Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp phát triển lớn hơn bình thường, có thể phì đại toàn bộ tuyến hoặc hình thành các khối u cục. Bệnh có thể gây ra những biến chứng cho sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Vậy làm sao để nhận biết bướu cổ và phương pháp nào điều trị hiệu quả? Cùng tham khảo những chia sẻ ở bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh.
Bướu cổ là gì?
Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp bị phình to hoặc phát triển bất thường. Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất, tiết ra các hormone quan trọng như thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Các hormone này giúp cơ thể duy trì các hoạt động như sử dụng năng lượng, điều hòa nhiệt độ và đảm bảo chức năng của các cơ quan khác như não, tim và tiêu hóa.
Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp phình to ra bất thường
Bệnh bướu cổ gặp phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới, và có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân chính của bướu cổ là thiếu iốt trong chế độ ăn uống. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu bướu cổ nhỏ và không gây triệu chứng thường không cần can thiệp.
Bướu cổ được chia thành ba loại chính gồm:
- Bướu cổ lành tính ( bướu cổ phì đại đơn thuần, bướu nhân lành tính): Là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Đây là tình trạng tuyến giáp tăng kích thước, có đơn nhân hoặc đa nhân lành tính, nhưng không ảnh hưởng đến chức năng hoạt động (hormon tuyến giáp bình thường). Phần lớn các trường hợp này chỉ cần theo dõi định kỳ, không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bướu phát triển quá lớn, gây khó nuốt, khó thở hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, phương pháp phẫu thuật có thể được xem xét.
- Ung thư tuyến giáp: Đây là dạng nguy hiểm và cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp: Bao gồm các vấn đề liên quan đến việc sản sinh hormone quá mức (cường giáp) hoặc thiếu hụt hormone (suy giáp). Đây là bệnh cần được phát hiện và điều trị lâu dài.
Triệu chứng nhận biết bướu cổ
Dấu hiệu chính của bệnh này thông thường là ở phía trước cổ bị sưng to, hoặc có khối bất thường, hầu hết không gây đau, có thể đau hoặc đi kèm với các triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Kích thước có thể thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng khác thường gặp ở người bị bướu cổ bao gồm:
- Cảm giác căng tức ở họng.
- Khàn giọng.
- Tĩnh mạch cổ sưng to.
- Chóng mặt.
- Các triệu chứng ít gặp hơn: Khó thở, khó nuốt, khò khè, ho.
Căng tức cổ họng gây khó chịu có thể là dấu hiệu của bướu cổ
Nếu bướu cổ do cường giáp (tuyến giáp sản sinh quá mức hormone), bệnh nhân có thể gặp thêm các triệu chứng sau:
- Nhịp tim nhanh.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Tiêu chảy.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Run tay.
- Lo lắng, kích thích.
Nếu nguyên nhân do suy giáp (tuyến giáp giảm sản xuất hormone), các triệu chứng có thể bao gồm:
- Mệt mỏi kéo dài.
- Tăng cân bất thường.
- Táo bón.
- Da khô.
- Chu kỳ hành kinh bị rối loạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Bướu cổ có thể liên quan đến nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chức năng và sự phát triển của tuyến giáp, bao gồm:
- Thiếu hụt i-ốt: I-ốt là thành phần cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Khi thiếu i-ốt trong chế độ ăn, tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone dẫn đến việc phải tăng cường hoạt động, phì đại tuyến giáp nhằm tạo ra nhiều hormon đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto: Đây là một bệnh tự miễn dịch gây viêm tuyến giáp của bạn. Tình trạng viêm sẽ làm giảm khả năng sản xuất hormone, gây suy giáp khiến tuyến giáp phì đại để tăng hoạt động bù đắp sự thiếu hụt hormone.
- Bệnh Graves (Bệnh Basedow): Là một bệnh tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra một loại protein, được gọi là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI). Cũng như TSH, TSI kích thích tuyến giáp phát triển nhiều hơn tạo ra bướu cổ, đồng thời kích thích tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp gây cường giáp.
- Bướu giáp nhân: Sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo thành các nốt, có thể là một hoặc nhiều nốt. Nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng có thể liên quan đến yếu tố di truyền, chế độ ăn, lối sống và môi trường. Hầu hết các nốt tuyến giáp đều lành tính.
- Thai kỳ: Hormone HCG được sản xuất trong thai kỳ có thể khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và phì đại nhẹ.
- Viêm tuyến giáp: Là tình trạng viêm tuyến giáp do rối loạn tự miễn dịch, nhiễm vi khuẩn hoặc virus, hoặc dùng thuốc. Tình trạng viêm có thể gây cường giáp hoặc suy giáp
Cơ thể thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh bướu cổ
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ mắc bướu cổ bao gồm:
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp, nhân giáp hoặc các bệnh lý tuyến giáp khác.
- Người không bổ sung đủ i-ốt trong chế độ ăn hoặc bị thiếu i-ốt do các nguyên nhân khác.
- Phụ nữ có nguy cơ mắc bướu cổ cao hơn so với nam giới.
- Người trên 40 tuổi có khả năng mắc cao hơn.
- Người đã trải qua xạ trị vùng cổ hoặc ngực, người béo phì, kháng insulin hoặc mắc hội chứng chuyển hóa cũng có nguy cơ mắc bướu cổ hơn.
Biến chứng của bệnh bướu cổ
Tiên lượng cho bướu cổ phụ thuộc vào loại bướu cổ và nguyên nhân gây bệnh. Bướu cổ lành tính thường không gây ra nhiều biến chứng và có tiên lượng tốt. Tuy nhiên nếu bướu phát triển quá lớn có thể tạo cảm giác căng tức và chèn ép cấu trúc xung quanh gây khó thở, khó nuốt, khàn giọng,…
Bướu cổ càng to càng ảnh hưởng đến khả năng hô hấp
Ngoài ra với nhiều người, bướu cổ có thể gây tự ti về ngoại hình và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu bướu cổ là triệu chứng của một bệnh tuyến giáp khác như bệnh Graves hoặc bệnh Hashimoto, nếu không được phát hiện và điều trị sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, thiếu máu, tràn dịch màng tim.
Phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh bướu cổ thường bắt đầu bằng việc khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ khám tuyến giáp của bạn, khi phát hiện có bất thường sẽ yêu cầu các xét nghiệm cơ bản và chuyên sâu để chẩn đoán chính xác và tìm nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:
- Xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp: Đo nồng độ hormone FT3, FT4, TSH tuyến giáp để xác định bướu cổ có liên quan đến việc tăng hay giảm chức năng tuyến giáp hay không.
- Xét nghiệm kháng thể: Giúp chẩn đoán bệnh bướu cổ gây ra do các nguyên nhân bệnh tự miễn như bệnh Hashimoto hoặc Graves.
- Siêu âm tuyến giáp: Phương pháp này giúp đánh giá kích thước tuyến giáp, mật độ tuyến giáp và phát hiện nhân tuyến giáp.
- Sinh thiết: Chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ, dưới hướng dẫn của siêu âm vào tuyến giáp để lấy mẫu mô từ tuyến giáp hoặc các nhân nhằm phát hiện nguy cơ ung thư, đặc biệt khi có nhân giáp bất thường.
- Đo hấp thụ i-ốt phóng xạ: Kỹ thuật này cung cấp thông tin về kích thước, chức năng và nguyên nhân gây bệnh của tuyến giáp.
- Chụp CT hoặc MRI: Sử dụng để đánh giá bướu cổ có kích thước lớn lan xuống ngực, giúp xác định kích thước, sự lan rộng và ảnh hưởng của bướu (chèn ép cơ quan xung quanh).
Có thể thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh bướu cổ
Cách điều trị bướu cổ
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
Theo dõi
Nếu kích thước của bướu nhỏ, chức năng tuyến giáp bình thường, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi và khám, kiểm tra định kỳ mà không cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung đủ iot và duy trì lối sống lành mạnh.
Điều trị bằng thuốc
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và loại bướu cổ, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc sau:
- Do viêm: Nếu viêm tuyến giáp dẫn đến đau, thường được điều trị bằng aspirin, naproxen natri (Aleve), ibuprofen (Advil, Motrin IB, các loại khác) hoặc thuốc giảm đau liên quan. Trường hợp viêm tuyến giáp bán cấp đau nhiều có thể được điều trị bằng steroid.
- Do suy giáp: Điều trị thay thế hormon tuyến giáp. Levothyroxin thường được chỉ định, bao gồm cả phụ nữ mang thai.
- Do cường giáp: Có thể được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp để làm giảm sản xuất hormone, giảm kích thước của bướu cổ. Thuốc được sử dụng phổ biến nhất là methimazole .
- Thuốc chẹn beta: Để kiểm soát các triệu chứng cường giáp. Những loại thuốc thường dùng atenolol (Tenormin), metoprolol (Lopressor) và các loại khác
Sử dụng thuốc điều trị dựa theo từng nguyên nhân gây bướu cổ
Xạ trị tuyến giáp
Đây là phương pháp sử dụng i-ốt phóng xạ (I-131) để điều trị. Khi i-ốt phóng xạ được đưa vào cơ thể, nó được hấp thụ chủ yếu bởi tuyến giáp. Từ đó giúp phá hủy các tế bào tuyến giáp bất thường mà không gây hại cho các mô khác trong cơ thể.
Phương pháp này thường được chỉ định trong điều trị cường giáp, và một số trường hợp ung thư tuyến giáp. Sau xạ trị bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị bổ sung hormon tuyến giáp nếu bị suy giáp do tác động của i-ốt phóng xạ.
Phẫu thuật tuyến giáp
Đây là phương pháp được chỉ định trong điều trị ung thư tuyến giáp và các bệnh lý liên quan đến bướu cổ lớn gây chèn ép, hoặc nhân độc (các khối u gây tình trạng cường giáp). Tùy thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp sau:
- Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp: Áp dụng cho những trường hợp ung thư tuyến giáp đã lan rộng hoặc nghiêm trọng. Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn mô ung thư để ngăn ngừa di căn.
- Cắt bỏ một phần tuyến giáp: Thường áp dụng cho trường hợp ung thư giai đoạn sớm, kích thước nhỏ và khu trú, hoặc nhân lành tính lớn gây chèn ép, hoặc trường hợp Basedow có chỉ định phẫu thuật.
- Tùy thuộc vào số lượng nhu mô tuyến giáp bị loại bỏ, bạn có thể cần phải điều trị liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp nếu có suy giáp trong suốt quãng đời còn lại.
Thực hiện phẫu thuật nếu ung thư tuyến giáp là nguyên nhân gây bướu cổ
Một số biện pháp phòng tránh
Để phòng ngừa bướu cổ, đặc biệt là các trường hợp bệnh lành tính cần thực hiện các biện pháp sau:
- Cung cấp đủ i-ốt cho cơ thể: Việc bổ sung i-ốt đầy đủ là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa bướu cổ. Hãy ăn các thực phẩm giàu i-ốt như cá biển, mắm tôm, nước mắm hoặc sử dụng muối i-ốt hàng ngày. Đây là cách đơn giản và hiệu quả để giảm nguy cơ thiếu i-ốt và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tuyến giáp.
- Hãy cẩn thận để không tiếp xúc quá nhiều với bức xạ tại nơi làm việc hoặc trong khi xạ trị.
- Khám định kỳ cho người có nguy cơ cao: Những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý tuyến giáp, người có tiền sử chiếu xạ vùng cổ, người sống trong vùng thiếu iod ….
- Việc khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm, theo dõi và có phương pháp điều trị, kiểm soát bệnh hiệu quả, tốt nhất.
- Đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường: Nếu xuất hiện các triệu chứng như cổ to bất thường, khó thở, nuốt nghẹn hoặc mệt mỏi, thay đổi cân nặng, run tay,… hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Cung cấp đủ i-ot cho cơ thể, thăm khám định kỳ sức khỏe để phòng bướu cổ
Các câu hỏi thường gặp
Bệnh bướu cổ có điều trị được dứt điểm?
Có, tình trạng bệnh có thể điều trị dứt điểm, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc điều trị bằng i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi định kỳ.
Bướu cổ có di truyền không?
Bệnh bướu cổ có thể có yếu tố di truyền trong một số trường hợp. Tuy nhiên, nó không phải là một bệnh hoàn toàn di truyền. Các yếu tố di truyền có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhưng thường kết hợp với các yếu tố môi trường và lối sống.
Người bị bướu tuyến giáp kiêng ăn gì?
Tùy vào loại bướu cổ và nguyên nhân gây bệnh mà chế độ ăn uống có thể thay đổi. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung để hỗ trợ sức khỏe người bệnh:
- Bổ sung i-ốt hợp lý: Nếu bệnh nhân mắc bướu cổ do thiếu i-ốt, nên bổ sung thực phẩm giàu i-ốt như muối i-ốt, tảo biển, hải sản (cá, tôm, sò, ngao), trứng, sữa, và các sản phẩm từ sữa.
- Lưu ý: Không nên bổ sung quá nhiều i-ốt vì có thể gây tác dụng phụ, đặc biệt với bệnh nhân có vấn đề về tuyến giáp.
- Chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất như vitamin D, vitam B12. Uống đủ nước.
- Tránh thực phẩm cản trở hấp thụ i-ốt và ảnh hưởng đến tuyến giáp
- Các loại rau họ cải (goitrogenic foods) như bắp cải, cải xoăn, súp lơ, cải brussels và các loại đậu có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp khi ăn sống. Tuy nhiên, khi nấu chín, chúng sẽ giảm đi tính chất này, do đó, bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn mà chỉ nên ăn với một lượng vừa phải.
- Các thực phẩm từ đậu nành cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp nếu tiêu thụ quá nhiều. Tuy nhiên, một lượng vừa phải thường không gây hại, đặc biệt là khi bạn đã được điều trị bệnh tuyến giáp ổn định.
- Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều i-ốt nếu đang bị cường giáp, đang điều trị bằng i-ốt phóng xạ.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường hay rượu và caffeine.
Kết luận
Bệnh bướu cổ, mặc dù không phải là một bệnh lý hiếm gặp, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lý này, cũng như khuyến khích mọi người thăm khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Bệnh viện Đại học Phenikaa với những thiết bị máy móc tiên tiên, đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân bệnh, có phương pháp chẩn đoán cũng như điều trị phù hợp. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ về bệnh bướu cổ hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.