Chào bạn Hồng Anh! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi thắc mắc của mình đến chuyên mục Hỏi – Đáp của Bệnh viện Đại học Phenikaa. Với thắc mắc “dư ối có nên uống nước dừa không?”, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Nước dừa là thức uống lành mạnh, giàu chất điện giải và thường được khuyến khích cho bà bầu trong thai kỳ. Tuy nhiên, trong những trường hợp được chẩn đoán dư ối, sản phụ nên hạn chế uống nước dừa. Lý do là vì nước dừa chứa lượng đường khá lớn, nếu uống thường xuyên, mẹ bầu có thể làm tăng lượng nước ối nhiều hơn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời các mẹ tham khảo thông tin chi tiết dưới đây.
Dư ối là gì?
Dư ối là tình trạng lượng nước ối trong buồng tử cung cao hơn mức bình thường. Đây được xem là giai đoạn nhẹ của đa ối, thường không gây triệu chứng rõ ràng, nhưng vẫn cần theo dõi sát sao vì có thể tiến triển nặng hơn nếu không được kiểm soát tốt.
Bác sĩ đánh giá lượng nước ối dựa trên chỉ số AFI (Amniotic Fluid Index – chỉ số nước ối) hoặc MPV (Maximum vertical pocket – khoang ối sâu nhất) thông qua siêu âm. Chỉ số AFI bình thường đạt từ 8–18cm. Chỉ số AFI từ 18 đến dưới 24cm được chẩn đoán dư ối.
Dư ối là tình trạng nguy hiểm dễ gây biến chứng nên cần theo dõi thường xuyên
Dư ối có phải đa ối không?
Rất nhiều mẹ bầu nhầm lẫn dư ối và đa ối giống nhau. Đây là quan điểm sai lầm. Dư ối không hoàn toàn là đa ối, mà được coi là mức nhẹ hơn, có thể được xem là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đa ối. Khi chỉ số AFI ≥ 24cm hoặc túi ối sâu nhất MPV ≥ 8cm được bác sĩ chẩn đoán là đa ối.
Nhiều mẹ bầu khi được chẩn đoán dư ối có thể sinh con khỏe mạnh mà không gặp biến chứng nếu được theo dõi và điều chỉnh hợp lý. Trong khi đó, đa ối có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi. Đa ối làm tăng nguy cơ sinh non, vỡ ối sớm, nhau bong non, thai cử động bất thường, thậm chí thai lưu nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết bị dư ối
Dư ối là tình trạng lượng nước ối trong buồng tử cung nhiều hơn mức bình thường, nhưng chưa đạt ngưỡng đa ối. Việc phát hiện sớm rất quan trọng để theo dõi và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ. Để biết mẹ có bị dư ối hay không, bác sĩ sẽ dựa vào dấu hiệu lâm sàng và kết quả siêu âm chẩn đoán hình ảnh.
1. Dấu hiệu lâm sàng
Trong nhiều trường hợp, dư ối không gây triệu chứng rõ ràng, nhất là ở giai đoạn nhẹ. Tuy nhiên, một số mẹ bầu có thể nhận thấy các dấu hiệu như:
- Bụng to hơn bình thường so với tuổi thai.
- Cảm giác khó thở, nặng bụng, tức ngực.
- Thai cử động bất thường.
- Tăng cân nhanh đột ngột.
2. Siêu âm chẩn đoán dư ối
Phương pháp duy nhất để xác định chắc chắn mẹ bầu có bị dư ối hay không là siêu âm thai. Bác sĩ sẽ thực hiện đo chỉ số nước ối AFI, đo khoang ối sâu nhất để chẩn đoán dư ối, đa ối hay thiếu ối.
Mẹ bầu nếu thấy bụng to nhanh bất thường, khó thở, cử động thai bất thường nên đi siêu âm để kiểm tra lượng nước ối. Việc phát hiện và theo dõi dư ối từ sớm sẽ giúp hạn chế các biến chứng không mong muốn trong thai kỳ.
Dư ối ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và thai nhi?
1. Biến chứng đối với mẹ
Tình trạng dư ối có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho mẹ bầu nếu phát triển thành đa ối:
- Khó thở, mệt mỏi do chèn ép: Khi lượng nước ối quá nhiều, tử cung bị giãn lớn bất thường, gây áp lực lên cơ hoành và các cơ quan lân cận, khiến mẹ bầu cảm thấy tức ngực, khó thở, đi lại nặng nề, mất ngủ, ăn uống kém.
- Tăng nguy cơ vỡ ối sớm: Áp lực ối cao có thể làm màng ối bị vỡ trước khi chuyển dạ, dẫn đến chuyển dạ non, sinh non hoặc nhiễm trùng ối, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi.
- Nguy cơ băng huyết sau sinh: Khi tử cung bị giãn quá mức trong thai kỳ, sau sinh tử cung có thể co hồi kém, làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh – một trong những biến chứng nguy hiểm hàng đầu đe dọa tính mạng sản phụ.
Dư ối có thể làm tăng nguy cơ sinh non
2. Biến chứng đối với thai nhi
Hầu hết trường hợp dư ối không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, dư ối có thể dẫn đến đa ối, làm tăng các biến chứng:
- Nguy cơ sinh non tăng cao: Khi lượng nước ối quá nhiều, tử cung bị căng giãn quá mức, dễ kích thích các cơn co sớm, dẫn đến chuyển dạ và sinh non.
- Sa dây rốn: Khi vỡ ối, áp lực nước ối có thể đẩy dây rốn tụt xuống trước đầu thai nhi. Điều này có thể khiến dây rốn bị chèn ép, làm giảm lượng máu và oxy truyền đến em bé rất nguy hiểm nếu không được can thiệp sớm.
- Rau bong non: Áp lực từ lượng nước ối lớn có thể khiến bánh rau bong ra khỏi thành tử cung trước khi sinh, gây mất máu ở mẹ và thiếu oxy nghiêm trọng cho thai nhi.
- Ngôi thai bất thường: Buồng tử cung quá rộng khiến thai nhi có thể không quay đầu bình chỉnh về đúng ngôi thuận (ngôi đầu), gây khó khăn trong quá trình sinh thường.
- Thai lưu: Đây là biến chứng nặng nề nhất có thể xảy ra nếu dư ối không được theo dõi và xử trí đúng cách – thai nhi có thể ngừng phát triển trong bụng mẹ.
Vì vậy, việc kiểm soát tốt lượng nước ối trong thai kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Mẹ bầu có nên uống nước dừa khi bị dư ối không?
Nước dừa tuy là thức uống mát, giàu điện giải và có lợi trong thai kỳ bình thường, nhưng lại chứa nhiều kali và có tính giữ nước nhẹ. Nếu bạn bị dư ối nặng, nước dừa có thể làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn do chứa nhiều chất điện giải. Đặc biệt, ở những mẹ bầu bị dư ối do tiểu đường thai kỳ thì việc uống nước dừa sẽ làm cả bệnh tiểu đường và tình trạng dư ối đều trở nên nghiêm trọng hơn.
Trường hợp bị dư ối nhẹ, bạn nên uống nước dừa với liều lượng nhỏ (khoảng 100–150ml/lần, tối đa 2–3 lần/tuần) nếu bác sĩ không có chống chỉ định cụ thể. Tuyệt đối không nên uống nước dừa thay nước lọc hay dùng hàng ngày khi đã được chẩn đoán dư ối.
Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ theo dõi thai kỳ của bạn, vì mức độ dư ối và tình trạng sức khỏe thai phụ mỗi người là khác nhau.
Nước dừa chứa nhiều vitamin, khoáng chất nhưng mẹ bầu bị dư ối nặng không nên uống
Mẹ bầu bị dư ối nên uống gì?
Việc lựa chọn loại đồ uống phù hợp – đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng nước ối và ngăn ngừa biến chứng. Bạn có thể tham khảo một số loại nước như:
1. Nước lọc
Mẹ bầu dư ối không có nghĩa là phải giảm lượng nước đưa vào cơ thể. Bạn nên uống vừa đủ (khoảng 1.5 – 2 lít/ngày) tùy theo thể trạng và thời tiết. Ngoài ra cũng nên chia nhỏ lượng nước uống trong ngày, tránh uống quá nhiều một lúc để không gây áp lực lên tử cung.
2. Nước ép trái cây ít đường
Bạn có thể tham khảo một số loại nước ép táo, dâu tằm, việt quất, lê,… chứa ít đường để bổ sung vitamin cần thiết. Liều lượng mỗi ngày 1 cốc.
3. Sữa tươi không đường hoặc sữa hạt tự nấu
Bạn nên chọn sữa không đường, ít béo để bổ sung canxi, đạm mà vẫn kiểm soát tốt cân nặng và lượng nước ối.
Tham khảo thêm:
- Gợi Ý Cách Làm Giảm Nước Ối Cho Mẹ Bầu An Toàn Và Hiệu Quả
- Ít Nước Ối: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Thiểu Ối Và Cách Phòng Ngừa
Mẹ bầu bị dư ối nên kiêng gì?
Theo nghiên cứu, 85% trường hợp dư ối nhẹ có thể kiểm soát tốt bằng điều chỉnh chế độ ăn uống. Cụ thể, bạn nên hạn chế những thực phẩm dưới đây:
1. Kiêng đồ uống nhiều đường
Các loại nước giải khát công nghiệp, nước mía, sữa đặc có đường hay trà sữa thường chứa hàm lượng đường cao. Uống nhiều những loại nước này dẫn đến tiểu đường thai kỳ, làm tăng lượng nước ối và ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất. Thay vào đó bạn nên ưu tiên nước lọc, nước ép rau củ tươi ít đường và các loại nước có tính thanh nhiệt nhẹ như nước nha đam, atiso, nước đậu đen rang, nước rau má, nước râu ngô,...
Thai phụ dư ối cần hạn chế uống đồ ngọt, ăn trái cây có nhiều nước, đồ ăn mặn
2. Hạn chế trái cây ngọt, thực phẩm giàu tinh bột
Một số loại trái cây như xoài chín, vải, nhãn hay mít có lượng đường tự nhiên cao, vì vậy, bạn nên dùng với liều lượng phù hợp. Ngoài ra, cơm trắng, bánh mì trắng, bún, phở cũng là các loại thực phẩm dễ hấp thụ làm cơ thể tích nước. Bạn nên hạn chế những thực phẩm này trong thực đơn hàng ngày.
3. Tránh thực phẩm mặn, chứa nhiều muối
Các món ăn mặn, chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, đồ hộp, mì gói chứa nhiều natri khiến cơ thể dễ giữ nước. Từ đó làm tăng nguy cơ phù nề, tích tụ nước trong cơ thể. Bạn nên giảm lượng muối trong khẩu phần hàng ngày để cân bằng lượng nước ối.
4. Tuân thủ đúng chỉ dẫn y tế, lịch thăm khám
Mẹ bầu băn khoăn không biết bị dư ối bao lâu nên kiểm tra 1 lần? Thông thường, nếu mẹ bầu bị dư ối nhẹ và thai kỳ ổn định, bác sĩ sẽ hẹn kiểm tra mỗi 1 – 2 tuần/lần để theo dõi lượng nước ối qua siêu âm và đánh giá sự phát triển của thai nhi.
Nếu có biểu hiện bất thường như bụng to nhanh, căng tức nhiều, khó thở, đau bụng, ra dịch âm đạo bất thường…, bạn cần đi khám ngay lập tức, không chờ đến lịch hẹn.
Bị dư ối có cần điều trị không?
Nếu mẹ bầu chỉ dư ối nhẹ, không có triệu chứng rõ ràng và thai nhi phát triển bình thường, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi định kỳ qua siêu âm, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý mà chưa cần can thiệp y tế.
Tuy nhiên, nếu dư ối gây đa ối trung bình hoặc nặng đi kèm với các dấu hiệu bất thường như: Bụng căng nhanh, khó thở, đau bụng, tư thế thai bất thường,… hoặc mẹ mắc các bệnh lý tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng, dị tật thai nhi,… Việc điều trị là cần thiết để ngăn ngừa vỡ ối sớm, chuyển dạ non hoặc biến chứng sa dây rốn, băng huyết sau sinh,…
Dư ối dù nhẹ hay nặng đều không nên chủ quan, vì có thể diễn tiến nhanh. Bạn cần được khám thai định kỳ, siêu âm theo dõi chỉ số ối (AFI), kiểm tra nhịp tim thai và các chỉ số phát triển của bé để có hướng xử trí kịp thời.
Kết luận
Câu hỏi dư ối có nên uống nước dừa không của nhiều mẹ bầu đã được bác sĩ chuyên khoa giải đáp chi tiết. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là xác định được nguyên nhân gây dư ối. Nếu không liên quan tới tiểu đường thai kỳ thì chế độ ăn của bạn cũng không cần quá khắt khe. Mặc dù không phải là kiêng hoàn toàn nhưng bạn cần phải hạn chế nước dừa trong thai kỳ nếu bị dư ối. Bạn chỉ nên uống 1 - 2 lần/tuần, mỗi lần 1 ly để không làm tình trạng thêm nghiêm trọng, giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, không mệt mỏi.
Mẹ bầu đang lo lắng chưa biết nên đi khám ở đâu? Bệnh viện Đại học Phenikaa là nơi hội tụ đội ngũ bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, thiết bị siêu âm hiện đại sẽ giúp bạn theo dõi thai kỳ an toàn. Hãy gọi ngay 1900 88 66 48 để đặt lịch khám, kiểm tra nước ối và được bác sĩ tư vấn kỹ hơn nhé!
Chúc bạn có thai kì khỏe mạnh!