iconicon

Bệnh Học

icon

Bệnh Tiêu Hóa - Gan Mật

icon

Gan Nhiễm Mỡ Không Do Rượu: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Điều Trị Mới Nhất

Gan Nhiễm Mỡ Không Do Rượu: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Điều Trị Mới Nhất

Gan Nhiễm Mỡ Không Do Rượu: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Điều Trị Mới Nhất
menu-mobile

Nội dung chính

menu-mobile

Gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh lý phổ biến hiện nay. Triệu chứng bệnh thường diễn ra âm thầm, nên đa phần phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến nguy cơ viêm gan, xơ gan. Nguyên nhân gây bệnh là gì, làm thế nào để điều trị dứt điểm? Tham khảo ngay nội dung bài viết dưới đây để được giải đáp nhé.

Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?

Gan nhiễm mỡ xảy ra khi quá trình tích tụ mỡ (triglycerid) trong gan bị mất cân bằng giữa thu nhận acid béo, tổng hợp mỡ trong gan và sử dụng hoặc thải mỡ ra khỏi gan. Gan nhiễm mỡ có 2 loại là: Gan nhiễm mỡ do rượu ( Alcoholic Fatty Liver Disease - AFLD) và gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-Alcoholic Fatty Liver Disease – NAFLD).

Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tích tụ mỡ trong tế bào gan vượt quá 5% trọng lượng gan mà không do nguyên nhân uống rượu. Đây là bệnh gan mạn tính phổ biến nhất hiện nay, liên quan mật thiết đến hội chứng chuyển hóa.

Trong đó, NAFLD được chia làm 2 loại chính là: Gan nhiễm mỡ đơn thuần (simple steatosis) và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH – Non-Alcoholic Steatohepatitis). NASH có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ gây tổn thương gan nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm

Gan nhiễm mỡ gây tổn thương gan nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây NAFLD

Theo Hiệp hội Gan mật Việt Nam, tỷ lệ NAFLD tăng từ 15% lên 25% trong 5 năm qua, chủ yếu ở nhóm tuổi 30-50. Hiện nay, nguyên nhân chính xác chưa hoàn toàn được hiểu rõ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu như:

1. Rối loạn chuyển hóa

Tình trạng kháng insulin (thường gặp ở người bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường) là nguyên nhân dẫn đến mỡ tích tụ ở gan. Ngoài ra, các hội chứng chuyển hóa khác như: Tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì, đường huyết cao cũng làm tăng nguy cơ này.

2. Chuyển hóa lipid bất thường

Người mắc tăng triglyceride, LDL-cholesterol (cholesterol xấu), giảm HDL-cholesterol (cholesterol tốt) sẽ khiến gan không chuyển hóa được lượng mỡ dư thừa và tích tụ trong gan.

3. Lối sống thiếu khoa học

Chế độ dinh dưỡng và lối sống không lành mạnh cũng gây hại cho gan như:

  • Ăn quá nhiều thực phẩm giàu tinh bột tinh luyện, chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, nước ngọt.
  • Vận động ít, ngồi nhiều, làm việc văn phòng kéo dài.
  • Thiếu ngủ, stress mãn tính cũng ảnh hưởng đến chuyển hóa gan.

4. Di truyền và gen

Một số gen như PNPLA3, TM6SF2 liên quan đến nguy cơ tích mỡ và tổn thương gan.

5. Một số thuốc và bệnh lý khác

Các loại thuốc như: Thuốc corticoid, methotrexate, amiodarone, tamoxifen,... dùng lâu dài gây hại cho gan. Ngoài ra người mắc bệnh celiac, suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS),... cũng khiến giảm chuyển hóa ở gan.

Tham khảo thêm:

Dấu hiệu nhận biết NAFLD

Đây là căn bệnh diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, khiến nhiều người chủ quan và chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển thành viêm gan, xơ gan. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) bạn cần lưu ý:

  • Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân: Người bệnh thường xuyên cảm thấy uể oải, giảm năng lượng, thiếu tập trung dù ngủ đủ giấc.
  • Đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải: Cảm giác âm ỉ hoặc nặng tức bên phải bụng trên, ngay dưới xương sườn có thể cảnh báo gan bị viêm do tích mỡ.
  • Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu: Rối loạn chuyển hóa trong gan ảnh hưởng đến tiêu hóa chất béo khiến người bệnh sụt cân, đầy hơi, chán ăn.
  • Rối loạn giấc ngủ: Gan hoạt động về đêm, khi chức năng gan suy giảm sẽ khiến người bệnh ngủ kém, mệt mỏi.
  • Vàng da nhẹ, ngứa da: Khi NAFLD chuyển sang giai đoạn viêm gan mỡ (NASH), xơ hóa gan sẽ gây các triệu chứng: Vàng da, vàng mắt, ngứa da, khô da, nước tiểu sẫm, phân bạc màu,….

Vàng da, vàng mắt là biểu hiện suy giảm chức năng gan

Vàng da, vàng mắt là biểu hiện suy giảm chức năng gan

Phương pháp chẩn đoán NAFLD

Dưới đây là những phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu bia phổ biến nhất:

1. Khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sang và những yếu tố nguy cơ như: Béo phì, tiểu đường, mỡ máu cao, lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh. Bác sĩ cũng cần đánh giá mức độ uống rượu để loại trừ nguyên nhân gan nhiễm mỡ do rượu. NAFLD được chẩn đoán khi người bệnh uống dưới 20g rượu/ngày với nữ và dưới 30g/ngày với nam.

2. Xét nghiệm máu

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu cận lâm sàng như: Men gan (ALT, AST), GGT, ALP thường có chỉ số tăng nhẹ đến vừa để chẩn đoán NAFLD.

Ngoài ra còn có một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác như:

  • Bilirubin, albumin, INR: Giúp đánh giá chức năng gan tổng thể.
  • Xét nghiệm mỡ máu (cholesterol, triglyceride) để chẩn đoán yếu tố nguy cơ.
  • Đường huyết, HbA1c, insulin máu để hỗ trợ kiểm tra tình trạng kháng insulin hoặc tiểu đường type 2.
  • Xét nghiệm loại trừ viêm gan virus B, C, tự miễn, bệnh Wilson…

3. Siêu âm gan

Siêu âm ổ bụng tổng quát có thể phát hiện tình trạng gan sáng (tăng âm), gan to, hoặc mất phân biệt nhu mô gan – mạch máu.

Tuy nhiên, siêu âm chỉ phát hiện khi mỡ gan ≥ 20–30% và không phân biệt được gan nhiễm mỡ đơn thuần hay viêm gan mỡ (NASH).

Siêu âm giúp chẩn đoán chính xác bất thường về gan

Siêu âm giúp chẩn đoán chính xác bất thường về gan

4. Đo độ đàn hồi gan (FibroScan)

Đây là kỹ thuật hiện đại không xâm lấn, đo được độ xơ hóa và độ nhiễm mỡ của gan qua chỉ số CAP và LSM. FibroScan giúp đánh giá nguy cơ tiến triển xơ gan ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng.

5. Sinh thiết gan

Sinh thiết gan là phương pháp chính xác nhất để phân biệt: Gan nhiễm mỡ đơn thuần, viêm gan mỡ, xơ hóa gan. Sinh thiết gan sẽ được bác sĩ chỉ định khi cần đánh giá chính xác mức độ tổn thương, không rõ ràng trên hình ảnh học hoặc để xác định hướng điều trị.

Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu

NAFLD là bệnh lý mạn tính nhưng có thể điều trị. Dưới đây là các phương pháp điều trị NAFLD mới nhất hiện nay:

1. Thay đổi lối sống

Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống là điều quan trọng nhất để hỗ trợ phục hồi chức năng gan. Bạn hãy:

1.1. Giảm cân

Nếu bạn đang béo phì, thừa cân nên xây dựng kế hoạch giảm cân lành mạnh. Bạn nên giảm từ 7–10% trọng lượng cơ thể có thể giúp giảm mỡ gan, cải thiện men gan và làm chậm tiến triển viêm/xơ gan.

Lưu ý nên giảm cân từ từ bằng chế độ ăn uống và luyện tập đúng cách, tránh giảm quá nhanh vì có thể làm gan tổn thương thêm.

1.2. Chế độ ăn lành mạnh

Nguyên tắc ăn uống cho người bị bệnh về gan là nên cắt giảm tinh bột, đường ngọt, đồ ăn chiên rán, thịt đỏ, mỡ động vật. Ngoài ra, bạn nên tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt, ngũ cốc nguyên hạt, cá, đậu hạt, dầu oliu, dầu hạt lanh,… để cải thiện chức năng gan.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là cách đơn giản nhất hỗ trợ phục hồi tổn thương gan

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là cách đơn giản nhất hỗ trợ phục hồi tổn thương gan

1.3. Tăng cường vận động thể lực

Bạn nên tăng cường luyện tập tối thiểu 150 phút/tuần các bài tập aerobic như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội… để giảm mỡ trong gan.

2. Kiểm soát bệnh lý nền đi kèm (nếu có)

NAFLD thường gặp ở người có hội chứng chuyển hóa, vì vậy cần điều trị các bệnh lý nền như: Đái tháo đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp,….

3. Điều trị bằng thuốc

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị NAFLD nhưng bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc hỗ trợ chuyển hóa mỡ gan như:

  • Vitamin E: Có thể giúp giảm viêm ở người không bị tiểu đường (liều 800 IU/ngày), nhưng cần cẩn trọng khi dùng lâu dài.
  • Omega-3: Hỗ trợ giảm triglyceride, có lợi trong giảm mỡ gan.
  • Pioglitazone (sử dụng cho người bị tiểu đường): Giúp cải thiện gan nhiễm mỡ có viêm (NASH).
  • UDCA (acid ursodeoxycholic), Essentiale, Silimarin, Biphenyl dimethyl dicarboxylate…: Bác sĩ có thể chỉ định trong trường hợp men gan tăng kéo dài.

4. Theo dõi và đánh giá định kỳ

Người bệnh cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, thường 3 – 6 tháng/ lần. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm men gan, siêu âm, FibroScan,… để ngăn chặn nguy cơ tiến triển thành NASH hoặc xơ gan.

Biện pháp phòng ngừa

Đây là bệnh lý có xu hướng tăng nhanh ở người trẻ, liên quan mật thiết đến lối sống, và hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu chủ động từ sớm. Dưới đây là các phương pháp phòng ngừa viêm gan nhiễm mỡ không do rượu được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo nên:

  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo bụng.
  • Ăn uống lành mạnh, cắt giảm đường, tinh bột trắng, đồ chiên rán; tăng rau xanh, cá, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tập thể dục hàng ngày.
  • Ngủ đủ giấc, giảm stress giúp cân bằng chuyển hóa và bảo vệ gan.
  • Không uống rượu, không tự ý dùng thuốc tránh tổn thương gan thêm.
  • Tầm soát gan định kỳ, nên khám sức khỏe 6–12 tháng/lần nếu có yếu tố nguy cơ.

Tập thể dục, tăng cường vận động kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hỗ trợ phòng ngừa bệnh lý về gan

Tập thể dục, tăng cường vận động kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hỗ trợ phòng ngừa bệnh lý về gan

Kết luận

Gan nhiễm mỡ không do rượu là căn bệnh đang có tỷ lệ gia tăng ở Việt Nam. Bạn đang muốn tầm soát bệnh lý về gan, hãy đến với Trung tâm Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Phenikaa để được tư vấn, thăm khám. Với đội ngũ chuyên gia gan mật hàng đầu, giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan, cùng hệ thống máy móc hiện đại như máy FibroScan, xét nghiệm sinh hóa chuyên sâu, siêu âm đàn hồi mô gan, Bệnh viện Đại học Phenikaa mang đến phác đồ điều trị hiệu quả cá nhân hóa theo từng người bệnh. Đặt lịch khám ngay qua hotline: 1900 886648 để được tư vấn giải đáp mọi thắc mắc.

calendarNgày cập nhật: 22/07/2025

Chia sẻ

FacebookZaloShare
arrowarrow

Nguồn tham khảo

1. Nonalcoholic fatty liver disease, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonalcoholic-fatty-liver-disease/symptoms-causes/syc-20354567

2. Non-alcoholic fatty liver disease (NAFLD), https://www.nhs.uk/conditions/non-alcoholic-fatty-liver-disease/

3. Metabolic Dysfunction-Associated Steatotic Liver Disease (MASLD), https://liverfoundation.org/liver-diseases/fatty-liver-disease/nonalcoholic-fatty-liver-disease-nafld/

4. Nonalcoholic Fatty Liver, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541033/

right

Chủ đề :