Bạn thường xuyên khó nuốt, nghẹn ở ngực sau khi ăn, hay trào ngược ban đêm dù không bị trào ngược dạ dày? Đó có thể là dấu hiệu của co thắt tâm vị – một bệnh lý hiếm gặp nhưng dễ bị bỏ sót trong chẩn đoán sớm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, giãn thực quản, thậm chí tăng nguy cơ ung thư thực quản. Tìm hiểu ngay về căn bệnh này qua nội dung bài viết dưới đây.
Co thắt tâm vị là gì?
Co thắt tâm vị (achalasia) là một rối loạn hiếm gặp của thực quản, trong đó cơ vòng tâm vị (nằm giữa thực quản và dạ dày) không thể giãn ra đúng cách, đồng thời nhu động của thực quản bị suy yếu hoặc mất hoàn toàn.
Ở người khỏe mạnh, sau khi nuốt thức ăn, thực quản co bóp đẩy xuống dạ dày. Khi thức ăn tới đoạn cuối thực quản, cơ thắt tâm vị sẽ mở ra, cho phép thức ăn đi xuống. Ở người bị co thắt tâm vị, cơ này không mở ra đúng cách, khiến thức ăn bị mắc lại trong thực quản, gây khó nuốt, nôn trớ, trào ngược, thậm chí sụt cân và suy dinh dưỡng.
Co thắt tâm vị (achalasia) là một rối loạn hiếm gặp của thực quản
Nguyên nhân gây co thắt tâm vị là gì?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây co thắt tâm vị vẫn chưa được xác định hoàn toàn. Tuy nhiên có một số giả thuyết các yếu tố dẫn đến căn bệnh này như sau:
1. Rối loạn thần kinh thực quản
Co thắt tâm vị có thể liên quan đến sự thoái hóa của các tế bào thần kinh nằm giữa các lớp cơ của thực quản. Điều này làm gián đoạn hoạt động co bóp và đẩy thức ăn xuống dạ dày.
2. Yếu tố nhiễm trùng
Một số nghiên cứu ghi nhận sự liên quan giữa co thắt tâm vị và các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc ký sinh trùng. Những người mắc bệnh này có thể từng bị nhiễm virus herpes simplex, virus sởi, HPV hoặc các loại virus đường tiêu hóa khác.
3. Cơ chế tự miễn
Rối loạn tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào thần kinh kiểm soát cơ vận động của thực quản. Thống kê cho thấy người bệnh achalasia có nguy cơ mắc kèm các bệnh tự miễn khác như viêm màng bồ đào, tiểu đường type 1, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp hoặc hội chứng Sjögren cao hơn khoảng 3,6 lần so với người bình thường.
4. Thói quen ăn uống không phù hợp
Việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của thực quản và cơ thắt tâm vị. Chế độ ăn nhiều tinh bột, thiếu protein và vitamin nhóm B sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh. Điều này làm rối loạn hoạt động cơ học của thực quản.
5. Tác động từ chất kích thích và độc hại
Việc hút thuốc lá, sử dụng rượu bia thường xuyên hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong thời gian dài cũng được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về thực quản
Dấu hiệu nhận biết co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị là một dạng rối loạn tiêu hóa hiếm gặp, diễn tiến âm thầm, dễ bị nhầm lẫn với trào ngược dạ dày – thực quản. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu đặc trưng đóng vai trò then chốt trong chẩn đoán và điều trị hiệu quả:
1. Khó nuốt (Dysphagia)
Người bệnh thường cảm thấy vướng, nghẹn khi nuốt. Giai đoạn đầu, họ khó nuốt thức ăn rắn. Sau đó, ngay cả thức ăn lỏng cũng gây khó khăn. Bạn sẽ có cảm giác như thức ăn bị “kẹt” ở giữa ngực, không xuống được dạ dày. Tình trạng khó nuốt tăng dần theo thời gian.
2. Trào ngược hoặc nôn trớ thức ăn chưa tiêu
Sau khi ăn xong vài phút đến vài giờ, người bệnh có thể nôn ra lại thức ăn chưa tiêu hóa, không lẫn dịch vị. Triệu chứng này không giống trào ngược dạ dày, dịch nôn thường không có vị chua.
3. Đau tức vùng ngực, đặc biệt khi nuốt hoặc sau ăn
Người bệnh cảm giác đau âm ỉ hoặc thắt chặt vùng sau xương ức, có thể lan ra lưng hoặc cổ. Đôi khi cơn đau khiến người bệnh lo lắng nhầm với bệnh tim mạch.
4. Sụt cân không rõ nguyên nhân
Người bệnh ăn uống kém, nôn ói sau ăn, hấp thu dinh dưỡng kém nên cân nặng giảm nhanh chóng.
5. Ho kéo dài ban đêm, dễ sặc khi nằm xuống
Do thức ăn trào ngược vào khí quản nên người bệnh thường bị ho, sặc, viêm phổi hít, dễ nhầm lẫn với hen suyễn hoặc viêm phế quản mạn tính.
6. Hơi thở có mùi khó chịu
Tình trạng ứ đọng thức ăn lâu trong thực quản tạo điều kiện cho vi khuẩn lên men, gây mùi hôi miệng kéo dài.
Khó nuốt, đau họng, ợ nóng,... có thể là biểu hiện của co thắt tâm vị thường nhầm lẫn với bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản
Tham khảo thêm:
- Barrett Thực Quản: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
- Khó Tiêu: Dấu Hiệu Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Điều Trị
Bệnh co thắt tâm vị có nguy hiểm không?
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, co thắt tâm vị có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
1. Suy nhược cơ thể
Người bệnh thường gặp khó nuốt, nôn trớ, không ăn uống được đầy đủ. Lâu ngày sẽ dẫn đến thiếu hụt năng lượng, giảm cân nhanh, mệt mỏi, suy nhược. Đặc biệt, trẻ em và người lớn tuổi mắc bệnh sẽ dễ bị chậm phát triển thể chất hoặc suy kiệt.
2. Viêm phổi hít
Đây là biến chứng rất nguy hiểm. Khi thức ăn ứ đọng trong thực quản và trào ngược vào đường thở, người bệnh dễ bị hít phải dị vật, gây ho kéo dài, sặc khi ngủ, thậm chí viêm phổi hít, suy hô hấp, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
3. Thực quản giãn lớn, mất chức năng
Nếu không điều trị, thực quản ngày càng giãn rộng sẽ dẫn đến mất hoàn toàn khả năng đẩy thức ăn xuống. Khi đó, ngay cả can thiệp nội soi hay phẫu thuật cũng khó phục hồi hoàn toàn chức năng tiêu hóa.
4. Tăng nguy cơ ung thư thực quản
Nhiều nghiên cứu cho thấy người mắc achalasia lâu năm có nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản cao hơn gấp 10–30 lần so với người bình thường. Lí do là bởi thức ăn và dịch tiêu hóa ứ đọng gây viêm mạn tính, biến đổi niêm mạc sẽ dẫn đến hình thành tế bào ác tính.
Co thắt thực quản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản
5. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống
Người bệnh sống trong trạng thái luôn khó chịu: Nuốt nghẹn, đau ngực, ăn không ngon, lo lắng... dẫn đến stress, lo âu, mất ngủ, giảm hiệu suất lao động và học tập.
Phương pháp chẩn đoán co thắt tâm vị
Để xác định chính xác người bệnh có mắc co thắt tâm vị hay không, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng sau:
1. Chẩn đoán cận lâm sàng
1.1. Chụp thực quản có cản quang (Barium swallow)
Chụp thực quản có cản quang giúp phát hiện những bất thường điển hình như:
- Thực quản bị giãn rộng, ứ đọng dịch hoặc thức ăn.
- Vùng cơ thắt tâm vị hẹp giống hình "mỏ chim" – dấu hiệu kinh điển của achalasia.
- Chất cản quang lưu lại lâu trong lòng thực quản do dòng chảy xuống dạ dày bị cản trở.
1.2. Nội soi tiêu hóa trên (thực quản – dạ dày – tá tràng)
Bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm có gắn camera qua miệng để quan sát bên trong thực quản và dạ dày. Kỹ thuật này giúp loại trừ nguyên nhân ác tính như ung thư thực quản hoặc vùng tâm vị. Đồng thời phát hiện tình trạng ứ đọng dịch, giãn lòng thực quản, đánh giá mức độ co thắt cơ vòng dưới thực quản.
1.3. Đo áp lực thực quản (Esophageal manometry)
Đây là xét nghiệm chính xác và quan trọng nhất được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán co thắt tâm vị. Phương pháp này giúp đo áp lực của cơ vòng dưới thực quản (LES) trong lúc nuốt và sự phối hợp vận động của thực quản.
Kết quả thường gặp ở bệnh nhân achalasia là:
- Không xuất hiện sóng nhu động dọc theo thực quản.
- Cơ LES không giãn ra đúng lúc khi người bệnh nuốt.
2. Chẩn đoán phân biệt
Do triệu chứng nuốt nghẹn dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh tiêu hóa và ung thư khác, bác sĩ cần tiến hành chẩn đoán phân biệt cẩn thận với các tình huống sau:
- Ung thư thực quản: Triệu chứng nuốt khó tiến triển nhanh trong thời gian ngắn. Khi nội soi, bác sĩ phát hiện khối u, tổn thương loét, thâm nhiễm hoặc chảy máu.
- Ung thư vùng tâm vị dạ dày: Có biểu hiện nuốt nghẹn tăng nhanh giống co thắt tâm vị. Nội soi có thể thấy khối u sùi, loét hoặc tâm vị bị cứng, hẹp do xâm lấn.
- Rối loạn vận động thực quản khác: Triệu chứng nuốt khó xảy ra từng đợt, không liên tục. Kết quả chụp cản quang cho thấy thuốc vẫn lưu thông tốt, thực quản không giãn rõ. Nội soi không ghi nhận tình trạng ứ đọng hoặc tổn thương rõ rệt.
- Hẹp thực quản do các nguyên khác như: Sẹo sau viêm, trào ngược kéo dài, tổn thương do hóa chất hoặc dị vật. Điều này cần thực hiện kết hợp nội soi và sinh thiết để xác định rõ nguyên nhân.
- Tổn thương chèn ép từ trung thất: Các khối u hoặc hạch trong trung thất có thể đè vào thực quản, gây cản trở nuốt. Chẩn đoán thường cần thêm hình ảnh học như CT scan ngực hoặc MRI.
Các phương pháp điều trị co thắt tâm vị hiện nay
1. Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
Thuốc chữa bệnh co thắt tâm vị cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trong các trường hợp nhẹ hoặc ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc giúp làm giảm áp lực cơ vòng dưới thực quản và cải thiện triệu chứng khó nuốt như:
- Isosorbid dinitrat dạng ngậm dưới lưỡi: Thường được dùng trước bữa ăn 10 - 15 phút để hỗ trợ thư giãn cơ thắt.
- Thuốc chẹn kênh canxi (như nifedipine tác dụng kéo dài hoặc diltiazem): Có thể được sử dụng để làm giảm trương lực cơ thắt thực quản dưới.
- Tiêm botulinum toxin (Botox) vào cơ vòng: Hiệu quả tạm thời, dùng cho bệnh nhân lớn tuổi hoặc không mổ được.
Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc thường chỉ mang tính chất tạm thời, chủ yếu ở giai đoạn đầu của bệnh. Ngoài ra, khi dùng thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như: Tụt huyết áp mạnh, đau đầu, chóng mặt hoặc rối loạn tuần hoàn.
2. Nong cơ vòng thực quản bằng bóng hơi (Pneumatic dilation)
Đây là một trong những phương pháp điều trị không phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay đối với co thắt tâm vị. Bác sĩ sử dụng một ống thông đặc biệt có gắn bóng hơi, đưa vào thực quản và bơm căng để làm giãn cơ vòng thực quản dưới. Bóng hơi có nhiều kích cỡ (thường từ 3 – 4 cm) có thể phải nong từ 1–3 lần tùy theo đáp ứng hoặc nếu bệnh tái phát.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: Thời gian thực hiện nhanh, bệnh nhân cải thiện nuốt ngay sau 24 giờ, thoát khỏi tình trạng tắc nghẽn với tỷ lệ thành công cao.
3. Phẫu thuật Heller myotomy (cắt cơ vòng thực quản dưới)
Đây là phẫu thuật cắt lớp cơ vòng thực quản dưới qua nội soi ổ bụng (thường phối hợp fundoplication để phòng GERD). Phẫu thuật co thắt tâm vị cần được thực hiện bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao kết hợp thiết bị hiện đại để mang lại hiệu quả dài hạn.
4. Kỹ thuật POEM (Peroral Endoscopic Myotomy)
Đây là kỹ thuật cắt cơ nội soi qua đường miệng hiện đại, ít xâm lấn hơn phẫu thuật. Đánh giá hiệu quả tương đương Heller, nhưng có nguy cơ trào ngược cao hơn.
Phẫu thuật cắt cơ vòng thực quản giúp cải thiện tình trạng nuốt nghẹn
Biện pháp phòng ngừa co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị hiện chưa có nguyên nhân được xác định rõ ràng. Do vậy không có biện pháp phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, một số hành động chủ động dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, phát hiện sớm và hạn chế biến chứng:
1. Ăn uống lành mạnh và điều độ
Duy trì một số thói quen ăn uống dưới đây sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lý về tiêu hóa:
- Hạn chế thực phẩm quá nóng, quá lạnh.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Không ăn quá no hoặc ăn khuya.
- Tăng cường vitamin nhóm B, protein.
2. Tránh lạm dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
Các chất này có thể gây kích ứng và tổn thương hệ thần kinh thực quản trong thời gian dài. Đồng thời cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn vận động thực quản và trào ngược dạ dày – thực quản.
3. Theo dõi và điều trị sớm các bệnh lý nền
Những bệnh như nhiễm trùng virus mạn tính, bệnh tự miễn, lao, suy giảm miễn dịch… cần được quản lý tốt để tránh gây tổn thương thần kinh thực quản.
Ngoài ra, cần theo dõi triệu chứng nuốt khó kéo dài để phát hiện bất thường sớm.
4. Khám sức khỏe định kỳ và nội soi khi cần thiết
Nếu bạn có dấu hiệu nuốt nghẹn, nôn trớ sau ăn, sụt cân không rõ lý do, hãy đến khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt.
Nội soi và đo áp lực thực quản giúp phát hiện sớm co thắt tâm vị hoặc các rối loạn vận động khác, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
5. Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng kéo dài
Stress có thể làm trầm trọng hơn các rối loạn thần kinh tự động và ảnh hưởng đến nhu động thực quản. Bạn cũng nên duy trì thói quen ngủ đủ giấc, vận động hợp lý sẽ hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa nói chung.
Kết luận
Nội dung bài viết đã giúp bạn tìm hiểu co thắt tâm vị achalasia là gì, nguyên nhân, dấu hiệu và các biện pháp điều trị. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy dinh dưỡng, viêm phổi hít, thực quản giãn to, thậm chí tăng nguy cơ ung thư thực quản. Bạn đang gặp phải các triệu chứng: Khó nuốt, trào ngược, nôn trớ sau ăn… nghi ngờ mắc bệnh về hệ tiêu hóa, hãy đến ngay Trung tâm Tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Phenikaa (PhenikaaMec) để được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa giàu kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Bạn hãy liên hệ ngay hotline: 1900 886648 để được tư vấn hỗ trợ.