Ngứa da là một trong những triệu chứng khá phổ biến, cảnh báo một số bệnh lý về da liễu hoặc bệnh toàn thân. Vậy triệu chứng này phát triển do đâu, dấu hiệu nhận biết như thế nào và làm sao để điều trị hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ đề cập và giải đáp tất cả các vấn đề liên quan về triệu chứng này mời bạn cùng đón đọc sẽ hiểu rõ.
Ngứa da là gì?
Tình trạng bị ngứa da hay ngứa xảy ra khi các thụ thể thần kinh cảm giác dưới da bị kích thích bởi các tác nhân bên trong, gây cảm giác khó chịu và muốn gãi. Tình trạng này thường xuất hiện vào mùa đông do độ ẩm không khí thấp, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc những người có da khô và lão hóa.
Ngứa da là tình trạng da bị kích thích gây ra cảm giác khó chịu muốn gãi
Tuy nhiên, ngứa da cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh dị ứng, bệnh lý thần kinh hoặc các bệnh toàn thân khác.
Dấu hiệu nhận biết bị ngứa da
Cảm giác ngứa có thể xảy ra ở một vùng cụ thể của cơ thể như tay, chân hoặc lan ra toàn bộ cơ thể. Khu vực bị ngứa có thể không có sự thay đổi nào hoặc có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
- Đỏ;
- Sưng, mụn nước hoặc nốt sần;
- Da khô, nứt nẻ;
- Da sần sùi hoặc có vảy.
Dấu hiệu của ngứa da thường nhận thấy khi da nổi sần, đỏ
Tình trạng ngứa có thể kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn. Cảm giác ngứa sẽ tăng lên khi chà xát vùng da bị ngứa, dẫn đến việc gãi nhiều hơn. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng sau:
- Ngứa kéo dài hơn 2 tuần và không cải thiện dù đã thực hiện các biện pháp chăm sóc da.
- Ngứa nặng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.
- Ngứa xuất hiện không rõ nguyên nhân và đột ngột.
- Ngứa toàn bộ cơ thể.
- Ngứa đi kèm với các triệu chứng khác như sụt cân, mệt mỏi, thay đổi thói quen, tần suất đi vệ sinh, đỏ da hoặc sốt.
Nguyên nhân chính dẫn đến ngứa da
Ngứa da có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ yếu tố sinh lý và bệnh lý đến tác dụng phụ của thuốc.
Do yếu tố sinh lý
Ngứa sinh lý xảy ra khi các thụ thể thần kinh dưới da trở nên nhạy cảm hơn với các tác động bình thường từ môi trường nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm:
- Da khô do thời tiết.
- Da mỏng, nhăn nheo ở người cao tuổi.
- Tăng nhạy cảm ở phụ nữ mang thai.
Da ngứa có thể do thời tiết gây khô
Do yếu tố bệnh lý
Ngứa da có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, chẳng hạn như:
- Dị ứng: Tiếp xúc với các tác nhân lạ như phấn hoa, lông thú, khói bụi, chất tẩy rửa hoặc thực phẩm có thể dẫn đến các tình trạng như viêm da cơ địa do dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc sưng môi.
- Bệnh về da: Ngứa có thể đi kèm với mẩn đỏ và có thể liên quan đến các bệnh về da không nhiễm trùng như chàm, côn trùng cắn, vảy nến hoặc các bệnh da nhiễm trùng như ghẻ, nấm da đầu.
- Bệnh toàn thân: Ngứa da cũng có thể là dấu hiệu của sự kích thích hoặc rối loạn thụ thể thần kinh dưới da, thường gặp trong các bệnh như đái tháo đường, xơ gan, thiếu máu thiếu sắt, suy thận, viêm da cơ thần kinh hoặc zona thần kinh.
- Bệnh tâm lý - tâm thần: Ngứa có thể xuất hiện do rối loạn cảm giác liên quan đến các tình trạng như ảo giác, rối loạn lo âu, hoang tưởng, trầm cảm, tâm thần phân liệt hoặc ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, bao gồm thuốc bôi ngoài da và thuốc uống, có thể gây kích ứng và dẫn đến ngứa, như:
- Thuốc kháng sinh.
- Thuốc kháng nấm.
- Thuốc chống động kinh.
- Một số thuốc giảm đau.
- Vitamin nhóm B.
Một số loại thuốc khi sử dụng cũng có tác dụng phụ gây ngứa
Đối tượng nguy cơ
Ngứa da có thể xảy ra ở cả nam và nữ và ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, triệu chứng này thường trở nên nghiêm trọng hơn khi có sự kết hợp với các yếu tố nguy cơ sau:
- Người có cơ địa dị ứng.
- Người mắc bệnh về hen suyễn (hen phế quản).
- Người cao tuổi.
- Phụ nữ mang thai.
- Người mắc bệnh mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như ung thư, xơ gan, đái tháo đường hoặc nhiễm HIV.
Những nguy hiểm có thể gặp khi ngứa da
Ngứa trên da có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc, đặc biệt khi triệu chứng dữ dội, thường xuyên hoặc kéo dài trên 6 tuần. Tình trạng này được gọi là ngứa mãn tính:
- Tạo vết xây xát trên da: Việc gãi liên tục để giảm cảm giác ngứa có thể dẫn đến việc làm tổn thương lớp da, tạo ra các vết xây xát và trầy xước.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Những vết xây xát và trầy xước có thể là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng da.
- Để lại sẹo: Các tổn thương do gãi có thể gây ra sẹo lâu dài, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Gây khó ngủ, mất ngủ: Cảm giác ngứa ngáy thường xuyên có thể làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến tình trạng mất ngủ hoặc khó ngủ.
- Làm nặng thêm tình trạng bệnh sẵn có: Ngứa da không được điều trị kịp thời có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề da liễu hoặc bệnh lý hiện có, do làm tăng mức độ kích thích và tổn thương cho da.
Bị ngứa lâu ngày không điều trị có thể làm xây xát, khó chịu ảnh hưởng cuộc sống
Một số phương pháp chẩn đoán da ngứa
Để nắm chắc về tình trạng của triệu chứng này bác sĩ cần thực hiện một số phương pháp chẩn đoán để xác định và đưa ra cách điều trị hợp lý:
Khai thác bệnh sử
- Xác định nguyên nhân khởi phát triệu chứng: Làm rõ nguyên nhân gây ngứa, vị trí xuất hiện đầu tiên, thời gian và tiến triển của triệu chứng. Điều này bao gồm việc xác định liệu ngứa có xảy ra vào ban ngày hay ban đêm, có kéo dài liên tục hay ngắt quãng, có thay đổi theo mùa hay không và có kèm theo phát ban hay không.
- Tiền sử sử dụng thuốc: Tìm hiểu về các loại thuốc mà bệnh nhân đã sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn, đặc biệt chú ý đến các loại thuốc mới được sử dụng gần đây.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm và thuốc bôi da: Kiểm tra việc sử dụng các sản phẩm dưỡng da hoặc thuốc bôi như diphenhydramine và hydrocortisone.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến ngứa da: Ghi nhận các yếu tố làm giảm hoặc làm tăng mức độ ngứa.
- Tiền sử bệnh lý và trạng thái cảm xúc: Xác định các bệnh đã mắc như bệnh thận, ứ mật, ung thư đang điều trị hoặc hóa trị liệu và đánh giá trạng thái cảm xúc của bệnh nhân.
Tìm hiểu bệnh sử để xác định nguyên nhân triệu chứng
Kiểm tra dịch tễ
- Tình trạng gia đình: Xem xét có thành viên nào trong gia đình có triệu chứng ngứa hoặc tổn thương da tương tự, như ghẻ, chấy rận.
- Yếu tố môi trường: Điều tra mối liên hệ giữa ngứa với công việc, tiếp xúc với động vật, thực vật, hóa chất hoặc lịch sử các chuyến đi gần đây.
Kiểm tra thể chất
- Khám lâm sàng: Đánh giá các dấu hiệu như vàng da, thay đổi cân nặng (tăng hoặc giảm) và mức độ mệt mỏi.
- Khám da: Xem xét kỹ lưỡng các tổn thương da về sự hiện diện, mức độ, hình thái và phân bố. Cần lưu ý các dấu hiệu nhiễm trùng thứ cấp như sưng tấy, nóng, ban đỏ hoặc vảy vàng/ màu mật ong. Nếu có hạch, điều này có thể gợi ý đến bệnh ung thư.
- Khám bụng: Tìm kiếm khối u và các vùng đau (có thể liên quan đến ứ mật hoặc ung thư).
- Khám thần kinh: Tập trung vào các điểm tê, yếu cơ và co cứng, những dấu hiệu này có thể gợi ý về bệnh đa xơ cứng.
Xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: Để đánh giá các chỉ số liên quan và phát hiện dấu hiệu của tình trạng ngứa.
- Xét nghiệm chức năng gan, thận và tuyến giáp: Để kiểm tra hoạt động của các cơ quan này và phát hiện các bất thường có thể liên quan đến triệu chứng ngứa.
- Chụp X-Quang ngực: Để kiểm tra tình trạng phổi và phát hiện các dấu hiệu bất thường có thể liên quan đến bệnh lý toàn thân.
Thực hiện xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân gây ngứa giúp điều trị hiệu quả
Phương pháp hỗ trợ điều trị tình trạng ngứa da
Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau để giảm triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân:
Một số biện pháp giảm ngứa
- Hạn chế gãi: Để giảm thiểu tổn thương da và làm giảm cảm giác ngứa.
- Sử dụng sữa dưỡng ẩm: Để cải thiện tình trạng khô da và giảm cảm giác ngứa.
- Mặc quần áo mỏng nhẹ: Chọn quần áo có khả năng thấm hút mồ hôi tốt để tránh kích ứng da.
- Vệ sinh da sạch sẽ: Sử dụng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để làm sạch da, giúp giảm cảm giác ngứa và làm dịu da.
Thuốc điều trị triệu chứng
Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để giúp giảm ngứa ngáy và khó chịu, bao gồm:
- Thuốc kháng histamin: Có thể dùng dưới dạng bôi ngoài da hoặc uống để chống lại histamin, chất trung gian hóa học gây kích thích thụ thể thần kinh dưới da.
- Thuốc chống viêm corticoid: Giúp giảm tình trạng viêm, đỏ và kích ứng ngoài da.
Sử dụng một số loại thuốc giúp giảm ngứa trên da
Điều trị theo nguyên nhân
Việc xác định và điều trị nguyên nhân gây ngứa da là rất quan trọng để hạn chế nguy cơ tái phát và biến chứng, bao gồm:
- Sử dụng thuốc hạ đường huyết: Dành cho bệnh nhân đái tháo đường, kết hợp với các biện pháp chăm sóc và vệ sinh da hàng ngày.
- Sử dụng thuốc an thần và chống loạn thần đối với các trường hợp ngứa da do các vấn đề về tâm thần.
- Điều chỉnh rối loạn chức năng gan và thận: Thông qua chế độ ăn uống và thuốc uống hỗ trợ thải độc gan và thuốc lợi tiểu.
Một số biện pháp phòng tránh
Bạn có thể phòng ngừa ngứa da tại nhà bằng những phương pháp đơn giản sau:
- Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Tránh tiếp xúc với các chất hoặc tác nhân có thể gây phản ứng dị ứng.
- Dưỡng ẩm da hàng ngày: Sử dụng kem dưỡng ẩm và sữa tắm phù hợp để giữ cho da luôn ẩm mượt.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí: Đặc biệt vào mùa khô để duy trì độ ẩm trong không khí.
- Bổ sung đủ nước: Uống từ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể và da luôn được cung cấp độ ẩm đầy đủ.
Tránh tiếp xúc dị nhân gây ngứa và tìm hiểu các loại kem bôi phù hợp
Ngoài ra, đối với người đang bị ngứa da, để giảm nhanh triệu chứng và cải thiện sức khỏe, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng:
- Bổ sung rau xanh và hoa quả tươi: Những thực phẩm này cung cấp vitamin và khoáng chất giúp da khỏe mạnh.
- Ăn thực phẩm ít gây kích ứng: Chọn các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, cá và ngũ cốc.
- Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ và cay nóng: Tránh đồ chiên rán, thức ăn cay để không làm kích thích da.
- Tránh chất kích thích: Không sử dụng thuốc lá, bia, rượu hoặc đồ uống có gas để không làm tình trạng da thêm nghiêm trọng.
Các câu hỏi thường gặp
Đối với triệu chứng ngứa da có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cùng lúc và giống nhau như:
Vì sao khi bị ngứa, càng gãi càng khiến tình trạng nặng hơn?
Khi da bị ngứa và bạn gãi, cảm giác thoải mái có thể chỉ là tạm thời. Thực tế, việc gãi thường xuyên có thể làm tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Gãi liên tục có thể dẫn đến viêm, đỏ da hoặc gây tổn thương như trầy xước, khiến cơn ngứa kéo dài và nặng nề hơn. Để tránh tình trạng này, nên cố gắng hạn chế tác động lên da, thay vào đó hãy áp dụng các phương pháp điều trị khác để giảm cảm giác ngứa một cách hiệu quả.
Khi bị ngứa da cần lưu ý gì?
Nếu gặp trường hợp da mẩn ngứa bạn cần:
- Tắm nước ấm vừa phải: Tránh tắm bằng nước quá nóng, vì nhiệt độ cao có thể làm tình trạng ngứa tồi tệ hơn.
- Sử dụng kem chống nắng: Bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, giúp giảm nguy cơ kích ứng.
- Chọn sản phẩm tẩy rửa nhẹ: Sử dụng bột giặt và xà phòng có tính tẩy rửa nhẹ, đặc biệt là các sản phẩm dành cho da nhạy cảm.
- Hạn chế gãi: Cố gắng không gãi để giảm thiểu tổn thương và làm trầm trọng thêm triệu chứng ngứa.
Có thuốc nào điều trị da bị ngứa?
Các loại thuốc hiệu quả trong điều trị ngứa da bao gồm:
- Thuốc tác động tại chỗ: Những thuốc bôi như camphor, menthol, capsaicin, pramoxin hoặc corticosteroid có thể giúp giảm ngứa và viêm tại vùng da bị ảnh hưởng.
- Thuốc tác động toàn thân: Thuốc kháng histamine, đặc biệt là hydroxyzine, thường được sử dụng để kiểm soát ngứa, đặc biệt hiệu quả với ngứa vào ban đêm.
Kết luận
Ngứa da tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh viện Đại học Phenikaa cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị chuyên nghiệp để giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng hiệu quả. Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng công nghệ tiên tiến, đơn vị sẽ hỗ trợ tìm ra nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, nhằm đem lại sự thoải mái, cải thiện sức khỏe làn da của bạn.