iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Bào Thai

icon

Hội chứng truyền máu song thai là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng truyền máu song thai là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng truyền máu song thai là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Hội chứng truyền máu song thai là một biến chứng trong thai kỳ, xảy ra khi người mẹ mang song thai cùng trứng và chung một bánh rau. Đây là một rối loạn nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó cần khám và theo dõi sát nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Cùng tìm hiểu chi tiết về hội chứng này qua bài viết dưới đây!

Hội chứng truyền máu song thai là gì?

Hội chứng truyền máu song thai (Twin-Twin Transfusion Syndrome/TTTS) là tình trạng xảy ra trong thai kỳ của các cặp song sinh hoặc mẹ mang đa thai có sự rối loạn nghiêm trọng.

Tình trạng này xảy ra khi thai đôi hoặc đa thai chia sẻ chung một bánh rau. Sự thông nối giữa các mạch máu trong bánh nhau khiến máu được bơm từ thai nhi này sang thai nhi kia liên tục nhưng với tốc độ chậm.

15-20% các trường hợp thai đôi có chung bánh rau gặp phải hội chứng truyền máu song thai. Các thai đôi này có sự kết nối giữa các mạch máu, có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong việc truyền máu, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi.

Khi hội chứng này xảy ra sẽ có một thai nhi phát triển chậm hơn hoặc thậm chí là tử vong nếu không được điều trị, can thiệp kịp thời. Đặc biệt là trước tuần thứ 26 của thai kỳ.

Các nghiên cứu đã thống kê, trong khoảng 1.000 ca thai đôi thì có 0,1-1,9 trường hợp mắc hội chứng này và không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong gần như 100%.

Hội chứng truyền máu song thai là sự bất thường khi song thai chung bánh rau nhưng khác túi ối

Hội chứng truyền máu song thai là sự bất thường khi song thai chung bánh rau nhưng khác túi ối

Triệu chứng của hội chứng truyền máu song thai

Hội chứng truyền máu song thai là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra trong thai kỳ mẹ bầu mang thai đôi hoặc đa thai. Do sự chênh lệch đáng kể về lưu lượng máu vận chuyển đến hai thai nhi gây ra các dấu hiệu nhận biết ở cả thai nhi và bà mẹ như sau:

Dấu hiệu ở thai phụ

  • Tử cung của mẹ bầu lớn hơn bình thường so với giai đoạn thai kỳ phát triển, cảm nhận rõ tốc độ tăng trưởng của tử cung khá nhanh.
  • Thường xuyên bị đau thắt hoặc co thắt bụng.
  • Xuất hiện tình trạng phù nặng ở tay và chân.
  • Có thể gặp phải tình trạng nôn mửa, nôn ói thường xuyên.
  • Tăng huyết áp, chóng mặt xảy ra do cơ thể căng thẳng.
  • Tăng cân và thay đổi trọng lượng đột ngột, nhanh chóng và bất thường.

Dấu hiệu ở thai nhi

Dấu hiệu của hai thai nhi sẽ khác biệt theo lượng máu nhận được, cụ thể như sau:

  • Thai cho (thai cho máu): Thai nhi cho thường có kích thước nhỏ hơn do thiếu hụt tuần hoàn, dinh dưỡng và oxy dẫn đến tình trạng thiểu ối, giảm sự phát triển của thai.
  • Thai nhận (thai nhận máu): Thai nhi nhận có kích thước lớn hơn so với thai nhi cho, do nhận quá nhiều máu và dinh dưỡng dẫn đến quá tải tuần hoàn, suy tim, phù thai,...

Hội chứng truyền máu song thai làm tăng kích thước bụng  và gây đau thắt bụng thường xuyên cho mẹ bầu

Hội chứng truyền máu song thai làm tăng kích thước bụng và gây đau thắt bụng thường xuyên cho mẹ bầu

Nguyên nhân chính gây hội chứng truyền máu song thai

Nhau thai đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Thông thường nhau thai sẽ phát triển song song với sự lớn lên của thai nhi. Tuy nhiên, khi hai thai nhi cùng chia sẻ chung một bánh rau, các yếu tố bất thường trong lưu lượng máu có thể dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng.

Tình trạng này xảy ra khi xuất hiện sự mất cân bằng các cầu nối động mạch và tĩnh mạch trên bánh rau. Sự phân phối máu không đều này giữa hai thai nhi là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng truyền máu song thai.

Yếu tố đầu tiên để phát hiện Hội chứng này cho mẹ bầu song thai là sự mất cân bằng thể tích nước ối: một thai đa ối và một thai thiểu ối.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề, chẳng hạn như dị tật.

Hội chứng truyền máu song thai xảy ra khi có sự bất thường trong việc phân phối máu đến hai thai nhi

Hội chứng truyền máu song thai xảy ra khi có sự bất thường trong việc phân phối máu đến hai thai nhi

Mẹ bầu nào có nguy cơ mắc bệnh hội chứng truyền máu song thai?

Hội chứng truyền máu song thai thường xảy ra ở các trường hợp thai đôi hoặc đa thai có chung một bánh rau. Các thai phụ mang đa thai, đặc biệt là những người có một bánh rau cho cả hai thai nhi có nguy cơ cao mắc hội chứng này.

Biến chứng thường gặp của hội chứng truyền máu song thai

Hội chứng này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và nguy hiểm cho cả hai thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị, can thiệp kịp thời. Cụ thể:

Biến chứng với thai nhi nhận quá nhiều máu

  • Bàng quang căng to, sản xuất quá nhiều nước tiểu và đa niệu.
  • Cơ thể thai nhi bị phù nề do tràn dịch màng bụng, màng phổi và các cơ quan khác.
  • Do lượng máu dư thừa, thai nhi có thể bị suy tim, dễ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về tim mạch.

Biến chứng với thai nhi nhận ít hoặc không nhận máu

  • Thai nhi phát triển chậm hơn do không nhận đủ dưỡng chất và oxy.
  • Thiểu niệu do giảm sản xuất nước tiểu.
  • Giảm thể tích nước ối làm cho thai nhi bị bó chặt và không thể cử động tự do, thai nhi "dính" vào thành tử cung.
  • Có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
  • Nếu thai nhi này sống sót có thể phải đối mặt với các di chứng thần kinh và bệnh dị tật hình thể nặng nề.

Các phương pháp chẩn đoán hội chứng truyền máu song thai

Hội chứng này được chẩn đoán chủ yếu thông qua siêu âm giúp xác định sự tồn tại và giai đoạn của bệnh.

Thăm khám lâm sàng

Khi thai phụ biết mang thai đôi khi thăm khám định kỳ hay chủ động đi khám khi thấy đau thắt bụng, tăng trọng lượng bất thường,... để được bác sĩ thăm khám và kiểm tra, hỏi han về dấu hiệu và thời điểm bắt đầu thấy có dấu hiệu bất thường.

Thăm khám cận lâm sàng

Sau khi hiểu rõ tình hình của thai phụ, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm Doppler để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn. Cụ thể, thai phụ có khả năng gặp hội chứng truyền máu song thai khi:

  • Siêu âm thấy có sự chênh lệch lớn giữa đường kính của 2 túi ối, kích thước và trọng lượng của 2 bào thai.
  • Một trong hai thai nhi không có hình ảnh của bàng quang.
  • Ống tĩnh mạch, tĩnh mạch rốn, động mạch,... xuất hiện sóng cuối tâm trương hoặc sóng cuối tâm trương bất thường.
  • Nhận thấy có một thai nhi có dấu hiệu phù nhiều ở da đầu, tràn dịch trong ổ bụng,...

Siêu âm màu Doppler là phương pháp chẩn đoán hội chứng truyền máu song thai chính xác và cần thiết nhất

Siêu âm màu Doppler là phương pháp chẩn đoán hội chứng truyền máu song thai chính xác và cần thiết nhất

Phương pháp điều trị hội chứng truyền máu song thai

Hội chứng truyền máu song thai đòi hỏi sự phát hiện sớm, theo dõi sát sao và can thiệp kịp thời, hiệu quả hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe của cả thai nhi và thai phụ. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tuổi thai ở thời điểm chẩn đoán, cụ thể các phương pháp điều trị được áp dụng như sau:

  • Dùng thuốc chống viêm cho mẹ giúp giảm viêm cho nhau thai và hỗ trợ điều chỉnh tình trạng lưu thông máu.
  • Giảm thể tích nước ối giúp cải thiện tình trạng mất cân bằng nước ối giữa hai thai nhi, làm giảm áp lực cổ tử cung hạn chế nguy cơ sinh non.
  • Chọn lọc và đình chỉ một thai nhi để cứu sống thai nhi còn lại, phương pháp áp dụng có thể là đông dây rốn hoặc sử dụng tia laser.
  • Truyền máu cho thai trong buồng tử cung.
  • Mở một lối thông giữa hai buồng ối để điều chỉnh áp lực nước ối và cải thiện tình trạng lưu thông máu.

Điều trị hội chứng truyền máu song thai cần can thiệp để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và thai nhi

Điều trị hội chứng truyền máu song thai cần can thiệp để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và thai nhi

Biện pháp phòng ngừa hội chứng truyền máu song thai

Các mẹ bầu mang song thai có thể phòng ngừa và quản lý hội chứng này với những biện pháp hiệu quả sau:

  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi đầy đủ, ít đứng hay ngồi lâu một tư thế.
  • Nên nằm nghỉ ngơi nhiều trên giường, ghế sofa, sàn, giường,... để giảm áp lực lên cổ tử cung.
  • Tư thế nằm ngửa sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu đến tử cung và thận.
  • Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để hạn chế mệt mỏi, thiếu máu, thiếu chất đạm, bổ sung đủ năng lượng cho mẹ.
  • Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất theo nhu cầu cơ thể, kiểm soát đường huyết tốt giúp cải thiện tình trạng đa ối cũng như các triệu chứng của hội chứng truyền máu song thai.
  • Thai phụ mang song thai nên thực hiện khám và siêu âm định kỳ 2 tuần một lần, đặc biệt từ tuần thứ 16 cần khám theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện kịp thời, theo dõi và can thiệp sớm tình trạng hội chứng truyền máu song thai.

Thăm khám, siêu âm mỗi tuần để kiểm soát, can thiệp sớm khi bị hội chứng truyền máu song thai

Thăm khám, siêu âm mỗi tuần để kiểm soát, can thiệp sớm khi bị hội chứng truyền máu song thai

Các câu hỏi thường gặp

Hội chứng truyền máu song thai có thể hình thành từ tuần thai thứ mấy?

Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) có thể bắt đầu hình thành từ rất sớm trong thai kỳ. Trường hợp phát hiện sớm nhất được ghi nhận trên thế giới là ở tuần thứ 13 của thai kỳ. Tuy nhiên, thời điểm này các triệu chứng và tình trạng bệnh có thể chưa rõ ràng, khó nhận biết, chỉ có thể chẩn đoán khi siêu âm. Hiện nay, hội chứng truyền máu song thai có thể can thiệp phẫu thuật từ tuần thứ 16 của thai kỳ. Điều trị sớm giúp đảm bảo sức khỏe và tâm lý của mẹ bầu và thai nhi.

Tỷ lệ thai chết lưu khi mắc hội chứng truyền máu song thai là bao nhiêu?

Tỷ lệ thai chết lưu khi mắc hội chứng truyền máu song thai là rất cao tùy theo tuổi thai, cụ thể:

  • Trước tuần 26 của thai kỳ, tỷ lệ tử vong của thai nhi có thể lên đến 80-100% nếu không có can thiệp y tế.
  • Sau tuần 26 của thai kỳ tỷ lệ tử vong với một trong hai thai nhi vẫn lên đến 40-60%.

Kết luận

Hội chứng truyền máu song thai nếu phát hiện ở giai đoạn sớm của bệnh có thể giữ được cả hai thai. Chính vì vậy, mẹ bầu đa thai cần chú ý theo dõi cơ thể, khám thai đúng lịch của bác sĩ, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào hãy thăm khám ngay để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và em bé. Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần giải đáp hãy liên hệ hoặc tới Trung tâm Y học bào thai của Bệnh viện Đại học Phenikaa để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

Nguồn tham khảo:

  • Twin-to-Twin transfusion Syndrome (TTTS). (2021, August 8) - https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/twintotwin-transfusion-syndrome-ttts.
  • Rdms, L. E. M. M. M. F. (n.d.). Medscape Registration. https://emedicine.medscape.com/article/271752-overview?form=fpf.
  • Twin-Twin transfusion syndrome – Symptoms, causes, treatment | NORD. (n.d.) - https://rarediseases.org/rare-diseases/twin-twin-transfusion-syndrome/.
  • Twin-Twin transfusion syndrome (TTTS). Children’s Hospital of Philadelphia - https://www.chop.edu/conditions-diseases/twin-twin-transfusion-syndrome-ttts.
right

Chủ đề :