Động kinh là một trong những chứng bệnh rối loạn chức năng thần kinh trung ương thường gặp. Căn bệnh này sẽ khiến cho người mắc phải có những hành vi, ý thức, cảm xúc,... bất thường. Vậy nguyên nhân do đâu và triệu chứng của bệnh như thế nào? Cách chẩn đoán bệnh ra sao và có những phương pháp điều trị nào? Hãy cùng PhenikaaMec tìm hiểu chi tiết nội dung sau.
Bệnh động kinh là gì?
Bệnh động kinh hay còn có tên gọi khác là giật kinh phong, phong xù. Đây là một trong những căn bệnh xuất hiện phổ biến ở hầu hết mọi lứa tuổi, giới tính. Giật kinh phong được hiểu là một kiểu rối loạn chức năng tại hệ thống thần kinh trung ương.
Bệnh này xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm những tế bào thần kinh của vỏ não. Từ đó, gây ra sự phóng điện đột ngột và không kiểm soát.
Người bệnh sẽ xuất hiện những cơn co giật với tần suất lặp đi lặp lại nhiều lần, gây nên những thay đổi về nhận thức, hành vi vận động đến cảm giác, chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể con người.
Những cơn co giật xuất hiện với tần suất lặp lại nhiều lần
Dấu hiệu thường gặp của bệnh động kinh
Dấu hiệu của bệnh giật kinh phong khá đa dạng và tùy vào dạng động kinh mà người bệnh mắc phải. Dựa vào các dạng giật kinh phong sẽ có những triệu chứng cơ bản sau:
Đối với động kinh cục bộ
Cơn giật kinh phong cục bộ chỉ xuất hiện tại một vài vùng nhất định với hai loại là cục bộ đơn giản và cục bộ phức tạp. Trong đó:
- Cơn giật kinh phong cục bộ đơn giản sẽ xuất hiện những triệu chứng co giật tại một số bộ phận trên cơ thể và kèm ảo giác về mùi vị, hình ảnh, âm thanh,... Những biểu hiện này chỉ tồn tại trong khoảng 90 giây và không khiến người bệnh mất ý thức.
- Cơn giật kinh phong cục bộ phức tạp có các triệu chứng căn bản như: Co giật ở phạm vi lớn hơn như ở nửa người hoặc tứ chi và tồn tại không quá 2 phút.
Theo các nghiên cứu, người bị giật kinh phong cục bộ phức tạp sẽ có cảm xúc thất thường, nói những lời vô nghĩa, khó kiểm soát hành vi, bị mất ý thức. Khoảng 80% cơn động kinh cục bộ phức tạp này đều xuất phát từ thùy thái dương, đây chính là vùng não ở gần tai.
Đối với động kinh toàn thể
Cơn giật kinh phong toàn thể sẽ xuất hiện tại mọi vùng của não bộ con người với 5 thể:
- Động kinh co giật: Co cứng với biểu hiện là các cơ đột ngột co lại khiến người bệnh ngã xuống và hoàn toàn mất ý thức từ 10 đến 20 giây ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn tiếp theo, người bệnh sẽ co giật liên tục trong tầm khoảng vài phút, sau đó các cơ giãn dần ra, người bệnh sẽ không còn cảm giác và có khi là không biết điều gì đã xảy ra trước đó.
- Co giật đơn thuần (động kinh co cứng) là loại thường rất ít khi xuất hiện. Nếu xuất hiện thì chỉ có triệu chứng co giật hay co cứng toàn thân đơn thuần.
- Động kinh vắng ý thức là 1 trong 5 thể của giật kinh phong toàn thể. Biểu hiện của người bệnh sẽ là đột ngột bị mất ý thức, dừng việc đang làm đột ngột và chăm chú nhìn vào một vật bất kỳ từ 3 - 30 giây rồi tỉnh lại. Sau đó, người bệnh vẫn tiếp tục thực hiện công việc trước đó, tuy nhiên lại không biết bản thân vừa trải qua vấn đề gì.
- Động kinh rung giật cơ với triệu chứng cơ bắp người bệnh đột ngột bị co giật như bị sốc điện, không có khả năng tự chủ tại một phần cơ thể hay thậm chí là toàn thân.
- Mất trương lực cơ là 1 thể của giật kinh phong toàn thể với biểu hiện người bệnh bất ngờ bị ngã xuống đất, đầu gật về trước, mí mắt sụp. Mặc dù vẫn còn ý thức nhưng tay người bệnh không cảm giác và buông bỏ đồ vật đang cầm.
Người bệnh xuất hiện tình trạng các cơ đột ngột co lại khiến họ ngã xuống và hoàn toàn mất ý thức
Nguyên nhân gây nên động kinh
Có nhiều nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây nên bệnh giật kinh phong nhưng phổ biến là do:
Di truyền
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bị bệnh phong xù là do gen di truyền. Tuy nhiên theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì yếu tố di truyền chỉ khiến người bệnh có nguy cơ cao hơn mắc phải động kinh.
Chấn thương sọ não
Một trong những nguyên nhân có thể gây nên bệnh giật kinh phong là người bệnh từng bị chấn thương sọ não do những tai nạn nghiêm trọng.
Những căn bệnh gây tổn thương vùng não
- Những người từng bị đột quỵ hay có khối u trong não sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh phong xù. Những tình trạng tổn thương não sẽ dẫn đến rối loạn hệ thần kinh trung ương khiến hoạt động não bị thay đổi, từ đó làm gia tăng nguy cơ bị phong xù.
- Với những người mắc một số bệnh như: Viêm não, viêm màng não, bệnh sán dây thần kinh, bệnh Alzheimer,... cũng là một trong những yếu tố có thể gây nên bệnh động kinh.
- Trong thời kỳ mang thai, mẹ bị nhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng,... khiến trẻ sinh ra có nguy cơ tổn thương não cao và đó có thể là yếu tố dẫn đến nguy cơ bị giật kinh phong ở trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ bị sốt cao, co giật kéo dài nếu không phát hiện và điều trị kịp thời cũng dễ tiến triển thành bệnh giật kinh phong.
- Những người có thói quen lạm dụng thuốc lá, ma túy, rượu bia và các loại thuốc chống trầm cảm,... cũng có thể là nguy cơ gây giật kinh phong.
U não có thể là nguyên nhân gây bệnh giật kinh phong
Đối tượng nguy cơ
Như đã chia sẻ ở trên, bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi, đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh phong xù. Thường thì bệnh này sẽ phổ biến hơn ở người già và trẻ nhỏ. Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phải kể đến như:
- Những người có tiền sử gia đình từng mắc bệnh động kinh.
- Những người từng bị tổn thương não, chấn thương não, viêm tủy sống và viêm não,... sẽ có nguy cơ mắc cao hơn.
- Những người có bệnh về mạch máu hoặc bị đột quỵ.
- Người lớn tuổi bị Dementia (chứng sa sút trí tuệ) cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Trẻ bị sốt co giật không điều trị kịp thời có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trong giai đoạn trưởng thành.
Trẻ bị sốt cao co giật không điều trị đúng có nguy cơ bị phong xù
Biến chứng của bệnh động kinh
Bệnh giật kinh phong có biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh bị phong xù sẽ có nguy cơ bị ngạt chu sinh, xuất huyết não, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh, rối loạn chuyển hóa, giảm đường máu,....
- Trẻ nhỏ bị động kinh có thể đối mặt với một số di chứng gây tổn thương não.
- Ở độ tuổi thanh thiếu niên, trẻ có nguy cơ bị đuối nước khi bơi lội, ngã xe, khả năng tập trung kém khiến kết quả học tập sa sút.
- Bệnh giật kinh phong rất nguy hiểm đối với những người trưởng thành, có thể tái phát bất kỳ khi nào và gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn như bệnh tái phát khi đang lái xe hoặc đang làm việc trên cao,....
- Bệnh phong xù ở người cao tuổi và phụ nữ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như công việc hàng ngày, đặc biệt là thiên chức làm mẹ.
- Người bị giật kinh phong ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe còn có thể chịu áp lực tâm lý rất lớn. Họ có thể cảm thấy tự ti, mặc cảm và sẽ khó hòa nhập với cộng đồng.
Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây động kinh, các bác sĩ tiến hành khám lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng để có kết quả chính xác nhất.
Khám lâm sàng
- Bác sĩ sẽ tiến hành khai thác về tiền sử bệnh cũng như triệu chứng lâm sàng của người bệnh.
- Tiếp theo sẽ thực hiện kiểm tra hành vi, kỹ năng vận động để xác định dạng động kinh mà người bệnh có thể mắc phải.
- Tiến hành xét nghiệm máu và thông qua kết quả đó để nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng, di truyền, cùng một số rối loạn khác có thể liên quan đến bệnh giật kinh phong,...
Khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm máu để biết nguyên nhân gây bệnh động kinh
Thực hiện khám cận lâm sàng
Sau khi thăm khám, kiểm tra lâm sàng ở người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán để xác định chính xác hơn gồm:
- Điện não đồ: Là phương pháp dùng các điện cực để ghi lại hoạt động điện của não. Nếu bị động kinh thì mô hình sóng não sẽ thay đổi bất thường cho dù chưa xuất hiện cơn co giật.
- Điện não đồ mật độ cao: Kỹ thuật giúp bác sĩ xác định chính xác hơn các vùng não đang bị cơn động kinh tác động.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Cho phép bác sĩ quan sát những hình ảnh não được cắt ngang, qua đó có thể phát hiện những tổn thương của não người bệnh, chằng hạn như chảy máu não, khối u,...
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật sử dụng sóng vô tuyến và nam châm với mục đích giúp bác sĩ quan sát chi tiết về bộ não người bệnh, nhằm phát hiện những tổn thương hay bất thường trong não gây nên bệnh giật kinh phong.
- Ngoài ra, để hỗ trợ xác định chứng phong xù, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số kỹ thuật chẩn đoán khác như: chụp cắt lớp gamma đơn năng phát xạ (SPECT), từ não đồ (MEG), chụp ảnh nguồn điện (ESI),...
Những phương pháp điều trị bệnh động kinh
Tùy vào dạng giật kinh phong cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh giật kinh phong được áp dụng phổ biến:
Điều trị bệnh giật kinh phong bằng thuốc
Hầu hết người bị bệnh phong xù sẽ được các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc để hạn chế các cơn co giật. Đó có thể là một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc tùy vào thể trạng, độ tuổi cũng như mức độ và loại động kinh của người bệnh.
Việc sử dụng thuốc sẽ là quá trình lâu dài, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: phát ban, mệt mỏi, chóng mặt, tăng cân. Tuy nhiên để đạt kết quả, người bệnh nên chú ý một số điều sau:
- Kiên trì sử dụng thuốc kháng động kinh theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Người bệnh không tự ý bỏ thuốc.
- Trước khi sử dụng thuốc điều trị khác phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu gặp tác dụng phụ hay những tình trạng bất thường về sức khỏe khi dùng thuốc nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Điều trị bệnh giật kinh phong bằng phẫu thuật
Với những trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả và vẫn xuất hiện các cơn co giật, lúc này bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật thường áp dụng cho những bệnh nhân có trạng thái giật kinh phong với nguyên nhân cụ thể hoặc vùng não xảy ra sự bất thường, có u não gây ảnh hưởng tới thị giác, ngôn ngữ, vận động,...
Nếu như người bệnh đáp ứng tốt các tiêu chuẩn để phẫu thuật sau quá trình thăm khám, kiểm tra và xác định chuẩn xác vị trí bị tổn thương, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh.
Phẫu thuật chữa động kinh cho hiệu quả điều trị cao
Điều trị giật kinh phong bằng liệu pháp
Ngoài dùng thuốc hay thực hiện phẫu thuật, người bệnh có thể được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng một số liệu pháp như: Kích thích thần kinh phế vị, kích thích não sâu,... Ngoài ra để hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn, các bác sĩ cũng có thể tư vấn cho người bệnh thực hiện chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi một cách khoa học.
Biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa bệnh phong xù, người bệnh có thể lựa chọn những biện pháp sau:
- Tham gia giao thông chơi thể thao cần hết sức cẩn thận, trang bị đồ bảo hộ an toàn, tránh chấn thương ở đầu và các vị trí khác của cơ thể.
- Mẹ nên chú ý sức khỏe, dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp trước khi sinh để giảm tối đa các rủi ro cho em bé sau khi sinh có thể dẫn tới động kinh.
- Khi trẻ có dấu hiệu bị sốt cao, nên giúp bé hạ nhiệt độ cơ thể bằng các biện pháp như dùng thuốc hạ sốt, chườm. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám giúp giảm nguy cơ co giật do sốt.
- Có các biện pháp ngăn ngừa hoặc kiểm soát nếu gặp tình trạng tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, tránh lạm dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá,...
- Nên định kỳ thăm khám sức khỏe thần kinh để có thể chủ động tầm soát và phát hiện sớm những bất thường có nguy cơ gây ra bệnh giật kinh phong.
Những câu hỏi phổ biến về căn bệnh động kinh
Động kinh có phải là bệnh do di truyền hay không?
Theo các nghiên cứu từ chuyên gia, bệnh giật kinh phong có tính chất di truyền. Nếu người mẹ bị mắc bệnh này thì 5% tỉ lệ thai nhi trong bụng có khả năng bị di truyền. Nếu người cha bị bệnh giật kinh phong, người con có khả năng bị di truyền từ bố với tỉ lệ 2% – 4% . Với dạng động kinh toàn thể, khả năng di truyền có thể lên đến 12%.
Bệnh động kinh có chữa khỏi không?
Bệnh phong xù có thể chữa khỏi đối với một số ít trường hợp các cơn giật không xuất hiện trở lại sau khi đã dùng thuốc hay có can thiệp phẫu thuật và không cần dùng thuốc điều trị sau đó.
Để chữa bệnh phong xù, bác sĩ chỉ định cho điều trị bằng thuốc. Nếu thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh phẫu thuật hoặc áp dụng cách điều trị khác.
Nên ăn gì và kiêng gì khi bị bệnh động kinh?
Với những người bị phong xù nên tăng cường bổ sung vào khẩu phần ăn với các nhóm:
- Thực phẩm giàu protein và chất béo gồm có: Bơ, thịt nạc, dầu cá, tôm, cua, hải sản,...
- Thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ hòa tan bao gồm: Táo, chuối, bơ, bột yến mạch, gạo lứt, rau mồng tơi, súp lơ,...
- Những thực phẩm giàu hàm lượng vi chất như: Dầu ô liu, hạt óc chó,...
- Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh.
Người bị giật kinh phong cần kiêng dùng một số thực phẩm gây kích thích não bộ, gia tăng tần suất cũng như mức độ của các cơn co giật như:
- Thực phẩm chứa đường với hàm lượng cao gồm: Nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt, bánh mì trắng,...
- Thực phẩm giàu gluten như: Súp đóng hộp, lúa mạch, lúa mì,...
- Thực phẩm chứa phụ gia và chất bảo quản, các chất kích thích,...
Kết luận
Động kinh có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc tìm hiểu về bệnh qua những thông tin trên sẽ giúp bạn nắm rõ hơn và chủ động trong phòng ngừa, chăm sóc người bệnh. Nếu phát hiện những dấu hiệu nghi là động kinh, bạn hãy tìm đến Bệnh viện Đại học Phenikaa để các bác sĩ của chúng tôi thăm khám, kiểm tra và đưa ra phác đồ điều trị chi tiết.