Rối loạn đông máu là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể. Bệnh lý này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Vậy rối loạn đông máu là gì? Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa ra sao? Bệnh viện Đại học Phenikaa sẽ chia sẻ trong bài viết dưới đây!
Rối loạn đông máu là gì?
Rối loạn đông máu là tình trạng cơ thể không thể kiểm soát quá trình đông máu. Thông thường, cục máu đông sẽ hình thành để ngăn chặn chảy máu khi có chấn thương.
Tuy nhiên những người mắc rối loạn này có thể gặp tình trạng chảy máu nhiều ngay cả khi không có chấn thương. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, rối loạn đông máu có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
Rối loạn đông máu là tình trạng mà cơ thể không thể kiểm soát quá trình đông máu
Triệu chứng thường gặp của rối loạn đông máu
Những triệu chứng này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn đông máu cùng mức độ nghiêm trọng, nhưng một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Sưng tấy và đau ở chân, nếu có cục máu đông làm cản trở lưu thông máu đến tĩnh mạch chân (gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu).
- Khó thở và đau ngực, nếu cục máu đông di chuyển đến phổi (thuyên tắc phổi).
Nếu gặp phải những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Huyết khối tĩnh mạch sâu không đe dọa tính mạng nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, điều này rất nguy hiểm.
Cục máu đông hình thành trong động mạch mặc dù ít gặp nhưng cũng rất nghiêm trọng vì có thể gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Chảy máu: Bạn có thể gặp các triệu chứng như dễ bầm tím hoặc thường xuyên thấy vết bầm trên da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, rong kinh… Nặng hơn có thể gặp cả chảy máu nội tạng.
- Ngoài ra bạn cũng như cảm thấy mệt mỏi nếu bị rối loạn đông máu (chảy máu).
Khó thở và đau ngực là dấu hiệu phổ biến của rối loạn đông máu
Nguyên nhân chính của rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu xảy ra khi số lượng tiểu cầu trong cơ thể quá ít, chức năng của tiểu cầu bị suy giảm hoặc có sự thiếu hụt các yếu tố đông máu cần thiết. Những nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do di truyền hoặc xuất phát từ các yếu tố bên ngoài. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn đông máu:
Nguyên nhân di truyền
Nhiều bệnh nhân có thể thừa hưởng rối loạn đông máu từ cha mẹ với một số bệnh di truyền phổ biến:
- Hemophilia A là tình trạng thiếu hụt yếu tố đông máu VIII.
- Hemophilia B đặc trưng bởi sự thiếu hụt yếu tố đông máu IX.
- Hemophilia C gây ra bởi việc thiếu hụt yếu tố đông máu XI.
Ngoài ra, có những đột biến gen như:
- Đột biến V Leiden: Xuất hiện ở khoảng 5% người gốc châu Âu và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Đột biến Pro-thrombin G20210A: Liên quan đến yếu tố II, xảy ra ở khoảng 2% dân số.
- Thiếu hụt các protein tự nhiên: Như Antithrombin III, protein C và protein S, có chức năng ngăn chặn quá trình đông máu.
- Rối loạn chức năng hoặc nồng độ fibrinogen: Fibrinogen tăng cao có thể dẫn đến các vấn đề về đông máu.
- Tăng homocysteine trong máu: Có thể gây ra rối loạn đông máu.
- Hội chứng tiểu cầu tự kết tập: Làm cho tiểu cầu dễ dàng kết dính với nhau, gây ra vấn đề đông máu.
- Hệ thống tiêu sợi huyết bất thường: Cản trở khả năng tiêu hủy cục máu đông.
Nguyên nhân do tiểu cầu
- Sự giảm số lượng hoặc chất lượng của tiểu cầu trong máu sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết bất thường. Những vấn đề này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm bệnh lý và các yếu tố sinh lý.
- Bệnh lý về gan có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất các yếu tố đông máu, từ đó gây ra rối loạn đông máu.
- Một số loại ung thư như ung thư thận, phổi, đại tràng, tử cung và tinh hoàn có thể gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề liên quan đến đông máu.
- Thiếu hụt vitamin K là một yếu tố quan trọng dẫn đến rối loạn đông máu. Loại vitamin này có vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất các yếu tố đông máu.
- Các bệnh nhiễm trùng như HIV, nhiễm trùng huyết và các nhiễm trùng khác cũng có thể góp phần vào quá trình gây rối loạn đông máu.
- Hội chứng thận hư đặc trưng bởi sự xuất hiện quá mức protein trong nước tiểu, có thể gây ra các vấn đề về đông máu.
- Rối loạn tự miễn có thể ảnh hưởng đến chức năng của tiểu cầu và các yếu tố đông máu.
- Hội chứng kháng thể kháng phospholipid có thể dẫn đến sự hình thành cục máu đông trong cơ thể, gây rối loạn đông máu.
Đối tượng nguy cơ
Mọi người đều có khả năng mắc phải rối loạn đông máu nhưng một số nhóm người có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
- Nam giới có xu hướng mắc phải rối loạn máu đông nhiều hơn so với nữ giới.
- Phụ nữ mang thai dễ có nguy cơ rối loạn đông máu do thay đổi nội tiết tố cơ thể.
- Nếu trong gia đình có người mắc bệnh rối loạn đông máu, bạn sẽ có nguy cơ mắc cao hơn.
Nam giới có xu hướng mắc phải rối loạn máu đông nhiều hơn so với nữ giới
Ngoài ra có nhiều yếu tố có thể làm tăng khả năng phát triển rối loạn đông máu có thể kể đến:
- Trẻ sơ sinh bị thiếu vitamin K.
- Người lớn tuổi mắc bệnh hemophilia A.
- Những người mắc các bệnh như ung thư, bệnh tự miễn hoặc bệnh về gan có nguy cơ rối loạn đông máu cao hơn.
- Những người đã nhận truyền máu có thể có nguy cơ cao hơn do các yếu tố liên quan.
- Thừa cân có thể làm tăng áp lực lên hệ thống mạch máu và tiểu cầu.
- Các bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu.
- Một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc làm loãng máu hoặc interferon alfa có thể tác động đến quá trình đông máu.
- Sử dụng thuốc hormone như thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ rối loạn đông máu.
- Những thay đổi trong cơ thể trong thời gian mang thai và sinh con có thể tăng nguy cơ rối loạn đông máu với mẹ bầu.
- Việc nằm hoặc ngồi trong thời gian dài cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Biến chứng thường gặp
Rối loạn đông máu có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Một trong những nguy hiểm lớn nhất là tình trạng chảy máu không kiểm soát, có thể dẫn đến mất máu nghiêm trọng và tử vong. Những trường hợp xuất huyết nặng, chẳng hạn như xuất huyết nội sọ, mặc dù lượng máu mất không nhiều, tuy nhiên vẫn có thể gây tử vong.
- Ngoài ra, rối loạn đông máu còn có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ như tình trạng dọa sảy thai, tử vong thai nhi và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Một trong những nguy hiểm lớn nhất của rối loạn đông máu là tình trạng chảy máu không kiểm soát
Các phương pháp chẩn đoán
Khi nghi ngờ mắc phải tình trạng rối loạn đông máu, người bệnh sẽ được các bác sĩ thăm khám qua nhiều phương pháp khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng của từng người, bác sĩ sẽ có một số phương pháp phổ biến dưới đây:
Thăm khám lâm sàng
Để chẩn đoán lâm sàng rối loạn đông máu, bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh của bạn. Điều này bao gồm thông tin về các triệu chứng bạn đã gặp, tình trạng cục máu đông trước đây cũng như các bệnh tự miễn có thể mắc phải. Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu về tiền sử gia đình vì nhiều rối loạn đông máu có xu hướng di truyền trong gia đình.
Bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh để chẩn đoán lâm sàng rối loạn đông
Thăm khám cận lâm sàng
Xét nghiệm máu là công cụ quan trọng để đánh giá cận lâm sàng rối loạn đông máu, bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): Kiểm tra số lượng hồng cầu và tiểu cầu.
- D-dimer: Đo nồng độ D-dimer để xác định khả năng đông máu.
- PT-INR: Đánh giá thời gian đông máu qua các xét nghiệm PT và aPTT.
- Yếu tố Von Willebrand: Kiểm tra sự thiếu hụt yếu tố này. Đây là yếu tố cần thiết trong quá trình đông máu.
- Xét nghiệm yếu tố đông máu: Tìm kiếm sự thiếu hụt các yếu tố đông máu cần thiết.
- Xét nghiệm di truyền: Phát hiện các đột biến gen liên quan.
- Hồ sơ bệnh huyết khối: Bao gồm nhiều xét nghiệm về nguy cơ đông máu.
- Chẩn đoán hình ảnh: Sử dụng CT hoặc siêu âm để xác định cục máu đông.
Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) thường được sử dụng để chấn đoán rối loạn đông máu
Phương pháp điều trị rối loạn đông máu
Mục tiêu chính trong điều trị rối loạn đông máu là loại bỏ các cục máu đông hình thành trong động mạch hoặc tĩnh mạch, đồng thời ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Các phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vì tình trạng này thường không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị tập trung vào giảm thiểu các triệu chứng.
- Truyền máu: Bệnh nhân có thể cần truyền máu nếu mất quá nhiều máu.
- Truyền huyết tương tươi đông lạnh: Dành cho những người thiếu yếu tố V hoặc VIII,...
- Bổ sung các yếu tố đông máu: Đối với những bệnh nhân thiếu hụt các yếu tố đông máu, việc tiêm bổ sung sẽ được thực hiện.
- Bổ sung vitamin K: Thiếu vitamin K có thể gây ra vấn đề trong quá trình đông máu. Do đó bổ sung vitamin này là cần thiết để cải thiện tình trạng rối loạn.
Biện pháp phòng ngừa
Bạn không thể ngăn chặn các rối loạn đông máu do di truyền hoặc các rối loạn phát sinh từ các nguyên nhân khác. Tuy nhiên nếu bạn có các yếu tố nguy cơ, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về phương pháp giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
Để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ rối loạn đông máu, có thể thực hiện một số thay đổi trong lối sống:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt để duy trì sức khỏe tim mạch.
- Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Ngừng hút thuốc lá vì hút thuốc có thể làm thay đổi tính chất của tiểu cầu, khiến chúng dễ kết dính và tạo thành cục máu đông.
- Giảm bớt căng thẳng, áp lực giúp kiểm soát huyết áp, từ đó giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ rối loạn đông máu
Các câu hỏi thường gặp
Rối loạn đông máu có chữa khỏi được không?
Rối loạn đông máu có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tình trạng này có thể được kiểm soát hiệu quả nếu phát hiện sớm và người bệnh tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại rối loạn đông máu cũng như mức độ đang xảy ra.
Có an toàn khi phẫu thuật cho người bị rối loạn đông máu không?
Phẫu thuật hoặc nhổ răng có thể tiềm ẩn nguy cơ đối với những người bị rối loạn đông máu. Để đảm bảo an toàn trong các thủ thuật này, bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡng và điều chỉnh kế hoạch điều trị, có thể kê thuốc để kiểm soát tình trạng mất máu và lên kế hoạch truyền máu nếu cần thiết.
Phụ nữ mắc rối loạn đông máu có thể mang thai không?
Phụ nữ bị rối loạn đông máu có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình mang thai và sinh con. Tình trạng này làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn bé.
Người bị rối loạn đông máu nên ăn gì và kiêng gì?
Việc ăn uống hợp lý có thể giúp kiểm soát rối loạn đông máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Người bệnh nên duy trì chế độ ăn cân đối, bổ sung rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá và các loại hạt. Bên cạnh đó cũng nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo.
Rối loạn đông máu có phải do di truyền từ mẹ sang con không?
Rối loạn đông máu có thể di truyền từ mẹ sang con nhưng không phải là yếu tố quyết định chính. Yếu tố di truyền chỉ xác định nguy cơ và mức độ rối loạn ở mỗi cá nhân.
Rối loạn đông máu là một bệnh lý nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Với các phương pháp điều trị phù hợp và thay đổi lối sống, bệnh nhân có thể kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Cần hỗ trợ thêm thông tin gì về bệnh bạn có thể liên hệ với đội ngũ Y Bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Phenikaa để được tư vấn cụ thể hơn.