iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Nội Tiết - Chuyển Hóa

icon

Suy giáp là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Suy giáp là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Suy giáp là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Suy giáp là tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết theo nhu cầu cơ thể, gây tổn thương ở các mô, cơ quan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn nhiều biến chứng nguy hiểm Vậy suy giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phòng ngừa bệnh như thế nào? Cùng tham khảo bài viết.

Suy giáp là gì?

Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ hình con bướm nằm phía trước cổ và dưới thanh quản, có nhiệm vụ chính là sản xuất, dự trữ và giải phóng 2 hormon chính thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3).

Các hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình chuyển hóa, tăng cường sản xuất năng lượng, duy trì nhiệt độ cơ thể, tác dụng lên sự tăng trưởng và phát triển đặc biệt cần cho sự phát triển của xương, não và thần kinh.

Suy giáp là tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, gây nên các triệu chứng lâm sàng do rối loạn hoạt động và chuyển hóa của nhiều cơ quan do thiếu hormon giáp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

Suy giáp có thể xảy ra ở bất kỳ ai, gặp ở nữ nhiều hơn nam, thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Có ba loại suy giáp chính:

  • Suy giáp nguyên phát: Do bệnh lý trực tiếp tại tuyến giáp khiến tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone.
  • Suy giáp thứ phát: Do bệnh lý ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên, làm giảm hoặc ngừng sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
  • Suy giáp cận lâm sàng: Là tình trạng tăng TSH huyết thanh ở những bệnh nhân không có hoặc có rất ít triệu chứng suy giáp và mức T4 tự do huyết thanh bình thường.

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể

Triệu chứng thường gặp của bệnh suy giáp

Triệu chứng của suy giáp thay đổi tùy theo nguyên nhân, thời gian mắc bệnh và mức độ tiến triển của bệnh.

Triệu chứng thường gặp

  • Mệt mỏi, yếu cơ, nhịp tim chậm, huyết áp thấp.
  • Bàn tay, chân lạnh, dày, ngón to khó gấp, lòng bàn tay và chân vàng, đau khớp.
  • Nhạy cảm với thời tiết lạnh.
  • Tăng cân không giải thích được.
  • Giọng nói khàn, lưỡi to, ngủ ngáy.
  • Kinh nguyệt không đều (với phụ nữ).
  • Táo bón.
  • Dạ dày , mất nếp nhăn, mặt vàng sáp.
  • Lông, tóc thưa, dễ rụng, móng khô dễ gãy.
  • Trầm cảm, bất ổn tâm lý, hay quên, suy nghĩ chậm, trí nhớ suy giảm.

Triệu chứng ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có thể không biểu hiện rõ ràng các triệu chứng nên cần chú ý quan sát, theo dõi để nhận diện bệnh:

  • Chán ăn, lười bú.
  • Tăng cân, tăng trưởng kém.
  • Vàng da.
  • Táo bón.
  • Lười vận động, chân tay yếu mềm.
  • Da khô.
  • Tiếng khóc khàn.
  • Bị thoát vị rốn.

Triệu chứng ở trẻ em và thanh thiếu niên

  • Chậm tăng trưởng, vóc dáng nhỏ bé nhiều so với các bạn cùng tuổi.
  • Răng phát triển chậm.
  • Dậy thì muộn.
  • Trí tuệ kém phát triển.
  • Cơ thể yếu ớt, dễ ốm bệnh, miễn dịch kém.

Suy giáp cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng của trẻ

Suy giáp cũng có thể gặp ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng của trẻ

Nguyên nhân gây suy giáp

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy giáp. Dưới đây là những nguyên nhân từ phổ biến tới ít phổ biến hơn:

Nguyên nhân thường gặp

  • Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto - là bệnh tự miễn dịch gây phá hủy tế bào tuyến giáp. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp tại tuyến giáp, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.
  • Suy giáp sau điều trị là nguyên nhân thường gặp thứ 2. Suy giáp là hậu quả của phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp hoặc ung thư tuyến giáp, hoặc là hậu quả sau điều trị cường giáp bằng iod phóng xạ
  • Suy giáp sau xạ trị, điều trị ung thư vùng đầu, cổ hoặc ngực.
  • Suy giáp do thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, lithium, interferon alpha,…

Những nguyên nhân ít phổ biến hơn

  • Suy giáp bẩm sinh: Tình trạng này hiếm gặp, tỷ lệ mắc là 1/1700 - 1/3500 số ca trẻ sinh ra.
  • Thiếu hoặc thừa i-ốt ảnh hưởng đến quy trình sản xuất hormone tuyến giáp của cơ thể.
  • Bệnh lý tuyến yên như u, chấn thương, nhiễm trùng, hoại tử gây giảm tiết TSH (gây suy giáp thứ phát), hoặc bệnh lý vùng dưới đồi gây giảm sản xuất hormon giải phóng TRH dẫn tới giảm sản xuất TSH (suy giáp tam phát).
  • Bị suy giáp trong thai kỳ hoặc sau khi sinh, có thể gây sảy thai, sinh non và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Suy giáp có thể là tác dụng phụ khi dùng một số loại thuốc

Suy giáp có thể là tác dụng phụ khi dùng một số loại thuốc

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh suy giáp

Suy giáp có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng một số nhóm người có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Phụ nữ sau mãn kinh, trên 60 tuổi do sự thay đổi nội tiết tố và lão hóa, thay đổi chức năng tuyến giáp.
  • Người có tiền sử mắc các bệnh lý về tuyến giáp.
  • Người từng phẫu thuật tuyến giáp.
  • Người có tiền sử điều trị bằng tia xạ ở vùng cổ, tuyến giáp hoặc ngực.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp tự miễn.
  • Phụ nữ giai đoạn mang thai nguy cơ suy giáp là 0,3 - 0,5%; và sau sinh con trong vòng 6 tháng có nguy cơ suy giáp do viêm tuyến giáp sau sinh là 5%. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ suy giáp.
  • Người mắc các bệnh tự miễn khác như: Đái tháo đường type 1, hội chứng Sjogren, bệnh lupus, hội chứng Turner,...

Suy giáp có thể bắt nguồn từ nhiều bệnh lý tự miễn hay rối loạn di truyền

Suy giáp có thể bắt nguồn từ nhiều bệnh lý tự miễn hay rối loạn di truyền

Biến chứng thường gặp của bệnh suy giáp

Khi bệnh suy giáp không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Hôn mê phù niêm: Là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử suy giáp kéo dài. Đặc trưng bao gồm hôn mê với hạ thân nhiệt cực nhanh (nhiệt độ từ 24 ° C đến 32,2 ° C), mất phản xạ, co giật và suy hô hấp.
  • Tuyến giáp to, phì đại chèn ép gây khó khăn trong việc nuốt hoặc thở, ảnh hưởng thẩm mỹ.
  • Suy giáp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như suy tim, tràn dịch màng tim,...
  • Suy giáp làm tăng nguy cơ vô sinh
  • Tăng nguy cơ bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Trẻ có mẹ mắc bệnh suy giáp có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh và các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần.

Suy giáp khiến cổ có bướu to, gây khó nuốt và hít thở

Suy giáp khiến cổ có bướu to, gây khó nuốt và hít thở

Các phương pháp chẩn đoán suy giáp

Việc chẩn đoán suy giáp cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, và các xét nghiệm cận lâm sàng cụ thể như sau:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bản thân về các bệnh lý tuyến giáp, bệnh tự miễn hoặc các yếu tố nguy cơ, tiền sử dùng thuốc,...

Khai thác tiền sử gia đình, thăm khám tổng quát, khám tuyến giáp, kết hợp hỏi về triệu chứng lâm sàng, thời điểm có triệu chứng,... để đưa ra hướng chẩn đoán bệnh.

Thăm khám cận lâm sàng

Để có chẩn đoán chính xác về tình trạng, nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp xét phiệm, chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Xét nghiệm công thức máu đánh giá tình trạng thiếu máu.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu, rối loạn điện giải,…
  • Xét nghiệm định lượng hormon: FT3, FT4, TSH;
  • Siêu âm tuyến giáp, vùng cổ.
  • Chụp MRI tuyến yên nếu nghi ngờ bệnh lý tuyến yên.
  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân như: Anti TPO và anti-thyroglobulin.
  • Các xét nghiệm khác tùy nguyên nhân gây bệnh.

photo

Siêu âm tuyến giáp để chẩn đoán bệnh suy giáp

Phương pháp điều trị suy giáp

Điều trị suy giáp bằng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp, thường dùng Levothyroxine liều trung bình từ 50 – 200μg/ngày tùy theo tình trạng bệnh. Cần dùng thuốc từ liều thấp và tăng dần liều sau mỗi 2 -4 tuần, theo dõi đáp ứng lâm sàng của người bệnh và các xét nghiệm hormon tuyến giáp để điều chỉnh liều. Người bệnh uống thuốc vào buổi sáng, lúc đói để đảm bảo thuốc được hấp thu tốt nhất

Người bệnh suy giáp sẽ phải dùng thuốc hormon thay thế suốt đời và phải đi khám bác sĩ chuyên khoa định kỳ để được tư vấn và điều chỉnh liều thuốc phù hợp theo từng giai đoạn bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giúp kiểm soát bệnh, hạn chế biến chứng.

Suy giáp chủ yếu dùng thuốc điều trị theo đơn bác sĩ kê

Suy giáp chủ yếu dùng thuốc điều trị theo đơn bác sĩ kê

Biện pháp phòng ngừa suy giáp

Để phòng ngừa suy giáp, cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ với các biện pháp sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, ăn đủ lượng i-ốt cơ thể cần theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.
  • Khám bệnh định kỳ, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao để theo dõi các triệu chứng, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
  • Khi cần phải điều trị với các loại thuốc như lithium thì cần kiểm tra đánh giá chức năng tuyến giáp để phát hiện sớm nếu có suy giáp
  • Theo dõi chức năng tuyến giáp trong và sau thai kỳ, cần khám bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ phác đồ điều trị nếu có tình trạng suy giáp để tránh các nguy cơ cho mẹ và thai nhi.
  • Ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng để hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp.
  • Phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh tự miễn.
  • Hạn chế tiếp xúc với bức xạ.

Các câu hỏi thường gặp

Thuốc tránh thai có gây suy giáp không?

Estrogen và progesterone có trong thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến các protein liên kết với hormone tuyến giáp. Vì vậy, người có nguy cơ cao mắc suy giáp cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc tránh thai.

Suy giáp có gây rối loạn cương dương không?

Suy giáp có thể dẫn đến rối loạn cương dương gây mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục hay ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bệnh nhân. Dùng thuốc điều trị suy giáp cũng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone, gây rối loạn cương dương.

Kết luận

Suy giáp gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy bạn cần chú ý những dấu hiệu trên đây để thăm khám và điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ. Nếu cần hỗ trợ thêm bất cứ thông tin nào về bệnh hãy liên hệ với PhenikaaMec để được tư vấn kỹ hơn.

calendarNgày cập nhật: 03/01/2025

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Professional, C. C. M. (n.d.). Hypothyroidism. Cleveland Clinic - https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12120-hypothyroidism#symptoms-and-causes.
  • Hypothyroidism. MSD Manual Professional Edition (2023, November 12) - https://www.msdmanuals.com/professional/endocrine-and-metabolic-disorders/thyroid-disorders/hypothyroidism.
  • Hypothyroidism. Hashimoto’s Disease | MedlinePlus - https://medlineplus.gov/hypothyroidism.html.
right

Chủ đề :