Xuất huyết tử cung bất thường là tình trạng cảnh báo các bệnh lý về phụ khoa. Việc nhận biết kịp thời sẽ giúp người bệnh có phương pháp điều trị hiệu quả, hạn chế biến chứng nguy hiểm. Thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về tình trạng đáng báo động này.
Xuất huyết tử cung bất thường là gì?
Xuất huyết tử cung bất thường có tên y khoa là Abnormal Uterine Bleeding (AUB). Đây là một tình trạng chảy máu bất thường ở tử cung chưa rõ nguyên nhân, đây cũng không phải là chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này có thể liên quan đến những bệnh lý về phụ khoa, tử cung. Vì vậy ngay từ khi thấy dấu hiệu ra máu bất thường khác với chu kỳ kinh nguyệt chị em nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Chị em cần phân biệt được hai khái niệm “Chu kỳ kinh nguyệt” và “Hành kinh”. Một chu kỳ kinh nguyệt sẽ tính từ ngày đầu tiên ra máu kinh cho đến lần ra máu kinh tiếp theo. Một kỳ kinh nguyệt được cho là bình thường sẽ kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Nếu thấy kinh nguyệt của mình ngắn hơn 21 ngày hoặc kéo dài hơn 35 ngày thì đây được xem là dấu hiệu bất thường. Còn khái niệm “Hành kinh” chỉ quá trình ra máu kinh, bình thường kéo dài khoảng 3 đến 8 ngày. Nếu máu kinh ra quá ít, ngắn hơn 3 ngày hoặc quá nhiều, kéo dài hơn 8 ngày đều là tình trạng bất thường, chị em nên chú ý và đi thăm khám ngay.
Xuất huyết tử cung bất thường là việc chảy máu bất thường ở tử cung khác với chu kỳ kinh nguyệt
Dấu hiệu thường gặp của xuất huyết tử cung bất thường
Xuất huyết tử cung bất thường là tình trạng ra máu bất thường không liên quan đến khoảng thời gian hành kinh (rong huyết), hoặc liên quan đến thời gian hành kinh thì quá trình hành kinh ấy cũng bất thường (cường kinh, băng kinh, rong kinh…). Các dấu hiệu thường thấy như:
- Ra máu nhiều trong chu kỳ kinh, nhiều hơn bình thường.
- Máu vón cục, ra máu cục, máu đông lớn.
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 8 ngày so với bình thường.
- Chu kỳ kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày kể từ ngày kinh cuối cùng nhìn thấy.
- Thấy chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt.
- Kinh ra nhỏ giọt.
- Xuất huyết bất thường sau mãn kinh.
- Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác đi kèm như đau bụng ở vùng chậu, ra khí hư, dịch mủ, hoặc cảm thấy bụng căng tức, khó chịu.
Chảy máu âm đạo nhiều, bụng khó chịu là dấu hiệu của xuất huyết tử cung
Nguyên nhân chính gây xuất huyết tử cung bất thường
Tình trạng chảy máu tử cung bất thường hay gặp ở chị em phụ nữ tuổi sinh sản. Đây là một vấn đề đáng báo động, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng này? Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết tử cung, bao gồm:
- U xơ tử cung hoặc Polyp buồng tử cung.
- Rối loạn phóng noãn: Thường gặp ở tuổi dậy thì, tiền mãn kinh hoặc ở bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc nhược giáp.
- Ung thư: Ra máu kinh nhiều có thể gặp ở những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung.
- Rối loạn chức năng đông cầm máu.
- Do thuốc: Các loại thuốc chống đông máu hoặc aspirin có thể khiến máu khó cầm dẫn đến tình trạng xuất huyết tử cung bất thường.
- Các nguyên nhân khác ít gặp hơn như viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu. Sảy thai hoặc thai ngoài tử cung cũng có thể gây ra huyết bất thường. Đôi khi không tìm được nguyên nhân.
Nguyên nhân gây chảy máu tử cung bất thường có thể do xuất phát từ cơ thể hoặc do tác động từ bên ngoài
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng nguy cơ dễ bị xuất huyết tử cung bất thường nhất đó là chị em trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh. Độ tuổi này chiếm phần lớn bởi những tác động từ trong cơ thể cũng như những tác động từ bên ngoài. Là nhóm nguy cơ dễ mắc bệnh liên quan đến tử cung nhất nên chị em trong độ tuổi sinh sản cần khám sức khỏe thường xuyên để sớm nhận biết bệnh.
Chị em độ tuổi sinh sản, sau mãn kinh dễ bị xuất huyết tử cung bất thường
Biến chứng thường gặp
Xuất huyết tử cung bất thường nếu không được chú ý nhận biết và điều trị kịp thời dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Vô sinh, thiếu máu, ung thư nội mạc tử cung... Đây đều là những tình trạng đáng báo động ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chị em.
Tình trạng xuất huyết tử cung này có thể gây mất máu nghiêm trọng khiến cơ thể bị sốc, hạ huyết áp hoặc thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Đối với các trường hợp sau nên đi gặp bác sĩ ngay:
- Xuất huyết nhiều cục máu đông có kích thước lớn.
- Xuất huyết giữa hai chu kỳ kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh kéo dài hơn 8 ngày.
Ngoài ra các triệu chứng như: Chóng mặt, ngất, yếu chân tay, tụt huyết áp, tăng nhịp tim, da nhợt nhạt, đều là dấu hiệu thiếu máu do xuất huyết tử cung bất thường. Chị em cần đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường này.
Chảy máu âm đạo bất thường khiến cơ thể bị thiếu máu nghiêm trọng
Các phương pháp chẩn đoán
Đối với một trường hợp xuất huyết tử cung bất thường sẽ cần được thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng. Cụ thể:
Thăm khám lâm sàng
Đối với hình thức thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe, xác định vị trí xuất huyết và phát hiện dấu hiệu bất thường khác thông qua kiểm tra. Cụ thể:
- Xác định vị trí xuất huyết ở tử cung, âm đạo, âm hộ, cổ tử cung, niệu quản, hậu môn, tầng sinh môn,...
- Xác định các bất thường nằm ở đường sinh dục như: vết rách,vết loét, dị vật, khối u,...
- Xác định các bất thường của tử cung. Cụ thể nếu thấy tử cung to có thể bị lạc nội mạc trong cơ tử cung, dou xơ tử cung hoặc gặp bệnh lý ác tính ở tử cung. Nếu tử cung dính di động thì đây có thể là do lạc nội mạc tử cung.
- Kiểm tra, xác định tình trạng xuất huyết ra ít hay nhiều, có máu cục không, chảy máu ở bên trong cổ tử cung hay ở bên ngoài âm đạo,...
Cần thăm khám ngay khi thấy âm đạo chảy máu nhiều không rõ nguyên nhân
Thăm khám cận lâm sàng
Sau khi thăm khám, hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng... Cụ thể:
Xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: Đánh giá mức độ mất máu, tình trạng thiếu máu, kiểm tra các yếu tố đông máu để loại trừ các rối loạn máu gây xuất huyết.
- Xét nghiệm hormone: Kiểm tra nồng độ hormone sinh dục như estrogen, progesterone, LH, FSH để đánh giá chức năng buồng trứng và chu kỳ kinh nguyệt. Xét nghiệm hormone tuyến giáp (TSH) cũng cần thiết do rối loạn tuyến giáp có thể gây xuất huyết tử cung bất thường.
- Xét nghiệm beta-hCG: Được thực hiện để loại trừ khả năng mang thai hoặc các tình trạng thai kỳ bất thường như thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.
Siêu âm
- Siêu âm đầu dò âm đạo (Transvaginal Ultrasound): Phương pháp này giúp cung cấp hình ảnh chi tiết của tử cung, buồng trứng và các cấu trúc vùng chậu. Siêu âm đầu dò thường được sử dụng để phát hiện các bất thường như u xơ tử cung, polyp tử cung, hoặc các vấn đề liên quan đến niêm mạc tử cung.
- Siêu âm đường bụng: Phương pháp này giúp đánh giá tổng quan cấu trúc vùng chậu và các cơ quan sinh dục, thường áp dụng khi siêu âm đầu dò không khả thi, chẳng hạn ở những người chưa quan hệ tình dục.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về các cấu trúc vùng chậu, đặc biệt là tử cung và buồng trứng. Phương pháp này thường được chỉ định khi cần đánh giá rõ hơn về khối u, polyp hoặc các tổn thương bất thường khác mà siêu âm không thể cung cấp đủ thông tin.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): CT có thể được sử dụng để kiểm tra chi tiết về cấu trúc và kích thước của các cơ quan sinh dục và vùng chậu nếu nghi ngờ có khối u hoặc các tổn thương ác tính.
Thăm dò chức năng
- Soi buồng tử cung (Hysteroscopy): Đây là phương pháp thăm dò chức năng trực tiếp bên trong tử cung bằng cách đưa một ống soi nhỏ qua âm đạo vào buồng tử cung. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc tử cung và xác định nguyên nhân gây xuất huyết bất thường, như polyp tử cung, u xơ hoặc bất thường nội mạc tử cung.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Đây là phương pháp lấy một mẫu mô từ niêm mạc tử cung để xét nghiệm, giúp phát hiện các thay đổi bất thường hoặc bệnh lý như tăng sản nội mạc tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung.
Các xét nghiệm khác
- Nội soi ổ bụng (Laparoscopy): Nếu nghi ngờ có các bệnh lý liên quan đến vùng chậu như lạc nội mạc tử cung hoặc u nang buồng trứng, nội soi ổ bụng có thể được sử dụng để quan sát trực tiếp các cơ quan sinh dục.
- Chụp tử cung – vòi trứng có cản quang (Hysterosalpingography): Được chỉ định để kiểm tra tình trạng ống dẫn trứng và buồng tử cung trong trường hợp nghi ngờ tắc nghẽn hoặc biến dạng.
Phương pháp điều trị xuất huyết tử cung bất thường
Tùy vào từng nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn đưa ra hướng xử lý phù hợp. Cụ thể:
Điều trị nội khoa
- Thuốc tránh thai nội tiết (hormone): Thuốc tránh thai kết hợp estrogen và progesterone hoặc chỉ progesterone được sử dụng để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và kiểm soát lượng máu kinh. Đây là phương pháp hiệu quả đối với các trường hợp rối loạn kinh nguyệt do mất cân bằng hormone.
- Thuốc cầm máu (Antifibrinolytics): Ví dụ như tranexamic acid có tác dụng giảm lượng máu kinh bằng cách ngăn ngừa sự phân hủy cục máu đông trong tử cung, từ đó giúp giảm xuất huyết.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Nhóm thuốc này, như ibuprofen và naproxen, không chỉ giảm đau mà còn giảm lượng máu kinh nhờ khả năng ức chế sản xuất prostaglandin – một chất gây co thắt tử cung và làm tăng chảy máu.
- Liệu pháp hormone: Đối với phụ nữ tiền mãn kinh hoặc bị suy giảm hormone, liệu pháp hormone thay thế có thể giúp cân bằng nồng độ hormone và giảm xuất huyết.
- Progestin nội tiết tử cung (Dụng cụ tử cung chứa levonorgestrel): Dụng cụ tử cung này giải phóng hormone progestin giúp giảm lượng máu kinh và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Đây là một lựa chọn lâu dài và an toàn cho nhiều phụ nữ bị quá sản niêm mạc tử cung.
- Thuốc đồng vận GnRH (Gonadotropin-Releasing Hormone): Thuốc này được sử dụng trong các trường hợp u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung, giúp làm giảm sự phát triển của niêm mạc tử cung và kiểm soát xuất huyết.
Điều trị ngoại khoa
- Nạo buồng tử cung (D&C – Dilation and Curettage): Phương pháp này bao gồm nong rộng cổ tử cung và nạo bỏ lớp niêm mạc tử cung “chức năng” (thường sẽ bong hết trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường), thường được sử dụng để chẩn đoán hoặc kiểm soát xuất huyết cấp tính. Nạo buồng tử cung giúp loại bỏ các phần mô nội mạc thừa và giảm xuất huyết.
- Cắt bỏ niêm mạc tử cung (Endometrial Ablation): Đây là phương pháp phá hủy lớp niêm mạc tử cung để ngăn ngừa xuất huyết (gồm cả lớp “chức năng” và lớp “căn bản”. Phương pháp này được áp dụng khi các phương pháp nội khoa không hiệu quả. Sau khi thực hiện, kinh nguyệt có thể giảm đáng kể hoặc ngừng hẳn.
- Cắt bỏ tử cung (Hysterectomy): Đây là biện pháp cuối cùng và triệt để nhất, được chỉ định trong các trường hợp xuất huyết tử cung bất thường nghiêm trọng, khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Cắt bỏ tử cung sẽ loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây xuất huyết nhưng cũng đồng nghĩa với việc mất khả năng sinh sản.
- Cắt bỏ u xơ tử cung (Myomectomy): Nếu nguyên nhân xuất huyết là do u xơ tử cung, phương pháp cắt bỏ u xơ sẽ giúp loại bỏ khối u mà vẫn bảo tồn tử cung, giữ lại khả năng sinh sản.
- Thuyên tắc động mạch tử cung (Uterine Artery Embolization): Phương pháp này được sử dụng để điều trị u xơ tử cung bằng cách làm tắc các mạch máu cung cấp dưỡng chất cho u xơ, khiến khối u co lại và giảm xuất huyết.
Thực hiện siêu âm, xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng xuất huyết tử cung nhanh chóng
Dù là phương pháp nào, chị em cũng cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Trong thời gian điều trị bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học lành mạnh, kiêng quan hệ tình dục. Chú ý nên tái khám đúng hẹn theo lịch của bác sĩ để nhận biết tiến triển của bệnh nhanh chóng, điều trị hiệu quả.
Biện pháp phòng ngừa
Bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, chị em cũng cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa xuất huyết tử cung bất thường như sau:
- Không lạm dụng thuốc uống nội tiết mà không có chỉ định từ bác sĩ.
- Vệ sinh vùng kín thường xuyên, thay quần lót khô và sạch.
- Khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện nên lấy giấy lau khô vùng kín.
- Bổ sung các dưỡng chất thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.
- Thăm khám sức khỏe thường xuyên.
- Khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu chảy máu bất thường nào nên đi khám bác sĩ ngay.
- Tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục.
Xây dựng chế độ sống lành mạnh là cách phòng ngừa bệnh lý tử cung hiệu quả
Các câu hỏi thường gặp
Xuất huyết tử cung bất thường có nguy hiểm hay không?
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân, diễn biến của xuất huyết tử cung mà tình trạng bệnh cũng khác nhau. Nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nếu để tình trạng chảy máu nghiêm trọng dẫn đến mãn tính sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu chảy máu nhiều có thể khiến cơ thể thiếu máu, nghiêm trọng hơn dẫn đến bệnh ung thư, thậm chí là tử vong.
Xuất huyết tử cung bất thường có liên quan đến bệnh ung thư không?
Một số trường hợp xuất huyết tử cung bất thường có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chảy máu bất thường ở tử cung đều liên quan đến ung thư. Để nhận biết chính xác, chị em nên đi khám sức khỏe thường xuyên nhé.
Xuất huyết tử cung bất thường có gây vô sinh hay không?
Đối với các trường hợp về rối loạn hormone, lạc nội mạc tử cung hoặc các bệnh lý về tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Để nhận biết tình trạng bệnh, bạn cần thăm khám và làm các xét nghiệm thì mới có thể phán đoán chính xác khả năng mang thai.
Xuất huyết tử cung bất thường là tình trạng không hiếm gặp nhưng nếu để nghiêm trọng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Vì vậy mỗi người hãy tự chăm sóc bản thân bằng việc thăm khám sức khỏe định kỳ giúp nhận biết bệnh sớm. Đồng thời kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa và thuyên giảm bệnh hiệu quả. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bị xuất huyết tử cung hãy liên hệ với Bệnh viện Đại học Phenikaa để được tư vấn, hỗ trợ.