Bầu sinh đôi là hiện tượng mang thai đặc biệt khi có 2 thai nhi cùng phát triển trong tử cung của mẹ. So với thai đơn, mang thai đôi khiến cơ thể mẹ thay đổi mạnh mẽ hơn, dễ mệt mỏi và đòi hỏi chế độ chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và hai em bé trong suốt thời kỳ mang thai. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn từ dấu hiệu đến kinh nghiệm mang thai song sinh để có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất cho một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Sinh đôi là gì?
Sinh đôi còn được gọi là bầu thai đôi, bầu song thai. Đây là tình trạng 2 thai nhi phát triển đồng thời trong tử cung người mẹ. Đây là dạng mang đa thai phổ biến, chiếm khoảng 1 - 1,5% tổng số ca đẻ trên toàn thế giới và có xu hướng tăng lên.
Các loại sinh đôi phổ biến
Dưới đây là một số loại sinh đôi phổ biến thường gặp nhất:
1. Song thai hai noãn
Song thai 2 noãn chiếm 70% các trường hợp song thai. Hai thai nhi là kết quả của hai sự thụ tinh khác nhau bởi hai noãn với hai tinh trùng khác nhau. Hai noãn có thể rụng từ 1 buồng trứng hoặc từ 2 buồng trứng. Hai tinh trùng có thể từ cùng một người đàn ông hoặc từ hai người đàn ông khác nhau còn gọi là sinh đôi khác cha. Hai sự thụ tinh có thể xảy ra trong 1 lần giao hợp. Hoặc có thể là 2 lần giao hợp khác nhau trong cùng chu kỳ, gọi là bội thụ tinh đồng kỳ.
Mỗi thai nhi có riêng 1 bánh rau với hệ tuần hoàn độc lập. Hai bánh rau có thể nằm tách biệt hoặc sát nhau, tùy thuộc vào vị trí làm tổ. Song thai 2 noãn có thể cùng hoặc khác giới tính và khác nhau về các đặc tính di truyền học.
2. Song thai một noãn
Chiếm khoảng 30% các trường hợp sinh đôi. Hai thai nhi là kết quả từ sự thụ tinh của 1 noãn với 1 tinh trùng. Trong quá trình phân sinh và biệt hoá tế bào, hợp tử đột nhiên phát triển phân đôi thành 2 thai nhi.
Tuỳ theo thời điểm phân đôi sớm hay muộn mà ta có các loại song thai khác nhau:
- Song thai 1 noãn, 2 rau, 2 buồng ối: Sự phân chia xảy ra rất sớm, khoảng 1- 3 ngày sau khi thụ thai, trước khi khối tế bào trong thành lập và lớp tế bào ngoài của phôi nang biệt hoá thành rau thai.
- Song thai 1 noãn, 1 rau, 2 buồng ối: Sự phân chia vào khoảng ngày thứ năm sau thụ thai, hai khối tế bào trong đã thành lập và khối tế bào ngoài đã biệt hoá nhưng túi ối chưa xuất hiện.
- Song thai 1 noãn, 1 bánh rau, 1 buồng ối: Sự phân chia xảy ra muộn, khoảng ngày 8 - 10 sau thụ thai, lúc túi ối bắt đầu xuất hiện. Hai thai nhi nằm trong 1 buồng ối, không có màng nào ngăn cách. Hai dây rốn cùng đi vào 1 bánh rau chung. Hai hệ tuần hoàn thai nhi thông thương nhau. Nếu sự phân chia không hoàn toàn do xảy ra muộn hơn nữa (sau ngày thứ 13) 2 thai bị dính nhau ở một phần thân thể hoặc có chung một cơ quan nào đó.
Sinh đôi là hiện tượng có 2 thai nhi cùng phát triển trong tử cung người mẹ
Nguyên nhân nào dẫn đến bầu sinh đôi?
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng sinh đôi thường liên quan đến các yếu tố về di truyền, độ tuổi, can thiệp y tế và yếu tố sắc tộc. Dưới đây là thông tin chi tiết:
1. Yếu tố di truyền
Gia đình có tiền sử mang song thai (bà, mẹ, dì,...) điều này khiến tỷ lệ mang thai sẽ cao hơn người bình thường. Nếu bạn thuộc gia đình có tiền sử sinh đôi, sinh 3 thì khả năng mang đa thai của bạn cao hơn 3-4 lần so với người bình thường.
2. Độ tuổi
Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có xu hướng rụng trứng nhiều hơn trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, làm tăng khả năng sinh đôi, sinh ba cùng trứng.
3. Can thiệp y tế
Bí quyết sinh đôi được rất nhiều cặp vợ chồng áp dụng là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) giúp tăng khả năng thụ thai thành công.
4. Yếu tố sắc tộc
Phụ nữ châu Phi có tỷ lệ mang đa thai cao hơn so với da trắng hoặc da vàng.
Dấu hiệu nhận biết mang bầu sinh đôi
Hormone hCG tăng cao khiến mẹ bầu ốm nghén nặng hơn. Triệu chứng bao gồm: buồn nôn cả ngày, mệt mỏi. Các triệu chứng gợi ý bao gồm:
- Buồn nôn và nôn kéo dài, thậm chí kéo dài cả ngày.
- Mệt mỏi nhiều, cảm giác kiệt sức thường xuyên.
- Nhạy cảm với mùi vị, thay đổi khẩu vị nhanh chóng.
- Tính cách thay đổi thất thường, dễ cáu gắt.
Triệu chứng thai nghén nghiêm trọng hơn khi bầu song thai 3 tháng đầu
Phương pháp chẩn đoán bầu sinh đôi
Siêu âm là cách đầu tiên và đáng tin cậy nhất để xác định mẹ có đang mang song thai hay không. Thông thường, từ tuần thai thứ 6–8, bác sĩ đã có thể phát hiện được hai túi thai. Thông qua siêu âm định kỳ, bác sĩ sẽ xác định:
- Số lượng thai nhi trong tử cung.
- Số bánh rau, số túi ối.
- Các yếu tố liên quan như vị trí thai, nguy cơ bất thường, hoặc các dấu hiệu sớm của hội chứng truyền máu song thai nếu có.
- Từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, bác sĩ có thể nghe được 2 nhịp tim thai riêng biệt.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu như đo nồng độ beta-hCG và AFP (alpha-fetoprotein) trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể gợi ý mẹ đang mang song thai nếu kết quả cao hơn mức trung bình so với thai đơn.
Mang thai đôi có nguy hiểm không?
Mang thai đôi là trải nghiệm đặc biệt nhưng đầy thử thách. Dưới đây là một số rủi ro mà mẹ bầu cần chú ý:
1. Rủi ro với thai nhi
1.1. Nguy cơ thai nhẹ cân
Khi mang hai thai cùng lúc, tử cung phải chia sẻ diện tích và nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cả hai em bé. Điều này khiến mỗi thai nhi thường không đạt được cân nặng như thai đơn. Nguy cơ sinh con nhẹ cân (dưới 2.500g) cao hơn.
Đặc biệt trong những trường hợp song thai có chung bánh rau hoặc màng ối, sự phân chia máu và dưỡng chất có thể không đều, gây thiếu hụt phát triển ở một hoặc cả hai thai.
1.2. Nguy cơ tử vong chu sinh
Tử vong chu sinh là tình trạng thai nhi tử vong trong giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc trong vòng 7 ngày sau sinh. Mẹ bầu song thai sẽ có nguy cơ cao sinh non, rối loạn phát triển do chia sẻ bánh rau không đồng đều, hội chứng truyền máu song thai,… đều dẫn đến tử vong chu sinh.
1.3. Nguy cơ sinh non
Một trong những rủi ro phổ biến nhất là nguy cơ sinh non. Thống kê cho thấy có đến khoảng 60% trường hợp song thai sinh trước 37 tuần tuổi, do tử cung bị căng quá mức hoặc xuất hiện các biến chứng khác. Sinh non có thể kéo theo các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa và khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh.
1.4. Thai chậm tăng trưởng chọn lọc (sFGR)
Đây là biến chứng thường gặp của song thai chung bánh rau. Một bé có thể phát triển tốt, trong khi bé còn lại chậm phát triển do bất cân xứng bánh rau hoặc lượng máu nuôi thai không đồng đều.
1.5. Hội chứng truyền máu song thai (TTTS)
Hội chứng này thường gặp ở các ca song thai 1 bánh rau 2 túi ối (MCDA). Xảy ra khi mạch máu bánh rau thông nhau bất thường, khiến một thai nhận quá nhiều máu, thai còn lại bị thiếu máu. Đây là biến chứng nguy hiểm cần phát hiện và can thiệp kịp thời.
1.6. Tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở thai đôi cao gấp đôi so với thai đơn. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm các bất thường sẽ giúp bác sĩ can thiệp kịp thời, giảm thiểu nguy cơ cho cả hai bé.
2. Biến chứng với mẹ bầu
2.1. Tiểu đường thai kỳ
Khi mang song thai, rau thai tiết ra nhiều hormone hơn để nuôi dưỡng cả 2 thai nhi. Các hormone này sẽ làm giảm khả năng sử dụng insulin của cơ thể, dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin tăng mạnh là nguyên nhân chính gây tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ thai to, chênh lệch cân nặng giữa 2 thai, tiền sản giật, đa ối, sinh non,….
2.2. Tăng nguy cơ tiền sản giật và cao huyết áp
Bà bầu đa thai có nguy cơ bị cao huyết áp thai kỳ và tiền sản giật cao gấp 2–3 lần so với thai đơn.
2.3. Thiếu máu, mệt mỏi, kiệt sức
Do phải nuôi dưỡng hai thai, mẹ thường bị thiếu máu nhiều hơn, dễ mệt mỏi, chóng mặt.
2.4. Nguy cơ rau tiền đạo, bong rau non
Sự phát triển của 2 thai nhi làm tăng áp lực lên tử cung và bánh rau, tăng nguy cơ các biến chứng liên quan đến rau thai.
2.5. Nguy cơ băng huyết sau sinh
Bầu thai đôi làm tử cung bị giãn quá mức dễ gây đờ tử cung, làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.
Bà bầu mang thai đôi có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn do khối lượng nhau thai lớn
Tham khảo thêm:
- Gợi Ý Cách Làm Giảm Nước Ối Cho Mẹ Bầu An Toàn Và Hiệu Quả
- Song Thai Cùng 1 Túi Ối 1 Bánh Rau [Những Điều Mẹ Bầu Cần Biết!]
Mẹ bầu mang song thai nên làm gì?
Kinh nghiệm mang thai đôi, để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn cần chú ý những điều sau:
1. Chế độ dinh dưỡng
Khi bầu đa thai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ tăng cao hơn so với thai đơn. Để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện cho cả mẹ và bé, bạn hãy:
- Chế độ ăn cần đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: Tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Tăng mức năng lượng phù hợp: Bạn nên tăng cường bổ sung thêm khoảng 600 - 800kcal/ngày cho cơ thể.
- Chia nhỏ bữa ăn, gồm 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ, tùy vào sở thích và khả năng hấp thu của từng mẹ, giúp giảm cảm giác buồn nôn và tránh tăng đường huyết đột ngột.
- Uống nhiều nước, hạn chế đồ ngọt, thực phẩm chiên rán, tránh tăng cân quá mức.
- Tăng cường nguồn đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu,.. để hỗ trợ phát triển mô và cơ của thai nhi.
- Bổ sung canxi, cần thiết cho quá trình hình thành xương, răng của thai nhi. Nguồn thực phẩm giàu canxi như: Sữa, tôm, cua hoặc sử dụng viên uống theo chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung sắt và axit folic, giúp ngăn ngừa thiếu máu và dị tật ống thần kinh. Bầu song sinh cần bổ sung liều cao hơn so với thai đơn theo chỉ định của bác sĩ.
2. Chế độ nghỉ ngơi
Việc mang thai song sinh khiến cơ thể mẹ dễ mệt mỏi hơn. Vì vậy, mẹ cần chú ý nghỉ ngơi hợp lý:
- Mẹ cần ngủ đủ giấc từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày, trong đó có thêm 1 - 2 giấc ngủ ngắn ban ngày.
- Tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu là nằm nghiêng bên trái để tăng lưu lượng máu đến rau thai và giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới.
- Mẹ bầu nên tránh mang vác vật nặng, làm việc quá sức hoặc thức khuya.
- Hạn chế đi lại nhiều trong tam cá nguyệt cuối để tránh nguy cơ chuyển dạ sớm.
Mẹ bầu cần chú ý nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và hai bé
3. Khám thai định kỳ
Mang thai đôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng, do đó mẹ cần tuân thủ lịch khám thai nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ:
- Siêu âm để theo dõi sự phát triển của từng thai nhi riêng biệt, kiểm tra rau thai, nước ối và chiều dài tử cung.
- Theo dõi các chỉ số huyết áp, đường huyết, dấu hiệu sinh non, tiền sản giật, hội chứng truyền máu song thai.
- Qua thăm khám và siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường sớm. Khi cần thiết, mẹ sẽ được nhập viện theo dõi chuyên sâu. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và hai bé, bạn nên lựa chọn bệnh viện phù hợp. Ưu tiên các bệnh viện có đội ngũ bác sĩ Sản khoa chuyên môn cao. Đồng thời, bệnh viện cần có khoa chăm sóc sơ sinh đặc biệt phòng trường hợp trẻ sinh non.
Bầu sinh đôi nên sinh thường hay sinh mổ?
Sinh thường và sinh mổ sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn dựa trên tình trạng của thai nhi, sức khỏe của mẹ và biến chứng khi chuyển dạ. Cụ thể như sau:
1. Bầu song thai sinh thường được không?
Sinh thường hay còn được gọi là sinh ngả âm đạo, thường được chỉ định cho các trường hợp thai đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Cả hai thai nhi đều ngôi đầu (đầu quay xuống).
- Không có các dấu hiệu bất thường về rau thai, nước ối hay dây rốn.
- Tuổi thai đủ tháng (trên 37 tuần) và trọng lượng thai phù hợp.
- Mẹ không có tiền sử sinh mổ trước đó và không mắc các bệnh lý mãn tính khác.
Sinh thường cho phép mẹ hồi phục sức khỏe nhanh chóng và hạn chế tối đa rủi ro nhiễm trùng và biến chứng hậu phẫu so với sinh mổ. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý lựa chọn bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ chuyên môn giàu kinh nghiệm, để tránh những biến chứng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và hai bé.
2. Bầu song thai khi nào nên sinh mổ?
Với hầu hết các trường hợp bầu sinh đôi, sinh mổ là phương pháp phổ biến hơn, thường được chỉ định khi:
- Một hoặc cả hai không ở ngôi đầu.
- Có sự chênh lệch lớn về cân nặng giữa hai thai nhi.
- Có dấu hiệu suy thai nhi, đa ối, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ hoặc hội chứng truyền máu song thai (TTTS).
- Mẹ có tiền sử sinh mổ.
So với sinh thường, sinh mổ giúp kiểm soát quá trình sinh sản và hạn chế tình huống khẩn cấp có thể đe doạ tính mạng của cả mẹ và hai bé. Tuy nhiên, thời gian hồi phục sẽ lâu và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu nếu không có kế hoạch chăm sóc hợp lý.
Kết luận
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ từ bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) dành cho mẹ bầu sinh đôi. Đây là hành trình tuyệt vời nhưng đầy thử thách, đòi hỏi bạn phải có kế hoạch chăm sóc cẩn thận từ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đến theo dõi y tế.
Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ chăm sóc thai kỳ an toàn, đặc biệt trong trường hợp mang thai sinh đôi, Bệnh viện Đại học Phenikaa chính là lựa chọn lý tưởng. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bệnh viện chắc chắn sẽ đem lại những trải nghiệm chăm sóc y tế an toàn, chu đáo cho từng mẹ bầu. Bạn đang mang thai và cần tư vấn chuyên sâu? Đặt lịch khám ngay với chuyên gia tại PhenikaaMec để được hỗ trợ tốt nhất.