iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Bào Thai

icon

Chọc Ối Là Gì? Có Nguy Hiểm Không Và Chi Phí Hết Bao Nhiêu Tiền?

Chọc Ối Là Gì? Có Nguy Hiểm Không Và Chi Phí Hết Bao Nhiêu Tiền?

Chọc Ối Là Gì? Có Nguy Hiểm Không Và Chi Phí Hết Bao Nhiêu Tiền?
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Rất nhiều mẹ bầu lo lắng không biết chọc ối là gì, có nguy hiểm không? Đây là một kỹ thuật quan trọng trong sản khoa giúp chẩn đoán các bất thường di truyền của thai nhi. Hãy cùng Bệnh viện Đại học Phenikaa khám phá ngay chi tiết về phương pháp chọc ối qua nội dung bài viết dưới đây nhé.

Chọc ối là gì?

Chọc ối (Amniocentesis) là thủ thuật lấy mẫu dịch ối để xét nghiệm. Bác sĩ dùng kim nhỏ, hướng dẫn bằng siêu âm để tiến hành thủ thuật đảm bảo an toàn. Mẫu dịch ối này có các tế bào của thai, sẽ được thực hiện các xét nghiệm nhằm kiểm tra tình trạng di truyền của thai nhi.

Xét nghiệm dịch ối có chính xác không, có nên chọc ối không? Hiện nay, chọc ối và xét nghiệm dịch ối được coi là phương pháp chẩn đoán trước sinh. Do trong dịch ối có các tế bào da niêm mạc của thai nhi, nên xét nghiệm tế bào ối có thể trả lời được tình trạng của thai nhi. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật di truyền, NIPS/NIPT đã ra đời để dần thay thế cho các xét nghiệm sàng lọc truyền thống như Combined test hay Triple test. Tuy độ chính xác của NIPS là rất cao, đặc biệt với hội chứng Down Trisomy 21, tuy nhiên đây vẫn chỉ được coi là một xét nghiệm sàng lọc, trả lời nguy cơ tương đối. Chọc ối và xét nghiệm dịch ối là phương pháp chẩn đoán chính xác, cho biết thai nhi có thực sự mắc các bất thường di truyền hay không.

Chọc ối là thủ thuật giúp kiểm tra sức khỏe thai nhi hỗ trợ phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn

Chọc ối là thủ thuật giúp kiểm tra sức khỏe thai nhi hỗ trợ phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn

Khi nào cần chọc ối?

Nhiều mẹ băn khoăn chọc ối phát hiện những bệnh gì, vì sao cần chọc ối? Chọc ối được thực hiện khi bác sĩ nhận thấy có nguy cơ cao về các bất thường ở thai nhi hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến thai kỳ. Các chỉ định cụ thể bao gồm:

1. Kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho thấy nguy cơ cao

Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh là bước đầu tiên để đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nếu kết quả của các xét nghiệm này bất thường, bác sĩ có thể đề xuất chọc ối để chẩn đoán chính xác. Các trường hợp cụ thể bao gồm:

  • Xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn (NIPS/NIPT): NIPS là một xét nghiệm máu tiên tiến với độ chính xác cao trong việc sàng lọc các đột biến lệch bội nhiễm sắc thể, đặc biệt với các hội chứng Down (Trisomy 21), Edwards (Trisomy 18), Patau (Trisomy 13), Turner (Monosomy X),... Nếu NIPS cho kết quả bất thường, chọc ối thường được thực hiện để xác nhận.
  • Xét nghiệm triple test và combined test: Những xét nghiệm này đánh giá nguy cơ các rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards, Patau. Nếu kết quả cho thấy nguy cơ cao đến rất cao, chọc ối có thể được xem xét thực hiện.

2. Phát hiện bất thường ở thai nhi qua siêu âm

Siêu âm là một công cụ quan trọng để phát hiện các bất thường cấu trúc ở thai nhi. Nếu siêu âm cho thấy các dấu hiệu bất thường, chọc ối có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân di truyền. Các bất thường thường gặp bao gồm:

  • Tăng khoảng sáng sau gáy (hay độ mờ da gáy) ≥ 3.5 mm hoặc ≥ bách phân vị thứ 95 theo chiều dài đầu mông. Dị dạng bạch mạch dạng nang (hygroma kystique).
  • Phù thai, tràn dịch đa màng.
  • Hệ tim mạch: Dị tật tim bẩm sinh như thông liên thất, tim to, hẹp van tim, thiểu sản tim trái,...
  • Hệ thần kinh: Giãn não thất và các bất thường cấu trúc não, dị tật ống thần kinh.
  • Đầu mặt: Khe hở môi, hở vòm miệng, khuôn mặt bất thường, đầu nhỏ, bất sản xương mũi....
  • Chi và xương: Loạn sản sụn xương, vẹo chi, nhiều ngón hoặc mất ngón tay/chân, dính ngón.
  • Bụng và tiêu hóa: Thoát vị rốn, thoát vị hoành thai nhi, giãn tắc tá tràng, ruột non tăng âm vang,...
  • Hệ tiết niệu: Thiếu thận, thận đa nang, giãn đài bể thận, thiểu ối, hết ối, đa ối,...
  • Một số trường hợp thai chậm tăng trưởng trong tử cung

3. Yếu tố nguy cơ từ mẹ và gia đình

Một số yếu tố liên quan đến mẹ hoặc tiền sử gia đình có thể làm tăng nguy cơ thai nhi mắc các rối loạn di truyền, dẫn đến chỉ định chọc ối:

  • Tuổi mẹ ≥ 35: Phụ nữ mang thai ở tuổi 35 trở lên có nguy cơ cao hơn sinh con mắc các bất thường nhiễm sắc thể, đặc biệt là hội chứng Down.
  • Tiền sử gia đình mắc bất thường di truyền: Nếu thai phụ và/hoặc chồng mang lệch bội, đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể, hoặc gen bệnh di truyền như: bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia thể alpha và beta (do đột biến gen HBA1, HBA2, HBB), bệnh teo cơ tủy SMA (do đột biến gen SMN1), bệnh Pompe (do đột biến gen GAA), một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và một số bệnh di truyền gen lặn khác, hoặc đã từng sinh con mắc các bệnh di truyền nghiêm trọng, chọc ối có thể được chỉ định để chẩn đoán cho thai nhi.
  • Từng sinh con bị dị tật bẩm sinh do di truyền: Nếu thai phụ đã từng sinh con mắc các dị tật như hội chứng Down, Di George, Prader-Willi, nguy cơ tái phát ở thai kỳ tiếp theo sẽ cao hơn.

Chọc ối thường thực hiện từ tuần thai 16 để đảm bảo an toàn và hiệu quả

Chọc ối thường thực hiện từ tuần thai 16 để đảm bảo an toàn và hiệu quả

Nên chọc ối ở tuần bao nhiêu?

Thủ thuật chọc ối có thể áp dụng từ tuần thai thứ 15 đến 20 của thai kỳ, trong đó thời điểm chọc ối tốt nhất là từ tuần 16 - 18. Đây là lúc lượng dịch ối đã đủ để lấy mẫu mà không gây ảnh hưởng lớn đến thai nhi, đủ tế bào để thực hiện các xét nghiệm di truyền, đồng thời nguy cơ biến chứng (như sảy thai, rò rỉ ối) cũng ở mức thấp.

Một số lưu ý quan trọng:

Không nên chọc ối trước tuần 15 vì tử cung còn nhỏ, lượng dịch ối và tế bào ối chưa nhiều, việc thực hiện lúc này sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng.

Sau tuần 24, chọc ối vẫn có thể thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt nhằm tiên lượng tình trạng phát triển của thai, hay phát hiện các bất thường di truyền có thể ảnh hưởng đến cuộc đẻ cũng như theo dõi và chăm sóc sơ sinh.

Quy trình kỹ thuật chọc ối

1. Các thủ tục cần làm trước khi chọc ối

1.1. Xét nghiệm và khám cần thực hiện trước thủ thuật

Trước khi thực hiện chọc ối, thai phụ cần thực hiện một số khảo sát như:

  • Khám thai và siêu âm hình thái học.
  • Xác định tuổi thai chính xác.
  • Đánh giá vị trí bánh nhau, nước ối, tim thai, số lượng thai.
  • Xét nghiệm trước thủ thuật bắt buộc:

+ Xét nghiệm nhóm máu hệ ABO và Rh, tổng phân tích tế bào máu, các xét nghiệm chức năng gan thận, đông máu cơ bản.

+ Xét nghiệm HBsAg, HIV, giang mai (TPHA/RPR) – để đảm bảo an toàn khi làm thủ thuật.

Chọc ối không yêu cầu nhịn ăn, bạn hoàn toàn có thể ăn sáng hoặc ăn trưa trước khi thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên, bệnh viện khuyến khích bạn nhịn ăn trước khi lấy máu để thực hiện các xét nghiệm khảo sát.

1.2. Thủ tục hành chính và pháp lý

Trước khi tiến hành chọc ối, bác sĩ sẽ khám hội chẩn đoán trước sinh, bao gồm:

  • Hội chẩn giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ di truyền và các chuyên khoa liên quan.
  • Đánh giá nguy cơ di truyền, lý do chỉ định chọc ối, xem có phù hợp thực hiện không.
  • Bác sĩ sẽ thực hiện tư vấn chuyên sâu trước thủ thuật (bắt buộc) bao gồm giải thích quy trình, nguy cơ biến chứng và cách xử trí nếu kết quả bất thường.

Sau đó, thai phụ và chồng hoặc người giám hộ sẽ thực hiện ký các phiếu đồng thuận và cam kết:

Phiếu đồng thuận làm thủ thuật chọc ối.

  • Phiếu tư vấn di truyền và đồng thuận thực hiện xét nghiệm di truyền trên mẫu dịch ối.
  • Thai phụ cần bổ sung vào hồ sơ một số giấy tờ tùy thân như: CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của vợ chồng, giấy đăng ký kết hôn của 2 vợ chồng, ….

2. Các bước thực hiện

Kỹ thuật sinh chọc ối được tiến hành xuyên thành bụng, quy trình thường kéo dài khoảng 5 đến 10 phút, theo các bước sau:

Bước 1: Thai phụ nằm ngửa trên bàn thủ thuật, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm xác định tử cung, nhau thai và thai nhi. Hình ảnh siêu âm sẽ hỗ trợ bác sĩ xác định chính xác vị trí chọc hút dịch ối.

Bước 2: Sau khi đã xác định được điểm chọc kim an toàn, vùng da bụng sẽ được sát khuẩn kĩ.

Bước 3: Dưới định hướng của siêu âm, một kim lấy mẫu chuyên dụng được đưa xuyên thành bụng và cơ tử cung vào buồng ối. Dịch ối sẽ được hút ra bằng xi-lanh và chuyển vào các ống chứa mẫu.

Bước 4: Sau khi hoàn tất lấy mẫu, bác sĩ sẽ kiểm tra lại nhịp tim thai, theo dõi các chỉ số sinh tồn của mẹ như huyết áp, nhịp tim và nhịp thở, đồng thời theo dõi các dấu hiệu bất thường ngay sau thủ thuật.

Mẫu dịch ối sau khi thu được sẽ được bảo quản trong môi trường chuyên dụng và được chuyển về Trung tâm Di truyền để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán theo chỉ định.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim - Giám đốc Trung tâm Y học bào thai Bệnh viện Đại học Phenikaa tiến hành chọc ối lấy mẫu xét nghiệm

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim - Giám đốc Trung tâm Y học bào thai Bệnh viện Đại học Phenikaa tiến hành chọc ối lấy mẫu xét nghiệm

3. Sau thủ thuật

Mẫu dịch ối sẽ được chuyển đến phòng xét nghiệm chuyên sâu để phân tích, với thời gian trả kết quả thường từ vài ngày đến vài tuần. Thai phụ sẽ được theo dõi tại bệnh viện khoảng 30 phút đến 1 giờ nhằm kịp thời phát hiện bất kỳ phản ứng bất thường nào.

Khi sức khỏe ổn định, bác sĩ sẽ dặn dò cụ thể các lưu ý sau thủ thuật và cho phép thai phụ về nhà nghỉ ngơi. Các thuốc kháng sinh, giảm co và nội tiết cũng sẽ được hướng dẫn sử dụng nhằm dự phòng nguy cơ nhiễm trùng hay tăng co bóp tử cung, giảm nguy cơ sảy thai.

Mẫu dịch ối sẽ được chuyển đến trung tâm di truyền để thực hiện xét nghiệm

Mẫu dịch ối sẽ được chuyển đến trung tâm di truyền để thực hiện xét nghiệm

Tham khảo thêm:

Kết quả chọc ối như thế nào là bình thường?

Một kết quả chọc ối được coi là chưa phát hiện bất thường có các đặc điểm sau:

1. Bộ nhiễm sắc thể hoàn chỉnh

Thai nhi có 46 nhiễm sắc thể (23 cặp) với cấu trúc và số lượng đúng, không có bất thường như thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể (ví dụ, không có trisomy 21 - hội chứng Down, trisomy 18, hoặc trisomy 13), không có mất đoạn, lặp đoạn hay đảo đoạn lớn trong cấu trúc nhiễm sắc thể, thể hiện trên hình ảnh kết quả nhiễm sắc thể đồ.

2. Không phát hiện bệnh gây ra bởi đột biến gen

Nếu xét nghiệm mở rộng kiểm tra các bệnh di truyền đơn gen như tan máu bẩm sinh thalassemia, loạn dưỡng cơ Duchenne, teo cơ tủy, xơ nang,… kết quả không phát hiện thai mắc bệnh. Với các bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường, trường hợp thai mắc dị hợp tử (tức là nhận 1 đột biến từ mẹ HOẶC từ bố HOẶC có thể do mới phát sinh), có thể coi là thể người lành mang gen bệnh lặn.

3. Không có dấu hiệu nhiễm trùng

Kết quả không phát hiện nhiễm trùng dịch ối, nhiễm CMV, Toxoplasma,… đối với các chỉ định kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.

4. Các chỉ số sinh hóa trong dịch ối ổn định

Các chỉ số sinh hóa như AFP – alpha-fetoprotein bình thường, không nghi ngờ dị tật ống thần kinh. Với sự phát triển của công nghệ, các xét nghiệm không xâm lấn như NIPS (Non-Invasive Prenatal Screening) và siêu âm 3D/4D đang được ưu tiên hơn. Xét nghiệm AFP trong dịch ối thường chỉ được thực hiện ở các trung tâm chuyên khoa khi cần chẩn đoán xác định

Kết quả chọc ối bất thường có thể là:

  • Dư 1 NST số 21 chẩn đoán hội chứng Down (Trisomy 21).
  • Dư 1 NST số 18 chẩn đoán hội chứng Edwards.
  • Dư 1 NST số 13 chẩn đoán hội chứng Patau.
  • Chỉ có 1 NST X chẩn đoán hội chứng Turner.

Phát hiện đồng hợp tử hoặc kết hợp 2 dị hợp tử đột biến gen liên quan bệnh di truyền đơn gen.

Chọc ối có nguy hiểm không?

Mặc dù trong quá trình chọc ối, bác sĩ sẽ lấy ra một lượng nhỏ dịch ối (thường khoảng 10-20ml), nhưng bạn không cần lo lắng về tình trạng thiếu ối, bởi cơ thể mẹ bầu có khả năng tái tạo dịch ối tự nhiên. Tuy vậy, một số mẹ có thể cảm thấy đau nhói nhẹ hoặc khó chịu tại vùng bụng khi kim đi qua thành bụng. Mức độ cảm giác này phụ thuộc vào ngưỡng của từng người, nhưng thường ở mức nhẹ và chịu đựng được. Vết bầm tại vị trí chọc kim: Một số trường hợp có thể xuất hiện vết bầm nhỏ tại vị trí chọc kim. Đây là hiện tượng bình thường, tương tự như khi tiêm hoặc lấy máu. Các cảm giác khó chịu hoặc vết bầm thường biến mất trong vòng 24 giờ sau thủ thuật. Không có báo cáo về ảnh hưởng lâu dài liên quan đến các triệu chứng này.

Tuy là phương pháp chẩn đoán trước sinh có độ chính xác cao, song vì thủ thuật yêu cầu đưa kim qua thành bụng và tử cung để lấy mẫu dịch ối, nó được xếp vào nhóm thủ thuật xâm lấn, có khả năng gây ra một số rủi ro dù tỷ lệ thấp. Theo thống kê, nguy cơ biến chứng sau chọc ối khoảng 1-2/1000 ca, tức là 0,1-0,2%.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim và ThS.BSNT Nguyễn Đức Anh tư vấn kết quả chọc ối cho gia đình

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim và ThS.BSNT Nguyễn Đức Anh tư vấn kết quả chọc ối cho gia đình

Các rủi ro khi chọc ối

Bạn băn khoăn không biết chọc ối có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Chọc ối nếu được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín, tuân thủ đúng chỉ định và chống chỉ định, thì mức độ an toàn là tốt. Tỷ lệ rủi ro sau chọc ối là rất nhỏ với các biến chứng như:

1. Sảy thai

Sảy thai là biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến chọc ối. Sảy thai là hệ quả của nhiều yếu tố, bao gồm: tăng co bóp tử cung do xâm lấn, nhiễm trùng, chảy máu, rò rỉ dịch ối. Nguy cơ này được giảm thiểu đáng kể khi thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm, sử dụng trang thiết bị hiện đại và tiến hành đúng thời điểm thai kỳ.

Các thuốc nội tiết và giảm cơn co cũng được sử dụng trong và sau thủ thuật, giúp ổn định tử cung, giảm co bóp tử cung, từ đó giảm nguy cơ sảy thai.

2. Rò rỉ dịch ối

Sau thủ thuật, một số thai phụ có thể gặp tình trạng rò rỉ dịch ối qua âm đạo. Trong hầu hết các trường hợp, lượng dịch ối rò rỉ rất ít và tự ngừng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, rò rỉ kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hoặc sinh non, thai phụ hãy chủ động tới cơ sở y tế để khám khi gặp tình trạng này.

3. Chảy máu

Có thể xảy ra chảy máu nhẹ ở mẹ hoặc thai nhi, đặc biệt nếu kim chạm vào nhau thai hoặc mạch máu. Điều này thường không nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp hiếm, nó có thể gây biến chứng.

4. Nhiễm trùng

Mặc dù rất hiếm, thủ thuật có thể gây nhiễm trùng tử cung hoặc nhiễm trùng dịch ối. Điều này có thể xảy ra nếu dụng cụ không được khử trùng đúng cách hoặc vi khuẩn từ da xâm nhập vào tử cung. Biểu hiện của nhiễm trùng bao gồm sốt hoặc ớn lạnh, đau bụng, sưng đỏ đau tại vị trí chọc kim. Thai phụ cần theo dõi kỹ thân nhiệt và liên hệ bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Thuốc kháng sinh cũng được sử dụng trong và sau thủ thuật để dự phòng nhiễm trùng.

5. Biến chứng hiếm gặp khác

  • Tổn thương thai nhi: Rủi ro này rất thấp, nhưng kim chọc ối có thể vô tình chạm vào thai nhi, gây tổn thương cho các bộ phận. Siêu âm thường được sử dụng trong suốt quá trình để giảm thiểu nguy cơ này.
  • Nếu thai phụ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, hoặc các bệnh khác, thủ thuật có thể làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sang thai nhi, mặc dù nguy cơ này rất thấp.

Vì những lý do đó, bạn nên lựa chọn chọc ối tại các cơ sở y tế đạt chuẩn, có bác sĩ chuyên môn cao và hệ thống thiết bị hiện đại để giảm thiểu tối đa các biến chứng không mong muốn. Việc thực hiện chọc ối đúng quy trình không chỉ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé mà còn giúp mang lại kết quả xét nghiệm chính xác, hỗ trợ đưa ra quyết định kịp thời và đúng đắn trong thai kỳ.

Chọc ối giúp phát hiện và đánh giá nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của thai nhi một cách hiệu quả

Chọc ối giúp phát hiện và đánh giá nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của thai nhi một cách hiệu quả

Xét nghiệm chọc ối hết bao nhiêu tiền?

Chi phí chọc ối không có mức cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Cơ sở y tế thực hiện (công lập hay tư nhân, cấp độ kỹ thuật).
  • Loại xét nghiệm đi kèm (nhiễm sắc thể, gen đơn lẻ, giải trình tự toàn bộ…).
  • Mức hưởng Bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ từ chương trình sàng lọc trước sinh.

Tại Trung tâm Y học bào thai - Bệnh viện Đại học Phenikaa, bảng giá chọc ối dao động từ 6 – 15 triệu đồng, tùy chỉ định, trong đó có một số dịch vụ đang được miễn phí. Dưới đây là các chi phí phổ biến khi chọc ối để các mẹ bầu tham khảo, các chi phí này có thể thay đổi theo thời điểm, các mẹ nên liên hệ trước (Hotline: 1900 886648) để được tư vấn và biết được giá chính xác tại thời điểm cần chọc ối

Dịch vụ

Giá dịch vụ

Khám Y học bào thai

100.000đ

Siêu âm 4D hình thái

400.000đ

Xét nghiệm hóa sinh máu, huyết học, đông máu, nhiễm trùng, xét nghiệm nước tiểu

~1.800.000

Khám hội chẩn, tư vấn di truyền

Miễn phí

Công thủ thuật chọc ối

987.000đ

Xét nghiệm Công thức nhiễm sắc thể từ tế bào ối

2.500.000đ

Xét nghiệm QF-PCR phát hiện nhanh lệch bội nhiễm sắc thể 13,18,21,X,Y(tùy chỉ định)

3.000.000đ

Xét nghiệm Giải trình tự NGS khảo sát gen bệnh lâm sàng (tùy chỉ định)

8.500.000đ

Xét nghiệm Giải trình tự NGS phát hiện lệch bội, mất đoạn nhỏ, lặp đoạn nhỏ nhiễm sắc thể (tùy chỉ định)

4.500.000đ

Các xét nghiệm tìm đột biến gen bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia (tùy chỉ định)

1.200.000đ - 3.000.000đ

Xét nghiệm Giải trình tự phát hiện đột biến điểm đã được xác định trước (tùy chỉ định)

1.200.000đ

Bảng giá dịch vụ chọc ối tại Bệnh viện Đại học Phenikaa. Lưu ý: Mức giá thay đổi theo từng thời điểm

Sau khi chọc ối: Mẹ bầu cần làm gì?

Khi đã biết những biến chứng có thể xảy ra khi chọc ối là gì thì việc chú ý đến chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt và dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết. Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý để tránh các biến chứng không mong muốn.

1. Chế độ nghỉ ngơi

Sau khi chọc ối cần làm gì? Thai phụ cần chú ý:

  • Theo dõi tại bệnh viện: Sau thủ thuật, bạn nên nghỉ ngơi tại bệnh viện từ 30 phút đến 1 giờ để theo dõi các dấu hiệu bất thường như đau bụng, chảy máu hoặc rò rỉ nước ối.
  • Nghỉ ngơi tại nhà: Khi về nhà, bạn cần hạn chế di chuyển, tránh làm việc nặng và dành thời gian nghỉ ngơi trong 2 - 3 ngày đầu.
  • Duy trì đơn thuốc sau chọc ối: kháng sinh, giảm co, nội tiết) dự phòng các nguy cơ biến chứng. Các thuốc này hoàn toàn có thể sử dụng cùng các thuốc hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ trong thai kỳ (bổ thai).
  • Tránh tự ý dùng thuốc: Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Sau khi thực hiện thủ thuật thai phụ cần được nghỉ ngơi thư giãn để ổn định sức khoẻ

Sau khi thực hiện thủ thuật thai phụ cần được nghỉ ngơi thư giãn để ổn định sức khoẻ

2. Chế độ sinh hoạt

Bên cạnh việc nghỉ ngơi hợp lý, thai phụ cũng cần duy trì một lối sống ổn định, bao gồm:

  • Kiêng quan hệ tình dục: Trong tuần đầu sau chọc ối, bạn nên kiêng quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc tổn thương túi ối.
  • Tập luyện nhẹ nhàng: Sau khoảng 1 tuần, mẹ có thể bắt đầu tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ chậm hoặc yoga dành cho bà bầu, giúp lưu thông máu và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, cần tránh vận động quá sức trong thời gian đầu.
  • Chăm sóc vết chọc kim: Trong 1 - 2 ngày đầu, mẹ không nên tắm bồn hoặc tiếp xúc với nước lâu. Thay vào đó, chỉ cần lau người nhẹ nhàng bằng khăn ấm để tránh vi khuẩn xâm nhập qua vết chọc kim và gây nhiễm trùng.

3. Chế độ dinh dưỡng

Chọc ối xong nên ăn gì? Thai phụ nên bổ sung dinh dưỡng lành mạnh để hỗ trợ thai nhi phát triển như:

  • Bổ sung nước và khoáng chất: Uống nhiều nước lọc và các loại thực phẩm chứa nước như sữa tươi, sữa đậu nành, nước ép rau củ quả đã rửa sạch,... Những thực phẩm này không chỉ hỗ trợ bù lượng dịch ối đã mất mà còn giúp cung cấp khoáng chất cần thiết cho thai nhi.
  • Bổ sung hoa quả giàu vitamin C: Các loại trái cây như ổi, cam, bưởi, kiwi, cà chua và thanh long giúp tăng sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Bạn cũng cần lưu ý hạn chế các loại quả có vị ngọt nhiều, dễ gây tăng đường máu như mít, nhãn, vải,... Tránh ăn dứa (khóm, thơm), đu đủ xanh (trong các món nộm), hay rau ngót vì chúng chứa các chất gây tăng co bóp tử cung.
  • Bổ sung protein và sắt: Mẹ nên ăn các thực phẩm giàu protein như thịt bò, thịt gà, cá hoặc hải sản đã chế biến kỹ. Đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi và giúp thai phụ tránh thiếu máu, thiếu chất.
  • Sử dụng chất béo lành mạnh: Dầu olive, quả bơ, cá hồi và đậu phộng là những nguồn chất béo tốt giúp mẹ duy trì năng lượng và cân bằng dinh dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ sau chọc ối giúp cơ thể nhanh hồi phục và đảm bảo thai nhi phát triển an toàn

Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ sau chọc ối giúp cơ thể nhanh hồi phục và đảm bảo thai nhi phát triển an toàn

4. Thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường

Mặc dù thủ thuật chọc ối được đánh giá là an toàn và tỷ lệ biến chứng rất thấp, thai phụ vẫn cần lưu ý theo dõi sát các biểu hiện bất thường sau khi thực hiện. Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ chuyên khoa hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời:

  • Xuất hiện tình trạng ra máu hoặc rò rỉ dịch ối qua đường âm đạo.
  • Cơn đau bụng dữ dội kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Sốt cao liên tục, không đáp ứng với hạ sốt thông thường.
  • Thai nhi có biểu hiện giảm hoặc không còn cử động như bình thường.


Khi phát hiện bất thường sau khi chọc ối mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được hỗ trợ

Khi phát hiện bất thường sau khi chọc ối mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được hỗ trợ

Nên chọc ối ở bệnh viện nào tốt nhất?

Trung tâm Y học bào thai – Bệnh viện Đại học Phenikaa là một trong những đơn vị đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến mẹ và thai nhi. Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ và chuyên gia đầu ngành, có trình độ cao và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán trước sinh và can thiệp bào thai. Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn Quốc tế, giúp nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán và khả năng xử lý can thiệp kịp thời, an toàn.

Đối với các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau, Trung tâm liên tục cập nhật và cải tiến quy trình thực hiện nhằm giảm đau, giảm rủi ro và nâng cao hiệu quả phát hiện bất thường thai nhi. Trung tâm còn nhận được sự hỗ trợ chuyên sâu từ Trung tâm Di truyền trực thuộc bệnh viện với hệ thống máy giải trình tự gen thế hệ mới, giúp phân tích chính xác và nhanh chóng các bất thường di truyền.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ tiên tiến, chuyên môn vững vàng và quy trình kỹ thuật được tối ưu hóa giúp Trung tâm Y học bào thai – Bệnh viện Đại học Phenikaa trở thành địa chỉ tin cậy hàng đầu, góp phần mang lại thai kỳ an toàn cho mẹ và bé, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn.

Trung tâm Y học bào thai sử dụng hệ thống máy điện di mao quản 3500 của hãng Applied Biosystems – Thermo Scientific (Mỹ) hiện đang được đánh giá là một trong những thiết bị giải trình tự gen tiên tiến và hiện đại bậc nhất trên thế giới.

Kết bài

Như vậy, thắc mắc về việc chọc ối là gì, có nguy hiểm không đã được bác sĩ chuyên khoa giải đáp. Chọc ối là một phương pháp hữu ích trong chẩn đoán trước sinh, nhưng để đảm bảo an toàn, thai phụ cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm.

Chọc ối ở đâu tốt nhất cũng là điều rất nhiều mẹ bầu đang băn khoăn. Nếu bạn đang tìm một địa chỉ uy tín để thực hiện thủ thuật này hãy đến với Trung tâm Y học bào thai Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) - một sự lựa chọn đáng tin cậy. Tại đây, bạn sẽ được đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa, di truyền, chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm tư vấn cụ thể, thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện thủ thuật trong môi trường hiện đại, đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí. Mẹ bầu hãy liên hệ ngay hotline: 1900 886648 để được tư vấn các gói thăm khám thai kỳ và đi sinh tại PhenikaaMec.

calendarNgày cập nhật: 22/07/2025

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

1. Amniocentesis, https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/amniocentesis/about/pac-20392914

2. Jindal A, Sharma M, Karena ZV, et al. Amniocentesis. [Updated 2023 Aug 14]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2025 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559247/

3. Amniocentesis, https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/amniocentesis

5. How to perform amniocentesis, https://www.isuog.org/resource/how-to-perform-amniocentesis.html

right

Chủ đề :