iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Bào Thai

icon

Ít Nước Ối: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Thiểu Ối Và Cách Phòng Ngừa

Ít Nước Ối: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Thiểu Ối Và Cách Phòng Ngừa

Ít Nước Ối: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Thiểu Ối Và Cách Phòng Ngừa
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Một vấn đề khi mang thai khiến nhiều mẹ bầu lo lắng đó là ít nước ối. Đây là tình trạng không hiếm gặp và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi. Tham khảo ngay nội dung bài viết được tham vấn bởi BSCKI Hồ Khánh Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Y học bào thai Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) dưới đây để được tư vấn kỹ hơn nhé.

Ít nước ối là gì?

Nước ối ít, hay còn gọi là thiểu ối (tiếng Anh: Oligohydramnios), là tình trạng lượng nước ối trong buồng ối thấp hơn mức bình thường so với tuổi thai. Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi trong suốt thai kỳ, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển của em bé. Khi lượng nước ối bị thiếu hụt, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, thận, cơ xương và dây rốn của thai nhi.

Bác sĩ chẩn đoán thiểu ối khi AFI < 5cm qua siêu âm và màng ối còn nguyên. Thiểu ối có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào. Tuy nhiên, tình trạng này thường gặp hơn trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Thiểu ối là tình trạng tổng các góc ối trong tử cung nhỏ hơn 5cm khi siêu âm

Thiểu ối là tình trạng tổng các góc ối trong tử cung nhỏ hơn 5cm khi siêu âm

Nguyên nhân gây ít nước ối khi mang thai?

Thiếu nước ối là một biến chứng thai kỳ không hiếm gặp, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

1. Nguyên nhân từ thai nhi

Một số vấn đề bất thường về thai nhi gây nên thiểu ối như:

  • Bất thường về thận hoặc đường tiết niệu: Thai nhi không có thận (vô thận bẩm sinh), thận phát triển kém, hẹp niệu đạo, hoặc tắc nghẽn đường tiểu làm giảm lượng nước ối do thai không bài tiết nước tiểu vào buồng ối.
  • Thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR): Do lưu lượng máu đến thai kém, lượng nước ối cũng giảm theo.
  • Thai quá ngày dự sinh: Sau 42 tuần, chức năng bánh nhau suy giảm khiến lượng nước ối giảm dần. Thai càng lâu quá ngày sinh càng dễ bị thiểu ối.

2. Nguyên nhân từ mẹ

Thiểu ối có thể do một số nguyên nhân từ mẹ như:

  • Do rò rỉ hoặc vỡ ối sớm: Mẹ bầu có thể rỉ nước ối kéo dài hoặc vỡ ối non mà không nhận biết rõ, dẫn đến nước ối thoát ra ngoài dẫn đến giảm thể tích. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của thiểu ối, nhất là ở tam cá nguyệt thứ 3.
  • Do bệnh lý của mẹ: Mẹ bầu bị tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, tiểu đường, lupus ban đỏ, bệnh lý thận mãn tính... làm giảm lượng máu nuôi bánh nhau, dẫn đến giảm sản xuất nước ối. Trường hợp, mẹ mất nước hoặc suy dinh dưỡng nặng cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp.

3. Do bất thường bánh rau

Tình trạng rau bong non, thiểu sản bánh rau, hoặc bánh rau bị tổn thương dẫn đến giảm lượng máu và oxy cung cấp cho thai nhi. Từ đó cũng gây giảm bài tiết nước tiểu, gây thiểu ối.

4. Do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc mẹ đang dùng như: Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors), thuốc chống viêm NSAIDs, thuốc điều trị huyết áp,... có thể gây giảm sản xuất nước ối.

Nguyên nhân ít nước ối có thể do từ mẹ bầu hoặc thai nhi hoặc do sử dụng một số loại thuốc

Nguyên nhân ít nước ối có thể do từ mẹ bầu hoặc thai nhi hoặc do sử dụng một số loại thuốc

Dấu hiệu ít nước ối là gì?

Trong nhiều trường hợp, thiểu ối không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua siêu âm định kỳ. Tuy nhiên, một số dấu hiệu sau đây có thể giúp nghi ngờ sớm tình trạng nước ối ít:

1. Thai máy yếu hoặc ít hơn bình thường

Mẹ cảm nhận thai nhi ít đạp, đạp yếu hơn, hoặc tần suất thai máy giảm rõ rệt. Do nước ối ít khiến thai nhi khó di chuyển, đây là dấu hiệu quan trọng cần theo dõi.

2. Bụng nhỏ hơn so với tuổi thai

Khi khám thai, bác sĩ có thể nhận thấy chiều cao tử cung thấp hơn so với tuổi thai, bụng mẹ trông nhỏ, ít căng là dấu hiệu gián tiếp gợi ý lượng nước ối thấp.

3. Cảm giác tức nặng vùng bụng dưới

Một số mẹ bầu có thể cảm thấy nặng nề, căng tức bụng dưới do thiếu lớp đệm nước ối, khiến thai nhi tì trực tiếp lên tử cung hoặc bàng quang.

4. Rò rỉ nước ối

Nếu mẹ có cảm giác ẩm ướt kéo dài ở âm đạo, đặc biệt là dịch không mùi, trong, có thể là rỉ ối gây thiểu ối, dễ nhầm với són tiểu.

Vòng bụng nhỏ đi, không còn cảm giác căng tức là một trong những dấu hiệu thiểu ối

Vòng bụng nhỏ đi, không còn cảm giác căng tức là một trong những dấu hiệu thiểu ối

Phương pháp chẩn đoán thiểu ối khi mang thai

Siêu âm là phương pháp chính xác và phổ biến nhất để chẩn đoán tình trạng nước ối ít trong thai kỳ. Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ thực hiện đo chỉ số nước ối (AFI – Amniotic Fluid Index) hoặc đo chiều sâu túi ối lớn nhất để xác định mức độ nước ối hiện tại.

Bạn sẽ được chẩn đoán thiểu ối nếu chỉ số AFI dưới 5 cm hoặc túi ối sâu nhất nhỏ hơn 2 cm.

Tham khảo thêm:

Nước ối ít sao không? Những rủi ro cần biết

Thiếu nước ối có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu. Tình trạng này có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

1. Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Khi lượng nước ối quá ít, thai nhi không thể cử động thoải mái, dễ gây biến dạng xương khớp, thiểu sản phổi.

2. Tăng nguy cơ suy thai và thai lưu

Nước ối ít khiến dây rốn dễ bị chèn ép trong tử cung làm giảm lượng oxy và máu nuôi thai nhi có thể gây suy thai cấp, nhịp tim thai bất thường, hoặc thai chết lưu nếu không được can thiệp kịp thời.

3. Khó khăn trong chuyển dạ và sinh nở

Trong giai đoạn chuyển dạ, nước ối đóng vai trò như một lớp đệm giúp đầu thai nhi xoay và lọt đúng vị trí. Khi nước ối quá ít có thể gây:

  • Dễ gây chuyển dạ kéo dài, cơn co tử cung bất thường.
  • Tăng tỷ lệ mổ lấy thai.
  • Nguy cơ nhiễm trùng ối, hoặc thai ngạt.

4. Thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR)

Thiểu ối kéo dài thường đi kèm với suy bánh rau, làm giảm lượng máu và dưỡng chất đến thai, khiến thai nhỏ hơn tuổi, tăng nguy cơ sinh non và phải chăm sóc đặc biệt sau sinh.

Ít ối gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi

Ít ối gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi

Nước ối ít có cần phải điều trị không?

Khi mẹ bầu được chẩn đoán có lượng nước ối thấp hơn bình thường, việc theo dõi và chăm sóc thai kỳ cần được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự hướng dẫn sát sao của bác sĩ sản khoa để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Dưới đây là một số phương pháp xử lý tình trạng thiểu ối mà bác sĩ có thể chỉ định:

1. Truyền nước ối

Khi tình trạng thiếu nước ối nghiêm trọng, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật truyền nước ối (amnioinfusion). Đây là phương pháp an toàn giúp cải thiện môi trường sống cho thai nhi, đồng thời hỗ trợ bác sĩ đánh giá rõ hơn về hình thái và tình trạng phát triển của bé qua siêu âm.

2. Thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu

Nếu nghi ngờ thai nhi có bất thường di truyền hoặc miễn dịch, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu nước ối để xét nghiệm nhằm phát hiện các vấn đề liên quan đến nhiễm sắc thể hoặc những rối loạn khác. Việc này giúp đưa ra phương án can thiệp sớm và phù hợp.

3. Theo dõi tim thai và siêu âm Doppler

Để đảm bảo thai nhi không bị suy do thiếu oxy, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim thai thường xuyên và sử dụng siêu âm Doppler để đánh giá lưu lượng máu qua bánh nhau. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu suy thai hoặc khi thai đã đủ trưởng thành, bác sĩ có thể chỉ định sinh sớm để bảo toàn sức khỏe cho bé.

4. Hỗ trợ trưởng thành phổi nếu có nguy cơ sinh non

Đối với những thai kỳ chưa đủ tháng nhưng có nguy cơ phải sinh sớm do thiểu ối, mẹ bầu có thể được chỉ định tiêm thuốc hỗ trợ phát triển phổi cho thai nhi. Điều này nhằm hạn chế các biến chứng hô hấp cho trẻ sơ sinh sau khi chào đời.

Biện pháp phòng ngừa thiểu ối khi mang thai

Khi được chẩn đoán nước ối ít thì bạn cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt để đảm bảo an toàn cho thai kỳ. Dưới đây là những biện pháp quan trọng giúp cải thiện tình trạng nước ối, hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Bao gồm:

Để giảm nguy cơ thiểu ối, bạn có thể áp dụng những thói quen chăm sóc sức khỏe đơn giản nhưng hiệu quả sau đây:

1. Bổ sung đủ nước mỗi ngày

Duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể là yếu tố quan trọng giúp giữ nước ối ổn định. Mẹ nên uống từ 2 đến 3 lít nước/ngày, bao gồm nước lọc, nước trái cây tươi, nước dừa hoặc nước khoáng. Việc duy trì đủ nước không chỉ tốt cho tuần hoàn mà còn giúp tạo môi trường thuận lợi cho thai nhi phát triển.

Uống đủ nước từ 2-3 lít mỗi ngày là điều cần thiết

Uống đủ nước từ 2-3 lít mỗi ngày là điều cần thiết

2. Ăn uống lành mạnh và đủ chất

Một chế độ ăn cân đối giàu đạm, vitamin, khoáng chất và chất xơ sẽ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe tổng thể, đồng thời hỗ trợ nhau thai hoạt động tốt hơn để duy trì lượng nước ối hợp lý.

3. Nghỉ ngơi đầy đủ, giảm căng thẳng

Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến tử cung. Mẹ nên dành thời gian thư giãn, ngủ đủ giấc và tránh làm việc quá sức để đảm bảo quá trình nuôi dưỡng thai nhi diễn ra thuận lợi.

4. Ưu tiên tư thế nằm nghiêng bên trái

Tư thế nằm nghiêng trái được khuyến khích trong thai kỳ vì giúp cải thiện lưu lượng máu đến nhau thai. Nhờ đó, việc trao đổi oxy và dưỡng chất với thai nhi diễn ra hiệu quả hơn, góp phần duy trì thể tích nước ối ổn định.

5. Khám thai theo đúng lịch hẹn

Khi bạn đi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ kịp thời phát hiện những bất thường về lượng nước ối. Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá chỉ số nước ối (AFI) để đảm bảo bé đang phát triển trong môi trường an toàn.

6. Hạn chế những loại đồ uống dễ gây mất nước

Mẹ nên tránh sử dụng cà phê, trà đặc và các loại thức uống chứa caffeine vì chúng có thể khiến cơ thể mất nước, gián tiếp làm giảm thể tích nước ối.

7. Chủ động theo dõi dấu hiệu bất thường

Nếu nhận thấy thai ít cử động, cảm giác đau bụng âm ỉ, hoặc xuất hiện hiện tượng rò dịch âm đạo. Mẹ cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Kết luận

Thiểu ối là tình trạng không thể xem nhẹ trong thai kỳ vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, an toàn của thai nhi. Phát hiện sớm tình trạng ít nước ối và có biện pháp chăm sóc đúng cách, theo dõi sát sao là yếu tố then chốt giúp mẹ bầu vượt qua giai đoạn này một cách an toàn. Nếu bạn đang mang thai và cần được tư vấn kỹ lưỡng về sức khỏe thai kỳ, đừng ngần ngại liên hệ với Trung tâm Y học bào thai - Bệnh viện Đại học Phenikaa. Đội ngũ chuyên gia sản khoa cùng với hệ thống máy móc, thiết bị siêu âm hiện đại sẽ giúp mẹ có kế hoạch theo dõi thai kỳ an toàn. Đăng ký khám thai ngay để nhận tư vấn từ chuyên gia, liên hệ hotline: 1900 886648.

calendarNgày cập nhật: 04/07/2025

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

1. Oligohydramnios, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562326/

2. Oligohydramnios, https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22179-oligohydramnios

3. Oligohydramnios, https://teachmeobgyn.com/pregnancy/fetal-abnormality/oligohydramnios

right

Chủ đề :