iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Hô Hấp

icon

Phổi kẽ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Phổi kẽ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Phổi kẽ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Bệnh phổi kẽ là một nhóm bệnh lý phổi hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, đặc trưng bởi sự viêm và xơ hóa ở các mô kẽ của phổi. Bệnh này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để hiểu rõ hơn về bệnh này cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu và có phương pháp điều trị phù hợp mời bạn đọc bài viết dưới đây.

Phổi kẽ là gì?

Bệnh phổi kẽ, là một bệnh hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm và xơ hóa ở các mô liên kết quanh phế nang và các cấu trúc liên quan trong phổi như vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu phổi biểu mô mao mạch phổi. Khi mắc bệnh phổi kẽ, hệ thống trao đổi khí của phổi bị tổn thương.

Phổi mô kẽ là bệnh lý về hô hấp có liên quan đến phổi

Phổi mô kẽ là bệnh lý về hô hấp có liên quan đến phổi

Tình trạng xơ hóa trong phổi làm giảm khả năng trao đổi oxy, gây khó thở và ho mạn tính. Người thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do thiếu oxy. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng hơn, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng phổi và suy hô hấp, khi cơ thể không nhận đủ oxy hoặc có quá nhiều carbon dioxide.

Dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh phổi kẽ là tình trạng khó thở. Tình trạng này có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng tùy theo mức độ tổn thương của các tổ chức kẽ trong phổi. Các triệu chứng khác thường xuất hiện muộn và không điển hình, bao gồm:

  • Ho ra máu.
  • Khó thở khi gắng sức.
  • Một vài triệu chứng khác ngoài phổi như khó nuốt, viêm khớp.
  • Rối loạn thông khí hạn chế khi nghỉ ngơi và khi gắng sức.

Người bị viêm phổi kẽ  thường có dấu hiệu khó thở, thậm chí ho ra máu

Người bị viêm phổi kẽ thường có dấu hiệu khó thở, thậm chí ho ra máu

Ngoài các triệu chứng liên quan đến lồng ngực, bệnh nhân còn có thể gặp các dấu hiệu khác như sưng đau khớp, sụt cân và hạch ngoại vi. Đặc biệt, cần lưu ý đến bệnh phổi kẽ cấp tính, vì triệu chứng có thể nặng lên nhanh chóng trong vòng vài giờ đến vài ngày, gây ra suy hô hấp cấp và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nguyên nhân chính gây bệnh phổi kẽ

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ bao gồm cả nguyên nhân rõ ràng và không rõ ràng, cụ thể:

Do nghề nghiệp, môi trường

Việc tiếp xúc lâu dài với các chất độc và ô nhiễm trong môi trường làm việc có thể gây tổn thương cho phổi. Các chất này bao gồm bụi silic, bụi mịn, sợi amiăng và phân chim.

Thuốc

Không ít loại thuốc có thể gây hại cho phổi và dẫn đến bệnh phổi kẽ, chẳng hạn như:

  • Thuốc hóa trị: Các loại thuốc như methotrexate (Otrexup, Trexall), cyclophosphamide.
  • Thuốc trợ tim: Một số thuốc điều trị tim mạch như amiodarone (Nexterone, Pacerone) và propranolol (Inderal, Innopran).
  • Thuốc kháng sinh: Ethambutol (Myambutol), Nitrofurantoin (Macrodantin, Macrobid)
  • Thuốc chống viêm: Một số loại thuốc chống viêm như rituximab (Rituxan) sulfasalazine (Azulfidine)

Việc sử dụng một số loại thuốc có nguy cơ gây ra bệnh phổi mô kẽ

Việc sử dụng một số loại thuốc có nguy cơ gây ra bệnh phổi mô kẽ

Vấn đề sức khỏe

Các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh tự miễn, có thể là nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ. Ví dụ:

  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Xơ cứng bì.
  • Viêm da cơ và viêm đa cơ.
  • Bệnh mô liên kết hỗn hợp.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân rõ ràng nhưng trong một số trường hợp, nguyên nhân không thể xác định được. Những trường hợp này được gọi là phổi mô kẽ vô căn, trong đó xơ phổi vô căn (IPF) là dạng phổ biến và nghiêm trọng nhất.

Đối tượng nguy cơ

Nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ cao hơn ở những đối tượng sau:

  • Người trong độ tuổi trưởng thành và người cao tuổi có nguy cơ mắc phổi mô kẽ cao hơn so với trẻ nhỏ, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh nhân nhi.
  • Những người làm việc trong các ngành như xây dựng, khai thác mỏ, nông nghiệp, nơi thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và bụi khí, có nguy cơ cao mắc phổi mô kẽ và các bệnh lý phổi khác.
  • Người có người thân trong gia đình mắc bệnh phổi mô kẽ cũng có nguy cơ cao hơn do yếu tố di truyền.
  • Người hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc: Phổi kẽ thường gặp ở những người hút thuốc lá hoặc có tiền sử hút thuốc, cũng như những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Nếu tiếp tục duy trì yếu tố nguy cơ này, bệnh có thể tiến triển nặng hơn.

Người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi có nguy cơ mắc bệnh cao

Người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi có nguy cơ mắc bệnh cao

Những biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị phổi kẽ

Bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nghiêm trọng, bao gồm:

  • Khó thở nghiêm trọng: Khi tình trạng xơ hóa tiến triển, khả năng trao đổi oxy của phổi bị giảm, dẫn đến tình trạng khó thở nghiêm trọng, đặc biệt là khi gắng sức hoặc trong các hoạt động hàng ngày.
  • Suy hô hấp: Bệnh có thể tiến triển đến mức suy hô hấp, khi cơ thể không nhận đủ oxy hoặc không thể loại bỏ carbon dioxide hiệu quả, gây nguy hiểm tới tính mạng.
  • Nhiễm trùng phổi: Tình trạng xơ hóa và tổn thương mô phổi khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng phổi như viêm phổi, viêm phế quản,....
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng như khó thở và ho mạn tính có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra cảm giác mệt mỏi và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Suy tim phải: Khi phổi không hoạt động hiệu quả, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua phổi, có thể dẫn đến suy tim phải.
  • Biến chứng nghiêm trọng khác: Việc không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như phù phổi, tăng áp lực động mạch phổithậm chí là tử vong.

Bị viêm phổi mô kẽ có thể dẫn đến suy tim

Bị viêm phổi mô kẽ có thể dẫn đến suy tim

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh phổi mô kẽ

Việc chẩn đoán bệnh phổi mô kẽ có thể gặp khó khăn do không có dấu hiệu đặc trưng. Để xác định liệu một người có mắc bệnh phổi kẽ hay không, bác sĩ sẽ thực hiện một số bước chẩn đoán, bao gồm:

Khám lâm sàng

Bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát và thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh, việc sử dụng thuốc gần đây và điều kiện môi trường sống và làm việc để xác định nguyên nhân có thể gây ra bệnh phổi mô kẽ.

Khám cận lâm sàng

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định, chẩn đoán nguyên nhân bao gồm:

Chụp CT

Đây là phương pháp phổ biến và hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh phổi kẽ. Chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp xác định mức độ tổn thương của phổi và đánh giá tình trạng bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính phổi để xác định tổn thương, mức độ bệnh

Chụp cắt lớp vi tính phổi để xác định tổn thương, mức độ bệnh

Xét nghiệm máu

Phương pháp xét nghiệm máu có thể phát hiện các protein, kháng thể và dấu hiệu viêm hoặc bệnh tự miễn. Các kết quả này giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh viêm phổi mô kẽ.

Xét nghiệm chức năng phổi

  • Phế dung kế: Đây là một phương pháp xét nghiệm nhằm đánh giá lượng không khí phổi có thể giữ và tốc độ không khí di chuyển ra khỏi phổi, đồng thời đo mức độ oxy từ phổi vào máu.
  • Đo SpO2: Phương pháp đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) giúp theo dõi diễn biến và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Xét nghiệm di truyền: Giúp xác định người bệnh có mắc các bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến phổi, bác sỹ căn cứ kết quả có thể chẩn đoán xác định, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nhân và gia đình.

Phương pháp hỗ trợ điều trị phổi kẽ

Việc lựa chọn phương pháp điều trị có ảnh hưởng lớn đến khả năng chữa khỏi bệnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, bao gồm:

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc chống viêm: Để làm chậm quá trình phát triển của bệnh phổi kẽ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Corticosteroid và các thuốc ức chế hệ miễn dịch khác, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể của bệnh.
  • Thuốc làm chậm quá trình xơ hóa phổi: Các loại thuốc như nintedanib và pirfenidone có thể được sử dụng để làm chậm tiến triển của xơ phổi.
  • Thuốc giảm axit dạ dày: Nếu bệnh nhân gặp triệu chứng trào ngược dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế bơm proton (như pantoprazole, omeprazole, lansoprazole) hoặc thuốc đối kháng thụ thể H2 để giảm triệu chứng này.

Sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định để hỗ trợ điều trị phổi mô kẽ

Sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định để hỗ trợ điều trị phổi mô kẽ

Điều trị bằng oxy

Liệu pháp oxy này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, bao gồm:

  • Hỗ trợ chức năng thở, giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
  • Cải thiện nồng độ oxy trong máu, giảm thiểu hoặc ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
  • Hỗ trợ cải thiện huyết áp.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Phẫu thuật

Khi bệnh phổi kẽ diễn tiến nặng và có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phương pháp phẫu thuật cấy ghép phổi. Phẫu thuật cấy ghép là một kỹ thuật phức tạp, yêu cầu thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao và có kinh nghiệm. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên thực hiện phẫu thuật tại các bệnh viện uy tín.

Phẫu thuật cấy ghép phổi điều trị bệnh viêm phổi kẽ

Phẫu thuật cấy ghép phổi điều trị bệnh viêm phổi kẽ

Ngoài việc cân nhắc phẫu thuật, hiệu quả điều trị bệnh phổi mô kẽ còn phụ thuộc vào việc bệnh nhân tuân thủ các nguyên tắc chung. Những nguyên tắc quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như hóa chất, bụi, thuốc lá.
  • Kiểm soát các bệnh lý nền có thể gây bệnh phổi kẽ như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp.
  • Xây dựng lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học theo lời khuyên của bác sĩ. Thực hiện tái khám theo đúng lịch bác sĩ đã hẹn.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe và thông báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị.
  • Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc, không tự ý ngưng hoặc thay đổi liều thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Một số biện pháp phòng tránh

Để hạn chế bệnh phổi kẽ xảy ra, việc nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch là rất quan trọng và dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh cụ thể:

  • Tránh xa thuốc lá: Hút thuốc và tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh về phổi, bao gồm viêm phổi mô kẽ.
  • Rèn luyện thể chất: Tập luyện thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài ít nhất 30 phút. Các bộ môn như bơi lội, chạy bộ, yoga và cầu lông giúp cải thiện trao đổi chất và củng cố hệ miễn dịch.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, cung cấp đủ dinh dưỡng với lượng calo hợp lý. Nên uống nhiều nước, hạn chế thực phẩm có hại như bia, rượu, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ hộp và ưu tiên thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, các loại hạt, cá béo và hải sản để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ: Định kỳ kiểm tra sức khỏe tổng quát mỗi 6 tháng giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và bệnh lý tiềm ẩn, từ đó bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
  • Tiêm phòng: Nhiễm trùng đường hô hấp là một yếu tố góp phần gây bệnh phổi kẽ. Để bảo vệ sức khỏe, hãy chủ động tiêm phòng cúm và viêm phổi theo khuyến cáo của các chuyên gia.

Luôn rèn luyện thể chất và có lối sống khoa học để phòng ngừa bệnh

Luôn rèn luyện thể chất và có lối sống khoa học để phòng ngừa bệnh

Các câu hỏi thường gặp

Bệnh phổi kẽ có thể dẫn đến những nguy hiểm rất lớn đối với sức khỏe, chính vì vậy có không ít câu hỏi được đặt ra đối với căn bệnh này như:

Sau khi điều trị bệnh phổi mô kẽ có bị tái phát?

Bệnh phổi kẽ có thể tái phát sau khi điều trị nếu người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Nguy cơ tái phát của bệnh khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bao gồm yếu tố thể trạng, lối sống và các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Để giảm nguy cơ tái phát và bảo vệ sức khỏe, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp phòng ngừa hiệu quả và cách duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Bệnh viêm phổi kẽ có chữa được không?

Bệnh phổi kẽ rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Thông thường, sau khoảng từ 3 - 12 tuần điều trị, tổn thương kẽ phổi sẽ dần được phục hồi.

Để đạt hiệu quả tối ưu trong việc điều trị, người bệnh cần kết hợp phác đồ điều trị với việc duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học.

Bệnh phổi mô kẽ có lây không?

Đây không phải là một bệnh truyền nhiễm, do đó khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh phổi mô kẽ, bạn không cần quá lo lắng về nguy cơ lây truyền bệnh.

Kết luận

Bệnh viện Đại học Phenikaa cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng gây ra viêm và xơ hóa mô kẽ trong phổi, đe dọa đến khả năng hô hấp của bệnh nhân. Tại bệnh viện, các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến để xác định chính xác tình trạng bệnh, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sống và kiểm soát tiến triển của bệnh.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Professional, C. C. M. (n.d.). Nonspecific interstitial Pneumonia (NSIP). Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14804-nonspecific-interstitial-pneumonia-nsip
  • Mrad, A., & Huda, N. (2023, August 8). Acute interstitial pneumonia. StatPearls – NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554429/
  • Drugs.com: https://www.drugs.com/mcd/interstitial-lung-disease
right

Chủ đề :