cưng, rận rệt, mạt nhà,…
- Viêm kết mạc mùa xuân: Viêm kết mạc mùa xuân xảy ra phổ biến ở nam giới từ 5 – 20 tuổi có thêm các yếu tố như bị chàm, hen suyễn, dị ứng theo mùa. Viêm kết mạc mùa xuân gặp nhiều ở mùa xuân và giảm dần vào mùa thu và mùa đông
Khi trẻ bị viêm kết mạc dị ứng, điều đầu tiên bạn cần xác định nguyên nhân gây dị ứng và loại bỏ chúng nếu có thể. Sau đó có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như rửa mắt bằng nước muối sinh lý, chườm lạnh để giảm ngứa và đảm bảo vệ sinh cho trẻ. Cụ thể:
- Rửa mắt: Rửa mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ các dị nguyên như bụi bẩn và phấn hoa. Bạn có thể dùng bông gòn sạch thấm nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng quanh mắt trẻ.
- Chườm mát: Chườm lạnh lên mắt trẻ bằng khăn sạch hoặc bông ướt có thể giúp giảm ngứa và sưng.
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên: Cố gắng giữ cho trẻ tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đã được xác định. Đeo khẩu trang và kính mắt khi ra ngoài, đặc biệt vào ngày hanh khô nhiều gió.
- Dùng thuốc nhỏ mắt: Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng histamin hoặc nước mắt nhân tạo để giúp giảm ngứa và khô mắt.
Rửa mắt cho trẻ ngay khi có biểu hiện dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây ra nhiều khó chịu cho trẻ, đặc biệt nếu không được chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm hoặc làm tổn thương bề mặt mắt. Do đó, việc chăm sóc và xử lý kịp thời sẽ giúp bé giảm triệu chứng và nhanh chóng hồi phục. Ba mẹ nên chú ý tham khảo thêm những thông tin quan trọng dưới đây để giúp chăm sóc mắt của trẻ khỏe mạnh hơn.
Các dấu hiệu nhận biết viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em có một số dấu hiệu đặc trưng mà các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nhận ra. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu này giúp cha mẹ có thể can thiệp sớm, tránh để bệnh kéo dài làm tăng nguy cơ biến chứng. Cụ thể:
- Ngứa mắt: Trẻ thường xuyên dụi mắt và than phiền về cảm giác ngứa.
- Chảy nước mắt nhiều: Trẻ có hiện tượng chảy nước mắt trong suốt, không có mủ hoặc dịch màu khác.
- Mắt đỏ: Kết mạc mắt đỏ, có thể sưng nhẹ hoặc đỏ nhẹ tùy vào mức độ dị ứng.
- Phát ban hoặc sưng quanh mắt: Có thể xuất hiện mẩn đỏ hoặc sưng nhẹ xung quanh mắt, thường thấy khi trẻ dị ứng với lông động vật hoặc phấn hoa.
- Khó chịu: Trẻ thường kêu khó chịu ở mắt, cảm giác nóng rát hoặc cảm giác cộm như có vật thể lạ trong mắt.
Viêm kết mạc dị ứng ở trẻ có những dấu hiệu dễ nhận biết
Nguyên nhân nào gây viêm kết mạc dị ứng ở trẻ?
Hiểu rõ nguyên nhân gây dị ứng là điều quan trọng giúp hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với dị nguyên, từ đó giảm nguy cơ tái phát bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến viêm kết mạc dị ứng ở trẻ, ba mẹ nên chú ý như:
- Phấn hoa: Rất nhiều trẻ dị ứng với phấn hoa, đặc biệt vào mùa xuân khi phấn hoa trong không khí tăng cao.
- Bụi nhà: Bụi trong nhà, bao gồm bụi từ vải, sách báo cũ hoặc các bề mặt không được làm sạch thường xuyên, là nguyên nhân phổ biến gây viêm kết mạc dị ứng cho trẻ.
- Lông động vật: Các gia đình nuôi thú cưng như chó hoặc mèo thường phải đối mặt với vấn đề viêm kết mạc dị ứng ở trẻ em.
- Hóa chất và chất gây dị ứng trong môi trường: Một số hóa chất có trong nước hoa, mỹ phẩm hoặc sản phẩm tẩy rửa có thể gây kích ứng cho trẻ khi tiếp xúc.
- Dị ứng thời tiết: đặc biệt khi di chuyển sang các vùng khí hậu khác nhau.
- Vi khuẩn, virus, nấm.
Biến chứng viêm kết mạc dị ứng ở trẻ
Mặc dù viêm kết mạc dị ứng không phải là một tình trạng nghiêm trọng nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Viêm nhiễm thứ phát: Tình trạng viêm kết mạc không được xử lý đúng cách có thể gây viêm nhiễm nặng hơn tại mắt hoặc viêm loan tỏa.
- Kích ứng mãn tính: Viêm kết mạc dị ứng có thể trở thành mãn tính nếu trẻ liên tục tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng mà không được loại bỏ.
- Tổn thương giác mạc: Trẻ dụi mắt quá nhiều hoặc viêm nhiễm kéo dài có thể gây tổn thương giác mạc hoặc kết mạc, từ đó ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Cần xử lý ngay khi có triệu chứng viêm kết mạc mắt dị ứng ở trẻ để tránh biến chứng nặng hơn
Khi nào tình trạng viêm kết mạc dị ứng ở trẻ cần gặp bác sĩ?
Nếu các triệu chứng viêm kết mạc kéo dài hơn một tuần và có những dấu hiệu lạ dù đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà, bạn nên cho trẻ thăm khám để nhận tư vấn cụ thể hơn từ bác sĩ, cụ thể:
- Mắt đau và có cảm giác nóng rát: Đây là dấu hiệu cho thấy mắt trẻ có thể đã bị viêm nặng hơn, cần được bác sĩ thăm khám.
- Chảy dịch lạ từ mắt: Nếu mắt trẻ chảy dịch mủ màu vàng hoặc xanh, có thể đây là dấu hiệu của viêm nhiễm và cần được xử lý.
- Sưng mắt nghiêm trọng: Nếu mắt của trẻ sưng nhiều hoặc trẻ gặp khó khăn khi mở mắt, việc gặp bác sĩ là cần thiết.
Phòng ngừa viêm kết mạc dị ứng cho trẻ như thế nào hiệu quả?
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc viêm kết mạc dị ứng ở trẻ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Không để trẻ dụi mắt: Việc dụi mắt không chỉ làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn mà còn dễ gây nhiễm khuẩn nếu trẻ không rửa tay sạch sẽ.
- Giữ môi trường sạch sẽ: Đảm bảo vệ sinh nhà cửa, hạn chế bụi bẩn, và giặt giũ chăn ga, gối nệm thường xuyên để giảm thiểu tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
- Tránh các chất gây kích ứng, dị ứng: Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kích ứng cho trẻ như: phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất, mỹ phẩm,….
- Sử dụng máy lọc không khí: Máy lọc không khí có thể giúp loại bỏ các hạt bụi nhỏ, phấn hoa, và các tác nhân dị ứng trong không khí, giúp bảo vệ sức khỏe mắt của trẻ.
Vệ sinh nhà cửa giúp phòng ngừa các tác nhân gây dị ứng giúp bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt trẻ
Viêm kết mạc dị ứng ở trẻ là tình trạng phổ biến nhưng nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm mà không gây ra biến chứng. Để chăm sóc mắt cho trẻ hiệu quả, cha mẹ cần xác định nguyên nhân gây dị ứng và áp dụng các biện pháp chăm sóc mắt đúng cách. Nếu triệu chứng của trẻ không thuyên giảm, hãy đưa trẻ đến Bệnh viện Đại học Phenikaa để được thăm khám và điều trị sớm nhất. Việc bảo vệ sức khỏe mắt cho trẻ là vô cùng quan trọng, và sự quan tâm đúng mức từ phụ huynh sẽ giúp trẻ có đôi mắt khỏe mạnh, sáng rõ.