iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Về Máu

icon

Ung thư bạch cầu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Ung thư bạch cầu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh

Ung thư bạch cầu là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị và phòng bệnh
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Ung thư bạch cầu là bệnh ung thư khá phổ biến, xuất phát từ các tế bào bất thường trong máu và tủy xương. Bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị thành công sẽ cao hơn. Cùng tìm hiểu chi tiết thông tin về bệnh, bao gồm dấu hiệu, triệu chứng cùng phương pháp điều trị, phòng ngừa  qua những thông tin dưới đây.

Ung thư bạch cầu là gì?

Ung thư bạch cầu hay ung thư máu là một bệnh lý ác tính xuất phát từ các tế bào bất thường ở phần tủy xương và máu. Bệnh có thể gặp cả ở người lớn và trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe. 

Ung thư bạch cầu có thể phân loại thành các dạng sau:

Ung thư bạch cầu cấp tính (Acute Leukemia)

  • Bệnh bạch cầu cấp lympho (ALL): Là loại ung thư bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và có thể xảy ra ở người lớn. Bệnh bắt đầu từ các tế bào lympho - tế bào chịu trách nhiệm chính trong hệ thống miễn dịch.
  • Bệnh bạch cầu cấp tủy (AML): Là bệnh ung thư bắt đầu từ các tế bào tủy xương, nơi sản xuất tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. AML chủ yếu ảnh hưởng đến người trưởng thành nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em.

Ung thư bạch cầu mạn tính (Chronic Leukemia)

  • Bệnh bạch cầu mạn lympho (CLL): Thường xảy ra ở người trưởng thành, đặc trưng bởi sự tích tụ các tế bào lympho bất thường trong máu, tủy xương và các hạch bạch huyết, có tiến triển chậm.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML): Được đặc trưng bởi sự sinh sản quá mức của các tế bào tủy xương dẫn đến sự tích tụ các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành. CML chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành và thường tiến triển chậm.

Ngoài các ung thư bạch cầu trên còn có một số dạng khác hiếm gặp hơn như: Ung thư bạch cầu tế bào lông, hội chứng loạn sinh tủy,...

Ung thư bạch cầu là bệnh lý ung thư xuất phát từ tế bào bất thường trong tủy xương

Ung thư bạch cầu là bệnh lý ung thư xuất phát từ tế bào bất thường trong tủy xương

Dấu hiệu thường gặp của ung thư bạch cầu

Người mắc ung thư bạch cầu có thể không nhận ra bệnh cho đến khi thăm khám và có phát sinh các xét nghiệm máu. Khi mắc bệnh này, có thể gặp một số dấu hiệu dưới đây:

  • Có đốm đỏ dưới da: Bạn có thể thấy các đốm xuất huyết màu đỏ hồng hoặc đỏ tía dưới da trên ngực, lưng, mặt và cánh tay. Đây là triệu chứng khi máu không đông, giảm tiểu cầu.
  • Đau nhức xương khớp: Nếu cơn đau tại xương khớp nhiều và đau sâu trong xương, đặc biệt là ở xương tại chân và cánh tay, có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư bạch cầu. Tình trạng này xảy ra khi có sự tích lũy bạch cầu bất thường trong tủy xương.
  • Đau đầu: Đau đầu dữ dội và kéo dài, đôi khi kèm theo chóng mặt, vã mồ hôi đầm đìa. Triệu chứng này xuất hiện do máu bị hạn chế đến não và tủy sống.
  • Xuất hiện hạch bất thường: Trên cơ thể người bệnh có thể xuất hiện các hạch nhỏ bất thường tại khu vực cổ, bụng hoặc dưới cánh tay. Triệu chứng này xảy ra do suy giảm sản xuất tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu.
  • Cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi: Giảm số lượng hồng cầu dẫn đến thiếu máu, gây yếu cơ, khó vận động. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, cơ thể xanh xao, thiếu sức sống.

Người bị ung thư bạch cầu rất dễ chảy máu mũi và chân răng

Người bị ung thư bạch cầu rất dễ chảy máu mũi và chân răng

  • Dễ chảy máu, bầm tím: Những vết bầm tím bất thường và khó cầm máu thường xuyên xảy ra do giảm tiểu cầu, điển hình là chảy máu chân răng, chảy máu mũi,...
  • Thường xuyên bị sốt, nhiễm trùng: Sốt kéo dài, nhiễm trùng tại các vết thương nhỏ thường xuyên cho thấy cơ thể bị suy giảm khả năng chống lại nhiễm trùng. Đây rất có thể là một dấu hiệu của ung thư bạch cầu.
  • Sụt cân, chán ăn: Người bị ung thư bạch cầu bị mất khẩu vị, không thấy thèm ăn nên ăn rất ít và sụt cân nghiêm trọng.
  • Hơi thở bất thường: Hụt hơi, hơi thở yếu ớt, luôn cảm giác như bị thiếu oxy,... có thể là dấu hiệu của bệnh.
  • Đau bụng: Đau bụng hoặc đầy bụng, chướng hơi kèm sưng tấy ở gan hoặc lá lách là dấu hiệu cho thấy bệnh đã có tiến triển xấu.

Ung thư bạch cầu có thể gây sốt kéo dài và thường xuyên

Ung thư bạch cầu có thể gây sốt kéo dài và thường xuyên

Nguyên nhân chính gây ung thư bạch cầu

Nguyên nhân chính xác gây ung thư bạch cầu vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng có thể kể đến các yếu tố nguy cơ dưới đây làm làm tăng khả năng mắc bệnh:

  • Tiền sử điều trị ung thư: Những người đã từng điều trị bằng hóa chất hoặc xạ trị cho các bệnh ung thư khác có nguy cơ cao hơn mắc bệnh ung thư bạch cầu.
  • Tiền sử gia đình: Có người thân trong gia đình mắc ung thư bạch cầu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Rối loạn di truyền: Các bất thường di truyền (như hội chứng Down, hội chứng Li-Fraumeni và hội chứng Bloom) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bạch cầu cho người bệnh.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Việc tiếp xúc lâu dài hoặc với lượng lớn hóa chất độc hại, như Benzen có trong xăng, hóa chất tẩy rửa dùng trong công nghiệp dầu mỏ,... có thể góp phần vào nguy cơ mắc bệnh.
  • Phơi nhiễm bức xạ: Tiếp xúc với mức độ cao của tia xạ từ xạ trị có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bạch cầu.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá nhiều cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML).

Ung thư bạch cầu dễ gặp với người có tiền sử bị ung thư

Ung thư bạch cầu dễ gặp với người có tiền sử bị ung thư

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư bạch cầu

Từ yếu tố nguy cơ gây bệnh thì dưới đây là các nhóm đối tượng dễ mắc bệnh lý ác tính này:

  • Những người đã từng điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị cho các bệnh ung thư khác có nguy cơ cao hơn mắc ung thư bạch cầu.
  • Người có bất thường di truyền, bị hội chứng Down, hội chứng Li-Fraumeni và hội chứng Bloom,...
  • Những người mắc các rối loạn máu, chẳng hạn như hội chứng Myelodysplastic.
  • Người trong gia đình có người từng mắc ung thư bạch cầu.
  • Người hút thuốc lá hay hít khói thuốc thụ động nhiều.
  • Người tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại, chẳng hạn như benzen (có trong xăng và sử dụng trong các ngành công nghiệp), ô nhiễm môi trường, chất nhuộm,... 

Ung thư bạch cầu dễ gặp ở người có bất thường di truyền hay rối loạn máu

Ung thư bạch cầu dễ gặp ở người có bất thường di truyền hay rối loạn máu

Biến chứng thường gặp của bệnh ung thư bạch cầu

Biến chứng của ung thư bạch cầu có thể rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cũng như sức khỏe tổng thể, bao gồm:

  • Nhiễm trùng cấp: Do hệ thống miễn dịch bị suy giảm, bệnh nhân ung thư bạch cầu dễ bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Nhiễm trùng có thể là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân ung thư bạch cầu.
  • Thiếu máu nghiêm trọng: Bệnh bạch cầu làm giảm sản xuất tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, gây mệt mỏi, yếu cơ và làm giảm khả năng hoạt động của bệnh nhân.
  • Tăng trưởng các hạch bạch huyết: Bệnh bạch cầu có thể gây sưng và tăng trưởng các hạch bạch huyết, dẫn đến cảm giác đau và khó chịu ở vùng cổ, nách hoặc bẹn.
  • Phì đại gan và lá lách: Sự tích tụ của tế bào bạch cầu bất thường có thể làm gan và lách bị sưng khiến các cơ quan này bị suy giảm chức năng. 
  • Tổn thương tủy xương: Tủy xương có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tế bào ung thư bạch cầu, làm suy giảm khả năng sản xuất các tế bào máu bình thường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và vận động của bệnh nhân.
  • Xâm lấn hệ thần kinh: Ung thư bạch cầu có thể xâm lấn hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất cảm giác hoặc rối loạn thần kinh, gây ngất và có thể mất ý thức.

Ung thư bạch cầu gây nhiều hệ quả xấu đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân

Ung thư bạch cầu gây nhiều hệ quả xấu đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân

Các phương pháp chẩn đoán ung thư bạch cầu

Để chẩn đoán ung thư bạch cầu, bác sĩ thường thực hiện chẩn đoán kèm một số xét nghiệm với quy trình như sau:

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ khám tổng quát (đo nhịp tim, đo huyết áp, nghe nhịp thở,...) và kiểm tra các dấu hiệu thể chất của bệnh nhân như: Da nhợt nhạt (do thiếu máu), kích thước các hạch bạch huyết, gan và lá lách có tình trạng sưng tấy bất thường,... Tiếp theo, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh lý, tiền sử bệnh gia đình, điều kiện sống và làm việc, thói quen sử dụng thuốc lá,... để có chẩn đoán đúng hơn. 

Thăm khám cận lâm sàng

Để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác nhất, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm tế bào máu, quan sát số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi.
  • Xét nghiệm tủy: Chọc hút tủy xương để xác định sự có mặt của các tế bào ung thư.
  • Phân tích huyết thanh và nước tiểu: Xét nghiệm hóa sinh để phân tích các thành phần máu và nước tiểu, đặc biệt là nồng độ acid uric, nồng độ LDH trong huyết tương và trong nước tiểu.
  • Quan sát hình thái tế bào trong tiêu bản máu.
  • Xét nghiệm phân loại tế bào: Kháng nguyên bề mặt tế bào.
  • Xét nghiệm tìm bất thường gen: Tìm bất thường nhiễm sắc thể ở những tế bào bạch cầu ác tính.

Xét nghiệm máu là phương pháp giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh ung thư bạch cầu chính xác

Xét nghiệm máu là phương pháp giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh ung thư bạch cầu chính xác

Phương pháp điều trị ung thư bạch cầu

Phương pháp điều trị ung thư bạch cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại ung thư bạch cầu, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giai đoạn tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị chính thường được áp dụng bao gồm:

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư tùy thuộc vào loại ung thư bạch cầu. Thuốc có thể được truyền tĩnh mạch, tiêm vào dịch não tủy, hoặc uống dưới dạng viên. Hóa trị thường được tiến hành theo nhiều chu kỳ để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn chúng quay trở lại.

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Đây là phương pháp tấn công trực tiếp vào các tế bào ung thư mà không làm tổn hại đến tế bào lành khác. Liệu pháp nhắm mục tiêu can thiệp vào các phân tử hoặc con đường liên quan đến sự phát triển của ung thư, giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u có chọn lọc.

Liệu pháp miễn dịch (Sinh học trị liệu)

Phương pháp này kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp điển hình được áp dụng tại Việt Nam là liệu pháp CAR-T. Hệ miễn dịch sẽ được tăng cường khả năng nhận diện tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tái lập trình tế bào miễn dịch của bệnh nhân.

Cấy ghép tế bào gốc

Cấy ghép tế bào gốc (hoặc cấy ghép tủy xương) thay thế tủy xương bị tổn thương bằng tế bào gốc khỏe mạnh, giúp khôi phục chức năng sản xuất máu của cơ thể. Phương pháp này áp dụng với bệnh nhân trẻ, nhỏ tuổi, có khả năng thích ứng và phục hồi tốt sau phẫu thuật.

Chăm sóc hỗ trợ

Chăm sóc hỗ trợ nhằm kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu tác dụng phụ từ điều trị. Các biện pháp bao gồm truyền máu, sử dụng kháng sinh và thuốc giảm đau để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Ung thư bạch cầu có thể điều trị với nhiều phương pháp khác nhau tùy tình trạng bệnh nhân

Ung thư bạch cầu có thể điều trị với nhiều phương pháp khác nhau tùy tình trạng bệnh nhân

Biện pháp phòng ngừa ung thư bạch cầu

Không có chương trình tầm soát cụ thể cho ung thư bạch cầu nhưng có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây tươi,... hạn chế ăn đồ chế biến sẵn, đồ chiên rán, dầu mỡ,...
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia xạ,... Nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang đồ bảo hộ để bảo vệ cơ thể an toàn, tránh tối đa tác hại với sức khỏe.
  • Hạn chế tối đa hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc.
  • Hạn chế rượu bia.
  • Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên để tăng cường đề kháng. 
  • Khám sức khỏe định kỳ 1-3 lần/ năm để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nếu có.

Tăng đề kháng và khám sức khỏe định kỳ là việc làm hữu hiệu giúp tầm soát ung thư bạch cầu

Tăng đề kháng và khám sức khỏe định kỳ là việc làm hữu hiệu giúp tầm soát ung thư bạch cầu

Các câu hỏi thường gặp

Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư bạch cầu là bao nhiêu?

Ước tính tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư bạch cầu là khoảng 65,7%. Tỷ lệ này sẽ giảm đi nếu bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, bệnh đã tiến triển xấu và cơ thể không đáp ứng với các biện pháp điều trị.

Có liệu pháp mới nào để điều trị ung thư bạch cầu không?

Hiện nay, các liệu pháp mới được công bố có nhiều hiệu quả tích cực trong điều trị ung thư bạch cầu như liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch/liệu pháp tế bào CAR-T. Những phương pháp này được chứng minh đã tăng hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ cho bệnh nhân đáng kể so với các liệu pháp cũ.    

Ung thư bạch cầu có lây qua đường ăn uống không?

Ung thư bạch cầu không lây qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc thông thường. Bệnh này phát sinh do sự phát triển bất thường của các tế bào bạch cầu trong tủy xương và không phải là một bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, một số yếu tố như di truyền, tiếp xúc với hóa chất độc hại và xạ trị có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Kết luận

Ung thư bạch cầu có thể tiến triển rất nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, nhận biết sớm dấu hiệu để có phương pháp điều trị kịp thời là hết sức quan trọng. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến PhenikaaMec ngay lập tức để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

calendarNgày cập nhật: 25/12/2024

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

  • Leukemia (Sept 21, 2022) - https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/leukemia/symptoms-causes/syc-20374373. 
  • Leukemia (05/18/2022) - https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4365-leukemia. 
  • Understanding Leukemia Basics - https://www.webmd.com/cancer/lymphoma/understanding-leukemia-basics. 
right

Chủ đề :