Tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở phụ nữ rất phổ biến và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có nguyên nhân chính do tắc vòi trứng. Vậy vì sao vòi trứng bị tắc, dấu hiệu của tình trạng này là gì, có cách nào để điều trị hay không? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây mời bạn cùng đón đọc.ả.
Tắc vòi trứng là gì?
Tắc vòi trứng là một bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về tình trạng này. Vòi trứng hay còn gọi là ống dẫn trứng, là ống nhỏ kết nối giữa buồng tử cung và buồng trứng, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa trứng đã thụ tinh đến tử cung để làm tổ.
Vòi trứng bị tắc là tình trạng đường ống dẫn trứng bị thu hẹp, dính gây tắc
Khi vòi trứng bị tắc nghĩa là đường ống dẫn bị dính hoặc thu hẹp, làm cản trở sự di chuyển của trứng. Hình ảnh của vòi trứng khi tắc có thể được so sánh với một sợi dây cước bị rối.
Các triệu chứng hay gặp của tắc vòi trứng
Vòi trứng bị tắc thường được phát hiện thông qua dấu hiệu đầu tiên là vô sinh. Nếu bạn đã cố gắng thụ thai trong một năm mà không thành công (không sử dụng biện pháp tránh thai) hoặc trong vòng sáu tháng nếu bạn trên 35 tuổi, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm kiểm tra vòi trứng cùng với những kiểm tra cơ bản khác.
Hydrosalpinx là một dạng tắc vòi do ứ nước, có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng dưới và tiết dịch âm đạo bất thường nhưng không phải phụ nữ nào cũng gặp phải các triệu chứng này.
Hydrosalpinx xảy ra khi vòi trứng bị tắc nghẽn làm giãn vòi trứng và ứ đọng chất lỏng, ngăn chặn trứng và tinh trùng gặp nhau gây cản trở quá trình thụ tinh và mang thai.
Quá 35 tuổi vẫn chưa thể có con là dấu hiệu hàng đầu của việc vòi trứng bị tắc
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây bệnh có thể đi kèm với các triệu chứng khác nhau. Chẳng hạn, lạc nội mạc tử cung và viêm vùng chậu có thể gây đau bụng kinh và đau khi quan hệ tình dục. Những triệu chứng cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng vùng chậu bao gồm:
- Đau vùng chậu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Tiết dịch âm đạo có mùi hôi.
- Sốt trên 38°C (trong trường hợp cấp tính).
- Buồn nôn, nôn (trường hợp cấp tính).
- Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu dữ dội (trong trường hợp cấp tính).
Nhiễm trùng vùng chậu cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn có các triệu chứng như sốt cao hoặc đau vùng chậu nghiêm trọng, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Nguyên nhân dẫn đến tắc vòi trứng
Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản gặp khó khăn trong việc mang thai do vòi trứng tắc là khá cao. Nguyên nhân thường khó nhận biết do các triệu chứng không rõ ràng, khiến nhiều chị em không hiểu vì sao mình lại bị tắc ống dẫn trứng. Các nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tắc vòi trứng bao gồm:
- Bệnh viêm vùng chậu (PID): Theo số liệu, cứ 8 phụ nữ từng mắc PID thì có 1 người gặp khó khăn trong việc thụ thai. Viêm vùng chậu tạo ra mô sẹo bên trong và bên ngoài ống dẫn hoặc gây ra tình trạng ứ dịch buồng trứng (Hydrosalpinx), làm cản trở sự di chuyển của trứng thụ tinh đến tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung: Các tế bào nội mạc tử cung hình thành và phát triển ở bên ngoài tử cung, gây tổn thương vòi trứng và ống dẫn, từ đó làm rối loạn quá trình phóng noãn và cản trở sự di chuyển của trứng.
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Các vi khuẩn như chlamydia và lậu là hai nguyên nhân phổ biến gây vô sinh. Chúng có thể gây viêm nhiễm, hình thành sẹo ở vòi trứng nếu không được điều trị kịp thời.
- Tiền sử mang thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung có thể gây sẹo ở vòi trứng sau phẫu thuật, dẫn đến tắc nghẽn.
Vùng chậu bị viêm là nguyên nhân hàng đầu khiến vòi trứng bị tắc
Ngoài ra, bệnh có thể do bẩm sinh hoặc di chứng sau các phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt là phẫu thuật liên quan đến ống dẫn hoặc sự phát triển của u xơ tử cung. Để phòng ngừa, chị em nên duy trì đời sống tình dục an toàn và thực hiện các biện pháp phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa.
Đối tượng nguy cơ
Tắc vòi trứng thường xảy ra ở phụ nữ từng trải qua phẫu thuật, nhiễm trùng vùng chậu, lạc nội mạc tử cung hoặc có u xơ tử cung. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh lý:
- Nhiễm trùng vùng chậu: Bệnh thường lây nhiễm qua đường tình dục, gây viêm nhiễm dẫn đến các tổn thương hoặc tạo thành sẹo ở vòi trứng.
- Viêm nhiễm sau sinh: Phụ nữ sau sinh có thể gặp biến chứng nhiễm trùng tử cung và một vài cấu trúc lân cận. Nếu không được điều trị đúng cách, dễ gây viêm nhiễm và lan rộng ra vòi trứng gây tắc nghẽn.
- Tiền sử phẫu thuật: Một vài phẫu thuật liên quan đến buồng trứng, tử cung có thể gây sẹo dễ chèn ép vòi trứng, làm hạn chế hoặc ngăn chặn sự di chuyển của trứng gây tắc.
- Bệnh tự miễn: Một vài bệnh lý tự niễm như Lupus có thể gây viêm nhiễm, tổn thương vòi trứng.
- Yếu tố vật lý: Các khối u lành tính như polyp hoặc u xơ tử cung có thể gây cản trở, chèn ép vòi trứng từ đó gây tắc nghẽn.
Biến chứng thường gặp
Tắc vòi trứng nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Vô sinh: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của tắc vòi trứng, khi cả hai vòi trứng bị tắc hoàn toàn, khiến trứng và tinh trùng không thể gặp nhau để thụ thai sẽ gây ra tình trạng vô sinh.
- Mang thai ngoài tử cung: Khi ống dẫn bị chít hẹp, trứng sau khi thụ tinh không thể di chuyển về tử cung mà lại làm tổ ngay trong vòi trứng, gây ra thai ngoài tử cung. Điều này có thể dẫn đến vỡ khối chửa, gây đau đớn và thậm chí còn đe dọa tính mạng của người mẹ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
- Đau bụng dưới: Tắc vòi trứng do viêm có thể gây nhiễm trùng vùng chậu và khu vực màng bụng, dẫn đến những cơn đau bụng dưới dữ dội.
Vòi trứng tắc không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung
Các phương pháp chẩn đoán
Tắc vòi trứng thường khó phát hiện do các ống dẫn có khả năng mở và đóng. Vì vậy, việc xác định tắc nghẽn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dưới đây là ba phương pháp xét nghiệm chính để chẩn đoán bệnh:
- Chụp buồng tử cung vòi trứng cản quang (Hysterosalpingogram - HSG): Bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào tử cung để chất này chảy vào vòi trứng. Trên hình ảnh chụp X-quang, nếu chất cản quang không di chuyển qua vòi trứng, có thể vòi trứng đã bị tắc.
- Siêu âm bơm nước buồng tử cung (Sonohysterogram): Phương pháp này tương tự như HSG nhưng thay vì chụp X-quang, bác sĩ sử dụng máy siêu âm để quan sát hình ảnh của vòi trứng.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Đây là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán tắc vòi trứng. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ và đưa thiết bị nội soi vào để quan sát vòi trứng từ bên trong. Tuy nhiên, phương pháp này mang tính xâm lấn nên thường không được chỉ định sớm trong quá trình chẩn đoán.
Áp dụng chụp X-quang hoặc siêu âm để chẩn đoán tình trạng vòi trứng tắc
Các phương pháp giúp điều trị
Tùy theo mức độ bệnh lý, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp, cụ thể:
Điều trị nội khoa
- Tắc vòi trứng có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa trong trường hợp nguyên nhân do viêm nhiễm vùng chậu. Bác sĩ sẽ kê kháng sinh, chống viêm nhằm ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm tiến triển. Tuy nhiên, phương pháp này không đảm bảo thông hoàn toàn các ống dẫn bị tắc.
- Điều trị bằng thuốc chủ yếu tiêu diệt vi khuẩn nhưng các mô sẹo và tổn thương đã hình thành không thể được chữa khỏi bằng kháng sinh. Khi đó, phương pháp ngoại khoa sẽ được áp dụng.
Điều trị nội khoa giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng hơn và có thể tăng khả năng thành công khi can thiệp phẫu thuật hoặc hỗ trợ sinh sản sau này.
Nếu bệnh nhân chỉ bị tắc một bên vòi trứng, vẫn có khả năng mang thai tự nhiên, tuy nhiên tỷ lệ thụ thai sẽ thấp hơn so với những phụ nữ có cả hai vòi trứng thông suốt. Các chuyên gia có thể sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản nhằm tăng khả năng rụng trứng từ buồng trứng bên có vòi trứng thông. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả đối với những bệnh nhân bị tắc nghẽn cả hai vòi trứng.
Điều trị nội khoa vòi trứng tắc bằng thuốc hỗ trợ
Trong trường hợp cả hai vòi trứng đều bị tắc, các biện pháp như tập thể dục, chế độ ăn uống hay điều trị nội khoa không thể giúp thông tắc ống dẫn. Lúc này, can thiệp phẫu thuật là phương án duy nhất để khôi phục sự thông suốt.
Điều trị ngoại khoa
Khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp can thiệp ngoại khoa. Một số phương pháp điều trị vòi trứng tắc phổ biến bao gồm:
Dùng bơm hơi thông vòi trứng tắc
Một trong những phương pháp thường được áp dụng khi bệnh nhân bị tắc vòi trứng ở mức độ nhẹ chính là sử dụng bơm hơi để thông. Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng hoặc bóng nhỏ qua âm đạo vào tử cung để nong và loại bỏ chỗ tắc.
Phẫu thuật nội soi vòi trứng
Phương pháp này sử dụng dụng cụ nội soi đưa vào tử cung, sau đó dùng dụng cụ chuyên biệt để thông tắc ống dẫn hoặc loại bỏ mô sẹo. Nội soi có thể giúp khôi phục sự thông suốt của vòi trứng.
Phẫu thuật cắt, nối ống dẫn trứng
Khi phần tắc nghẽn không thể thông, bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn ống bị tắc và nối hai đầu lại với nhau. Nếu phẫu thuật thành công, trứng có thể di chuyển bình thường. Tuy nhiên, mô sẹo có thể hình thành trên vết nối theo thời gian và gây tắc trở lại.
Thực hiện phẫu thuật để điều trị tắc vòi trứng
Phẫu thuật cắt vòi trứng
Phẫu thuật cắt ống dẫn được chỉ định trong trường hợp tắc nghẽn nặng, không thể điều trị bằng các biện pháp khác. Bác sĩ sẽ cắt bỏ vòi trứng để ngăn ngừa dịch ứ ngược vào tử cung.
Sau đó, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ được áp dụng để người mẹ có thể mang thai. Trong những trường hợp tắc nghẽn nghiêm trọng, việc cắt bỏ vòi trứng có thể giúp tăng tỷ lệ thành công của IVF.
Sau phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng, bệnh nhân thường cần nằm viện từ 1-2 ngày và thời gian hồi phục có thể kéo dài từ 4-6 tuần.
Biện pháp phòng ngừa
Phần lớn các trường hợp tắc ống dẫn là do nhiễm trùng vùng chậu, thường lây qua đường tình dục. Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhiễm trùng diễn tiến âm thầm, không gây ra triệu chứng rõ rệt. Càng để nhiễm trùng kéo dài, nguy cơ hình thành mô sẹo và gây viêm, tắc nghẽn ống dẫn càng cao.
Mặc dù không có cách phòng ngừa hoàn toàn tắc vòi trứng nhưng một số biện pháp có thể làm giảm nguy cơ viêm nhiễm vùng chậu như:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
- Thăm khám và xét nghiệm định kỳ, đặc biệt nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Thăm khám, làm xét nghiệm định kỳ để phòng ngừa vòi trứng tắc
Các câu hỏi thường gặp
Với vấn để về tắc vòi trứng, có rất nhiều chị em đặt ra những câu hỏi liên quan và dưới đây là một số câu hỏi thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được:
Siêu âm có phát hiện tắc vòi trứng không?
Việc siêu âm có thể giúp phát hiện tắc vòi trứng ở phụ nữ nhưng không phải kỹ thuật nào cũng có thể xác định được bệnh lý. Một kỹ thuật được áp dụng và đánh giá cao trong việc siêu âm tắc vòi trứng đó là siêu âm đầu dò. Kỹ thuật này bác sĩ có thể quan sát được các bộ phận sinh dục nữ bên trọng một cách dễ dàng. Từ đó có thể phát hiện ra những bất thường ở vòi trứng và một số bộ phận khác như buồng trứng, cổ tử cung, tử cung…
Thông vòi trứng bao lâu thì có thai được?
Thời gian để có thể mang thai sau khi thông vòi trứng tương đối khó xác định bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo đánh giá, thông thường phụ nữ có thể mang thai sau khi điều trị vòi trứng lên đến 50% chỉ sau 1 năm điều trị ở đầu ống tử cung. Nhìn chung, tùy thuộc vào việc ứ tắc ống dẫn trứng ở mức độ nặng hoặc vừa 5 - 20% có thể mang thai sau 1 năm.
Tắc vòi trứng có chữa khỏi được không?
Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị bệnh lý này ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, dẫn đến tình trạng vô sinh và hiếm muộn. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học và công nghệ hiện đại, phụ nữ bị tắc vòi trứng hoàn toàn có khả năng được điều trị triệt để.
Tắc vòi trứng ở phụ nữ có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm mẹ. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu, tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị cụ thể là rất cần thiết. Là phụ nữ, hãy thường xuyên đi khám phụ khoa định kỳ để đảm bảo sức khỏe ổn định. Hãy đến với Bệnh viện Đại học Phenikaa để được thăm khám nếu phát hiện dấu hiệu bất thường và tìm ra giải pháp điều trị hợp lý.