Mỗi 14 giây, có một phụ nữ trên thế giới được chẩn đoán ung thư vú. Việc hiểu rõ nguyên nhân ung thư vú có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh lý nguy hiểm này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện các yếu tố nguy cơ và những cách phòng tránh hiệu quả.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là một dạng u ác tính hình thành trong mô tuyến vú. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư vú có thể di căn tới xương, gan, phổi hoặc não, gây đau đớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ung thư vú đa số xảy ra ở ống dẫn sữa và tiểu thùy
Nguyên nhân ung thư vú là gì?
Hiện nay, nguyên nhân gây ra ung thư vú vẫn chưa được xác định chính xác. Cấu trúc của tuyến vú bao gồm ba thành phần chính bao gồm:
- Tiểu thùy: Nơi chứa các tuyến chịu trách nhiệm sản xuất sữa mẹ.
- Ống dẫn sữa: Đảm nhiệm vai trò vận chuyển sữa từ tiểu thùy đến núm vú.
- Mô liên kết: Giúp nâng đỡ, bảo vệ và liên kết các thành phần trong vú thành một khối thống nhất.
Khi một trong ba bộ phận này xảy ra tình trạng tế bào tăng sinh bất thường, nguy cơ hình thành ung thư vú sẽ xuất hiện. Đặc biệt, các chuyên gia ghi nhận rằng đa số ca ung thư vú có nguồn gốc từ ống dẫn sữa và tiểu thùy, do đây là nơi hoạt động tế bào diễn ra mạnh mẽ và dễ biến đổi ác tính.
Ung thư vú có thể là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa yếu tố di truyền, nội tiết tố trong cơ thể, thói quen sinh hoạt và môi trường sống bên ngoài. Vì vậy, để hiểu rõ hơn lý do tại sao lại bị ung thư vú bạn cần tìm hiểu cụ thể về những yếu tố nguy cơ này.
Những yếu tố nguy cơ ung thư vú
1. Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Ung thư vú nguyên nhân do đâu? Nghiên cứu đã khẳng định có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố như:
1.1. Yếu tố di truyền
Di truyền là nguyên nhân gây ung thư vú phổ biến nhất. Những người mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ đặc biệt cao. Nguy cơ mắc ung thư vú của họ cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Hai gen này vốn dĩ có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách sửa chữa ADN bị hư hỏng và kiểm soát sự phân chia tế bào. Tuy nhiên, khi xảy ra đột biến, cơ chế bảo vệ này bị suy yếu, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của tế bào, từ đó hình thành các khối u ác tính.
Nếu bạn mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, nguy cơ ung thư vú của bạn có thể lên tới 45-70%. Đây là con số đáng lo ngại, nhưng đừng quá hoang mang, việc biết trước giúp bạn có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả hơn.
1.2. Tuổi tác
Ước tính khoảng 5% trường hợp ung thư vú được chẩn đoán ở phụ nữ dưới 40 tuổi, trong khi phần lớn xảy ra ở độ tuổi sau 50, đặc biệt là trên 70 tuổi. Khi tuổi càng cao, cơ thể càng dễ tích tụ các tổn thương DNA và đột biến tế bào dẫn đến sự hình thành khối u ác tính.
1.3. Giới tính
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ là nhóm đối tượng chiếm đến hơn 99% các ca ung thư vú, trong khi ở nam giới tỉ lệ này chỉ nằm khoảng 0,5 – 1% các ca bệnh. Phụ nữ sở hữu mô vú phát triển mạnh. Mô vú này chịu sự điều tiết bởi hai hormone quan trọng là estrogen và progesterone. Khi các hormone này dư thừa hoặc mất cân bằng, chúng sẽ kích thích tế bào tuyến vú tăng sinh quá mức. Điều này dẫn đến nguy cơ đột biến và hình thành ung thư.
Phụ nữ chiếm 99% ca ung thư vú, nam giới chiếm 1% các ca bệnh
1.4. Tiền sử gia đình
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bạn có ít nhất một người thân thuộc thế hệ thứ nhất (mẹ, chị em hoặc con gái) từng bị ung thư vú thì nguy cơ của bạn tăng gấp khoảng 2 lần so với người không có tiền sử này. Trong trường hợp có 2 người thân mắc bệnh, nguy cơ có thể tăng lên gần 3 lần và nếu có ba người thân, nguy cơ có thể tăng gấp 4 lần.
2. Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Hiểu rõ những nguyên nhân của ung thư vú dưới đây có thể giúp bạn điều chỉnh lối sống làm giảm khả năng mắc căn bệnh phổ biến này:
2.1. Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh
Nguyên nhân bị ung thư vú có thể do thói quen ăn uống không lành mạnh. Chị em tiêu thụ nhiều đồ chiên rán, thức ăn nhanh, thịt đỏ, đồ ngọt, nước ngọt hay chất béo bão hòa sẽ góp phần vào việc thừa cân, béo phì, đặc biệt là thời kỳ sau mãn kinh. Cơ thể tích tụ nhiều mỡ sẽ tạo ra estrogen và insulin dư thừa. Đồng thời, nó cũng sản sinh các chất gây viêm mạn tính. Các yếu tố này kích thích sự phát triển của tế bào vú, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Ngoài ra, thói quen uống rượu bia cũng là lí do bị ung thư vú. Nếu bạn uống mỗi ngày một ly rượu sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh khoảng 7 – 10% và nguy cơ này tăng lên khoảng 20% khi uống 2 – 3 ly rượu mỗi ngày.
2.2. Lười vận động
Lười vận động cũng là một nguyên nhân dẫn đến ung thư vú. Nghiên cứu cho thấy, những người phụ nữ ít vận động có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 1,4 lần so với người luyện tập đều đặn.
2.3. Sử dụng liệu pháp hormone thay thế kéo dài
Liệu pháp hormone thay thế (HRT) được bác sĩ đưa ra để giảm triệu chứng tiền mãn kinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi sử dụng HRT kéo dài, đặc biệt là dạng kết hợp estrogen và progesterone có thể kích thích hoạt động và tăng sinh tế bào ở tuyến vú. Mỗi lần tế bào phân chia đều ẩn chứa rủi ro sai sót ADN. Vì vậy, việc dùng HRT liên tục và lâu dài làm tăng cơ hội sai lỗi này và hình thành tế bào ung thư. Đây là nguyên nhân bệnh ung thư vú phổ biến ở độ tuổi mãn kinh.
2.4. Trì hoãn việc sinh con hoặc không cho con bú
Phụ nữ không sinh con hoặc sinh ít con sẽ có thời gian tiếp xúc estrogen kéo dài hơn. Khi đó, tế bào vú ít có cơ hội biệt hóa hoàn chỉnh và dễ tích tụ đột biến gây ung thư. Do đó, nếu không sinh con hoặc sinh muộn, lại không cho con bú nguy cơ ung thư vú cao hơn đến 40% so với phụ nữ sinh đúng độ tuổi và cho con bú đầy đủ.
2.5. Dùng thuốc tránh thai kéo dài
Estrogen và progestin trong thuốc tránh thai có thể kích thích các tế bào vú phát triển, từ đó làm tăng khả năng xuất hiện tế bào ác tính. Dùng thuốc tránh thai hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú
Tham khảo thêm:
- Tăng tiểu cầu: Dấu Hiệu Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Điều Trị
- Tiểu Đường: Dấu Hiệu Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Biện pháp phòng ngừa ung thư vú
Phòng ngừa ung thư vú là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nếu bạn chủ động chăm sóc sức khỏe, thay đổi lối sống và kiểm tra định kỳ. Dưới đây là những biện pháp đơn giản giúp giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư vú:
1. Tầm soát ung thư vú định kỳ
Tầm soát định kỳ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên thực hiện chụp X-quang tuyến vú mỗi 1–2 năm để kịp thời phát hiện các khối u bất thường. Ngoài ra, siêu âm vú và chụp MRI cũng được khuyến nghị cho người có mô vú dày hoặc nguy cơ cao như có tiền sử gia đình mắc ung thư vú. Bên cạnh đó, chị em nên tự khám vú tại nhà mỗi tháng, đặc biệt sau kỳ kinh nguyệt, để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường như khối cứng, sưng đau hoặc tiết dịch lạ ở núm vú.
2. Duy trì chế độ ăn uống khoa học
Chị em đã hiểu rõ vì sao bị ung thư vú thì hãy thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này. Bạn nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và cá béo giàu omega-3. Những dưỡng chất này giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Ngoài ra cũng nên hạn chế thịt đỏ, thức ăn nhanh và đồ ngọt. Nhóm thực phẩm này là những yếu tố dinh dưỡng thúc đẩy quá trình viêm và đột biến tế bào dẫn đến ung thư.
Chị em nên hạn chế ăn đồ chiên rán, bổ sung rau xanh, hoa quả để tăng cường miễn dịch phòng ngừa nhiều bệnh lý
3. Kiểm soát cân nặng và tăng cường vận động
Chị em nên giữ cân nặng hợp lý, đặc biệt sau mãn kinh, là một biện pháp phòng ngừa ung thư vú quan trọng. Tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể làm tăng sự phát triển tế bào ung thư tuyến vú. Chị em nên duy trì chỉ số BMI trong khoảng 18,5 - 24,9, kết hợp với tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các hình thức vận động như đi bộ nhanh, yoga, bơi lội hoặc đạp xe giúp cải thiện nội tiết, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ phòng bệnh hiệu quả.
4. Không uống rượu bia
Một số thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày có thể là lý do bị ung thư vú. Hút thuốc lá, uống rượu bia là những thói quen cần loại bỏ vì chúng chứa nhiều chất độc hại có khả năng gây đột biến DNA.
5. Thận trọng khi dùng liệu pháp hormone thay thế
Chị em nên thận trọng khi sử dụng liệu pháp hormone thay thế sau mãn kinh hoặc thuốc tránh thai kéo dài, vì nội tiết tố tổng hợp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của mô vú. Việc tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc từ bác sĩ và không lạm dụng nội tiết là cách phòng ngừa nhiều bệnh ung thư ở nữ giới.
6. Ngủ đủ giấc, không stress, căng thẳng
Giấc ngủ và tinh thần ổn định cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ trong việc phòng bệnh. Thiếu ngủ và stress kéo dài có thể làm rối loạn nội tiết và suy giảm miễn dịch tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Bạn nên ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm, tránh thức khuya, đồng thời áp dụng các biện pháp thư giãn như yoga, thiền, hít thở sâu hoặc tham gia hoạt động ngoài trời để giải tỏa áp lực tâm lý.
7. Sinh con và cho con bú
Nếu bạn sinh con trước 30 tuổi, nguy cơ ung thư vú của bạn sẽ giảm đáng kể. Trong quá trình mang thai và cho con bú, các tế bào tuyến vú trải qua những thay đổi nhất định giúp giảm khả năng đột biến. Việc này cũng giúp ổn định hormone sinh dục và làm giảm tác động của estrogen lên mô vú.
8. Xét nghiệm gen nếu có yếu tố di truyền
Đối với những phụ nữ có người thân trực hệ từng mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, nên thực hiện xét nghiệm đột biến gen BRCA1 và BRCA2 để xác định nguy cơ di truyền. Nếu phát hiện mang gen đột biến, người bệnh có thể được theo dõi sát sao hơn và tư vấn các biện pháp phòng ngừa chuyên biệt như tăng cường tầm soát, thay đổi lối sống, hoặc thậm chí can thiệp y khoa khi cần thiết.
Kết luận
Như vậy, ung thư vú không xuất hiện ngẫu nhiên mà thường liên quan đến nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, thay đổi hormone, tuổi tác, lối sống thiếu khoa học... Việc nhận diện sớm những nguyên nhân ung thư vú này là cách hiệu quả để phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời.
Nếu bạn đang muốn tầm soát ung thư vú hãy đến với Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) để được đội ngũ bác sĩ chuyên gia thăm khám và tư vấn. Trung tâm Ung Bướu Phenikaa Mec phối hợp chặt chẽ với Khoa Giải phẫu bệnh và Trung tâm Sinh học di truyền để thực hiện các xét nghiệm gen chuyên sâu. Từ đó, giúp phát hiện sớm đột biến gen ung thư và xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Ngoài ra, phác đồ điều trị ung thư được cập nhật theo hướng dẫn quốc tế, đồng thời triển khai điều trị đa mô thức thông qua hội chẩn liên chuyên khoa như Ngoại khoa, Xạ trị, Hồi sức tích cực… nhằm tối ưu hiệu quả điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao hãy gọi ngay hotline: 1900 886648 để được tư vấn.